Chuyện tình của mẹ (P3)
27/5/2021

          CHUYỆN TÌNH CỦA MẸ TÔI.F3

    Khi ông "Ba tàu" nghe các con kể lại nỗi vất vả mười mấy năm qua khi cùng mẹ lang bạt nhiều nơi kiếm sống, cũng may là có ông Cha dượng thương yêu nuôi nấng như những người con ruột thịt (các anh kêu Cha dượng bằng cậu, anh tư thì kêu bằng Ba) nếu không có sự đùm bọc của ông thì 4 mẹ con không biết sẽ sống ra sao giữa thời ly loạn...

  Vậy là ông "Ba tàu" về Chợ Cái vồn, ông xin lỗi Ngoại chuyện vừa qua và hứa sẽ bù đắp cho mấy đứa nhỏ có tương lai tươi sáng hơn. Ông và Mẹ tôi gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu chuyện tình giữa ba người.

Ông nói với người chồng sau:

- Tôi chân thành cảm ơn anh đã ra tay nghĩa hiệp cứu vớt vợ tôi và mấy đứa con, nhờ anh mà tụi nhỏ được ăn học đàng hoàng, thật lòng tôi cảm ơn và nể phục anh vì chưa có người đàn ông nào mà thương yêu con riêng của vợ chẳng những một mà tới ba đứa. Nếu không có anh thì chắc gì tụi nhỏ được học hành.

Ông đưa cho Mẹ một số tiền và nói:

- Còn bà... đi coi chỗ nào gần chợ mua miếng đất rồi kêu thợ cất cái nhà mà ở, thiếu đủ gì cho tôi hay tôi sẽ đưa thêm. Phần anh Chín (Người chồng sau của mẹ thứ Chín trong gia đình tên là Chín Mậu) chiếc xe lôi anh thuê của người ta tôi trả tiền mua luôn cho anh rồi. Anh đừng ngại... coi như tôi bù đắp cho anh những ngày tháng anh chăm sóc dạy dỗ các con tôi.

   Có tiền, Mẹ tôi qua khóm 3 mua miếng đất của một ông thầy Pháp và cất lên căn nhà ngói ba gian đúng chuẩn những ngôi nhà của hạng giàu có thời đó.

Ngày Mẹ có căn nhà mới ông chồng sau ít khi vô nhà, ông thường ngủ lại ở bến xe cầu sắt Đông thành. Ông nhậu nhiều hơn chắc vì biết không giữ được người đàn bà của lòng mình.

Một hôm, ông nói với mẹ:

- Bà nhắn ông chồng bà về tôi có chuyện cần nói với ổng.

Khi ông "Ba tàu" về Bình minh, ông chồng sau ngồi nhâm nhi bên ly rượu đế (ông ba tàu thì không uống rượu chỉ uống trà) ông nói với ông chồng trước:

- Thú thiệt với anh Hai... tôi cũng không ngờ anh là một người quân tử, anh biết tôi và vợ anh ăn ở với nhau mười mấy năm anh không trách mà còn đối xử với tôi thâm tình như vậy. Hôm nay tôi mượn ly rượu này kính anh một ly... và xin thề thằng Chín Mậu này kể từ ngày hôm nay sẽ trả vợ lại cho anh, tôi và bả ăn ở với nhau hơn chục năm nhưng không có con cái gì nên bây giờ trả vợ lại cho anh cũng là thuận theo ý trời.

Ông Ba tàu nâng ly trà thay ly rượu nói:

- Tôi trân trọng lời nói của anh nhưng tôi không dám quyết định. Tùy vợ tôi, bả tính sao cũng được. thú thiệt là ngày tôi bỏ ra đi là vì buồn chuyện bà già vợ la chứ tôi với vợ tôi có lời qua tiếng lại nào đâu.

Mẹ tôi thì mắc cỡ chạy vô buồn nói:

- Tui cũng không biết, hai ông tính sao thì tính.

Chiều hôm đó ông "Ba tàu" lên xe đò về Sài gòn còn ông chồng sau cũng gom đồ bỏ đi.

Sau đó ông chồng sau đăng ký đi lính Địa phương quân, vì có thành tích là sỹ quan Hòa hảo nên ông được làm Trưởng đồn ĐPQ trên lộ 16 từ Ba càng về quận Tam Bình.

Vài tháng sau thì Mẹ tôi có Bầu, bà giật mình khi biết đứa con trong bụng là của ông chồng sau, vì bà và ông chồng ba tàu chỉ tái hợp trên danh nghĩa thôi chứ chưa động phòng thì làm sao mà có bầu được?

   Đúng là trớ trêu, hai ông bà ăn ở với nhau 13 năm không có con bây giờ chia tay lại dính bầu. Không biết Mẹ tôi có bầu ông chồng sau có vui hay không chứ ông Ba Tàu mừng hí hửng ông về chăm sóc bà từng ly từng tí mặc dù ông biết đứa nhỏ không phải là con của mình.

Khi mẹ sanh nhằm ngày 14 tháng giêng năm Mậu Tuất 1958 đứa nhỏ đó là tôi . Bà người anh tên là Văn, Minh, Kiên... nên tôi được ông ba"Chệt" đặt tên là Trung.

Mặc ai nói vô nói ra ông chỉ cười và nói:

- Người ta nuôi 3 đứa con tôi mười mấy năm ơn như trời như biển, nếu tôi nuôi con người ta cũng có sao đâu. Cá trong giỏ là cá mình.

   Từ đó, tôi là cậu "Út cưng" trong gia đình. Mỗi lần mẹ dẫn lên Sài Gòn thăm ông Ba Chệt tôi muốn gì được nấy. Viết Pilot, Paker trong cặp lúc nào cũng mấy chục cây. Ba Chệt thương tôi như người con ruột... xóm giềng trên Sài Gòn không ai biết tôi là con riêng, đi đâu ba cũng dắt tôi theo, thích món gì ổng cũng mưa. Ông dạy cho tôi nhiều thứ, ông dạy cho tôi sau này lớn lên ra đời sống phải trung thực & không tham lam của chủ, ăn cây nào rào cây nấy.

Trong nhà thì mấy ông anh và Ba nói tiếng Hoa với nhau, 4 tuổi tôi đã đọc được báo, nói được mấy câu tiếng Hoa thông dụng nên tôi là cục vàng của Ba Chệt tôi ngày đó.

   Tôi lớn lên trong vòng tay của người Cha Dượng , mới 5 tuổi bước ra đường đã áo bỏ trong thùng và mang toàn giày hiệu nổi tiếng mua ở Sài gòn.Tiền thì không cần xin như mấy đứa trẻ khác, Ba để sẵn lúc nào cũng đầy hộp tiền muốn xài cứ lấy bỏ đầy túi chút trở về thì thấy tiền đã đầy hộp trở lại (loại hộp thiếc đựng bánh) .

Tôi thì đâu biết gì, lớn lên trong vòng tay yêu thương của Mẹ, của Ba ,Tôi lớn lên muốn gì được nấy, chưa đi học đã biết đọc biết viết nên ai cũng thương, 4 tuổi theo mẹ đi Sài Gòn thăm ba đã biết cầm báo đọc . Ông Ba tôi (ông Ba tàu) vui lắm, ông dạy cho tôi biết những chuyện xưa tích cũ, những cách đối nhân xử thế của con người, và quan trọng nhất là làm người lúc nào cũng phải Trung thực. Tôi học thuộc rất mau nên ông mừng lắm, đi đâu cũng dẫn tôi theo và ngõ ý muốn đưa thằng Út lên Sài Gòn học ở trường Hoa kiều .

Mẹ tôi dể gì chịu xa thằng Út . Mỗi tháng Mẹ lên Sài Gòn thăm Ba một lần, tôi mắc việc học hành nên đâu theo Mẹ hoài được vì vậy mà năm 8 tuổi khi mẹ đi vắng tôi đã ở nhà một mình và tự nấu cơm ăn món ăn đầu tiên là... hột vịt luộc.

Năm 6 tuổi vô lớp Năm A của ông Thầy Nguyễn văn Thâu một ông thầy vui tính học sinh rất mến thầy. Khi làm khai sinh anh Hai (Chệt Văn) làm khai sinh cho tôi là Trần hớn Trung. Nhưng Mẹ tôi cương quyết không chịu. Bà nói là :

- Thằng Út là con của ông Chín. con nhắn ổng về làm khai sinh cho nó lấy họ Bùi của ổng.

   Ông chồng sau hay tin mừng lắm nên về làm khai sinh cho tôi mang họ Bùi. Vì vậy khi vô lớp học tôi mang họ Bùi trong khi 3 ông anh đều mang họ Trần. ( Có điều tôi phải nói là khi trả Mẹ tôi lại cho ông Ba tàu Ba tôi khi về thăm hay mượn dẫn tôi về Nội chơi không bao giờ Ba bước chân vô nhà. Ai hỏi thì Ba nói : Tôi vô ra tới tay anh Hai tội nghiệp cho bả)

   Từ đó tôi có hai người cha. Một ông hàng ngày nuôi tôi, dạy dỗ cho tôi từng chân tơ kẽ tóc lại là ông Cha dượng, còn Cha ruột thì tết mới về xin phép Mẹ dẫn tôi về Quê Nội ở Phù ly mà tôi thì biết Phù ly là chỗ nào?

Hỏi Mẹ tại sao con có 2 người cha. Mẹ chỉ nạt rồi nói:

- Ba nào cũng Ba , con nít hỏi mần chi. Lớn lên con sẽ biết..

Vậy là tôi có hai Ba. Một ông Ba tàu và ông Ba Việt .

   Ông Ba Việt là người con thứ Chín của Bà Nội nhà ở đầu Vàm Phù ly kế nhà Bác Sáu Giỏi làm việc ở xã Đông Thành. Bác Sáu từng bị 2 người bên Cách mạng đến tận nhà tuyên bố tử hình bác nhưng xui sau mà cả 2 ông Sát thủ đều bắn... trật. Bác Sáu khi thập tử nhất sinh đã bay qua cái hàng rào cao 2m2 giăng kẽm gai dông mất.

Một lần nhậu với Ba tôi, Bác khoe sợi dây cà tha ở thắt lưng có bùa phép gì đó mà đạn bắn không trúng.

Ba tôi thách:

- Bây giờ anh có giỏi thì bay qua cái hàng rào lại cho cha con tui coi thử.

Bác Sáu cười vang và nói:

- Bay cái con khỉ ... lúc đó chạy sảng nhảy đại một cái là qua tuốt bên kia bây giờ mụ nội tao cũng không nhảy được.

Một năm Ba dẫn tôi về quê Nội một hoặc hai lần, tôi chỉ biết Bà Nội tôi Thứ hai (Ông Nội mất khi tôi chưa ra đời ) người con thứ hai của Bà Nội là Bác Hai Dò. Mỗi lần gặp tôi là ông cười kha khả và nói:

- Chào thằng chệt con... thằng chệt con nó dìa nè tụi bây ơi...

Người Bác thứ Sáu là Bác Sáu Thoại. Tiếng cười Bác sang sảng và có vẻ Bác thương tôi hơn Bác hai. Mỗi lần gặp tôi Bác hay khoe mấy cây gậy làm bằng cây tre điếc, cái gốc cây khắc thành đầu con rồng. Bác làm công phu vậy nhưng chỉ cho bạn bè không bán.

   Ở chung với Bà nội có cô thứ Tám cô có tật ở bàn tay trái chắc vì vậy mà cô không có chồng, tối ngày cô quanh quẩn bên nội, gặp tôi cô hay dẫn tôi ra vườn nội hái trái cây mà vườn nội rông mênh mang đủ thứ cây và trái: Tre , trúc, tầm vông mấy chục bụi nên mỗi lần tôi về cô Tám xắn cả chục cái mụt măng xiên bằng dây làm bằng vỏ tre cô nói:

- Con cho cô gởi về cho mẹ con ăn lấy thảo với cô, con chịu khó mang về ăn không hết thì cho bà con lối xóm, mình thơm thảo như vậy người ta cũng vui.

Cô cũng hay kể chuyện về Mẹ, cô nói cô thương Mẹ, Phải chi mà thằng Chín gặp Mẹ con sớm sẽ hay biết bao nhiêu. Lúc đó thì danh chánh ngôn thuận và không ai kêu con là thằng Chệt con.

Cô còn khoe:

- Ngày đầu tiên Ba con dẫn Mẹ con về đây lúc Bà nội đâu có biết Mẹ con đã có ba đứa con nên Bà nội mừng lắm muốn thử tài con dâu nên nội sai Mẹ con làm nửa con cá lóc kho tiêu, nửa con rộng lại mai làm.. Làm cá cách đó thì dễ lắm . Nhưng Mẹ con cứ loay hoay vì không biết làm sao với Con cá còn sống nhăn như vầy mà làm nửa con chừa lại nửa con? Cô thấy tội nghiệp quá nên mới chỉ cho Mẹ con cách làm nửa con cá, mình cắt khúc đuôi từ sau cái rún Con cá, tuy hơi ác nhưng phần đầu nó vẫn sống nhăn, lấy khúc đuôi làm gì làm cái phần đầu nó vẫn sống.

   Ba còn người em gái thứ 10 còn gọi là Cô Út, Cô có chồng cách nhà Nội chừng 1 cây số, Dượng Út có chiếc ghe hàng chở trái cây từ Trà ôn đi bán khắp nơi, Dượng hay mặc bộ đồ bà ba trắng. Tánh tình hào sảng ăn nhậu mà có Dượng thì rôm rả lắm.

Cô Út gặp tôi hay cho tiền, tuy chỉ là vài đồng nhưng tôi vui lắm, chỉ cái là Cô hay ăn trầu như Bà Nội nên tui hơi ớn khi gần Cô.

   Cô nhiều con lắm, thằng bằng tuổi tôi cũng là con trai Út của Cô, Cô đặt tên Út Hiền vài năm sau ra một đứa nữa đặt tên Út Hậu, rồi Út Nữa, Út Hết, Út Thôi... thiệt tình chưa thấy một gia đình nào có nhiều Út đến như vậy.

  Bà Nội thì hiền lắm, Bà cũng thương tôi nhưng Bà trách là : Ba mày sau mà ngu quá bao nhiêu đứa con gái đẹp không thương lại thương con Mẹ mày. Đúng là quạ nuôi tu hú, bây giờ thằng chồng Ba tàu giàu có về rồi phải trả vợ lại cho người ta đúng là làm trò cười cho thiên hạ.

   Bà cũng hay dặn tôi đừng có ra phía sau nhà Bác Hai vì Bác Hai có người con trai bị con quỷ một giò ở phía sau vườn nhập. Một lần tò mò ra coi thử gặp tôi anh nhe miệng cười le lưỡi nhát trên tay thì cầm nguyên sợi dây xích dài kêu loảng xoảng tôi hoảng hồn vía chạy trối chết.

(Sau đó Bác Hai rước được ông thầy nào trên Bảy núi xuống mới trị được con quỷ một giò và từ đó anh con trai của Bác hết bệnh luôn.)

   Ba ruột mỗi năm dẫn tôi về quê Nội hai lần, một lần ngay ngày mùng 3 Tết và ngày giỗ Ông Nội . Chiều mùng 4 tết Mậu Thân (1968) Ba ruột tôi bị một cú bắn tỉa từ cây mù u cách đồn hơn 100 mét , không tải thương được vì năm đó là năm Tổng tấn công các nẻo đường đều bị cách mạng bao vây.

Tối đêm mùng 4 tết, Ba tôi được 2 người gạc đờ co mở đường máu bằng cách bỏ ông nằm trên chiếc xuồng ba lá chất đầy lục bình lên và kéo tới chợ Ba càng (xã Song phú Quận Tam Bình) nhưng tới chợ thì Ba tôi cũng chết vì mất máu (vết đạn bắn trúng sát bọng đái).

   Xác Ba được đem để trước nhà lồng chợ Ba càng từ mùng 5 tết tới mùng 10 mới đem chôn sau khi anh Hai nhờ người bạn Cố vấn Mỹ xin 2 chiếc trực thăng hộ tống mở đường, vậy mà chỉ đem chôn sát đầu lộ 16 cách chợ Ba càng hơn 100m.

Tiền tử của Ba nội lãnh được hơn 4 ngàn đồng bà cho tôi 1 ngàn rưởi, phần còn lại Bà nói để dành làm mã cho Ba nhưng rồi Bà nội bệnh nên chưa kịp làm.

Số tiền Nội cho Mẹ dẫn tôi mua một chiếc xe máy đầm và một cái đồng hồ lên dây thiều hiệu Standa.

   Sau đó vài năm thì Bà nội cũng mất bà hưởng thọ 93 tuổi, đất vườn đất ruộng chia đều cho mỗi người con cháu mang họ Bùi là 5 công vườn 5 công ruộng , vườn thì đa số trồng bưởi 5 Roi còn ruộng mỗi năm chỉ làm một mùa là đủ ăn, tuy là con trai độc nhất của Ba nhưng các Bác không chia cho tôi một chút gì hương hỏa của họ Bùi. Mà thiệt tình lúc đó tui là "thằng Chệt con" nhà cao cửa rộng thì cần gì đất với ruộng?

   Năm 1972, ông Ba Chệt của tôi cũng bỏ đi về cõi vĩnh hằng vì bệnh đau bao tử. Hai người Ba của tôi bỗng chốc bỏ tôi đi , thế là tôi chỉ còn níu vào vòng tay yêu thương của Mẹ . Mẹ nói với tôi:

- Mẹ đã dành riêng 5 cây vàng cho Út cưng sau này cưới vợ...

   Vậy là kể từ năm 1972 không còn nguồn viện trợ của ông Ba tàu, Mẹ tôi bán căn nhà của Ba Chệt trên Sài Gòn về dở bỏ căn nhà ngói và xây lại căn nhà đúc xây tường đổ lăng xê ngang 5 mét dài 19 mét bề thế sát vách cái Lò heo Bình minh. Mẹ trở lại nghề bán bánh cam để có tiền nuôi tôi đi học. Rồi Mẹ lại phát cái bệnh đau bao tử giống ba (Ba Chệt thì ngày nào cũng đi Taxi vô Chợ lớn hốt thuốc bắc ở nhà thuốc Thiên Địa Nhân trên đường Phùng Hưng của ông chủ người Hoa), nhưng mẹ tôi phát đau lúc mới giải phóng nên mua thuốc đau bao tử họa hoằn lắm chỉ mua được hộp thuốc Thái Điền, mà thuốc đó chỉ cầm cơn đau chứ không trị dứt bệnh, còn lại Trạm y tế xếp hàng cả buổi chỉ mua được mấy bịch xuyên tâm Liên thì đâu có trị được bệnh bao tử ? Mẹ ráng cầm cự, số vàng để dành cho thằng út cưới vợ cũng từ từ mà bay đi hết . Đến ngày 21 tháng tám âm lịch năm 1976 mẹ tôi chết vì kiệt sức, lúc đó tôi cũng vừa học xong lớp 12.

   Đến năm 1978 căn nhà của Mẹ người anh kế kêu người lại bán (vì anh nói nhà này là tiền của Ba anh ấy không phải là của Ba của tôi) anh được 19 cây vàng, xong anh thuê chiếc ghe chở đồ đạc về quê vợ ở An giang, cái tủ sách tôi quý như vàng được anh đem bán ve chai.

Có lẽ sợ tôi đói nên anh gởi lại 3000 đồng nhờ Dì Út đưa cho tôi mỗi ngày 10 đồng. Nếu như vậy thì chưa được một năm thì tiền cũng hết...

   Vậy là mới bước sang 18 tuổi cuộc đời một Cậu ấm như tôi bao nhiêu thằng bạn trang lứa từng mơ ước bỗng chốc chuyển sang một trang tối đen trở thành một kẻ vô gia cư phải bỏ xứ ra đi tận tới bây giờ .

   Mãi đến mùa Thanh Minh năm 2016 sau 48 năm ngày Ba mất tôi quyết định về làm lại ngôi mộ cho Ba. Một chàng lãng tử liều mạng bỏ cả thời trai trẻ nhảy vô hốt ổ nuôi con người khác. Chuyện tình của Mẹ tôi đầy ngang trái và duyên phận đưa đẩy sao mà hai người chồng của Mẹ đều nuôi " con người ta" và cả 2 ông đều là những người Cha Dượng Tuyệt vời phải không các bạn. /.

(Hết)

Bùi Trung.

( Tiếp theo mời các bạn đón xem : "Những người con của Mẹ " )

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229086 visitors (434292 hits) on this page!