Tây An cổ tự
24/07/2023


TÂY AN CỔ TỰ


Đào Dũng Tiến

Biên cương thuở ấy nhiều ly loạn

Rừng núi xa xôi giặc đủ trò

Dân mến mộ và tin đạo pháp

Chi bằng tạo một kiểng chùa cho.

Từ đó Tây An là tâm địa

Hội người đi mở cõi quê hương

Ban đầu chỉ gọn tranh tre lá

Nhưng Phật vàng luôn ngự chánh đường.

Hải Tịnh thiền sư dòng Lâm Tế

Đạo phong oai võ bậc tăng cang (*)

Mở lòng ra đón chân Pháp Tạng

Bửu Sơn có chốn để hành tàng.

Đứng ở cửa thiền pho tượng lạ

Bồng con như chuyện Kính Quán Âm

Nhưng không, đó là một công án

Sách tấn chư tăng luôn trừng tâm.

Chuyện xưa có một chùa, sư cả

Từ lúc đồng nhi đã xuất gia

Nên biết trước, đêm kia viên tịch

Phật cho thị giả rước về nhà.

Chúng đệ tử buồn luôn mấy bữa

Riêng người tín nữ dưới cô thôn

Mới sanh con nhỏ nhiều bận bịu

Đêm cuối lên chùa tiễn sư tôn.

Sư tôn đắc đạo từ lâu lắm

Mọi chuyện trần tâm biết rõ ràng

Riêng cái đó của người phụ nữ

Một đời sư có hiểu dọc ngang!

Lỡ lên Phật hỏi, làm sao đáp?

Chẳng lẽ quay về lại tiếp tu

Ôi ngán ngẩm cho hằng sa số kiếp

….

Ở nhà đứa bé đói đêm khuya

Nhớ mẹ nên cha bứt rứt lòng

Khoát chiếc áo choàng bồng con đứng

Cổng chùa sương lạnh thấm qua vai.

Ôm con khóc sanh lòng từ mẫn

Thương mọi hài nhi ở kiếp người

Ngay lúc đó hào quang phát sáng

Do lòng từ không chút tư tâm.

Ngay lúc đó tràng phan bảo cái (**)

Sứ Như Lai đến đón người hiền

Trong chùa tối mịt âm u quá

Chỉ có tam quan ánh sáng loà.

Sứ giả rước thường nhân đi mất

Và sư đành…phải đợi chuyến sau.

….

- (*) tăng cang: (僧綱): tên gọi một vị tăng quan chuyên giám sát giới luật của tăng ni cũng như quản lý ngôi chùa lớn nổi tiếng.

- (**) tràng phan bảo cái: phướn, dù, lọng…  trong chùa hoặc đạo tràng mang ý nghĩa bảo hộ và che chở Tam Bảo, tiêu trừ ma chướng.

…….

?. Chùa Tây An

Chùa Tây An còn gọi là Chùa Tây An Núi Sam, là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi Sam (nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Có thể là ngôi chùa Phật xưa nhứt ở miền Tây, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết về chùa Tây An như sau: Chùa ở địa phận thôn Vĩnh Tế, huyện Tây Xuyên, nguyên Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) Doãn Uẩn cho xây dựng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Chùa đứng trên núi, mặt trước ngó ra tỉnh thành, phía sau dựa vào vòm núi. Tiếng người vắng lặng, cổ thụ âm u. Cũng là một thắng cảnh thiền lâm vậy.

Có bài viết nói rằng chùa được Tổng đốc Nguyễn Nhật An cho xây dựng từ năm 1820, Minh Mạng nguyên niên. Thông tin nầy phải xem xét lại, vì ở triều Nguyễn chức tổng đốc chỉ có từ năm 1832 và trong suốt triều Nguyễn không có tổng đốc nào tên Nguyễn Nhật An. Bài báo cho biết chùa cất từ năm 1820 có thể đúng vì năm 1847, khi tổng đốc Doãn Uẩn cho xây dựng lại, có nói là xây dựng kiên cố trên nền chùa xưa tre lá, đặt tên là Tây An Tự với hàm ý một miền Tây an bình.

Vị sư trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Tăng cang Nguyễn Văn Giác (1788–1875), pháp hiệu Hải Tịnh, tu theo phái Lâm Tế, đời 37, nên có người còn gọi chùa Tây An là chùa Lâm Tế, trụ trì từ năm 1847 - 1875

2. Thiền sư Minh Khiêm - Hoằng Ân, thế danh Nguyễn Nhất Thừa, trụ trì từ năm 1875-1893.

3. Hòa thượng Như Nghĩa - Huệ Quang, thế danh Nguyễn Trang Nghiêm, trụ trì từ năm 1893-1902.

3. Hòa thượng Như Đắc - Thuần Hậu, thế danh Huỳnh Văn Đắc, trụ trì từ năm 1902-1911.

4. Hòa thượng Như Hòa - Thiện Pháp, thế danh Ngô Văn Hòa, trụ trì từ năm 1911-1913.

5. Hòa thượng Như Mật - Bửu Thọ, thế danh Nguyễn Thế Mật, trụ trì từ năm 1913-1972.

6. Hòa thượng Hồng Hùng - Huệ Châu, thế danh Hồ Thạch Hùng, trụ trì từ năm 1972-1983.

7. Hòa thượng Hồng Trực - Thiện Ngọc, thế danh Phạm Văn Trực, trụ trì từ năm 1983-1990.

8. Hòa thượng Hồng Cung - Huệ Kỉnh, thế danh Trần Văn Cung, trụ trì từ năm 1990-2012.

9. Từ 2012 đến nay, giai đoạn nầy có sự đặc biệt là chùa có viện chủ là hòa thượng Thích Huệ Tài (thế danh Nguyễn Văn Ly) và trụ trì là thượng tọa Thích Thiện Thống, phó CT HĐTS GHPGVN, trưởng BTS GHPGVN tỉnh An Giang, có lẽ vì vậy mà trụ trì đời thứ 10 được kể là..

10. Hoà thượng Nhựt An - Thiện Thống (thế danh Nguyễn Văn Ninh), trụ trì từ 2012…

..

Lịch sử Tây An cổ tự còn gắn liền với hành trạng của Đức Phật thầy Tây An, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Học giả Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm cho biết, Đức Phật thầy chánh danh là Đoàn Văn Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), tức năm Gia Long thứ 6. Ông quê ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc. Căn cứ những ghi chép của tác giả, hành trạng của Đức Phật thầy có nhiều huyền tích như việc bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn nhỏ; chuyện ông một mình kéo cây da bị trốc gốc che chắn lòng sông, chặt sậy, làm cỏ, đêm đến lại quét lá da để nấu nước uống, hay chuyện trừ bệnh dịch cứu dân lành…

Duyên nghiệp của Đức Phật thầy với Tây An tự, theo hoà thượng Thích Thiện Thống thì sau khi ông Đoàn Văn Huyên quy tập tín đồ thành lập Bửu Sơn Kỳ Hương tại cốc ông đạo Kiến ở Chợ Mới, chánh quyền sở tại nghi ngờ ông tập hợp lực lượng chống đối lại triều đình nên “mời ông về” giam ở Châu Đốc 3 tháng, sau đó buộc ông “muốn tu thì đến chùa Tây An mà tu hành”. Chùa Tây An giai đoạn này do ngài Minh Khiêm Hoàng Ân (thế hệ 38 Lâm Tế chánh tông) - đệ tử của hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh trụ trì. Song do mối quan hệ mang tính nguyên tắc, ông Huyên chỉ đồng ý thỉnh hòa thượng Tiên Giác đến làm lễ xuất gia cho ông và đặt pháp danh là Minh Huyên, pháp hiệu là Pháp Tạng…

Do xuất gia bất đắc dĩ nên dù ở chùa Tây An nhưng ông Đoàn Minh Huyên vẫn thường trở về các trại ruộng, tiếp tục tập hợp tín đồ xiển dương Bửu Sơn Kỳ Hương. Thời gian này ông đã xây các ngôi chùa Thới Hưng, Thới Sơn… và mở mang trại ruộng cho tín đồ. Khoảng 7 năm sau đó ông qua đời, nhưng vì “lý do an ninh” chánh quyền sở tại đã không cho các đệ tử của ông chôn cất ở vùng trại ruộng mà buộc phải di về chùa Tây An an táng. Hiện ngôi mộ của Đức Phật thầy tọa lạc bên phải, phía sau ngôi cổ tự. Mộ không nấm, không tháp theo di huấn của ông. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cũng đã xây dựng một long đình phía sau ngôi mộ để tăng thêm vẻ tôn nghiêm.

Ở cổng tam quan chùa Tây An có dựng một pho tượng người đứng bồng con nhỏ.

Các tài liệu cho rằng đây là tượng Quan Âm Thị Kính. Chuyện nầy cũng hợp lý.

Tuy nhiên ông Hồ Hữu Tường (1910-1980), một chánh trị gia, học giả, nhà báo, nhà văn… nổi tiếng trong và ngoài nước có kể một câu chuyện khác. Tôi tin những gì ông Tường kể vì ngoài uy tín cá nhân, có lần ông bày tỏ nguyện vọng năm 60 tuổi sẽ về tu trong một ngôi chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, do đó chắc chắn ông có đến thắp hương mộ đức Phật Thầy và tìm hiểu chùa Tây An.

Căn cứ vào nét mặt pho tượng và tấm áo choàng khi ông Tường quan sát, ông cho rằng đó là một người đàn ông, tấm áo choàng là của một người phụ nữ và ông nhận định đây là pho tượng được đúc lên theo một câu chuyện trong kinh Phật: mà tôi đã hết sức thích thú viết thành mấy dòng thơ thẩn bên trên.

.

Chùa Tây An bây giờ rất đẹp, trang nhã và thanh tịnh, tuy luôn có đông người bái viếng. Đặc biệt là phong lan trong chùa. Treo dài theo các lối đi, treo quanh mộ tháp… Đâu đâu cũng là phong lan, khéo chăm sóc, tốt xanh um.

Rất tiếc hôm tôi ghé chưa tới kỳ bông nở nên không thưởng thức được mùi thơm.

Đành hẹn dịp sau.

Cuối tháng 7/2023

  Đào Dũng Tiến















 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 245634 visitors (461470 hits) on this page!