01/7/2022
NHỚ VỀ THẦY VÀ BẠN BÈ NÔNG LÂM SÚC CẦN THƠ
Trong một năm qua trên trang Nông Lâm Súc Cần Thơ rất thường gần như hai ba tuần là có báo tin buồn quý Thầy hoặc đồng môn Nông Lâm Súc từ trần do già yếu bệnh đau.
Thật vậy đến nay quý Thầy Cô thì trên tám mươi còn các cựu học viên cũng trên dưới bảy mươi tuổi hết rồi cái tuổi " thất thập cổ lai hy " vẫn thường nghe câu : " Rồi thì ai cũng đi về đất ", biết vậy nhưng khi đọc báo tin buồn hay phân ưu, lòng vẫn thấy buồn, mất thêm một người thân quen .
Còn mấy tháng nữa các bạn "Ban Công Thôn" tổ chức Kỹ Niệm 65 Năm Thành Lập Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, nhiều kỹ niệm hiện về, nhớ đến các Thầy Cô nhớ bạn bè người còn người mất. Ba năm học từ 1966 -1969 rất nhiều kỹ niệm tại trường làm sao kể hết.
Trong bài viết nầy xin nhắc các Thầy Cô và các Anh chị bạn bè đã ra đi vĩnh viễn. Các Thầy Cô còn lại rất ít, trong quý Thầy đã mất tôi có nhiều kỹ niệm nhất là Thầy Trần Duy Nhiên dạy Pháp văn. Thầy rất trẻ, lớn chúng tôi năm sáu tuổi khi Thầy đến trường dạy thì chúng tôi học năm đệ nhất, Thầy sống rất gần gũi hòa mình với học trò, đa số học viên từ các tỉnh khác đến học xa nhà ở trọ, thời gian đầu Thầy thường đến thăm để tìm hiểu cảm thông cuộc sống, với ba anh em chúng tôi Châu Vỉnh Khương, Nguyễn Minh Hải và tôi Thầy rất thân thích. Thầy kể về cuộc đời của Thầy là mồ côi được nuôi dạy trong chủng viện cho đến ngày tốt nghiệp đại học, lúc còn là sinh viên Thầy phải làm thêm nhiều công việc vất vả để có thêm tiền chi phí. Thầy nói chuyện lưu loát rất thu hút cãm tình người nghe. Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ là nhiệm sở đầu tiên, được trường cấp nhà ở, Thầy mới lập gia đình chưa có con, ở nhà phía trước văn phòng ( nơi gia đình Thầy Lê Quan Hồng ở trước đây), buổi tối khi rảnh Thầy Cô qua nhà chúng tôi ở ngang trường trò chuyện, lâu lâu Thầy Cô và vài bạn nữa cùng nhau đi qua cồn Khương chụp hình, mua bắp, dưa hấu, dưa gan...ăn tại chổ tùy theo mùa. Rất là thân tình Thầy xem như gia đình gọi anh em tôi là " mấy đứa " hoặc " "đứa nào ". Cô là công chức làm ở phòng Thuế vụ ngang rạp chiếu phim Huỳnh lạc không biết lái xe, khi Thầy bận giờ dạy không rước được Thầy hỏi Khương, Hải, Tâm " đứa nào" rảnh lấy xe honda của Thầy đi đón Cô giùm, nghe rất thân tình.
Năm đó ra tờ báo xuân Hải và tôi nhờ Thầy đến Công ty Rượu gần Cầu Cái khế để Thầy gặp Giám đốc người Pháp, xin quãng cáo cho tiền in, hai người nói tiếng Pháp, Hải và tôi rất thán phục và mừng vì số tiền giúp cũng nhiều. Khi rời khỏi trường không có dịp gặp lại Thầy cho đến khi nghe tin thầy mất trước năm 2000.
Thầy Lê Hiền Lương vừa mất mấy tháng nay, Thầy chạy xe Herley Davidson có vẻ bụi đời. Thầy là mẫu người thích hoạt động, sốt sắn, vui tính và bình dân. Thầy chỉ phụ trách dạy lớp tôi có mấy giờ Thực hành nông trại môn Súc khoa rồi thôi.Tuy nhiên tôi có vài kỹ niệm với Thầy.
Hè 1967, tôi tham dự trại công tác hè do Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện của trường tổ chức, mượn trường Tiểu học Bình thủy cho trại viên ở để đi công tác trong vùng xung quanh. Thầy Lê Hiền Lương có đến thăm và ở lại sinh hoạt họp trại ban đêm, anh Nguyễn Thanh Hổ làm Trại trưởng và vài trại viên như chị Phan Thị Lượm, bạn Đổ Thị Xinh, Lý Văn Be, Nguyễn Văn Bé ... ở Cần Thơ nên tối về nhà, tôi Trại phó và Lê Văn An ,Thư ký và chừng hai mươi bạn nữa ở lại trại, tôi tường trình công việc đã thực hiện được, Thầy truyền lại kinh nghiệm trong việc chọn các thí điểm làm cầu qua sông rạch, làm chuồng trại kiểu mẫu, chọn nơi canh tác lúa, hoa màu ...để phổ biến kỹ thuật cho người dân biết và làm sau nầy nhằm tăng năng xuất. Ban đêm Thầy ở lại trại anh em lo ngại không có mền cho Thầy, Thầy chỉ cho cách lấy tờ báo quấn quanh thân mình rồi mặc áo lại ấm suốt đêm. Anh em làm thử xem, ấm thật.
Nghe tin các Thầy Lê Quan Hồng dạy Lâm học, Thầy Ngô Lộc dạy Thực hành Ngư nghiệp, Phan Kỳ Lân dạy Thực hành Công thôn, Thầy Huỳnh Văn Phiếm dạy Thực hành canh nông, Thầy Nguyễn Văn Thướt dạy Sử địa cũng đã qua đời.
Các anh lớp trên tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện rất thân quen trong lúc đi công tác Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện hoặc chơi thể thao hay các sinh hoạt của trường biết tin đã qua đời:
Trước nhất anh Phạm Văn Sánh học cùng lớp với anh Võ Thanh Nghi, chil Trần Thị Trong. Anh Sánh đã mất tháng 12/2021.
Tôi không biết gia đình anh Sánh di cư từ Bắc đến quê tôi vào lúc nào, tôi chỉ nhớ lúc được bảy tám tuổi đi học chung lớp năm với Ngô em anh Sánh, anh Sánh học lớp cao hơn tại trường Tiểu học ở Nước Trong, anh em anh Sánh gọi Ba tôi bằng cậu Sáu tôi gọi Má anh Sánh bằng cô Ba, hai gia đình thân thích cho nên tôi không có chọc ghẹo anh em anh Sánh "Bắc kỳ" như những đứa khác chọc. Gia đình anh nghèo, ba mẹ bán cháo lòng ở chợ nuôi con đi học. Anh học giỏi thi đậu vào trường công lập Cái bè, anh chơi bóng chuyền rất hay, vui tính nói chuyện thường hay cười, mắt sáng. Anh Sánh là người hướng dẫn tôi đến ngành Nông Lâm Súc. Năm 1966 xong đệ tứ, anh nạp đơn cho 3 người là Ngô em anh, Nguyễn Văn Lượm ở gần nhà và tôi thi vào NLS. Lúc đó tôi chưa biết gì về NLS, anh đem phiếu báo danh về mới biết kỳ thi tại trường Phan Văn Trị Sài gòn, đậu rồi học Cần thơ.Anh đã tìm chổ ở trọ đầu tiên, ở chung với anh Nguyễn Văn Nhơn học lớp đệ nhất CN và anh Lâm Phước Đức đệ nhất MS. Phòng học lớp đệ tam MS và đệ nhất CN cùng ở từng trệt gần nhau tôi thường đến gặp anh nên biết được thêm nhiều anh học CN. Năm học đệ nhất anh được một gia đình gần trường Tân Văn cho ở trọ và anh dạy kèm cho mấy đứa con chủ nhà. Anh học sư phạm đi dạy và làm hiệu trưởng trường NLS Bến Tranh Tân Hiệp. Tháng 7/1975 anh từ Thân cửu nghĩa chạy xe đạp đến đình Tân lý tây, Tân hiệp thăm bảy tám anh em ở chung chợ Hòa khánh đang tập trung chờ vào trại cải tạo khi ra về anh hẹn tháng sau gặp lại, nhưng mấy năm sau tôi về thì anh không có ở Hòa khánh nữa và không gặp lại. Khi hay tin anh mất tôi gọi điện thoại về quê hỏi thăm về các em của anh thì mới biết 3 đứa em trai kế anh đã qua đời các em còn lại đã đi nơi khác.
Anh Nguyễn Văn Mừng học trước tôi 2 năm cùng ban Mục súc, biết anh lần đầu tiên nhờ đi công tác cuối tuần trong Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện, anh nhiệt tình tham gia các sinh hoạt của trường, anh là thụ ủy liên danh ứng cử Ban Đại Diện học viên tranh cử với anh Nguyễn hữu Minh lớp ICN, Anh rời trường 1967 là trong số người trở lại trường NLSCT đầu tiên năm 1969. Cuối học đệ nhất hướng dẫn lớp tôi giờ Thực hành Nông trại, có bạn hỏi bây giờ gọi là anh hay thầy, anh cười cười. Anh mất cũng lâu nhờ qua lần nói chuyện điện thoại với anh Huỳnh Thiện Chánh cùng lớp với anh cho tôi biết.
Anh Huỳnh Văn Mến cùng lớp với anh Sánh, đến hè 1967 anh đi công tác hè chung, tôi mới biết suốt mùa hè đó tôi anh rất gần gũi cùng ở lại trại tôi phụ trách phó Ban Điều hành trại anh Trưởng ban Canh nông công việc hằng ngày càng thân thích hơn, đúng là dể mến anh rất hiền, nói chuyện chậm rãi, dứt khoát. Anh cũng học Sư phạm NLS.
Bạn Nguyễn Văn Lượm cùng đi thi với tôi nhưng không đậu năm sau thi lại đậu vào NLSCT vừa mất năm 2020 tại quê nhà Cái bè.
Còn một số anh chị học cùng thời gian đó, tôi biết nhưng không có tiếp xúc thường, đã qua đời như các Anh Phạm Văn Sem, Âu Thanh Tâm, Hà Thế Tạo, anh Phước (không nhớ họ - anh em còn gọi Phước Cabot Loge), Trần Gia Bửu, Hồ Văn Diên, Nguyễn Thế Đạt và chị Trần Thu Tâm.
Riêng lớp MS ( 1966 -1969) ba người bạn thân 3 năm cùng lớp học vui đùa chọc phá nhau cũng đã từ trần mới đây :
Bạn Phạm Lục Hòa, nhiệt tình rất vui tánh, một nhóm trò chuyện chung một hồi thế nào Hòa cũng có một câu chọc móc 1 bạn nào đó, nói một cách tự nhiên có duyên, tiếu lắm, đi học thường đeo kính đen trông đạo mạo lắm. Chia tay nhau 1969 đến 2015 gặp lại . Phạm Lục Hòa, Châu Vỉnh Khương, Ngô Ngọc Ánh ở Cần thơ, Nguyễn Hồng Măng, Nguyễn Hữu Phúc từ Mỹ tho hẹn gặp tại quán nhậu ở Cần thơ chờ Nguyễn Minh Hải và tôi từ Biên hòa đến. Vừa gặp nhau là chọc tôi liền. Xong bửa đó, ngày sau do Hòa đề xướng và đi chợ mua thức ăn, nhậu tại nhà Ngô Ngọc Ánh lộ 20, ngày sau nữa Hòa lo việc thuê xe cho anh em đi Saigon họp mặt nhân dịp Thầy Hà Văn Mới ở Úc về VN. Hòa luôn sốt sắn lo cho bạn bè khi còn khỏe Hòa vận động bạn bè gởi tiền giúp cho bạn Nguyễn Trung Chánh ở Vỉnh Long và Trần Nam ở Sóc trăng bị bịnh không ngờ chưa được một năm sau thì Hòa từ trần 2 bạn kia vẫn khỏe cho đến ngày nay.
Bạn Trần Hữu Lễ cùng ở chung nha trọ với Nguyễn Hữu Phúc Nguyễn Minh Hải, Nguyễn Văn Lượm và tôi. Lễ thường bày chuyện đùa giởn chọc bạn bè. Nhắc đến Lễ, kỹ niệm nhớ không bao giờ quên: năm anh em ở chung cùng nấu ăn, buổi chiều hết gạo Phúc đi mua gạo Lễ ở nhà lấy thể học viên của Phúc để trên bàn, Lễ lấy tấm hình anh bảy Chà trên hộp kem đánh hiệu Hynos cắt vừa bằng dán chồng lên tấm hình trong thẻ, khi Phúc đi về đến trước cửa Lễ cầm thẻ nói: Ê Phúc thằng nầy làm mất thẻ biết nó không cho nó hay " Phúc nói:" Đưa coi tên gì " Lễ mở thẻ ra Phúc nhìn thấy hình Hynos đen xì, tên họ Nguyễn Hữu Phúc. Phúc đang cầm bịch gạo giận quá liệng xuống đường mương trước nhà gạo sình ướt chiều đó 5 thằng cùng nhịn đói luôn.
Năm 2015 gặp lại nhau tại bửa nhậu tại nhà Ánh nhắc lại chuyện đó anh em cười chảy nước mắt. Lúc Lễ học sư phạm NLS tại Saigon ở trọ gần Cầu Thị nghè, Nguyễn Minh Hải và tôi đang học quân trường cuối tuần về phép đều đến chơi với Lễ. Khi tôi phục vụ tại phi trường 31 Bình thủy kế trường NLSCT tôi có đến trường gặp Lễ và Lễ cũng vô phi trường thăm tôi. Tôi với Lễ rất nhiều kỹ niệm. Lễ cũng mất rồi ở Ô Môn.
Trần Đại Thắng là em chị Trần Thu Tâm, MS, Thắng nói chuyện chậm rãi, hiền học sư phạm, tôi nhìn được Thắng trong trang NLSCT có hỏi thăm qua lại được mấy lần thì Thắng mất.
Nguyễn Thanh Lương học chung một năm đệ tam MS thi nhảy đậu tú tài I sau khi rời trường NLSCT theo học Quốc gia hành chánh sau 1975 qua Mỹ tốt nghiệp Bác sĩ đã mất hơn một năm nay .
Hơn năm mươi năm rời mái trường chia tay Thầy Cô bạn bè, có người còn sẽ còn dịp gặp nhau. Những giồng chữ nầy để tưởng nhớ và cầu mong cho linh hồn quý Thầy Cô, bạn bè được yên nghĩ nơi cõi bình an vĩnh hằng.
Lê Minh Tâm
Cựu học viên NLS/CT
Tác giả; Anh, Chị Lê Minh Tâm (Úc Châu)
|