07/4/2021
Tùy bút của Nguyễn Thị Mây
NHỚ NẮNG XUÂN XƯA
Đó là cái nắng thời thơ ấu trên khoảnh sân hẹp nhà xưa. Mãi đến giờ, cái nắng chật vật, hiếm hoi ấy đọng lại trong tôi nỗi nhớ da diết khôn nguôi.
Nhà tôi quay về phía mặt trời mọc. Thế nhưng chưa bao giờ dược tận hưởng cảnh bình minh phía chân trời. Bởi cái “kho rượu Bình Tây” án ngữ mặt tiền. Bên hông phải là ngôi nhà cao tầng của chủ một xí nghiệp bán vật liệu xây dựng. Bên trái là tiệm cơm bình dân cũng cao ngất ngưỡng. Chỉ có phía sau giáp mí với nhũng căn nhà lá lụp xụp. Nhưng lại có rất nhiều cây trồng. Nào là cây gòn, cây xoài, cây mít của láng giềng. Tuy đứng cách xa nhau nhưng chúng cũng tạo nên một bức tường thiên nhiên lọc nắng trên cao. Vì vậy, cả xóm quanh năm mát rượi. Chỉ trừ trưa xế, lúc mặt trời trên đỉnh đầu rồi chênh chếch về tây, nắng mới lọt vào sân, len qua những chậu cây cảnh, đỗ lên nền xi măng trước thềm những vệt sáng ngộ nghĩnh. Có những bóng nắng tròn như quả trứng gà lay động không ngừng. Có những vệt nắng dài ngoằn như con rắn cứ nhích dần tới chỗ khác. Có những khoảng nắng hình vuông như mặt bàn sáng chói lọi. Và, cũng có những quầng sáng nhìn chẳng biết hình gì. Dù vậy, cả nhà đều mong đợi nắng.
Ông ngoại đợi nắng về để phơi đầu lân vừa tô màu và cái đuôi vải mới dán tua hoặc cái lưỡi… có râu lòng thòng, bạc phếch. Ngoại tôi vốn là một nghệ nhân tạo hình đầu lân, sư, rồng. Những ngày mùa đông hiếm nắng lại là những ngày ngoại thèm nắng. Nắng giúp cho “tác phẩm” của ngoại hanh khô, sắc sảo. Nó càng đẹp sẽ càng có giá. Vì vậy, nắng như người bạn đỏng đảnh trêu ngươi, vờn quanh giấc mơ ấm no của ngoại.
Bà ngoại cũng… thèm nắng. Bà ngoại cần nắng để phơi khô những chiếc gối đẫm nước mắt khóc thầm của mẹ. Những ngày cuối năm, bà muốn nỗi buồn bốc hơi bay đi bằng cách đặt những cái gối lên trên một cái xịa lớn rồi xê dịch chúng theo bóng nắng. Chốc chốc, bà chạy ra trở mặt gối như người ta đang nướng một cái bánh phồng. Khi nó nhẹ tênh, bà lại rưng rưng, lầm bầm: "Thằng bội bạc đã bỏ đi theo con khác rồi. Nhớ làm chi không biết nữa! Suốt ngày chạy chợ, đêm không chịu ngủ, cứ giọt ngắn giọt dài… Thiệt tình!”
Còn chị hai tôi thèm nắng thực tế lắm. Khi gió chướng phất qua, chị bắt đầu ra bến tàu, chỗ có những chiếc ghe bán chuối neo lại. Chị tôi chọn mua những nải chuối xiêm béo ụ, vỏ vàng ươm đem về… lột bỏ vỏ, ép thành miếng mỏng tròn xoe, đặt lên cái xịa nan tre rồi bắc thang trèo lên mái nhà để phơi chuối ép. Nếu nắng tốt, chuối mau khô, vàng suộm, tươm mật rin rít. Chúng sẽ được xếp chồng lên nhau, đặt vào cái lọ thủy tinh to tướng chờ Tết đem ra đãi khách. Nhưng nếu mặt trời tinh nghịch chệch qua nơi khác, nắng nhợt nhạt thì xịa chuối chèm nhẹp. Chị cứ phải trèo lên, tuột xuống để tìm nắng. Đến là khổ! Chị cứ chắp tay, ngửa mặt lên trời:” Lạy trời cho nắng thật già!”
Tôi cũng thèm nắng. Chỉ để che dù. Tôi có cây dù bé tẹo lợp tán bảy màu. Từ ngày tôi dùng cán dù quất vào mông thằng Hải khi nó ỷ lớn đè thằng Phong nằm dài trên sân trường rồi tát túi bụi, ngoại không cho che dù đi học nữa. Cây dù chỉ được phép giương lên trong sân nhà. Vì vậy, tôi đuổi theo bóng nắng với cây dù trên vai. Tôi thích xoay tít cán dù. Lúc đó, nắng lấp loáng như chóng mặt nên bảy màu chập choạng vào nhau thành một màu trắng sữa tuyệt đẹp. Lâu lâu, tôi nghiêng tán dù cho nắng rơi tòm xuống đất rồi lại hất nắng lên, chạy tới, chạy lui… như khùng. Vui đáo để! Thấy vậy, thằng Phong, đường đường là con ông chủ vật liệu xây dựng mà lẻn qua nhà tôi rồi chạy lúp xúp một bên. Nó bảo giỡn nắng là vui nhất. Tôi thường bỉu môi chê nó xạo, nắng ngoài đường thiếu gì sao không ra đó giỡn mà cứ chui vào cái tán dù tí nị. Nhe răng sún ra cười, nó bảo tớ chỉ thích nắng trong nầy thôi cơ!
Gia đình tôi chuyển nhà lên thành phố. Ngôi nhà mới nằm sát lề đường. Ra khỏi cửa, nắng hất vào mặt rát rạt. Cả nhà lại than nắng ở đâu mà lắm thế!
Ngày qua ngày! Tháng qua tháng! Năm qua năm! Nắng chảy tràn làm sạm màu da, làm phai màu tóc, làm khô héo những giấc mơ. Bây giờ, cứ mỗi khi tàn đông, trong tôi lại dấy lên cơn thèm nắng. Nắng dịu dàng, ngọt lịm trên khoảnh sân nhà cũ xuân xưa.
N.T.M (Trà Vinh)
Hình do Nhà báo Lãng Thanh chụp cho Nguyễn Thị Mây và nhà Thư pháp trẻ Nguyễn Bình Thuận vào tết năm 2020.
|