12/10/2023
CANH TÁC ĐẤT CHÂN NÚI
Ở miền Tây chỉ vài nơi có núi. Tập trung mấy huyện ở An Giang và Kiên Giang. Núi Kiên Giang thường là núi đá vôi, đất đai khô cằn lại bị nhiễm mặn, làm nông nghiệp khó khăn.
Trái lại ở An Giang, đa số là núi cổ. Chung quanh chân núi là những cánh đồng tương đối lớn có độ dốc thấp. Là địa bàn sinh sống của bà con người Khmer, còn mang đậm văn hoá dân tộc. Đại đa số dân nghèo, sống quây quần ở những khu đất cao, tạo thành phum sóc. Nhà khá giả có 2-3 mẫu đất còn thường thì mỗi hộ 10-15 công trở lại.
Người dân sống hiền hoà, kham khổ, không bon chen, kém thích nghi với cái mới lạ, nên nông nghiệp luôn giữ nếp cổ truyền, ít cải tiến.
Trên đồng tuỳ theo độ dốc, người ta đắp những bờ đất, gọi là bờ tầm-liên, tiếng Khmer có nghĩa là bờ giữ nước mưa. Bờ tầm-liên thường là bờ ranh, cũng có khi là bờ riêng trong ruộng, chia đất thấp cao. Giống như ruộng bậc thang ở Tây Bắc, nhưng do mặt đất tương đối lài nên từng thửa ruộng có diện tích lớn hơn. Thường thì 1 miếng được 1-2 công, rộng nhất cũng chỉ 5-3 công trở lại. Nói chung là đất manh mún. Mỗi gia đình thường có năm ba miếng như thế.
Canh tác dựa hẳn vào nguồn nước tự nhiên, do mưa và nước ở những đường ô (suối) chảy xuống từ trên cao. Một năm có 3 tháng khô hạn không gieo trồng gì được (từ tháng 1 cho đến hết tháng 3 âl).
Cách người dân lấy nước vào ruộng cũng hài hoà. Ruộng anh nằm ở trên, anh có quyền lấy nước vô bằng cách đắp đập ngăn đường ô cho nước dâng lên, chảy vào ruộng. Nhưng chiều cao đập chỉ đủ cho nước vô ruộng, còn lại phải để tràn qua đập xuống các ruộng dưới. Không được để bên dưới thiếu nước. Mà nói cho cùng nếu đắp đập cao nhằm lấy nhiều nước có khi có hại. Nước nhiều mà chung quanh khô dễ bị bể bờ tầm-liên, nước tràn như lũ ống, huỷ hoại cây trồng tan nát hết.
Cũng nên nói thêm, ở các vùng đất chân núi, đồng ruộng có 2 phần: phần dưới xa tiếp giáp với đất đồng bằng, mùa nước nổi ngập từ 0,5 m trở lại, thời gian ngập ngắn khoảng 1 tháng, dân gọi là ruộng răng. Phần trên gần núi hơn, nước nổi hoàn toàn không lên tới mới gọi là ruộng trên. Giữa 2 khu vực luôn có một lộ giao thông như phân ranh. Dĩ nhiên thời vụ canh tác của 2 phần đất có khác nhau nhưng về đại thể cũng là làm ruộng ở một vùng chân núi.
Phần sát chân núi có người làm vườn, trồng xoài, mãng cầu ta (na), đào... dưới một chút trồng rẫy gồm các loại khoai mì, củ sắn, bắp....Ngộ là hai phần đất nầy đa số lại là của người Việt, người dân tộc hình như không thích làm vườn?
Người Khmer An Giang hàng năm có 2 Tết lớn. Tết đầu là tết vào năm mới, Chô Chnam Thmay, thường trong tháng 4 âl, tết thứ 2 là Dolta diễn ra khoảng cuối tháng 8. Các tết khác như Ót Om Bot, cúng trăng ăn cốm dẹp, đua ghe ngo không tổ chức vì không có sông lớn, nhưng bù lại họ có lễ hội đua bò náo nhiệt hàng năm vào tết Dolta, được nhiều người hâm mộ.
Tháng 4 đã có mưa nhiều nên ăn tết Chô Chnam Thmay, vào năm mới, cũng là vào vụ gieo trồng mới của bà con. Vụ đầu nầy thường là một vụ hoa màu ngắn ngày gói gọn trong 3-4 tháng để còn thời gian cấy một vụ lúa mùa.
Bà con thường trồng dưa hấu, dưa gang, khoai lang, đậu phộng, mướp khía, bí rợ... Đất được bón phân bò, cày qua một bận rồi cho bò cày bắt líp 3 đường, mỗi líp có 6 tát cày ốp lại, thường có bề ngang mặt líp từ 0,8-1m, xong tỉa hột giống.
Sau một tháng trồng, có thể do mưa mà líp cạn đi. Lúc nầy phải cày vét máng thêm một lần. Một người đi theo dùng cây trang, một loại cuốc có bề ngang dài, sửa máng và khoả đất không cho đè cây. Rồi chờ ngày thu hoạch. Năng suất các loại hoa màu thấp, lợi nhuận không cao. Được nhiêu ăn nhiêu!
Tháng 7 hoặc trễ là đầu tháng 8, gieo mạ lúa mùa, các giống ngon nổi tiếng là Nàng Nhen, Nàng Co, Nàng Chệt... Cấy lúa vào dịp tết Dolta.
Cấy xong thì tổ chức đua bò là một dịp thi thố tài năng nuôi nấng và chăm sóc bò của các phum sóc. Phần thưởng không là bao nhưng vinh dự tinh thần rất lớn.
Cuối tháng 11 đầu tháng chạp thu hoạch lúa. Năng suất thấp, 10-12 giạ/ công. Vụ mùa trong năm khép lại vì vào mùa khô.
Nói tới trồng trọt đất chân núi mà không nói tới cây thốt nốt là một thiếu sót. Cây thốt nốt là một hình tượng gắn chặt với người Khmer. Mọi bộ phận của nó đều được sử dụng. Lợi ích chính là nguồn nước ngọt được trích ra từ cuống bông để nấu lấy đường. Lấy lá chằm làm lá lợp nhà tốt hơn lá dừa nước. Ngày xưa một số chùa còn lấy lá thốt nốt để chép kinh Phật, nay còn lưu giữ như một bảo vật. Thân cây thốt nốt già lão được dùng để đóng bàn ghế trong nhà, làm những chiếc xuồng tạm để đi lại trên đồng mùa nước nổi...
Nhưng người dân tộc trồng nó không có ý mong chờ gì hết vì từ khi trồng cho đến khi trổ bông để sử dụng mất trên 30 năm, ai mà đợi được! Chỉ khi nào có một buồng thốt nốt chín quên trên cây, người ta mới lượm trái của nó đem nhét dài theo bờ ranh. Chừng nào mầy lên cũng được, chừng nào mầy cho trái cũng xong. Lần hồi qua năm tháng mà có rừng thốt nốt giăng giăng trên đồng.
Bây giờ đời sống thay đổi nhiều. Thanh niên trong phum sóc rời quê đi làm Bình Dương gần hết, chỉ còn người già ở lại. Tuy nhiên nét thanh bình, thiểu dục, nền kinh tế tự cung tự cấp vẫn còn, nên vẫn có một cái gì đó rất đáng yêu tồn tại. Không tin, dịp nào bạn về đây đi. Chiều đứng ngoài đồng dưới bóng cây thốt nốt, ngó những làn khói vươn lên từ những mái nhà trong phum sóc, bạn sẽ cảm được một nỗi niềm bình an, lãng đãng, an phận thủ thường.
Vừa hết tháng 9/2021
Đào Dũng Tiến (NLS/CT)
- - - -- -
* (BBT: Nguồn ảnh Internet)
|