Truyện ngắn
CÂY VÚ SỮA
Nguyễn Thị Mây
-------X-X –-------
Bà Út để búa xuống, đưa tay quệt mồ hôi trên trán. Cái gốc cây vú sữa vậy mà cứng quá chừng. Mỗi ngày, bà chỉ chẻ được một ky củi từ gốc cây nầy thì đã lã mồ hôi, đau cả lưng. Mà hổng cứng sao được, nó lớn tuổi còn hơn bà nữa. Ba của bà trồng khi về đây lập nghiệp. Lúc đó, má bà mới có bầu chị hai của bà rồi đến bà. Năm nay bà năm mươi tuổi chứ ít ỏi gì.
Khi cầm búa giáng xuống nó, bà buồn đứt ruột. Vì muốn cứu con Thanh, con của chị hai bà khỏi cảnh nợ đòi ngày một, bà phải bán cây vú sữa. Lúc người ta cưa cây, bà tưởng như cưa ngang trái tim bà. Chịu không nổi, bà phải làm bộ đi chợ để không thấy cảnh cây vú sữa ngã xuống. Bà đạp xe vòng vo tới tối mịt mới về. Tới cửa thấy trống hoét. Người ta đã đem nó đi mất còn trơ lại cái gốc như một cái ghế đôn. Bà khóc nức nở.
Tội nghiệp con Thanh, nghe bà khóc, nó luýnh quýnh, chạy ra chạy vào như gà mắc đẻ, hổng dám lại gần bà, sợ bà mắng bất tử, sao tánh bà nóng nảy quá! Mà hổng nóng sao được ! Từ nhỏ bà đã khổ vì bị mẹ ghẻ hành hạ. Má bà mất mới nửa năm thì ba bà đem về một người đàn bà khá đẹp. Nhưng bà ta dữ như chằn, ham ăn như quỷ, ích kỷ không ai bằng. Bao nhiêu trái cây trồng trong vườn, bà ta không cho ai rớ. Ăn không hết, bà ta bắt hái xuống đem bán. Bà Út ghét lắm nhưng không dám nói. Một đêm nọ, ăn trộm tới hái sạch sành sanh mấy trái nhãn đầu mùa. Mừng quá, bà ra miếu ông Tà sau nhà lạy cảm ơn. Ông Tà quả là có mắt. Thấy điệu bộ bà dì ghẻ lăng xăng đi cớ làng, cớ xã mà tức cười. Hai chị em, mỗi người đứng một góc, mặt nào, mặt nấy tươi hơn hớn. Tới chừng biết tốn tiền thưa gởi mà không bắt được . Bà ta về nhà lôi hai chị em bà ra đánh về cái tội “ có của mà không biết giữ “. Đây là lần đầu bà cảm thấy bị đòn mà vui.
Chị hai bà bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của “ con tim “, để bà ở lại chịu đựng đòn roi. Bà mẹ ghẻ trúng gió lăn đùng ra chết. Tưởng đến đây là thoát nợ. Ai ngờ chị hai trồi về, cất nhà gần đó, buôn bán nuôi con. Bà Út chưa từng thấy ai yêu chồng bằng chị mình. Thương còn hơn thương cha. Có món gì ngon là để dành cho chồng. Chiều chiều , chị làm đồ nhắm cho chồng nhậu. Đáng lẽ anh hai phải quí chị lắm. Đằng nầy anh lằng nhằng với mụ hàng cá. Phải chi mụ ta đẹp không nói làm gì, ở dơ thấu trời, lại gần tanh rình. Ghen quá, chị hai khóc ngày khóc đêm. Khi chồng bỏ đi, chị phát bệnh, được một tháng thì theo ông theo bà. Để lại con Thanh cho bà nuôi.
Lớn lên, con Thanh khổ y hệt mẹ. Học xong cấp ba, hổng lo tìm việc làm mà chỉ lo yêu. Thằng chồng nó hiền nhưng chẳng biết làm ăn gì ráo. Một mình con Thanh quơ quào kiếm sống. Nó làm chủ hụi. Người ta giựt , nó chỉ biết khóc. Còn thằng chồng đi ra thở ngắn, đi vào thở dài. Bà chịu không nổi. Tính ra nợ của nó cũng không nhiều lắm. Thôi thì bán cây vú sữa với mấy món đồ cổ, té ra bốn chỉ vàng cho nó trả dứt nợ. Bà buồn lắm nhưng biết làm sao? Hổng lẽ để cho nó khổ rồi nó cũng bệnh chết như mẹ nó.Vả lại, bà cũng muốn quên kỷ niệm, quên người đàn ông đã làm bà rung động. Ai cũng tưởng bà khó khăn, không biết yêu. Không đâu. Bà có phải là gỗ đá đâu. Bà mắc cỡ đó thôi. Bà không cho ai biết cái thời vàng son của bà.
Năm bà mười chín tuổi, ai cũng khen bà trổ mã con gái. Má ửng hồng, mắt xanh biêng biếc. Có mấy anh lảng vảng trước cổng rào … Nhưng bà chỉ để ý anh chàng chạy xe lôi. Mỗi lần đạp xe ngang nhà, anh ta bấm chuông inh ỏi cho bà ngó ra. Còn anh ta thì cuối gầm mặt hổng dám ngó lên. Vậy mà hay ghê ! Anh ta làm quen được với ba của bà. Ông đã mời tới nhà nhậu. Một hôm, sau khi lai rai chút đỉnh, thấy bà bẻ vú sữa, anh bảo:
Để tui bẻ cho! Cô leo lên cao, tui lo lắm!
Không đợi bà trả lời, anh ta tót lên cây. Đứng dưới đất, bà tức cười gần chết. Không lo coi trái nào chín mà chỉ lo nhìn bà hoài, bẻ gần chục trái sống nhăn. Ông già tiếc quá la um sùm. Chắc tại mắc cỡ, anh lụp chụp thế nào lại té xuống đất. Đầu đập vô cục đá, u một cục bằng trái chanh, đứng dậy đi cà nhắc, cà nhắc. Bà ráng hết sức mà không nín cười được. Ôi, cái cười vô duyên ấy như một câu chế giễu không đúng chỗ đã làm anh ta không trở lại nữa. Bà chờ mãi đến giờ.
Thôi thì bán cây vú sữa đi! Vừa cứu nhỏ cháu vừa quên đi người cũ. Còn lại gốc, bà cũng chẻ làm củi phức cho rồi, như chặt tận gốc những buồn đau đã đeo đuổi bà từ thời thanh xuân đến khi đầu bạc.
Bà bưng thúng củi chất ra sân phơi nắng. Rồi mai mốt, bà sẽ đốt nó ra tro. Bấy giờ, chắc lòng bà sẽ thanh thản. Bà không còn lại gì hết. Kỷ niệm, tiền bạc, … Mọi thứ sẽ biến thành tro tàn. Có còn, chỉ là những giọt nước mắt của bà, của con Thanh, đêm đêm rơi âm thầm.
Tranh minh hoạ của hoạ sĩ Thái Học Sinh.