17/01/2021
Dẫn nhập:
( Hôm nay hay tin một Chị bạn cùng lớp vừa nằm xuống ngày 15.1.2021. Bài nầy tôi viết khá lâu, cho đăng lại để nhớ đến và trân trọng trong tình Bạn)
NIỀM HỐI TIẾC TRONG TÌNH BẠN
)_(
Năm Đệ Nhất lớp tôi có bao nhiêu người nữ, tên tuổi và mặt mũi ra sao, bây giờ tôi không còn nhớ hết. Tôi vốn bản chất nhút nhát, vụng về, không biết xã giao nên không biết gây thiện cảm với phái nữ, vì vậy mà không có một chị bạn nào trong lớp thân thiện với tôi, mà tôi cũng không màng quan tâm đến điều nầy.
Cuối năm học, thi Tú Tài xong, bạn bè tứ tán, mạnh ai nấy bươn trải lo toan cho tương lai riêng của mình. Có đứa đi làm, có đứa tiếp tục học lên, nhưng nhiều ngành nghề khác nhau, có đứa vào quân đội, đa số các chị thì có chồng. Vì cuộc sống, bạn bè cùng lớp gần như tản lạc hết, không có điều kiện liên lạc để tới lui thăm viếng.
Sau 30.4.75, tôi là giáo chức gốc sĩ quan biệt phái nên phải trả nợ đời cho cách mạng hết ba năm tù. Theo cách mạng thì thầy giáo mang nhiều tội nặng lắm, dạy cho con em biết chữ nghĩa, dạy cho học trò thông minh sáng suốt, làm Kỹ sư, làm Bác sĩ, làm Quan…để chống phá cách mạng.
Nhờ cách mạng đại khoan hồng, sau 3 năm học tập cải tạo, trải qua 4 trại tù: trại tù binh Tam Hiệp, trại An dưỡng Biên Hoà, trại Phú Quốc, trại 9A Minh Hải Cà Mau. Có lẽ được đánh giá là học tập tốt lao động tốt nên tạm thời bề trên ban cho làm người lương thiện và được trở về sum họp với gia đình dưới sự tiếp tục giáo dục của chính quyền địa phương.
Tôi về quê, ba tôi cho 5 công ruộng, mùa lúa đầu tiên bị nạn lụt 1978, hạt lúa vừa ngậm sữa thì bị nước nhận chìm chết hết. May là có cha mẹ đôi bên đỡ đòn, ở nhờ nhà ba mẹ, ăn chung mà làm riêng, lúa chết hết nhưng không đói, chỉ thiếu tiền bỏ túi lén vợ đi nhậu mà thôi. Tội nghiệp cho bà xã, cũng xinh, cũng dễ thương, cũng thông minh, cũng học giỏi, cũng biết đi làm cô giáo, chỉ có cái khờ là chọn lầm tôi làm chồng. Làm quan thì không có lính, làm thầy thì bị mất dạy, làm ruộng thì lúa bị chết hết, nên vừa vất vả vừa nghèo xơ xác triền miên. Cũng may, mùa lúa năm sau thật trúng vì ruộng có nhiều phù sa bồi đắp do nạn lụt năm qua.
Năm 1980 tôi ra thị xã Sa Đéc, vừa để đi thăm người Cậu, vừa để tìm mua một vài dụng cụ cần thiết cho việc đồng áng. Đi dọc theo khu chợ trời cặp bờ sông, bỗng nghe một tiếng kêu to, tôi giựt mình quay lại:
-Anh C. Trời ơi! Anh đi đâu đây?
Tôi thật kinh ngạc và xúc động, cũng thốt lên:
-Trời! Chị Huệ. Quá trời lâu rồi mới gặp lại chị.
Chị Huệ, Trương Minh Huệ, bạn cùng lớp với tôi năm Đệ Nhất ở Cần Thơ. Chị hơi to người, không đẹp lắm nhưng có duyên, lanh lợi, nói năng hoạt bát. Chị có cá tính đặc biệt nên bạn bè khó quên. Từ ngày tôi rời trường tới bây giờ mới gặp lại chị trong sự ngỡ ngàng ái ngại. Sau phút chốc do phản ứng tự nhiên, vừa mừng vừa xúc động, chị nhìn tôi, tôi nhìn chị, dù không nói ra nhưng cả hai đều cảm thấy bẽ bàng xót xa. Trước mặt chị là một thúng quần áo cũ, chị đang ngồi bó gối với nét mặt thê lương khốn khổ, lặng lẽ chờ đợi từng người qua lại, có lẽ chị không còn con đường nào khác, đành làm cái nghề mà quần áo cũ rẻ mạt, người ta vẫn không có tiền để mua. Sau vài lời hỏi thăm về gia cảnh của nhau, chị nói với tôi:
-Anh C ơi, có nghề gì làm ăn được, hướng dẫn tôi với. Ông xã đi cải tạo, ở nhà mấy mẹ con đói quá, chắc chết. Tôi thì chịu đựng nổi, chỉ tội nghiệp mấy đứa nhỏ thôi.
Một nỗi xót xa tràn ngập vào hồn tôi. Tôi nghẹn ngào muốn khóc. Tôi cúi mặt lầm lủi vội vàng bỏ đi. Chị Huệ ơi, tôi cũng đang rách nát te tua như chị vậy.
Sau đó tôi có gặp lại chị thêm hai lần nữa, cũng với cái thúng chứa quần áo cũ đó, cũng cách ngồi bó gối đó, cũng với nét mặt khắc khổ vô hồn đó, nhưng trông chị có vẽ già đi, tàn tạ đi.
Có thể nói là mọi con đường sống đều bị bít lối. Đầu năm 1983 tôi liều mạng tìm đường vượt biên, may mắn thành công và được định cư ở Australia. Không biết những người tu hành khi đắc đạo được lên thiên đường thì mức độ vui mừng của họ ra sao, nhưng khi tôi được vào sống ở nước Uc, tôi có cái cảm giác vui mừng hơn những người đắc đạo nhiều. Bởi vì thiên đường ở đâu tôi chưa biết, nhưng tôi đã biết và đã sống trong địa ngục, mà thoát khỏi địa ngục là cực lạc rồi.
Từ khi mẹ đẻ cho đến trước ngày vượt biên, tôi là thằng đàn ông bất tài vô dụng, chỉ biết báo mẹ khổ cha, chỉ biết báo vợ khổ con, chỉ biết vay mà chưa bao giờ biết trả. Lần nầy có lẽ kiếp nạn vừa hết, cũng có thể nhờ lù khù mà Trời Phật phò hộ, được đến bến bờ tự do thoải mái, được đến một đất nước thanh bình vừa đẹp vừa đầy ấp tình người. Dân tình thì lịch sự, dễ thương. Tôi nghĩ đây là một môi trường, một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể toan tính tương lai cho mình, cho gia đình và con cái. Tôi lao đầu ngay vào công việc, không hề so đo lương cao lương thấp miễn đó là đồng tiền lương thiện. Phải ráng cố gắng để trả nợ đời, trả nợ áo cơm mà mình đã vay quá nhiều ở đây và ở Việt Nam. Những năm đầu luôn luôn tất bật, gần như quên cả ngày tháng, gần như quên cả vợ con, quên cả những mối tình tuyệt đẹp mà mình có một thời mộng mơ.
Sau vài năm cuộc sống tạm ổn, đêm về, trời mùa Đông lành lạnh, nằm một mình trong phòng vắng, nghe những câu vọng cổ, nghe những bản nhạc tình buồn, bắt đầu gợi lại cho tôi nhớ về Việt Nam, nhớ Cha, nhớ Mẹ, nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè, nhớ những người thân yêu, nhớ, nhớ và gần như cái gì cũng nhớ hết. Tự dưng hình ảnh chị Huệ ngồi bó gối bán quần áo cũ ở chợ trời dọc bờ sông Sa Đec hiện về trong hồn tôi. Hình ảnh một người bạn học tận cùng của sự khốn khổ, thế mà mình chỉ biết xót xa, buồn rồi quay lưng. Không biết tại sao lúc đó tôi lại vô tâm, đần độn và u mê như vậy. Đành rằng tôi cũng rách nát, cũng trăm bề khó khăn, nhưng tôi ở trong quê đang làm ruộng, có lúa, có trái cây, có rau đậu…Tôi đúng là thằng bạn đáng ghét, đáng khinh. Tấm lòng của tôi ở đâu, con tim của tôi ở đâu? Tại sao tôi không biết chia xẻ cho bạn mình năm mười lon gạo, năm ba trái bầu trái bí, điều mà tôi có thể làm được trong tầm tay của mình? Nỗi ân hận và hối tiếc nầy cứ lớn dần trong tôi. Nó trở thành nỗi ám ảnh mà tôi muốn né tránh hoặc muốn quên cũng không được. Tôi liên lạc về Việt Nam nhờ mấy thằng bạn ở Sa Đéc và Cần Thơ ráng tìm chị cho bằng được dùm tôi. Nhiều năm qua, các bạn tôi đều thất vọng và chán nản, chị Huệ hoàn toàn bặt vô âm tín. Làm sao đây, biết đâu mà tìm.
Đầu năm 2010 tôi về lại Việt Nam để thăm mẹ đã già yếu. Hình như có điều gì linh cảm, có một hôm tự dưng tôi muốn đi Cần Thơ, trước là để tìm thăm một vài người bạn, sau là để hỏi thăm thêm về tin tức chị Huệ. Thật may mắn, không hẹn mà tình cờ gặp lại hai chị bạn học cũ từ Saigon về, có một chị rất thân và có một thời thường xuyên tới lui với chị Huệ. Cho biết, chị Huệ đã mất hơn mười năm rồi sau một cơn đột quỵ về tim, bỏ lại ba con, các cháu bây giờ không biết trôi giạt về đâu, ở đâu.
Chào vĩnh biệt chị Huệ. Tôi vạn lần xin lỗi chị. Chị khốn khổ, tôi rách nát, trời cao sao nỡ để cho bạn bè chúng ta gặp lại nhau trong nỗi khốn nạn bi thương. Bây giờ tôi tạm thảnh thơi, tạm yên ổn về cuộc sống, nhưng làm sao để có thể chia sẻ với chị được đây. Mỗi lần nghĩ đến chị, hình ảnh một người bạn học cùng lớp, mặt mày khắc khổ, ánh mắt vô hồn, ngồi bó gối bán quần áo cũ bên bờ sông Sa Đéc hiện về trong hồn tôi y nguyên như thuở nào. Mỗi lần nghĩ đến, tôi như vừa qua một cơn ác mộng, thẩn thờ, vu vơ, buồn bã. Hối tiếc vẫn mãi mãi là hối tiếc.
HUỲNH VĂN CÔNG
(SP NLS/SG-K4)
(Ảnh chỉ minh họa)
|