Làm đàn ông VN sướng thật
25/06/2020





Làm đàn ông Việt Nam sướng thật.

TRỊNH ĐÌNH NAM

Thế hệ chúng tôi, bây giờ quãng chừng 50 tuổi đổ lên, có truyền tụng câu như sau : Ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật. Có nghĩa, ăn thì món ăn Tầu là lựa chọn đầu tiên. Ở thì cách bầy biện và không gian sinh sống, không gì bằng một ngôi nhà kiểu Pháp. Còn lấy vợ thì phải là cưới cho được con gái Nhật. Hai vế ăn, ở thì hầu như ai cũng biết cả rồi, khỏi phải “ngôn”. Nhưng cái vế cuối cùng, có lẽ gợi cho chúng ta ít nhiều suy nghĩ. Tại sao lại cứ nhất định là con gái Nhật nhỉ? Xét về phương diện thẩm mỹ học, khuôn mặt của con gái Nhật đâu có phải là hình mẫu của nét đẹp? Này nhé, đa số là mặt tròn hay bầu bầu. Còn “cửa sổ linh hồn” thì hơi khiêm tốn, hễ nàng cười lên là mắt biến thành sợi chỉ nhỏ. Còn nữa, trước Thế Chiến Thứ Hai , vóc người Nhật chưa được cải thiện như bây giờ, chiều cao trung bình của nữ khoảng 1m49. Với chiều cao như vậy thì khó có được vóc người gợi cảm, nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang. Vậy, lý do nào, khiếncác bác nhà ta cứ khăng khăng: Tớ phải lấy cho được vợ Nhật!!! Một bậc lão niên nói với tôi: Theo văn hóa Nhật Bản, người phụ nữ phải kính trọng và phục tùng người chồng. Ở một ý nghĩa nào đó, người chồng chính là chủ nhân của người vợ. Do đó, nhất nhất phải nghe lời và làm theo ý chồng, không có “ý kiến, ý cò”. Y như khẩu lệnh ở quân trường: Thi hành trước, khiếu nại sau. Sự kính trọng người chồng, đạt tới đỉnh điểm, ấy là, người vợ luôn luôn đi sau người chồng, rón rén bước và cẩn thận tránh không dẫm lên cái bóng của phu quân mình. Eo ơi! Sao mà ghê quá vậy. Chồng là Thần à?!!! Thành ra, hình ảnh người vợ quỳ xuống cởi giầy cho chồng hay kính cẩn nâng tách trà, bằng hai tay lên cho chồng, chỉ là chuyện vặt…Sau khi nghe chuyện, tôi gật gù tự nhủ: Té ra là thế..Làm đàn ông Nhật sướng thật. Không, chính xác là, có vợ người Nhật… đã ghê. Một giấc mơ “hoành tráng” đã đi với tôi suốt một thời trai trẻ: Lấy vợ Nhật.

Vào khoảng đầu năm 1990, tôi theo học tiếng Nhật tại Trung Tâm Nhật Việt ở Sài Gòn, có giáo sư người Nhật dậy chung với các giáo sư người Việt. Học được khoảng hai lớp, tức 6 tháng, có một ông khách du lịch ghé vào thăm Trung Tâm, nhân tiện vào lớp tôi đang học, nói chuyện với các học viên. Sau khi thăm hỏi xã giao, ông khách mới bảo các học viên trong lớp, nếu có gì muốn biết về nước Nhật thì cứ hỏi ông ta. Được dịp tiếp xúc với người bản xứ, nên chúng tôi không ngần ngại hỏi luôn. Có một anh học chung, anh này là bác sỹ quân y, đi học tập về, lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi, nói tiếng Anh lưu loát. Anh được chúng tôi cử làm đại diện lớp để đặt câu hỏi cho ông ấy. Ngoài những câu hỏi thông thường ra, chúng tôi còn nhờ anh ấy hỏi câu : Ăn cơm Tầu, Ở nhà Tây, Lấy vợ Nhật. Vì chúng tôi chỉ mới học tiếng Nhật  khoảng 6 tháng, nên vốn liếng chẳng có là bao, ngay cả những câu chào hỏi thông thường còn ấp úng nữa, huống hồ, câu hỏi “bí hiểm”đó. Anh ấy dùng cả tiếng Nhật, tiếng Anh, lẫn viết ra để nói cho ông khách hiểu được chúng tôi muốn lấy vợ Nhật, vì phụ nữ Nhật đảm đang, kính trọng chồng, sẵn lòng hy sinh cho chồng, con và một lô một lốc những tính tốt khác. Mãi rồi ông khách đó mới hiểu hết những gì chúng tôi nói. Ông ấy nhìn chúng tôi rồi lắc đầu. Sau đó, ông chắp 2 tay lại, ra bộ đang cúng bái rồi viết lên bảng 2 chữ Hán “Kim Tiền”. (Vì tôi biết tiếng Hoa trước khi học tiếng Nhật, nên có nói với anh bạn đó: Anh nói với ông khách là ông có thể viết các từ khó ra tiếng Hán, chúng tôi có thể đoán ra ông muốn nói gì.).Cuối cùng, ông dơ chân ra đá một cái. Chắp nối tất cả lại, chúng tôi hiểu được như thế này:

Thứ nhất, những điều tốt đẹp của phụ nữ Nhật mà chúng tôi biết là sai lạc. Thấy vậy mà không phải vậy đâu bạn ơi!.

Thứ hai, người phụ nữ Nhật hiện đại, theo một tôn giáo, ấy là đồng tiền.

Thứ ba, có nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân là ông chồng. (Qua cú đá bí hiểm đó chúng tôi đoán như thế. Hay là, ông muốn nói thêm, nếu không làm ra tiền thì bị vợ bỏ, đá ra khỏi nhà chăng? Chịu, không hiểu được, ngôn ngữ bất đồng nên hiểu được như vậy là quý lắm rồi.).

Chúng tôi xôn xao bàn tán về những điều vừa mới phát giác. Có thật vậy không? Sao khác hẳn với những gì mình vẫn tin tưởng nhỉ?  Y như trường hợp, ai cũng tin, trái đất là trung tâm của vũ trụ, mặt trời quay chung quanh nó. Bỗng một hôm Galileo tuyên bố: Không phải. Mặt trời là trung tâm mới đúng. Trái đất chỉ là một hành tinh nho nhỏ trong hệ mặt trời thôi. Trời đất thánh thần ơi! Vua bị mất ngôi rồi.

Ông khách nhìn nét mặt có chút gì nghi ngờ, có hơi hơi ánh lên niềm thất vọng trong tia mắt của chúng tôi. Ông không nói gì cả, nhưng tôi cảm nhận được, có một chút gì đó áy náy nơi ánh mắt của ông. Tựa như, ông muốn nói với chúng tôi: Xin lỗi, tôi đã làm mọi người thất vọng .Nhưng sự thật vẫn là sự thật.Trái đất quay quanh mặt trời.

Khi vốn liếng tiếng Nhật của tôi kha khá, tôi làm thông dịch viên cho các thương gia tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Lúc khách về nước, tôi xin dậy tại các Trung Tâm Nhật Ngữ, để củng cố thêm kỹ năng đọc, viết tiếng Nhật. Hơn thế nữa, tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về văn hóa Nhật Bản. Đọc nhiều, nói chuyện nhiều với các khách hàng người Nhật, dần dà, tôi hiểu được, nước Nhật bây giờ , tức là, nước Nhật sau Thế Chiến Thứ Hai, quả là có khác với nó hồi trước đó. Một người bạn Nhật nói với tôi: Khi người đàn ông có vợ, vợ của anh ta sẽ ra ngân hàng, mở một trương mục tại đó. Tiền lương của người chồng sẽ được công ty gửi thẳng vào tài khoản của người vợ. Người chồng chỉ biết số lương của mình khi ký hợp đồng làm việc mà thôi. Còn mặt mũi của đồng lương đó méo, tròn, ngắn, dài ra sao thì không hề biết. Kể cả tiền thưởng mỗi kỳ cũng thế. Tiền tiêu vặt, vợ sẽ dúi cho mỗi ngày.

Tôi cũng đọc được trong một cuốn sách nói về đời sống ở Nhật Bản như sau:

Một điều lệ bất thành văn, nhưng được mọi người làm công ăn lương Nhật Bản thi hành. Đó là, sau buổi làm việc, họ sẽ không về nhà ngay mà sẽ ghé vào một quán ăn gần đó, nhậu lai rai với nhau. Trong khi ăn nhậu, họ sẽ nói với nhau những khó khăn, bực bội mình gặp trong ngày, trong công việc mình đang làm. Những khúc mắc, hiềm khích với đồng sự cũng được họ kể ra với nhau. Cuối cùng là hè nhau kể xấu về người xếp của mình. Vì thế, mỗi buổi sáng, người vợ đều không quên bỏ vào túi chồng một số tiền đủ để anh ta ghé vào quán rượu ,nhâm nhi cùng bạn bè sau khi tan sở. Khi anh chàng đó, mệt mỏi bước ra khỏi chiếc tầu điện ngầm, về đến nhà, anh chỉ còn nói được 3 chữ: Tắm, Ăn, Ngủ. Ngày Chủ Nhật được nghỉ, nhưng nhiều người lại phải đi đánh Golf với xếp. Quan hệ giữa họ nhờ thế mà tốt hơn lên. Do đó, không thể không đi. Thế là đi tong ngày nghỉ. Sự việc cứ thế tiếp diễn cho tới ngày về hưu.

Có rất nhiều vụ ly dị xảy ra sau khi người chồng nghỉ hưu. Bà nội trợ nào của Nhật cũng có một khoảng thời gian rất dài trong ngày, dành cho riêng mình - Từ lúc ông chồng đi làm, cho tới khi ông tan sở về nhà.Trong khoảng thời gian này, bà có thể đi mua sắm, đến Câu lạc bộ dành cho quý bà gặp bạn bè, ăn uống tán gẫu. Bà nào có máu mê thì đi đánh bài. Khi nhìn đồng hồ, thấy gần tới giờ tan sở là các bà vội vã ra về, chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Bây giờ, đùng một cái, ông không phải đi làm nữa. Suốt cả ngày đều thấy mặt ông, ngồi lù lù như một đống rác khổng lồ (1). Thế có chán không chứ? Còn tệ hơn nữa, bà không còn cơ hội để làm những chuyện mà hồi giờ bà vẫn làm, khi không có ông ở nhà. Thế có bực không hở trời? Ai mà chịu được cơ chứ! Ly dị thôi! Thế là ra tòa! Thế là xong! Sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả nuôi vợ, để cuối cùng là thế. Hỏi làm đàn ông Nhật có sướng không?

Sau Thế Chiến Thứ Hai, khán giả truyền hình Nhật Bản, háo hức đón chờ xem chương trình kịch ngắn, phát hình hàng tuần, có nhan đề:” Làm đàn ông khổ ghê “. Kịch sỹ đóng vai chính của chương trình kịch này, cũng nhờ đó mà nổi tiếng. Tôi hỏi một ông khách của tôi về chương trình kịch này. Tháng sau, khi ông quay trở lại Việt Nam làm việc, trong tay tôi có thêm một quyển sách, khổ bỏ túi, có tựa đề:” Làm đàn ông khổ ghê”. Đọc xong cuốn sách này, tôi mới vỡ lẽ, làm đàn ông Nhật đâu có sướng gì? Hiểu theo nghĩa ngược lại, vợ Nhật có gì là hơn người đâu!!!

Tôi nhớ, bố tôi, chỉ là một công chức bình thường, nhưng mẹ tôi chẳng phải đi làm để kiếm tiền phụ thêm vào chi phí cho gia đình. Bà chỉ lo công việc nội trợ. Công việc nhà, bố tôi chẳng phải đụng vào một ngón tay. Đã thế, cứ mỗi Thứ Bẩy, ông được nghỉ làm nửa buổi. Các bạn của ông kéo tới nhà tôi. Họ gầy sòng, đánh tổ tôm. (2).Bố tôi đánh bài suốt từ trưa Thứ Bẩy cho đến chiều Chủ Nhật. Cả nhà tất bật lo cho cái sòng tổ tôm này. Có khi, số người đánh bài ở nhà tôi lên đến mười mấy người. Mẹ tôi phải nấu cơm cho từng ấy người ăn, chúng tôi lo chia bài, làm các việc vặt khách nhờ. Sau khi tan sòng, phải dọn dẹp những gì khách bày ra. Tuần nào cũng như tuần nấy, cả nhà đều bận rộn vì thú vui “tao nhã’ của bố tôi. Mẹ tôi cực ghê lắm, nhưng tôi thấy mẹ tôi chẳng rầy rà bố tôi câu nào. Bà chỉ lẳng lặng làm, có lẽ bà nghĩ bổn phận của một người vợ Việt Nam là phải chiều chồng, lo cho con chăng? Nhờ có mẹ tôi quán xuyến mọi việc trong nhà, nên anh chị em chúng tôi hầu như chỉ biết ăn học, không đụng đến bất cứ việc gì trong nhà. Quần áo đi làm của bố tôi thì có tiệm giặt ủi lo. Áo quần của tôi thì cô em gái của tôi giặt ủi giúp. Nói chung, đám đàn ông, con trai chúng tôi hầu như không phải đụng đến việc nhà. Việc nhà đã có những người “tay yếu chân mềm” lo. Điều này không được hiến pháp và luật pháp ghi vào,nhưng có lẽ vì được xã hội, phong tục Việt Nam thừa nhận, nên nó cứ diễn ra như một” chuyện thường ngày  ở huyện”(3), chẳng thấy ai lên tiếng chê trách gì cả?

Một hôm, tôi đọc báo, có bài báo tựa đề:” Con dâu nước ngoài”. Khi phóng viên hỏi cô con dâu người Thụy Điển: Chị nghĩ sao khi người chồng Việt Nam, không mó tay vào bất cứ công việc nội trợ nào? Cô con dâu tóc bạch kim này trả lời: Tôi cho rằng, đàn ông Việt Nam nói chung, kể cả chồng tôi, đều biết lo cho gia đình. Nhưng, điều mà tôi không chấp nhận được, ấy là, tôi nấu ăn, chồng tôi phải rửa bát. Không thể nào để cho một người vừa nấu ăn lại vừa rửa bát được. Thế là không công bình. Người phóng viên kia hỏi tiếp: Thế nhỡ, mẹ chồng chị không chịu cho con trai mình, ý tôi nói là chồng chị đó, rửa bát thì sao? Bà viện cớ, bà đã làm việc này, cả bao nhiêu năm nay mà có thấy không công bình đâu? Nàng dâu ngoại trả lời:” Thế thì không được, tôi sẽ nói chuyện với chồng tôi cho đến khi anh ấy hiểu được vấn đề. Nếu anh ấy vẫn cứ khăng khăng làm giống như những người đàn ông Việt Nam khác, như bố anh ấy thì tôi đành phải…Cô nhún vai rất Tây, không nói tiếp, nhưng ai cũng có thể hiểu là : C’est fini – Hết phim rồi !!! Tôi nghĩ bụng:  Mẹ ơi! chỉ vì chồng không rửa bát mà bộ phim, đáng lẽ dài 30,40 tập lại kết thúc ở những tập mở đầu à?

Khi sự đi lại giữa Việt Nam và nước ngoài đã thông thoáng. Một người bạn của tôi có quen một anh chàng Việt kiều Mỹ. Nghe nói, anh này đi du học ở Mỹ trước năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Đại học Havard, anh làm cho tòa Thị chính San Francisco. Bạn tôi nói : Hễ mà tao gọi điện cho anh ta vào khoảng 9 giờ tối (giờ bên Mỹ), là y như rằng sẽ nhận được câu trả lời: Đợi tôi một tý, tôi đang bận pha sữa cho con hay là tôi đang bận rửa bát. Chèng ơi! Tôi có nghe lộn không?

Sau đó, tôi theo vợ sang định cư tại Mỹ. Tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống ở Mỹ. Đầu tiên là đi chợ với vợ, mua đồ ăn cho cả tuần. Sau đó, thỉnh thoảng phụ vợ lấy quần áo từ trong máy sấy ra, gấp lại. Hay bỏ quần áo đã giặt rồi vào máy sấy. Đôi lúc ủi quần áo của mình. Tôi với vợ tôi làm cùng một chỗ, nên khi ăn cơm xong, tôi rửa, nàng lau khô, bỏ vào giỏ đồ ăn. Đi làm về khuya, đói bụng, tôi nấu mỳ gói cho mình và nàng ăn.

Trong chỗ tôi làm việc, có 2 anh chàng người Kampuchea. Một anh có vợ người Lào, trẻ hơn chàng ta chừng 10 tuổi. Anh còn lại, có vợ đồng hương. Nàng có 2 con riêng với chồng cũ, lớn hơn anh ta khoảng 5,6 tuổi gì đó. Khi chúng tôi ăn cơm, hai chàng đi ngang qua, ghé nhìn rồi hỏi: Ai nấu cơm vậy? Tôi nói: Tôi chưa bao giờ vào bếp, và chỉ biết luộc trứng mà thôi, vợ tôi làm tất cả. Hai chàng nghe xong đều trầm trồ: Anh Nam có phước ghê. Chuyện thường ngày ở huyện của Việt Nam, sang bên Mỹ lại thành một phúc phận!!! Nước Mỹ quả thật là kỳ diệu. Amen! Lạy Chúa tôi!!!

Hai anh chàng này trầm trồ như vậy, bởi vì hai mợ của hai chàng đều năm thì mười họa mới dời gót ngọc vào thăm ông Táo. Thế nên, cơm nước rất thất thường. Một hôm, tôi thấy chàng có vợ lớn tuổi hơn mình lúi húi chế nước sôi vào một ly mỳ gói. Hỏi sao không mang cơm, vợ không nấu cho à? Chàng ủ rũ trả lời: Vợ tôi bận.”Bận gì?”, tôi hỏi.”Bận hát Karaoke”, chàng trả lời. Ngạc nhiên chưa!!!

Một tối, quãng hơn 10 giờ, tôi nhận được cú điện thoại của thằng bạn thân đang sống ở Texas. Nó bảo: Tôi đang đứng chờ vợ đí làm về, buồn quá nên gọi điện cho bác.” Bác ăn cơm chưa?”, tôi hỏi.” Tôi đợi vợ tôi về, rồi đi ăn với nhau luôn.”, bạn tôi trả lời. ” Bác ăn cơm trễ nhỉ! Bộ bà xã không nấu gì cho bác ăn à. Giờ này mới ăn, đói rã ruột”, tôi nói. Nó bảo: Có chứ, bà xã tôi nấu sẵn đồ ăn, để trong tủ lạnh, chỉ lôi ra, bỏ vào lò vi ba, hâm nóng là ăn được ngay. Nhưng tôi lười quá, nên cứ đợi bả về, rồi đi ăn luôn. Đang lúc đó, bỗng có giọng phụ nữ xen vào: Anh Nam ơi! Ông ấy chẳng chịu làm gì cả. Ông ấy vẫn còn là người Việt Nam, chưa muốn làm người Mỹ. Lời nói đó, lọt vào tai, tôi sững người, y như khi Nhị Tổ Huệ Khả nghe đức Bồ Đề Đạt Ma hỏi: Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho. Tôi đã đốn ngộ.

Hèn chi, các bạn tôi, sau khi ở Mỹ một thời gian, đứa nào cũng biết nấu ăn, làm bếp. Thậm chí, thằng bạn chủ quán cà phê ở Việt Nam, còn mời tôi sang bên nó chơi. Nó sẽ nấu phở cho tôi ăn. Tôi trịnh trọng kết luận: Tụi nó đã thành người Mỹ cả rồi. Khổ thân chưa. Đang sung sướng làm người đàn ông Việt Nam mà không chịu, cứ thích làm Tây cơ.

Thay lời kết:

Hỡi các đấng nam nhi Việt Nam, các vị đang yêu, sắp cưới, hay đã có vợ rồi. Các vị hãy tận hưởng những ngày hạnh phúc dành cho mình. Bởi vì, hoàng hôn của các đấng nam nhi (4) Việt Nam đã đến rồi.

Năm ngoái, khi về Việt Nam, tôi ở nhà đứa con trai thứ hai của bà chị Cả. Hai vợ chồng cháu đều đi làm. Chiều đến, nó đi làm về, thay đồ, lấy chổi quét nhà, rồi lau sạch bóng. Buổi sáng, vợ nó đi làm sớm. Nó đánh thức thằng con trai dậy, thay quần áo cho nó. Ông nội mua dùm quà sáng, nó dọn ra, bắt thằng con ăn. Lo cho con xong, nó mới chuẩn bị các thứ cho mình.

Thằng con trai thứ của bà chị thứ hai, khi chưa có vợ, hai chị em thuê nhà, ở chung với nhau, mọi chuyện đều phó thác cho con chị. Khi có vợ, nó ra ở riêng. Con chị nó méc với vợ tôi: Cô ơi! Bữa nọ con tới chơi nhà thằng Đ. (tên thằng em trai nó), con thấy nó đang quét nhà. Nó ở với con, chưa bao giờ nó làm dùm con chuyện gì. Bây giờ, nó cầm chổi quét nhà cho vợ. Cô thấy không…..

Arizona, Mùa Vàng Hoa.

17 tháng Tư năm 2016

Trịnh đình Nam

Chú thích:

                  4: Bắt chước tựa tác phẩm triết học: Hoàng hôn của những thần tượng, tác giả Friedrich Nietzche, người Đức.

                   3: Tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Valentin Ovechkin, Liên Xô.

                   2: Từ Nhật gọi người về hưu, suốt ngày ngồi ở trước TV là Ougumi:  Đống rác to đùng

                 1: Một loại bài lá, thịnh hành ở miền Bắc hơn là miền Nam. Bộ bài có 120 lá. Có ba hàng văn, sách, vạn. Thứ tự từ Nhất (1) đến Cửu (9). Thí dụ lá bài Nhất vạn. Tổ tôm cần phải có đủ 5 người mới gầy thành sòng.

                 

 

 

 

 

 



 


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229035 visitors (434168 hits) on this page!