24/7/2022
Phóng sự- Ký sự
TRÊN NÚI TRÀ SƯ
Trà Sư là một ngọn núi nhỏ trong vùng Bảy Núi. Theo Wiki, núi chỉ cao 146 m, nằm bên phải lộ 91 trên đường Nhà Bàng đi Tịnh Biên. Cách Nhà Bàng khoảng vài trăm thước.
Có lẽ do tầm vóc khiêm tốn như thế nên trong Gia Định Thành Thông Chí của ông Trịnh Hoài Đức soạn thời vua Gia Long, liệt kê 19 ngọn núi của trấn Vĩnh Thanh (An Giang ngày nay), không có tên Trà Sư. Rồi gần trăm năm sau đời vua Duy Tân, bộ Đại Nam Nhất Thống Chí ra đời ghi lên 24 núi, cũng không có tên Trà Sư. Trà có Trà Chiếu, Trà Nghinh, Tà có Tà Chiếu, Tà Biệt nhưng không có Tà Sư hay Trà Sư.
Đại Nam Nhất Thống Chí bắt đầu soạn từ năm 1865, do nhiều nguyên nhân đến năm 1910 vua mới cho phép in ra, trước đó Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên năm 1849 khi nói tới Hội Long Hoa kể tên Bảy Núi cũng không nhắc tới Trà Sư.
Mà thôi. Đỉnh đỉnh đại danh và nằm chình ình một cõi như núi Sam còn không được liệt vào trong Bảy Núi kia kìa.
Nhưng tên Trà Sư có nghĩa gì không? Không biết. Chỉ biết là núi nằm ở Khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng. Trong huyện Tịnh Biên lại có con kinh Trà Sư dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vô vùng Tứ giác Long Xuyên. Không biết núi lấy tên địa danh hay địa danh lấy tên theo núi? Người viết hàm hồ cho rằng Trà Sư là người Việt nói trại một từ Khmer nào đó như trong trường hợp Trà Vinh, Trà Cú, Trà Bang, Trà Khứa, Trà Kha…rồi sau khi có tên Việt là núi Trà Sư, mấy ông thầy nho lấy chữ “sư” mà đặt tên cho núi là Kỳ Lân Sơn, không để ý trùng với tên núi Tượng là Liên Hoa Sơn, có khi gọi là Kỳ Lân Sơn.
….
Có nhiều lối đi lên núi nhưng dễ đi và được nhiều người sử dụng là con hẻm nhỏ nằm giữa hai nhà thuốc nam lớn Sáu Xứng, Năm My.
Chủ nhân của hai nhà thuốc nầy, chuyên bán các dược liệu thuốc nam và thuốc bắc đã qua một bước sơ chế, đúng là một bậc cao thủ trong kinh doanh khi chọn địa điểm mở tiệm.
Hẳn nhiều người trong chúng ta có nghe câu chuyện đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, khai sáng đạo Phật Giáo Hoà Hảo, thời thiếu niên đau ốm liên miên khiến cha mẹ thường nghe đâu có thầy hay là đưa con tới trị. Núi Trà Sư khi ấy nổi tiếng một vị thần y là ông Đạo Xom, ông chỉ dùng hai chiếc đũa để trị bệnh, đau chỗ nào “xom” chỗ đó rồi cho uống các vị thuốc cây lá mà ông thu hái trên núi thì bách bệnh đều tan. Tiếng tăm ông lừng lẫy.
Đó là câu chuyện hoàn toàn có thiệt. Vì trên núi còn ngôi mộ của ông. Lớn hơn bình thường một chút và được tu bổ, chăm sóc cẩn thận. Bia mộ ghi rõ:
Phần mộ
Sư ông
Lê Nhựt Long
(Đạo Xom)
Pháp danh: Thích Tử Tiên Đăng
Sinh năm 1862 (nhâm Thìn)
Viên tịch ngày: 9 tháng 12
Năm Kỷ Mão
Hưởng thọ 77 tuổi.
Ông đạo mất năm 1939. Mùa xuân năm 1940, tức là sau khi lập đạo gần một năm, đức Huỳnh Phú Sổ trong một chuyến đi viếng núi Két với 5 hay 6 đệ tủ có thăm lại chỗ nầy và thắp hương tưởng nhớ ông đạo Xom.
Bên trên mộ ông đạo Xom là di tích nơi đức Thầy ở lại trị bệnh. Đó là một hàm ếch lớn trên núi do một tảng đá to tạo ra, ngang tầm 4m, cao khoảng 2m và thấp lần vào bên trong còn chừng 1m, sâu chừng 6-7m. Tín đồ PGHH đã trần thiết lại thành một nơi thờ tự và lưu dấu thánh tích gọi tên là điện Huỳnh Long. Sở dĩ có tên nầy vì một hôm ông đạo lên chỗ đó thăm bệnh cho đức Thầy, thấy Ngài đang nằm ngủ trong một hốc đá, trên một vạt tre, giờ vẫn còn hiện vật, ông Đạo thấy bốn ông thiên vương (hay Tứ Hải Long Vương?) đứng hầu. Từ đó ông Đạo biết Ngài là bậc thánh nhân và đem lòng kính phục.
Câu chuyện được vẽ thành tranh trên vách đá của điện. Bàn thờ ở cuối sâu thờ Phật Thầy Tây An, đức Huỳnh Phú Sổ và ông Nguyễn Trung Trực.
Tín đồ PGHH các nơi xem đây là một điểm thiêng liêng nên đến viếng rất đông và góp phần tu bổ thêm cho điện ngày càng đẹp. Hôm tui đến trùng với đoàn gần 30 người ở Chợ Mới lên cúng, ngồi chật cứng cả điện nhưng rất thành kính.
Bà con ngay trong tâm tưởng của mình đã có một niềm tin sâu xa về các cây thuốc trên núi nầy, làm các tiệm dưới đường tui nói ở trên, buôn bán càng phát đạt, càng thịnh. Nhưng nói gì thì nói, bản thân thuốc phải tốt, chất lượng, sử dụng có kết quả thì mới thu hút được người mua.
…
Trên điện Huỳnh Long một đổi chừng trăm bậc thang là Sân Tiên đỉnh núi. Sân Tiên có các điện thờ Chánh Soái Đại Càn, Cửu Thiên Huyền Nữ và Trăm Quan Cựu Thần, nói chung là các dạng tín ngưỡng dân gian của người miền Tây.
Vì kinh doanh trên núi tự do, ai làm được gì thì làm, nên về mặt môi trường không ai quản lý. Bịt nylon, chai nhựa các thứ…tùm lum theo đường, giảm nét mỹ quan.
Chùa trên núi ít, điện miếu nhiều. Có thể kể tên một số chùa như: chùa Năm Căn, chùa Bửu Hương, chùa Hoà Sơn, Linh Sơn Tự, Tây Hưng Tự. Phần lớn chùa nhỏ, nằm bên những thế đá cheo leo.
Đáng kể nhất là chùa Tây Hưng, nằm dưới điện Huỳnh Long một đổi, có thể xem là chùa lớn nhất của núi nầy. Chùa chỉ có ni sư Thích Nữ Diệu Thảo trụ trì nên không gian càng yên tĩnh và vắng lặng. Điều đặc biệt là cách bày trí các gian thờ, tượng thờ trong chùa rất trang nhã và mỹ thuật, thế hiện một đạo tràng cổ kính có chiều sâu văn hoá. Khác hẳn một số kiểng chùa loè loẹt khác hiện nay.
Bốn điều đặc biệt ở Tây Hưng Tự làm tôi rất ngạc nhiên và thích thú:
- chánh điện gọn nhỏ nằm sau một không gian sâu, hẹp có 4 cột trụ vững chãi đỡ lấy mái chùa, thờ Phật Thích Ca và Tam Thánh Tây Phương trong đó thiệt dạng của Quán Thế Âm là nam bồ tát.
- một hình giống như của một người phương Tây được vẽ bởi một người Tây phương theo lối thủy mặc. Nhưng không, đây là Thích Ca Mâu Ni năm Ngài 41 tuổi được vẽ bởi một đệ tử của Ngài là đại đức Phú Lâu Na. Hình có chú thích là bản gốc đang được trưng bày và được xem như là báu vật tại Viện Bảo tàng Anh quốc.
- hình của Bồ Đề Đạt Ma ở nhà hậu tổ cũng được lựa chọn kỳ công, rất hiếm gặp.
- một ấn tượng nữa mà tui phải kể khi viếng chùa Tây Hưng nầy là tủ sách lớn đầy ấp kinh kệ của chùa, rất nhiều kỳ thư và độc bản được lưu giữ tại đây. Một chứng chỉ nhỏ và khiêm tốn chứng nhận ni sư Diệu Thảo đã trải qua nhiều khoá hạ của Tỉnh hội Phật giáo tổ chức. Đứng ngó tủ sách, ngó các chứng chỉ tu học, tui len lén nhìn về hướng nhà trù, nơi ni sư Diệu Thảo đang ngồi khiêm nhu lột mấy cọng bông súng cho bữa ngọ… mà lòng thêm cảm khái và khâm phục.
….
Một điểm đến khác mà tui cho rất xứng đáng để được liệt vào điểm nhấn của không gian núi Trà Sư. Tiếc rằng có công kiến tạo nhưng ở chỗ hơi khuất so với đường đi chánh, nên ít người đề ý.
Đó là cụm hai tượng Di Lặc và Thần Tài, nằm dưới điện Huỳnh Long nhưng trên chùa Tây Hưng.
Từ ngoài đường chánh, người ta chỉ thấy tượng Di Lặc cao chừng 1 - 1,5m ngồi trên một phiến đá ngó xuống đồng phương Tây. Khuất sau phiến đá nầy, nằm trong một hốc núi lớn là tượng Thần Tài hướng về phương Nam. Đây có thể là tượng Thần Tài to cao, bề thế nhất của vùng Bảy Núi. Cao khoảng 1,5- 2m, tượng ngồi, được sơn màu sặc sỡ. Có lẽ ít người ghé cúng nên hơi lạnh lẽo.
Thấy trên bàn thờ có ống xâm, tui nghĩ mình cũng có duyên khi lặn lội tới đây, nên xin ổng một cây xâm, coi ổng nói mình ra sao?
Không xin keo, chỉ báo thầm tên họ, tui rút một cây trong ống. Cây xâm số 29.
Sơ bộ thấy đúng là cây xâm dành cho tui rồi. Nhiều lần trong đời tui đã dính với số 29, phải nói là nhiều vui vẻ nầy, hôm nào sẽ kể. Còn bây giờ nói tiếp vụ cây xâm.
Lật tìm trong cuốn sách giải xâm nằm sẵn ở kẹt đá, tìm cây xâm số 29, thấy ghi:
29. XÂM TRUNG
• Thơ:
Bảo kiếm xuất hạp diệu quang minh
Tại hạp dĩ nhiên bất thọ trần
Kim đắc quý nhân đề xuất hiện
Hữu uy hữu thế chúng nhân khâm
• Dịch:
Kiếm trong tráp đâu ai biết quý
Tuốt ra ngoài tỏ sáng uy nghi
Nay được cao nhân thi triển tốt
Anh hùng trên thế có ai bì.
• Lời bàn:
Kiếm ra khỏi tráp
Hào quang vạn lý
Quý nhân chỉ dẫn
Xinh đẹp vô cùng
• Điềm quẻ ứng:
Báu kiếm ra tráp. Mọi việc có uy thế.
…
Đọc nghe khoái thiệt nhưng sao chỉ xếp hạng xâm trung? Còn nữa, tui nay đã xấp xỉ 7 bó. Kiếm nếu có cũng đã mấy mươi năm rồi không rút ra khỏi vỏ. Lưỡi chắc đã sét và dính thành một cục, rút ra có khi đứt cả chuôi kiếm. Quý nhơn nào giúp được? Ông Thần Tài nầy nói để kỳ tới tui lên viếng núi cũng phải ghé thăm ổng thôi!
…
Kể chuyện núi Trà Sư mà không nhắc tới ông Cao Nhà Bàn thì thiệt thiếu sót.
Ông Thanh Dũng trong bài báo ‘Đi tìm dấu vết ông khổng lồ ở Thất Sơn’ đăng trên trang Nghiên cứu văn hoá Nam bộ cho biết: ở Nhà Bàng thời những năm còn Tây cai trị, xuất hiện một ông khổng lồ cao tới 2,42m, nên người ta gọi ổng là ông Cao Nhà Bàn. Thật ra tên ổng là Lê Văn Thuỳ sinh năm 1849. Quê ở Mỹ Tho, buồn vì vợ con mất sớm nên về Bảy Núi tu. Ban đầu cơ thể ông cũng bình thường nhưng sau một cơn bạo bệnh, chết rồi tự nhiên sống lại. Từ đó ngày một cao dài ra, quần áo nhà cửa gì cũng phải thay đổi. Tuy lỏng khỏng nhưng có sức mạnh và tài hốt thuốc trị bệnh, cũng là thuốc nam trên núi Trà Sư. Dân chúng khắp nơi kéo về làm nhà cầm quyền Pháp lo sợ, bắt ông ra Châu Đốc, nhưng không có cớ gì để giam, phải thả. Ông tiếp tục trị bệnh, người dân tiếp tục tụ về. Chánh quyền Pháp lo sợ ông có thể làm loạn đã bắt ông nữa. Sau mấy lần bắt thả, ông bị bại liệt, sức khỏe yếu đi, chân tay không còn cử động được. May nhờ có gia đình của người anh em kết nghĩa là ông Lê Văn Sóc chăm lo. Đến năm 1925, ông từ trần. Mộ phần vẫn còn ở núi Trà Sư.
Tác giả Thanh Dũng đã tiếp xúc với cháu nội ông Sóc là ông Lê Thanh Phong, đang sống ở Nhà Bàng, để ghi chép lại chuyện nầy. Sau đó cũng tốn rất nhiều công sức để tìm ra tấm bưu thiếp có in hình ông đạo Cao. Tấm bưu thiếp ghi rõ ông Lê Văn Thuỳ, được gọi là ông Cao Nhà Bàn, chính xác là cao 2,20m.
Xin cám ơn ông Thanh Dũng.
…
Cũng còn nhiều chuyện lắm để nói về núi Trà Sư, nhưng thôi bài hơi dài và lan man quá. Hẹn các bạn dịp khác.
Đào Dũng Tiến ( Cựu h/v NLS/CT)
(vài hình ảnh tiêu biểu)
Toàn cảnh núi Trà Sư |