cuộc phiêu lưu P2
13/9/2021

 



--------------------------------------------------------

CUỘC PHIÊU LƯU Phần 2.

---------------------------------------------------------

Chương 11.

---------------------

   Tác giả : Bùi Trung.

Gia đình tôi xuống đoàn được chừng một tuần lễ chị vợ tuyên bố:

- Tao trả má và hai đứa nhỏ cho tụi bây, trả luôn chiếc ghe. Tao chỉ lấy tiền dành dụm bấy lâu nay thôi. Tao đi lấy chồng đây.

   Nói xong bà chị ôm đồ đi cái rẹt. Má vợ lúc đó giận nên kêu nhổ sào chèo ghe đi mà cũng không biết đi đâu. Cũng may trên ghe còn được bàn kẹo kéo vậy là thả ba lông theo các chợ nhỏ làm cây kẹo bán cho mấy đứa con nít. Tôi suy nghĩ hoài chỉ còn hai tuần nữa là tết rồi không biết làm cái gì ra tiền? Mà xứ lạ quê người biết làm cái gì ngoài cái nghề đàn. Chợt nhớ tới lúc còn nhỏ hay lân la tới nhà anh Họa sỹ Thành xem anh vẽ tranh, mà lúc nhỏ mình cũng vẽ vời được bạn bè khen. Suy nghĩ riết cuối cùng lột cái đồng hồ điện tử trên tay ra Bạc liêu bán được 120 đồng, mua giấy, màu nước sơn, cọ vẽ đủ thứ đem về ghe. Má vợ nhìn trân trân không biết thằng rể Điên điển làm cái giống gì? Khi biết tôi có ý định vẽ tranh bán Má vợ lắc đầu lẩm bẩm :

- Kiếm nhà máy nào xin vô bốc vác họa may có tiền chứ vẽ tranh chắc gì có ai mua.

Nghe Má vợ nói vậy buồn như cái bong bóng bị xì hơi vậy.

  Ghé một cái Miễu vắng, trước Miễu có hàng cây mát rượi xin lên ở tạm rồi bày giấy ra vẽ tranh Cửu huyền Thất Tổ, tranh cảnh đồng quê... vẽ tới chiều vừa xong được một tấm mấy người trong xóm hiếu kỳ bu lại xem. Có người hỏi :

- Chú vẽ cái này mần chi vậy?

Tôi nói:

- Dạ nhà bên sông mướn tôi vẽ cho người ta treo trong nhà vậy mà.

- Bao nhiêu một tấm vậy chú?

Tôi nói đại:

- Dạ 150 đồng.

- Rẻ vậy, chú để tấm này cho tui được không?

Tôi làm bộ ngần ngừ:

- Dạ chiều nay tôi phải giao cho người ta rồi đó chị.

- Thì chú đưa tấm này cho tôi rồi chú vẽ cái khác. Họa sỹ mà vẽ mấy hồi.

Vậy thì bán cho rồi, trong bụng mừng khấp khởi mà cố làm cái mặt tỉnh bơ. Má vợ thấy bán tranh được nên má sướng quá khoe với bà con:

- Thằng rể tôi nó là Họa sỹ đó, mấy bà muốn nó vẽ cái gì cũng được hết.

Trời ơi... đúng là má vợ muốn giết thằng rể Điên điển này luôn rồi. Bần cùng sinh.... thợ vẽ chứ xưng họa sỹ lỡ ai kêu họa hình là chết chắc.

   Mẹ Maika thì bày ra cho hai đứa nhỏ bán bánh khoai mì nướng, nhỏ Kim Xinh nó cũng giỏi, ham buôn bán còn thằng Kim Hoài thì nó lơ ngơ lắm kêu sao nó mần vậy. Còn bả thì ngồi bán kẹo kéo ở sân trường tiểu học, Má vợ ở dưới ghe lo cơm nước, tôi thì làm họa sỹ bất đắt dĩ... cái ló nhiều khi ló cái khôn. Có người đặt vẽ hình con Cọp vì chủ nhà tuổi Dần mà con Cọp thì chỉ thấy trên phim sao mà nhớ. Chợt thấy con Mèo trong Miễu, lấy cá dụ cho nó ăn rồi nhìn con mèo vẽ cũng ra con Cọp. Đúng là năng khiếu bẩm sinh.

   Chợt nghe tin đoàn hát của Quốc sỹ hát bên kia bờ Sông Hậu, cô đào hát từng hát chung với Quốc sỹ nên cô kêu tôi qua nói chuyện về đầu quân bên đó. Hỏi thăm đường đi người ta nói:

- Đi tới Vàm lẽo rồi có hai cách đi qua đó. Một là đi theo con đường cặp theo mé sông 12 cây số là tới. Tuy xa một chút nhưng có nhà người ta. Hai là đi theo con đường tắt chỉ bốn cây số thôi nhưng nguy hiểm ít ai dám đi lắm.

- Cái gì nguy hiểm vậy anh? Tôi hỏi.

- Thì đường tắt băng ngang rừng có thể gặp rắn độc.

- Có thể là sao?

- Có thể có mà có thể không. Nhưng thôi, anh nên đi theo bờ sông cho chắc ăn vì xứ này rắn còn nhiều lắm.

   Vậy là tôi men theo bờ sông, nhưng đâu phải chỗ nào cũng có đường đi đâu. Có những đoạn phải lội qua mương vì cây cầu khỉ đã bị gãy. Hơn chục cây số lội hơn ba giờ mới tới đoàn. Gặp Bầu Quốc sỹ anh mừng như gặp anh em ruột thịt vậy. Anh nói:

- Trước khi nói chuyện làm ăn phải nhậu một trận cho đã. Anh cứ xem đoàn hát này là gia đình muốn về lúc nào cũng được.

   Cuộc thương lượng chóng vánh sau cuộc nhậu là gần 5 giờ chiều, giờ này nếu đi theo đường bờ sông thì 8 giờ mới tới. Còn nếu đi đường tắt thì chưa tới 1 giờ. Đang tần ngần phân vân thì gặp hai anh chàng đang chuẩn bị lội qua kinh (muốn đi đường tắt phải lội qua con kinh) thấy tôi muốn đi đường tắt hai anh rủ đi chung vì họ nói nhà họ cũng trên đó, vậy là sợ con gì nữa. Con đường mới đầu thấy cũng dễ đi nhưng càng vô sâu càng um tùm thấy mà ớn. Con Cọp nếu có núp cũng không thấy mà tránh nữa. Vậy mà đi mới nữa đường hai người bạn đồng hành chia tay rẽ qua nhánh khác. Trời trong rừng tối mau lắm, hai anh khuyên tôi nên cầm theo cái khúc cây, vừa đi vừa đập để tránh bị rắn cắn. Tấn thoái lưỡng nan. Tôi cắm đầu chạy một mạch bất kể chết thoát qua con đường mòn, qua tới xóm nhà dân là muốn té rồi. Ghé xin miếng nước uống nghe tôi kể vừa mới chạy băng rừng ai cũng nói sao mà tôi gan như vậy?

   Vậy là hôm sau tôi và má vợ chèo chiếc ghe qua đoàn hát của Bầu Quốc sỹ (Quốc sỹ là con trai của Soạn giả Hoài Điệp Tử) Má vợ được sắp xếp ưu tiên bán bánh kẹo, thuốc lá trong rạp. Mỗi buổi chiều tôi gọt cho má chục trái khóm cho má bán, có việc làm tôi cũng dẹp luôn cái chuyện vẽ tranh. Ra Bạc Liêu mua cây súng hơi đứng trước rạp, mỗi lần bắn là một đồng, trúng lấy một gói thuốc. Có một lần có mấy anh chàng say rượu bắn trật hoài nên quạu, nói tôi ăn gian nên cả đám nhào vô đánh tôi, cũng hên là còn nhớ được mấy đường... võ cua học hồi nhỏ, nên mấy anh chàng sỉn bị tôi đánh lại hoảng hồn chạy mất.

Ai cũng hỏi sao cầm cây súng mà không đập cho tụi nó vài phát? (Dù là súng giả nhưng cũng bằng cây. Đập cũng lỗ đầu chẳng chơi) Tôi chỉ cười nói:

- Đồ nghề làm ăn đập nó hư làm sao?

Ngày mai ai cũng khuyên tôi đề phòng tụi cao bồi vườn nó trả thù. Cũng may là không có chuyện gì...

   Hai đứa nhỏ thì cũng có sân khấu để hát vì Bầu Quốc sỹ cũng thích tụi nó và đêm nào trước khi mở màn là phải có chương trình phụ diễn của hai em bé thần đồng Kim Xinh, Kim Hoài. Tôi cũng bỏ công ra tập cho tụi nhỏ hát mấy bài song ca như : Ra giêng anh cưới em, Chuyện ngày xưa chuyện ngày nay, Anh ở nông trường em ra biên giới... Dạy cho hai đứa múa bài Trống cơm, sóc Bom Bo... tôi vừa làm cha dượng vừa làm thầy dạy tụi nhỏ đủ thứ.

Qua tết, một buổi sáng một bóng người quen quen trùm kín mít đầu cổ chạy xuống ghe cái ào rồi... tiếng khóc rân trời. Thì ra bà chị vợ tôi bị thằng anh cột chèo nó đánh nâu mặt mày vì cái tội nó kêu mua cá lóc nấu canh chua cho nó ăn mà chị hà tiện mua cá rô.

Tôi xoay ngang chỗ khác khẽ mỉm cười nghĩ :

- Vậy cũng đáng tội, đâu phải thằng đàn ông nào cũng hiền như tôi đâu. Mà chuyện bị đánh nâu con mắt nghe nói đâu chỉ một lần.

  Mẹ Maika thì đang mang bầu đứa con thứ hai, bà chị vợ thì sau chuyến lấy chồng tiền bạc mang theo cũng hết nên có ý kiến là nên bán cái nhà ở Cần thơ đang bỏ không để chị làm vốn buôn bán và cho vay trong đoàn ...

Vậy là mẹ Maika được lệnh cấp tốc về treo bảng bán nhà. Căn nhà tuy trong hẻm nhưng gần chợ, gần bến xe nên cũng dễ bán. Số tiền bán được bao nhiêu tôi cũng không hỏi chỉ biết sau khi bàn bạc chị vợ nói:

- Con Ngân nó gần sanh rồi, dượng với nó nên về Mỹ Luông có chị Tư lo sanh đẻ rồi tính tiếp. Tui và má trả chiếc ghe lại cho Dượng luôn đó.

Trời đất ơi... Mẹ Maika gần sanh mà giao cho chiếc ghe chèo đang ở Vĩnh Lợi chèo bao giờ mới tới Mỹ luông? Nhưng phải về thôi. Má vợ mua cho chục ký gạo và nhét vô túi tôi 50 đồng, má nói:

- Tiền con "quỷ" nó giữ hết, má chỉ giúp tụi con được bao nhiêu thôi.

Tôi thì cũng quen chuyện bán nhà giành tiền nhau rồi nên cũng làm thinh không nói gì. Mẹ Maika biết tôi buồn nên khoe:

- Bán nhà bả lấy Hết tiền, tôi bán mấy cái lặt vặt trong nhà cũng được mấy trăm nè. Ghé Bạc liêu mình mua cái thùng bắn súng chèo ghe tới chợ nào mình ghé lên kiếm tiền chợ.

( Cái thùng bắn và cây súng chị vợ lấy lại rồi )

   Tới Bạc Liêu ghé nhà anh Bạch Tốt một người anh, một người bạn tốt của quê hương Bình Minh anh đang ở bên cô vợ trẻ tên Hoa ngay bến đò Phường 5, chị Hoa dẫn cô đào hát đi khám phụ khoa thì biết khoảng một tháng nữa mới tới ngày sinh, anh Tốt rủ đi theo anh tới Cầu Quay cưa củi mướn kiếm tiền dằn túi rồi hãy về. Dưới dạ Cầu Quay có một vựa củi, muốn kiếm tiền thì hai anh em cầm cây cưa cá mập lại ngồi dưới dạ cầu ngồi trong mát cưa củi lóng ra từng khúc tính tiền từng khối, cưa được một tuần sau khi lãnh tiền công tôi mới biết chủ vựa củi là một ông "Hàn Mạc Tử". Tôi từ giả vợ chồng anh vì lý do phải chèo ghe gần 200 cây số. Tiền cưa củi anh đưa hết cho tôi anh nói:

- Mày đang cần tiền hơn tao, tao ở đây còn nghề làm heo, bà xã tao thì có nghề chèo đò lo gì không có cơm ăn.

   Chị Hoa vợ anh cũng lăng xăng căn dặn đủ thứ, đem nước, đem củi xuống ghe... chia tay anh chị tôi chèo ghe về hướng Vàm Lẽo vì tới đó mới có ngã về Sóc Trăng . Muốn đi tới Long Xuyên tôi thầm tính chèo một mình chắc phải hơn chục ngày.

Chèo suốt mấy ngày, một đêm tới xã Hòa Tú thì nghe tiếng loa hát cải lương vang trời. Ghé vô bãi hát thì gặp đoàn hát Sông Thanh của anh Hai Tài. Tay bắt mặt mừng, anh Hai Tài biết tôi muốn chèo ghe về Long Xuyên anh lắc đầu:

- Không xong đâu chú Út. Nước đổ rồi làm sao sức con người mà chèo ngược con nước? Nếu hai người như chú thì họa may, một mình chèo ghe vượt sông Hậu mùa này nguy hiểm lắm. Anh bàn như vầy, chú muốn ở lại đây làm ăn với anh thì cứ ở đây cho thím nó sanh, dẫu sao cũng có chị hai chú và mấy bà ở đây nên không lo chuyện sanh đẻ. Còn chú nhất quyết muốn về thì nên bán chiếc ghe đi xe đò về mới kịp.

Nghe lời anh tôi chọn cách thứ hai.

(Còn tiếp)

  Bùi Trung.

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229099 visitors (434333 hits) on this page!