17/10/2020
Câu chuyện những giòng sông Tây Nguyên. Phần 6.
KS Mong Phước Minh
Nhà Ba Má tôi ở chợ Vàm Cống, nằm bên hữu ngạn, đầu con kinh Lấp Vò-Sa Đéc, nếu đi ngược về phía bến bắc Vàm Cống, qua khỏi đuôi cồn Cái Cùn, là ra “sông Cái”, đó là tên gọi chung của dân Vàm Cống, Lấp Vò, Định Yên, Hòa An.. chỉ đoạn sông Hậu(hay sông Bassac của Mekong, chảy xuống từ phía Long Xuyên).
Tên sông Cái vừa là danh từ riêng của địa phương nào đó, vừa là danh từ chung để chỉ các nhánh sông lớn ở nhiều nơi khác. Cho nên, ở Phan Rang cũng có sông Cái, Nha Trang thì có 1 sông Cái khác gọi là sông Cái Nha Trang, nơi mà nhiều người trong chúng ta từng biết khi qua cầu xóm Bống, để đến thăm Tháp Bà Po Nagar và các cảnh đẹp Nha Trang gần đó.
Sông Cái Nha Trang, như vậy cũng khá quen thuộc với tôi, chỉ có mấy câu ca dao sau đây là lạ, chắc được ai đó “sáng tác” từ hồi chưa có cầu xóm Bống, nghe cũng thật dễ thương!
“Phải chi Sông Cái có cầu
Thiếp qua, thiếp giải cơn sầu chàng nghe
Ai làm chén nọ xa ve
Mùa xuân thiếp đợi, mùa hè chàng trông
Biết là có đặng hay không
Đó chờ, đây đợi uổng công hai đàng.”
Và rồi, lại một “ai đó”, đã để lại cho dân Khánh Hòa mấy câu ca dao khác, dễ thương không kém sau đây:
“Anh muốn tìm nguồn nước trong
Nên đi ngược dòng sông Cái
Hay vì bị bùa ngải
Nên anh phải bỏ bãi, lên nguồn?
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui
(Thác Ngựa là một trong các thác nguy hiểm ở thượng nguồn sông Cái Nha Trang, tôi không tìm thấy trên Google maps, ai biết chỉ giùm, xin cảm ơn)
Câu ca dao như đã dẫn tôi trở ngược lên ngàn, nơi xanh thẳm rừng nguyên sinh khu vực Hòn Bà, nơi mà đâu đó khơi nguồn cho 1 giòng chảy nhỏ thành con sông Cầu, phụ lưu của sông Cái Nha Trang, trên đó có thác Yang Bay, cách đỉnh núi Hòn Bà chưa đầy 10 cây số đường chim bay.
Sẳn đây cũng xin nhắc thêm chút xíu về Hòn Bà. Đó là nơi Bác sĩ Alexandre Yersin tìm đến để xây dựng 1 khu thực nghiệm trồng và nghiên cứu cây thuốc, nhờ khí hậu giống như Đà lạt lại cách Nha Trang chi 60km.
Từ Suối Dầu ở chân núi lên tới đỉnh, có cao độ 1578m, chỉ 37km, nên đường rất dốc, nhỏ hẹp, là thách thức khá cam go cho ai muốn chinh phục bằng xe cơ giới. Chung quanh Hòn Bà là khu rừng nguyên sinh có hệ động thực vật rất đa dạng, nên từ năm 2005, khu bảo tồn sinh học Hòn Bà được thành lập.
Theo Wikipedia, giá trị về khoa học của Hòn Bà được tóm lược như sau:
Trong danh lục thực vật Hòn Bà đã thống kê được 43 loài quý hiếm được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó đáng kể là các loài thông lá dẹt (Pinus krempfii), pơ mu (Fokienia hodginsii), hồng quang (Rhodoleia championii), gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), trắc dây (Dalbergia annamensis), mun (Diospyros mun), xoay (Dialium cochinchinensis), …
• Đa dạng về yếu tố đặc hữu: một số loài mang tên các địa danh Nha Trang, Hòn Bà như: dẻ gai Nha Trang (Castanopsis nhatrangensis), thị Nha Trang (Diospyros nhatrangensis), đỗ quyên Nha Trang (Rhododendron nhatrangensis), sồi Hòn Bà (Lithocarpus honbaensis), bùi Hòn Bà (Ilex honbaensis), minh điền Hòn Bà (Medinilla honbaensis). Có những nguồn gen đặc biệt quý hiếm, như thông lá dẹt là loài đặc hữu của Việt Nam, ớt làn mụn cóc (Tabernaemontana granulosa) là loài đặc hữu hẹp mới chỉ tìm thấy ở Hòn Bà và Ninh Hòa (Khánh Hòa) …
• Giá trị về dược liệu: Hòn Bà là nơi có nguồn dược liệu tự nhiên hết sức phong phú và giá trị cao: linh chi (Ganoderma lucidum), sa nhân (Amomum xanthioides), dó bầu (Aquilaria crassna), lười ươi (Scaphium lychnophorum), cốt toái bổ (Drynaria fortunei), ngũ gia bì (Schefflera octophylla), ba gạc (Rauwolfia cambodiana), bời lời chanh (Litsea cubeba), …
• Giá trị về cung cấp gỗ và lâm đặc sản: Hòn Bà có nhiều loài cây gỗ quý như: pơ mu, hoàng đàn giả, gõ đỏ, giáng hương, mun, sơn huyết, sến, gõ mật, …
Hệ động vật rừng bao gồm 255 loài thuộc 88 họ; nằm trong 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái. Đặc biệt có sự hiện diện của các đàn Chà vá chân đen và Vượn bạc má.
Bây giờ xin trở lại thác Yang Bay, thác có liên quan tới 1 giòng sông xuất phát từ Tây Nguyên.
Từ thành cổ Diên Khánh, theo đường liên huyện lên phía tây Khánh Vĩnh tới ngã ba xã Sông Cầu (khác với tx Sông Cầu Phú Yên) rẽ trái khoảng 14 km là đến công viên du lịch Yangbay thuộc xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh.
Thác Yang Bay, nằm trên cao độ 100m, cách Nha Trang chừng 45km, trong 1 thung lũng giửa rừng nguyên sinh, thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Yang Bay là 1 hệ thống thác trên thượng nguồn sông Cầu, gồm thác chính Yang Bay và 2 thác nhỏ Yang Khang và Ho Cho. Yang Bay kéo dài trên 1 đoạn sông chừng 2.000m với độ cao thay đổi trong khoảng 80m, tạo nên nhiều hồ và thác nước lớn nhỏ, nhìn từ xa, thác nước đổ trắng xóa, nhưng mềm mại qua các bậc đá, giữa rừng già hoang sơ Khánh Vĩnh. Tới Yang Bay, thời điểm năm 2006, là tới với thiên nhiên hoang dã, tắm mát dưới làn nước trong xanh mát mà không e ngại gì về ô nhiểm môi trường!
Ngoài tắm thác, chúng tôi cũng có dịp thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây, xem biểu diến đà đá khánh Sơn, coi đua heo…
BX ngồi chờ...heo chạy đua!
|