8/9/2020
Chuyện khoa cử ngày xưa
Vĩnh Đào
Nhân bài thơ “Tay Ngà” của Nguyễn Nhược Pháp và giấc mộng vinh quy, thử bàn chuyện khoa cử ngày xưa.
Thuở trước chỉ có khoa cử là đường tiến thân duy nhất, cho nên các thế hệ sĩ tử nối tiếp nhau dấn thân vào con đường miệt mài đèn sách. Nhưng số người được chấm đậu rất ít; nhiều khi cả trăm người đi thi chỉ có một, hai người trúng tuyển, cho nên con đường học hành, thi cử là hết sức gian nan.
Khoa cử ngày xưa được tổ chức thành ba cấp: thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Muốn được dự khoa thi Hương, mỗi thí sinh phải qua kỳ thi sát hạch về năng lực tổ chức tại từng tỉnh. Khoa thi được tổ chức ba năm một lần, đó là các chính khoa. Nếu một năm phải tổ chức mà có biến cố gì thì dời sang năm sau. Ngoài lịch trình đó, có những năm triều đình tổ chức những kỳ thi đặc biệt vì nhu cầu tuyển thêm người tài giúp việc nước, thì đó là những ân khoa. Khóa thi Đình được tổ chức ngay năm tiếp theo kỳ thi Hương.
Một thí sinh trượt một khoa thi Hương phải chờ ba năm sau mới có khoa thi mới. Con đường khoa bảng dài và hết sức gian nan vì có rất nhiều người thi trượt nhiều khoa liên tiếp suốt mấy mươi năm.
Con đường gian nan của khoa cử
Lấy trường hợp ông Phan Thúc Trực (1808-1852), một danh sĩ dưới triều Nguyễn, người ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ trẻ, ông có tiếng học giỏi và được gọi là thần đồng. Năm 16 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi khảo hạch của tỉnh. Năm sau, 17 tuổi, ông dự thi Hương khoa Ất Dậu (1825) và đậu tú tài. Ông dự kỳ thi Hương tiếp theo để mong đậu được cử nhân. Tuy nhiên trong liên tiếp mười khoa thi trong thời gian 19 năm từ 1825 đến 1846, gồm 5 chính khoa đời Minh Mạng, 3 chính khoa và 2 ân khoa đời Thiệu Trị, ông vẫn chỉ đỗ tú tài. Thầy dạy của ông nhận xét: “Phan tử tài, cử nhân bất túc, tiến sĩ hựu dư” (nghĩa là “Tài năng của họ Phan, không đỗ cử nhân nhưng thừa sức đỗ tiến sĩ”).
Theo nguyên tắc, phải đậu cử nhân mới được thi Hội ở kinh đô, nhưng vì ông đã đậu tú tài mười khoa thi Hương liên tiếp nên được đặc cách thi Hội năm Đinh Mùi (1847), tức năm Thiệu Trị thứ 7. Ông dễ dàng đậu thủ khoa kỳ thi Hội đó (Hội nguyên) và thủ khoa luôn kỳ thi Đình tiếp theo (Đình nguyên).
Khoa thi Đình xảy ra trong cung điện nhà vua và có mục đích xếp hạng các thí sinh trúng tuyển khoa thi Hội. Ba người đỗ cao nhất được xếp vào bậc 1 tức là tiến sĩ đệ nhất giáp (hay tiến sĩ cập đệ), theo thứ tự được gọi là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Bậc 2 là tiến sĩ đệ nhị giáp (tiến sĩ xuất thân), và bậc 3 là tiến sĩ đệ tam giáp (đồng tiến sĩ xuất thân).
Vì dưới triều Nguyễn, không lấy đỗ trạng nguyên và khoá đó cũng không chấm bảng nhãn nên Phan Thúc Trực chỉ được xướng danh Đình nguyên thám hoa. Vì đường khoa cử quá kéo dài nên ông Phan Thúc Trực chỉ làm quan dưới triều Thiệu Trị được hơn bốn năm thì mất lúc 44 tuổi (1852). Gần như suốt một cuộc đời chỉ đi học và đi thi.
Một trường hợp khác là nhà nho và nhà thơ Trần Tế Xương, tức Tú Xương (1870-1907). Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Ông đi thi Hương lần đầu tiên lúc 17 tuổi, đó là khoa Bính Tuất (1886), và tổng cộng đã dự 8 khoa thi Hương: các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906).
Ba lần đầu thi trượt, đến năm 1894 ông mới được chấm đậu tú tài. Bốn lần thi Hương nữa để mong đạt được học vị cử nhân, cho đến năm 36 tuổi, ông vẫn không đậu được. Suốt 20 năm theo đuổi việc đèn sách, Tú Xương chua xót nhận thấy rằng: “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi” và phải than:
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay.
Giấc mộng của mọi sĩ tử là một ngày được bảng vàng đề tên, thành ông nghè ra làm quan giúp nước. Nhưng không đậu được cử nhân thì làm sao thi Hội để làm ông nghè? Tú Xương cũng đành cam phận với mãnh băng tú tài dỡ dang của mình. Ngày Tết, ông viết câu đối dán trên cột nhà và gọi vợ ra xem:
Viết vào giấy dán ngay lên cột,
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
– Rằng hay thì thực là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài!
Xưa nay em vẫn chịu ngài.
Trong hai trường hợp đường khoa cử lận đận vừa kể của Phan Thúc Trực và Tú Xương thì Phan Thúc Trực, sau khi đi thi đến 10 khoa mới đỗ được tiến sĩ, nhưng chỉ hơn bốn năm sau đã từ trần vì lâm bệnh trên đường trở về Huế sau một chuyến đi công tác cho triều đình tại miền Bắc. Còn nhà thơ Tú Xương thì đã tám lần đi thi Hương trong một thời gian 20 năm mà không đỗ được cử nhân; sau khi đi thi (và lại thi trượt) lần cuối năm 1906, qua đầu năm 1907 ông về ăn giỗ ở quê ngoại, bị cảm lạnh rồi qua đời đột ngột khi chỉ mới 37 tuổi.
Suốt thời gian dài học hành và thi cử, hầu hết các thí sinh theo đuổi việc đèn sách không ai có một nghề gì để mưu sinh. Để sống, họ chỉ nhờ vào vợ. Người đàn bà quán xuyến mọi việc trong nhà, tảo tần buôn bán để nuôi chồng và nuôi con với hy vọng một ngày chồng mình đổ đạt thành danh. Bài ca dao sau đây tóm tắt một ngày của người vợ, bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng cho đến khuya, không bao giờ than trách mà còn lo lắng nhắc nhỡ chồng trong việc học hành:
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Chiềng anh dậy học chớ nằm làm chi
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh
Bỏ công cha mẹ sinh thành
Công em tần tảo nuôi anh học hành.
Theo cách tính thời gian ngày xưa, đêm được chia thành năm canh, mỗi canh dài 2 giờ, bắt đầu từ canh một, từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Đầu canh ba đi nằm là lúc 11 giờ đêm. Cuối canh năm là hết đêm; lúc đó là 5 giờ sáng, bắt đầu một ngày mới. Tính ra, người vợ chỉ ngủ 6 giờ mỗi đêm, rồi bận việc trong việc ngoài từ sáng sớm đến khuya lo cho chồng và cho con, không bao giờ nhờ chồng giúp một việc gì. Người đàn ông Việt Nam thời đó không bao giờ có thói quen giúp vợ một chút gì trong việc nội trợ. Người đàn bà không những chấp nhận tình trạng đó như một bổn phận hiển nhiên mà còn vui lòng làm thêm những việc nhỏ nhặt nhất, như trong bức tranh thơ mộng của bài ca dao:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
Khuyên anh đọc sách, ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Vợ của Tú Xương trong thời gian nuôi chồng ăn học và đi thi, còn đẻ cho chồng năm đứa con rồi một mình lo cho cả đàn con. Tú Xương tuy đường thi cử lận đận, nhưng văn hay chữ tốt, có tài làm thơ, nhưng chỉ để tiêu sầu, mua vui, đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe và để lại cho hậu thế những vầng thơ đặc sắc vừa trào phúng vừa trữ tình. Thời buổi đó không có sách in, không có bản quyền tác giả, nhuận bút, nghề nhà nho không thể nuôi sống bản thân. Ông không quên công lao và hy sinh của vợ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Những khó khăn, nhọc nhằn cam chịu của người vợ chỉ được đền bù khi chồng đỗ đạt, bảng vàng đề tên, được triều đình ban mũ áo, bổ làm quan. Ngày trở về làng vinh qui bái tổ là ngày vinh hiển của một cuộc đời theo nghiệp đèn sách, và người vợ cũng được góp mặt một cách rất xứng đáng trong ngày vinh hiển đó: “Ngựa chàng đi trước võng nàng theo sau”. Nhưng một người vui thì có cả vạn người buồn. Học tài thi phận, biết bao nhiêu người được vợ nuôi nhưng suốt đời không làm nên được việc gì. Cho nên có lời khuyên rất thực tế:
Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm!
Chính sách tuyển nhân tài
Chắc chắn nhiều người tự hỏi: tại sao lúc xưa thi khó như vậy? Dai dẳng đi thi cả mười lần trong hơn 20 năm vẫn không đậu? Đó là vì không phải là những kỳ thi bình thường, chỉ cần đủ điểm trung bình là đậu, mà là những cuộc thi tuyển rất gắt gao.
Thí dụ: khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852), Tự Ðức thứ 5, trên toàn quốc có 7 trường thi từ Bắc vô Nam, Bộ Lễ ấn định chỉ lấy 124 cử nhân, phân chia như sau: Hà Nội lấy đậu 20 người, Nam Ðịnh 20, Thừa Thiên 20, Nghệ An 18, Thanh Hóa 20, Bình Ðịnh 13 và Gia Ðịnh 13.
Thông thường thì lấy một cử nhân cho ba tú tài.
Đến năm 1886 hai trường Hà Nội và Nam Định hợp lại, thi tại Nam Định, lấy tên chung là trường Hà Nam. Vào cuối triều Nguyễn có 5 trường thi Hương là Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định.
Tính tỷ lệ đậu trong các kỳ thi Hương không dễ vì không có số liệu thí sinh cho cả nước. Số thí sinh cho từng trường thi cũng rất hiếm và thay đổi bất thường. Có tài liệu cho rằng: “Khoa thi Hương năm Tân Mão (1891) có 1600 thí sinh (không nói rõ trường thi nào), nhưng chỉ có 20 người đỗ Cử nhân”. Một tài liệu khác nói rằng: “Khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1894) tại trường Hà Nam có hơn mười ngàn sĩ tử dự thi nhưng chỉ lấy đỗ 60 Cử nhân và 200 Tú tài”.
Có một tài liệu đáng tin nhất là một bài khảo cứu tỉ mỉ về khoa thi Hương năm Tân Mão (1891) tại trường thi Hà Nam tại Nam Định, do Nguyễn Tường Phượng (1899 – 1974), người sáng lập tạp chí Tri Tân, viết và đăng trên 3 số tạp chí, từ số 78 đến 80 (tháng 12-1942/tháng 1-1943).
Theo tác giả Nguyễn Tường Phượng thì “khoa Tân Mão 1891 có hơn 9 nghìn người thi gồm cả trường Nam Định và trường Hà Nội (thi chung)”, và “theo quy định của triều đình, giải ngạch cử nhân khoa Tân Mão định lấy là 50 người trong đó 25 thí sinh trường Hà, 25 thí sinh trường Nam, nhưng cuối cùng đã lấy tới 70 người đỗ tất cả, vì có ‘ân điển’ gia thêm 15 người”. Cũng theo tài liệu này thì trong khoa Tân Mão này số chấm đậu tú tài là 195 người, theo tỷ lệ một cử nhân ba tú tài.
Dựa theo những số liệu đó (9 ngàn thí sinh, 70 cử nhân, 195 tú tài) thì tỷ lệ đỗ cử nhân là 0,78% và tỷ lệ đỗ tú tài là 2,17%. So sánh với tỷ lệ đậu trung học phổ thông mấy năm gần đây là 94-97% tại Việt Nam và trung bình 88% tại Pháp, chúng ta có thể thấy mức độ đòi hỏi nơi các sĩ tử thời “phong kiến” gắt gao như thế nào.
Chế độ khoa cử để chọn người tài ra làm quan tất nhiên có nhiều khuyết điểm. Thí dụ, trong bài làm, thí sinh không được mắc phải lỗi khiếm tị, tức là phải biết kỵ húy, tránh viết ra tên của vua và hoàng hậu, kể cả những đời vua trước, rồi tên lăng, miếu, cung, điện… của vua. Chỉ cần vi phạm một lỗi là bị loại tức khắc. Và nhất là chương trình học chỉ dựa trên các kinh sách cổ điển của Trung Hoa như Tứ thư, Ngũ kinh, các bài thi đều đòi hỏi những kiến thức về văn học, triết học, khả năng làm thơ, làm phú theo luật lệ khắt khe của văn chương cổ điển, thí sinh phải biết thảo công văn, tờ trình, bình luận những vấn đề sử, về đường lối cai trị, v.v. Lãnh vực khoa học, những kiến thức nhằm đưa đến những tiến bộ kỹ thuật hoàn toàn bị bỏ quên.
Tuy nhiên, chế độ khoa cử tổ chức một cách chặt chẽ, công bằng và nghiêm túc đã đào tạo để ra giúp nước nhiều lớp trí thức liêm khiết, thấm nhuần lễ giáo và những đức tính của người sĩ phu. Trong lịch sử tám thế kỷ khoa cử tại Việt Nam, đã có tất cả 187 khoa thi, có 2 971 người đậu tiến sĩ, nghĩa là trung bình mỗi khoa thi chỉ có dưới 16 người đạt danh hiệu tiến sĩ.
Họ là thành phần ưu tú nhất của đất nước, được giao phó các nhiệm vụ quan lại trong triều đình hay tại các tỉnh. Các nhiệm vụ quân sự thường cũng được giao cho các quan lớn trong triều nên cũng thường thấy những người đã đậu tiến sĩ trong số những tướng giỏi hay nhà chiến lược tài ba như Nguyễn Trãi, khai quốc công thần và cố vấn của vua Lê Lợi. Chế độ khoa cử này được tổ chức hết sức tỉ mỉ, thực hiện từ thế kỷ XI và duy trì cho đến thế kỷ XX, đã giúp cho những người có tài, dù rằng xuất thân từ gia đình nghèo, vẫn có thể tiến lên những bậc thang cao nhất trong xã hội. Đã có nhiều trường hợp những người con gia đình nông dân nghèo, nhờ trí thông minh và ham học, trở thành những nhân vật uy quyền trong triều đình. Phan Thanh Giãn, xuất thân từ một gia đình nghèo, đã nắm giữ những chức vụ cao cấp nhất trong triều đình của ba đời vua Nguyễn.
Mỉa mai thay, những điều này lại rất ít thấy trong xã hội tân tiến đời nay. Ngày xưa, tiến sĩ xuất thân từ quá trình đầy chông gai của khoa cử rồi ra làm quan. Ngày nay làm quan trước rồi học tại chức để trở thành tiến sĩ!
Khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897)
André Salles (1860-1929) là một nhà nhiếp ảnh và nhà thám hiểm Pháp. Giữ chức vụ thanh tra thuộc địa, ông đi khắp Đông Dương trong khoảng từ 1896 đến 1898, mang theo máy ảnh chụp cảnh và người, và các sinh hoạt địa phương các nơi nơi ông đi qua. Năm 1897, André Salles có mặt tại trường thi Nam Định vào dịp khoa thi Hương năm Đinh Dậu. Năm đó, Paul Doumer vừa mới được bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương năm trước (1896) cũng có mặt cùng với vợ và vợ chồng Công sứ Nam Định Georges Alexandre Lenormand.
Tú Xương sau khi thi hõng ba khoa thi Hương, mới đậu tú tài năm 1894 vào khoa thi trước. Khoa này Tú Xương cũng đi thi, nhưng không đậu được cử nhân, có viết bài thơ “Giễu người thi đỗ”:
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng.
Nhà nhiếp ảnh André Salles có để lại một bộ ảnh về trường thi Nam Định, từ toàn cảnh trường thi, ban giám khảo, lễ xướng danh các thí sinh thi đậu, cho đến lúc các tân khoa nhận mủ áo từ tổng đốc. Khi khoa thi xảy ra ở Huế thì chính vua ban yến tiệc, mũ áo, rồi các tân khoa lạy tạ vua. Ở trường thi Nam Định thì các tân khoa lạy tạ tổng đốc tỉnh, là người thay mặt vua.
Những người chỉ thi đỗ tú tài không được bổ làm quan, thì phải học và tiếp tục thi để đậu được cử nhân. Một số bỏ cuộc thì về quê mở lớp dạy học cho đám học trò làng từ 6, 7 tuổi. Những trẻ này từ tuổi đó đã bắt đầu đi vào con đường khoa cử dài và đầy cam khổ.
Những người đậu cử nhân được triều đình bổ đi làm việc tại các phủ, huyện, hoặc các chức vụ nhỏ tại triều đình. Những người đậu tiến sĩ được bổ nhiệm vào các chức vụ lớn hơn tại các tỉnh hoặc trong triều.
Chủ khảo khoa thi Hương năm Đinh Dậu là Cao Xuân Dục (1843-1923), người làng Thịnh Mỹ, tỉnh Nghệ An, xuất thân từ một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông có tiếng thông minh nhưng cũng khá lận đận trên đường khoa cử. Đến năm 34 tuổi (1876) ông mới đỗ cử nhân, năm sau đi thi Hội lại bị trượt. Nhưng ông không tiếp tục thi nữa và nhận một chức quan nhỏ đầu tiên là hậu bổ tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó, do khả năng làm việc và giải quyết công việc, do trí thông minh và đức độ của mình, ông lần lần giữ những chức vụ cao hơn: tri huyện, rồi tri phủ, biện lý Bộ Hình, án sát Hà Nội… Dưới triều Đồng Khánh ông giữ chứ bố chánh Hà Nội (1887), rồi tổng đốc Nam Định – Ninh Bình dưới triều Thành Thái (1890). Được bổ nhiệm chủ khảo khoa thi Hương năm 1897, Cao Xuân Dục lại làm chủ khảo khoa thi Hội năm 1901, nghĩa là khoa thi chọn tiến sĩ trong khi ông chỉ có đỗ cử nhân. Rồi ông được bổ nhiệm thượng thư Bộ Học năm 1907.
Cao Xuân Dục là một thí dụ điển hình của chính sách dùng người qua chế độ khoa cử trong các triều đình xưa.
Ngày nay sau bao nhiêu tiến bộ về mặt dân chủ, dân quyền trên thế giới thì tình trạng tuyển người vào guồng máy nhà nước tại Việt Nam ra sao? Chỉ mới đây, trong tháng tư 2020, báo chí có tiết lộ tại tỉnh Bắc Ninh, tất cả có 24 người trong gia đình trực tiếp và gia đình thông gia ông uỷ viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, đã chia nhau giữ các chức vụ công quyền trong tỉnh, gồm vợ, con, em, cháu, con dâu, con rễ, em dâu, em rễ, v.v. Đó là không kể những người khác là họ hàng của ông đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh và các huyện . Đó chỉ là trường hợp của một quan chức tại một nơi, rồi còn biết bao nhiêu quan chức lớn nhỏ khác ở biết bao nhiêu nơi khác? Tình trạng này ngày nay đã quá phổ biến để không còn làm ai ngạc nhiên nữa.
Người Pháp nghĩ gì về chế độ khoa cử tại Việt Nam?
Mặc dù có những khuyết điểm như đã kể, nhưng chế độ khoa cử áp dụng tại Việt Nam từ thế kỷ thứ X đã đặt ra một nguyên tắc cai trị độc đáo: những chức vụ cao nhất trong triều đình để điều hành việc nước không phải là độc quyền tập trung trong một thành phần quí tộc theo nguyên tắc cha truyền con nối, mà được lựa chọn qua những kỳ thi tuyển mở ra cho mọi người. Các kỳ thi được tổ chức hết sức nghiêm nhặt, có qui cũ, không thiên vị, không có chuyện mua bán bằng cấp, gian lận…
Ngay từ năm 1076 nhà Lý đã thành lập trường Quốc tử giám để cho con vua và các đại thần trong triều đình học. Đặc ân duy nhất dành cho các ấm sinh Quốc tử giám là không phải qua kỳ khảo hạch năng lực trước khoa thi Hương, ngoài ra, trong thi cử họ cũng phải chịu tất cả những điều kiện khắc khe của trường thi như các thí sinh khác. Kinh nghiệm cho thấy là thành công trong quá trình thi cử ở Việt Nam đòi hỏi phải có tài năng, trí thông minh, và trên hết là tính kiên nhẫn thật bền bỉ và chăm học, những đức tính thường thấy nơi con nhà nghèo khó hơn là con cái gia đình quyền quí quen sống trong sự dễ dãi.
Thật ra, hình thức thi cử đó không phải là một phát minh của Việt Nam mà chỉ sao chép của triều đình Trung Hoa thời đó, nhưng nó đã được áp dụng một cách nghiêm chỉnh và liên tục trong gần chin thế kỷ qua các thời đại của lịch sử Việt Nam nên tinh thần trọng sự học, biết ơn thầy, lòng tin tưởng rằng học vấn, thi cử, là con đường tiến thân chắc chắn nhất mở ra cho mọi người đã thấm nhuần vào tâm lý của người Việt, nên chúng ta hiểu được nỗi ám ảnh thành công trong học vấn của người Việt. Truyền thống đó đã ăn sâu vào trong tư tưởng, tâm lý của dân tộc nên chúng ta có thể thấy là mỗi bậc cha mẹ Việt Nam dù ở địa vị xã hội nào cũng cố gắng khuyến khích con mình học hết bậc đại học, và giải thích tại sao sinh viên Á Đông, nhất là Việt Nam có tiếng học giỏi tại các trường đại học trên thế giới.
Tổ chức thi cử này vẫn tồn tại khi người Pháp vào Việt Nam. Khi quân Pháp xâm chiếm Việt Nam, các quan chức Pháp thấy là họ đối mặt không phải với một xã hội man khai, mà một dân tộc có một nền văn minh lâu đời, một tổ chức xã hội qui cũ có nhiều mặt rất tiến bộ, nhưng vì không có những thay đổi kịp thời để bắt kịp trào lưu phát triển khoa học kỹ thuật nên đã bị đánh chiếm và đô hộ.
Một trong những toàn quyền đầu tiên của Pháp tại Đông Dương là Jean-Louis de Lanessan (từ 1891 đến 1894) nhận xét là “ít có nước nào mà nền giáo dục lại chú trọng đến những tiết mục kém khoa học và kém ích lợi” như tại Việt Nam, nhưng cũng “ít có nước nào coi trọng việc học hơn xứ này” .
Hai tác giả người Pháp, trong hai quyển sách khác nhau xuất bản năm 1874 và 1884, sau khi quan sát tỉ mỉ hệ thống khoa cử ở Việt Nam, đều cùng đánh giá như nhau thể chế chính trị tại Việt Nam mà họ gọi là một nền “dân chủ đại học” (démocratie universitaire) . Thử nghĩ xem có lời khen tặng nào cao quí hơn đối với một nước dưới thể chế quân chủ và còn bị xem là chậm tiến. Và ngày nay, trong thế kỷ XXI có mấy nước trên thế giới xứng đáng được gọi là có một nền “dân chủ đại học”? Nói như vậy, hai tác giả này mặc nhiên công nhận là truyền thống dân chủ nơi chế độ quân chủ ở Việt Nam còn hơn cả nước Pháp, vì từ xưa tại Pháp, quyền hành vẫn được cha truyền con nối trong hàng ngũ quí tộc.
Louis-Eugène Louvet, một tu sĩ trong Hội Thừa Sai Hải Ngoại (Missions Étrangères), khi làm công tác truyền giáo tại Đông Dương nhận xét rằng tại Việt Nam, qua hệ thống thi cử, “ai cũng có cơ hội vươn tới những vị trí cao nhất trong nước, vì vậy ở đây không có sự thù hằn giữa các giai cấp, chính là một trong những mối nguy lớn nhất cho châu Âu ngày nay” .
Nhiều đại diện cao cấp nhất của chính quyền cai trị Pháp, ngạc nhiên trước cách tổ chức hết sức có qui cũ của các khoa thi Hương đã đến tận nơi quan sát và không dấu sự khâm phục của họ. Frédéric Baille, Công sứ Pháp tại Huế từ 1886 đến 1890, đã chứng kiến khoa thi Hương năm Mậu Tý (1888) và ông rất ngạc nhiên trước thái độ độc lập của hội đồng giám khảo, vì con của vị đại thần Cơ Mật Viện cũng như con của Kinh lược sứ Bắc Kỳ đều bị đánh rớt qua một cuộc tuyển chọn rất nghiêm chỉnh và công bằng. Trong số 1300 thí sinh kỳ thi Hương năm đó chỉ có 29 người đậu cử nhân và 57 đậu tú tài .
Paul Doumer, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương từ 1896 đến 1902, cùng với vợ và vợ chồng Công sứ Pháp tại Nam Định Lenormand đã tới dự khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897) tại trường thi Nam Định. Paul Doumer có ghi lại kinh nghiệm này trong thiên hồi ký xuất bản năm 1930 .
Nguyên tắc tuyển chọn công chức qua những kỳ thi tuyển công bằng mở ra cho mọi người chỉ mới được áp dụng tại Pháp trong thế kỷ XX, hơn 100 năm sau cuộc Cách mạng 1789, trong khi đó chế độ tuyển dụng hết sức dân chủ đó đã được thực hiện tại Việt Nam đã hơn tám thế kỷ trước.
Hãy nhớ rằng những lời lẽ kính nễ và cảm phục trên không phải do người Việt nói lên để tự đề cao mình mà do những người Tây phương nhận xét một cách khách quan. Ngày nay, hơn một thế kỷ sau, còn ai ca tụng nền giáo dục của Việt Nam? Và tính dân chủ có tiến bộ được chút nào khi một quan chức lớn thản nhiên tuyên bố rằng “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc” mà không có ai phản đối, xem như đó là một sự thật hiễn nhiên?
Trong khi đó thì sử gia theo quan điểm mác-xít ngày nay có thói quen dùng những từ ngữ khinh bỉ, miệt thị về thời kỳ đã qua: “triều đình phong kiến”, “trí thức phong kiến”, “bọn vua quan nhà Nguyễn”, “đám quan lại”, “bọn chúng” v.v. và gián tiếp khuyến khích các học sinh nhỏ tuổi các môn sử, môn văn, dùng những từ ngữ khiếm nhã đối với tiền nhân. Một thái độ khiêm tốn, khách quan rất cần để nhìn về lịch sử.
Vĩnh Đào
(tháng 4-2020)
Nguồn: Việt Học Journal |