21/6/2020
CÒN ĐÂU “NỔI BUỒN HOA PHƯỢNG”
Nguyễn Thị Kim-Thu |
Trước đây, tôi có viết nữ sinh Việt Nam đã không còn ăn mặc áo dài trắng tiêu biểu của nữ sinh ngày trước “Còn đâu nữa những tà áo dài”, ngày nay ký ức về những ngày sắp nghỉ hè đầy thơ mộng của tuổi học trò cũng bị cuốn phăng theo dòng lịch sử hiện đại – các trường học nay có khuynh hướng chặt đốn bỏ hết những cây phượng vĩ trong sân trường.
Nguyên nhân là ngày 26/5 một học sinh 12 tuổi trường trung học Bạch Đằng (Sài Gòn) chết và 17 em bị thương do cây phượng bật gốc đè trúng. Câu chuyện thương tâm đã gây nhiều bàn cải là có nên chặt đốn hết cây phượng trong sân trường, hay được chăm sóc chặt tỉa kỷ để bảo tồn nét đẹp văn hóa của tuổi học trò.
Cây phượng hay phượng vĩ (Delonix regia, Flamboyant hay Royal poinciana tiếng Anh) có hoa đỏ đẹp rạng rỡ trong mùa hè. Với tán to, hào nhoáng mỗi khi hoa nở, cây duyên dáng với những đốm lửa đỏ rực và xứng đáng được liệt kê vào hạng hoàng tộc trong tất cả các loại cây cảnh. Hoa phượng vĩ nở rất lâu, mùa hoa nở thường kéo dài từ tháng 5, 6 đầu mùa hạ cho đến cuối tháng 9, trùng hợp với mùa nghỉ hè của học sinh ở Việt Nam.
Nguồn gốc mọc hoang trong rừng vùng Malagasy thuộc Madagascar. Được con người xử dụng và du nhập khắp thế giới nơi có khí hậu nhiệt đới, làm cây cảnh, cây tạo bóng mát vì cây cao trong bình 10-15m, nhưng tàng cây rộng lớn, có tán lá dày đặc tạo ra bóng mát. Thân cây, cành cây cũng thuộc loại gỗ khá cứng, làm gỗ xây dựng, dân dụng, đóng hòm, xẻ ván. Cành cây, thân cây cũng khó đổ gảy nếu biết chăm sóc thường xuyên.
Trái phượng vĩ được sử dụng tại khu vực Caribe trong vai trò của bộ gõ âm nhạc với tên gọi: shak-shak hay maraca.
Phượng vĩ cũng còn dùng làm bonsai – cây tiểu cảnh.
Bonsai phượng vĩ
Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ 19 từ Madagascar. Hiện nay phượng vĩ là loài cây được trồng rộng rãi từ miền Bắc đến miền Nam trên vỉa hè, công viên, trường học. Thành phố Hải Phòng còn được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ; nơi đây hoa phượng được trồng khắp nơi, có cả một công viên hoa phượng ngay trung tâm thành phố, có lễ hội hoa phượng diễn ra vào tháng 5 rất độc đáo.
Cánh hoa phượng vĩ lớn, có 4 cánh tỏa rộng với màu đỏ tươi, đỏ hơi cam, dài tới 8cm, còn cánh hoa thứ 5 mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với những cánh hoa kia và có đốm trắng hoặc vàng.
Cây phượng gắn liền với tuổi ấu thơ. Hột của trái phượng còn xanh ăn rất ngon, ngọt và bùi. Trẻ ấu thơ ai chẳng chơi trò chơi “đá gà” với nhụy hoa phượng vĩ.
“Đá gà” bằng nhụy hoa phượng. “Gà” ai “mất đầu” là người ấy thua.
Trẻ thơ cũng chơi trò đấu kiếm vì trái khô, rất cứng, có hình lưỡi kiếm.
Trái phượng vĩ được sử dụng tại khu vực Caribbean trong vai trò của bộ gõ âm nhạc với tên gọi: shak-shak hay maraca.
Quan trọng nhất đối với học sinh là những kỷ niệm đầy thơ mộng của tuổi học trò, cái tuổi tình yêu vừa chớm nở.
Mùa nở của hoa trùng với thời điểm kết thúc năm học. Mùa của chia tay, mùa của những cuốn số ghi đầy nhật ký, ép đầy cánh phượng khô. Do vậy, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi "hoa học trò".
Ở Miền Bắc, theo tôi biết chỉ có một bài thơ “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, viết về những kỷ niệm của tuổi trẻ với “màu đỏ” của mùa hoa phượng vĩ.
“Mỗi mùa hoa đỏ về
hoa như mưa rơi rơi
cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi
như nuối tiếc một thời trai trẻ ….”
Ngược lại, ở Miền Nam, nơi văn nghệ sĩ được tự do sáng tác, theo nhịp điệu rung động của con tim, có tới hàng trăm bảng nhạc của tuổi học trò liên quan với phượng vĩ. Riêng với nhạc sĩ Thanh Sơn ông có ít nhất 11 bài nhạc liên quan đến hoa phượng và kỷ niệm thời học trò trong số 185 bảng nhạc ông sáng tác.
Nay, tóc đã bạc, có cháu nội cháu ngoại, không ai là không rung động khi nghe tiếng hát “Nổi buồn hoa phượng” (nhạc sĩ Thanh Sơn), hay “Phượng Hồng” (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Vũ Hoàng).
Reading, 21/6/2020
Nguyễn Thị Kim Thu
Mời đọc giả thưởng thức hai bảng nhạc “Nổi buồn hoa phượng” nhạc sĩ Thanh Sơn, ca sĩ Thanh Tuyền, và “Phượng Hồng” thơ Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Vũ Hoàng, ca sĩ Vũ Khanh.
https://www.youtube.com/embed/iQtZFP2P6Wg
https://www.youtube.com/embed/GtkR8WSxZNU
|