Những người muôn năm. . .
25/ 11/2023

      NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ CỦA XỨ VĨNH BÌNH

 

   Xứ Vĩnh Bình những năm 60 của thế kỷ trước vẫn chưa có vườn nhiều. 70, 80% đất đai là ruộng. Đường lộ xe chạy từ Chợ Lách đi Vĩnh Long, ngoài mấy chỗ đi qua chợ xã, còn lại rất thưa thớt nhà cửa, xa xa mới có một cụm vườn. Ngó ra hai bên đường luôn gặp những cánh đồng. Đứng ở lộ Ngang có thể thấy thông thống tới lộ Mới.

   Ruộng cấy lúa mùa địa phương, cứ thấy lúa trổ là biết Tết sắp tới nơi. Lũ học trò nhỏ không biết chuyện ruộng nương, thì chiều tan học về, đạp xe ngang nhà ông Hai Lưu cũng biết ngay là sắp Tết hay chưa.

   Nhà ông Hai ở dưới chùa Hoà Hưng một đổi, ngang vườn ông Ba Huệ. Ngôi nhà nằm giữa đồng. Hình như trước đó chỉ là một cái gò trong ruộng, ông lấy đất gom lại thành một nền cao, rộng chừng 2 công làm miếng vườn trồng dừa và vài cây xoài rồi cất nhà. Ông đắp một con lộ đất, ngang chừng 3m, dài khoảng 150- 200m, nối thẳng từ góc vườn ra lộ xe.

   Quanh năm trên con lộ đó, ông không trồng gì hết, để sạch bon. Đến khoảng giữa tháng 10 âl, ông xuống hai hàng vạn thọ thẳng tắp hai bên mé. Chỉ nhìn miếng vườn nhỏ của ông, ngôi nhà và con lộ, biết ngay ông là một người kỹ tánh. Có lần gặp ông làm cỏ ngoài bờ lộ xe, tôi có cảm giác là ông không làm cỏ mà đang bằm chúng nó. Ông trồng cái gì cũng tốt. Nhìn đám ruộng của ông bắt mê. Mấy cây dừa buồng trái đeo dầy bịt, không một tàu khô nào còn dính lại trên cây và hai hàng vạn thọ tạo ra một khung cảnh vừa đẹp lại vừa sang.

Bây giờ cảnh đẹp đó không còn nữa.

   Những người kỹ tánh và khéo tay như ông Hai Lưu, ở Vĩnh Bình ngày xưa nhiều lắm. Tôi nhớ chú Tư Đắt có trại mộc ở góc cửa chợ. Chú đẹp người và luôn vui vẻ. Mỗi lần có dịp ghé trại mộc của chú là tôi mê mẩn. Từng món dụng cụ của chú: cây cưa, cán búa, vỏ bào …đều bóng loáng, thanh mảnh, mỹ thuật. Đồ chú đóng cho khách cũng vậy, đường nét thanh tú, chăm chút. Không ô dề nhưng rất chắc chắn. Hồi xưa ba tôi đặt chú đóng cho tôi cái bàn ngồi học, hơn 60 năm rồi mà vẫn còn y như mới. Chú làm cái gì cũng chậm rãi và khoan thai nhưng dứt khoát. Mũi đinh đóng khoá các mộng cây cũng vậy, luôn mất vào bên trong, chỉ còn một lỗ nhỏ, đánh véc ni là mất luôn, liền lạc.

Tiếc rằng hình như chú không có người nối nghiệp.

   Phụ nữ có cô Sáu Huề. Cô có nghề làm bánh bông lan giòn đi kèm bánh buche Noel. Những chiếc bánh nhỏ xinh xinh trên điểm bông hoa đường hàm tiếu đủ màu sắc, cái bánh kem bông lan mềm có vỏ màu nâu như khúc cây, bắt những đường vân xanh vàng duyên dáng luôn được khách hàng ưa thích.

   Ngày xưa chưa có lệ làm sinh nhật nhưng ai có đám cưới đám hỏi đều đặt bánh của cô, quanh năm suốt tháng. Cô sắm sẵn những hộp bánh tròn bằng thiết mỏng, nắp kiếng. Ổ bánh làm xong, cô lót những cọng rơm giấy đủ màu sắc dưới đáy hộp, đặt khúc bánh buche vào giữa rồi chất các chiếc bánh bông lan nhỏ vây quanh. Nhìn thôi đã thấy đẹp, ngon, và sang trọng.

Nghề của cô giờ cũng thất truyền.

   Nhắc đến những người năm cũ của đất Vĩnh Bình mà tôi không nhắc tới bà mụ Tư thì thiệt là thiếu sót rất lớn. Quê bà ở Long Thanh - Vĩnh Long, theo chồng đi kháng chiến, học nghề hộ sinh ở trường y khu 9, năm 1955 ông bị bắt vì chánh quyền nghi ngờ nằm vùng, nhưng chỉ bị giam giữ một năm vì không có bằng chứng. Ông ra tù, hai ông bà về xứ Ngang Dừa, ông mở lớp dạy học, bà lập nhà bảo sanh tư. Được mấy năm gia đình gặp chuyện buồn nên chuyển về Vĩnh Long. Năm 1960, bà mở nhà bảo sanh ở xã Vĩnh Bình và chánh thức lấy tên là nhà bảo sanh Cô Mụ Tư.

   Nhà bảo sanh Cô Mụ Tư chỉ có 4 giường sản phụ và luôn có khách. Dĩ nhiên vì ở thôn quê, bà chỉ nhận những ca sanh thường. Ca nào tiên liệu khó khăn thì bà khuyên chuyển lên bịnh viện tỉnh. Coi vậy cũng ít trường hợp chuyển đi, một phần có lẽ do phụ nữ thời đó lam lũ, vận động nhiều nên có sức khỏe và sanh dễ. Cũng không ít những lần nửa đêm bà được rước đi đỡ đẻ tại nhà cho những bà đau quá đi không nổi tới nhà bảo sanh.

   Có thể nói không ngoa rằng 80 - 90% những người tầm 45 tuổi trở lên ở đất Vĩnh Bình được đón vào đời trên hai bàn tay nâng niu của bà.

   Và vinh hạnh làm sao, tôi là con của bà mụ ấy.

….

Những ngày cuối năm, người xa quê nhớ những chuyện xưa ngồi chép lại, xin tặng những ai đang uống trà ban sớm.

• Tháng 11/2022

Đào Dũng Tiến





https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 228953 visitors (434006 hits) on this page!