Vài cảm nghĩ...
26/08/2020



VÀI CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC “VỢ CHỒNG GIÀ”

Bài này ký tên ở dưới là Biển cát, do chị Phượng Hồng chia sẻ từ trang Facebook của anh Đại Vi Tuấn. Để quý vị có thể nắm được đầu đuôi, tôi xin chép lại các đoạn cần thiết cho bài viết của tôi. Đây là đoạn mở đầu:

Nè, ông ăn đi. Có món soup khoai tây và gà rim mà ông thích đó. Làm từ sáng bảnh mắt tới giờ mới xong, tay chân rã rời luôn. Già rồi làm gì cũng chậm chạp hết. Gân cốt cũng rệu rạo. Ông nhai cho kỹ, đừng nuốt vội rồi mắc nghẹn. Cái tật kỳ cục. Ăn gì mà vội vội vàng vàng như sợ ai dành mất phần. (lược bỏ một phần)

Sau khúc dạo đầu êm ái và bình thường, tác giả đưa người đọc sang trạng thái trào dâng cảm xúc bằng phần kết của câu chuyện. Và có lẽ, phần này làm cho nhiều người đọc xót xa, thương cho bà già này:

….Bà lụm cụm đứng lên, ngước nhìn tấm ảnh của ông trên bàn thờ. Từ ngày ông chết đến nay đã 2 năm và bà vẫn lui cui trong nhà, vẫn nói với ông đủ thứ chuyện như ngày ông còn sống. Của đáng tôi nhà chỉ có hai vợ chồng già. (ngưng trích dẫn)

À! Ra là thế. Bà già không nói chuyện với người sống. Bà nói chuyện với tấm ảnh. Bà nói chuyện cùng ông chồng đã quá vãng 2 năm rồi của bà. Bà nhớ ông. Bà bịn rịn níu kéo ông. Bà không cho ông đi luôn. Bà bắt ông ở lại. Bà không có người tâm sự, ỉ ôi. Bà chỉ có ông. Mỗi một mình ông trên cõi đời có trên 7 tỷ người. Tội cho bà quá…

Thực ra, trong cuộc đời này, sự quan tâm ưu ái quá mức có thể gây ra phản ứng ngược lại, làm cho người “bị” chăm sóc bực bội, khó chịu, thậm chí còn phát ốm nữa. Tỷ như, hai người bạn thân gặp nhau. Một bà nói: Tôi thấy dạo này chị hơi ốm à nhen. Sự quan tâm đó khiến người kia cảm động và tăng tình thân giữa hai người. Nhưng, nếu cứ gặp nhau lại nghe: Chị nên ăn thêm một chút, chứ tôi thấy chị hơi xanh đó. Hay: Chị đi bác sĩ xin thuốc bổ uống chưa? Coi bộ chị hơi bị sút cân đó. Trời! Cứ nghe riết như vậy, bà bạn kia không bị khủng hoảng, không bị ốm, cũng uổng cho “tình thương mến thương” của bà bạn.

Ông chồng đã mất của bà già, có lẽ, cũng nhức đầu vì chuyện, bà: Ông nhai cho kỹ, đừng nuốt vội coi chừng mắc nghẹn…Một lần không sao, nhưng cứ nhắc chừng như vậy. Dám nghẹn thiệt. Nhiều khi còn sặc. Không chừng có ngày chết vì đồ ăn mắc cổ. Đồ ăn mắc cổ vì nó có cục tức ở “trỏng”.

Tuy tác giả có mô tả nhiều chi tiết khiến cho ta nghĩ bà là một “bà già”, nhưng theo tôi thì bà vẫn còn chưa già lắm đâu. Vì bà còn tự làm bếp được. Tay bà cầm dao vẫn còn chắc, nên mới chặt được gà làm món gà rim và soup khoai tây. Tay không khỏe, chắc, chặt gà không chặt, chặt phải tay thì “đổ nợ”. Nếu vẫn còn sức, sao bà già không kiếm bạn để “chit chat” cho đỡ phải tâm sự cùng tấm ảnh. Hay bà quen thói, nói ông phải nghe, không được cãi lại, nên bà ngại nói chuyện với con cái, bè bạn, người quen. Bà sợ họ phản đối hay chê bai. Vì thế, cứ nói chuyện với ông cho chắc cú, dù rằng đó chỉ là bức ảnh.Gì thì gì, theo tôi, bà già đã mắc bệnh lẩn thẩn, bệnh nói một mình.

Do đó, cảm nghĩ thứ nhất của tôi qua câu chuyện bà già này là, nên chăng, ta chừa cho ta một không gian, nhỏ xíu xìu xiu cũng được, để ta không bị cầm tù trong cái cũi yêu thương mà chính tay ta dựng nên? Tôi đoán, nếu ông chồng biết được bà cứ lẩn thẩn nói chuyện với tấm hình của mình, chắc ông phải phát cáu la lên: Trời ơi! Chết rồi mà vẫn không yên?!!! Đúng thế, chúng ta nên để cho người quá vãng thật sự ngủ yên trong lòng nhớ của chúng ta. Không nên lôi họ dậy hằng ngày, hằng giờ để nghe ta tâm sự như bà già này. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nên chăng, ta tạo dựng cho mình những thú tiêu khiển, một nhóm bạn cùng sở thích, cùng vui với nhau?

Chuyện của bà nhắc nhở cho tôi, và có lẽ cho cả chúng ta, những người tuổi trên “6 bó” hay “7 bó” một điều: Nếu một ngày nào đó ta cứ lẩm cẩm, lẩn thà lẩn thẩn như bà già đó thì sao? Chỉ nghĩ không đã dựng tóc gáy rồi. Tương lai đó xám xịt như tình hình dịch Covid-19 đang bùng nổ mà vẫn chưa có vaccine hay thuốc chữa vậy. Dứt khoát ta không thể sống để suy nghĩ về cuộc sống, mà phải hòa mình, lăn lộn cùng cuộc sống. Tựa như, nếu cuộc sống là một dòng sông, ta phải nhảy tùm xuống. Bơi giỏi thì chỗ sâu, chỗ xa đều tới. Bơi dở hoặc không biết bơi, cứ quanh quẩn gần bờ, đứng ở chỗ không sâu, khoát nước lên cho ướt như người ta. Không đứng trên bờ làm quan sát viên, rồi lẩm bẩm một mình như bà già trong chuyện được.

Khi ta còn trẻ, còn khỏe, ta tâm niệm phải sống và cố gắng đối xử tử tế với những người thân quanh mình. Ta mong mỏi mình sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ. Và đồng thời cũng mong chờ nhận  được từ họ những điều tương tự. Khi chúng ta đã có tuổi, theo tôi, suy nghĩ của ta nên ngược lại. Chúng ta cố gắng đối xử thật tốt với mình. Chúng ta cần phải tử tế với mình. Hết sức tử tế với mình, từ miếng ăn, giấc ngủ, trang phục, giải trí v.v…Chúng ta làm được các điều này càng hoàn hảo bao nhiêu thì những người thân của ta càng vui và hạnh phúc bấy nhiêu. Thử nghĩ coi,  nếu con ta là những đứa biết nghĩ , có hiếu với cha mẹ, nó có đành lòng bỏ ta ở nhà một mình, để đi du lịch riêng lẻ với bạn bè, hay gia đình của nó hay không, khi nó biết là ta lẩm cẩm, rờ rẫm như bà già kia? Vì thế, khi ta thể hiện cho chúng biết ta có chúng bạn, có phường của riêng mình.Ta đang hòa mình cùng cuộc sống. Hít thở không khí và hoạt động như những người thật sự đang sống, dù tuổi đã 6,7 bó rồi, tôi đoan chắc rằng, con của ta rất vui, rất sung sướng. Bởi vì, ta đã cất đi gánh nặng cho chúng. Giúp chúng giải quyết được vấn đề hóc búa: Có được hạnh phúc riêng tư mà vẫn yên tâm về cuộc sống của cha mẹ. Chúng ta đã trao tặng hạnh phúc, niềm vui một cách tích cực, chủ động với người thân của ta, nhờ ta đối xử tử tế với chính mình.

Hạnh phúc không phải là trái cây tới mùa là có. Không phải là hoa tự nhiên mà nở, mà ngào ngạt hương. Nó, phần nhiều, do sự nỗ lực xây dựng, vun quén không ngừng của chúng ta. Chúng ta cám cảnh cho bà già trong truyện. Và ta lại tự hỏi mình, nếu như mình không chuẩn bị tinh thần, không nhắc nhở bản thân, không thay đổi suy nghĩ thì ai sẽ là người cám cảnh, xót xa cho ta đây?

Arizona, nóng dữ dội

8 tháng 8 năm 2020

Trịnh đình Nam

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229019 visitors (434123 hits) on this page!