24/5/2021
NHỚ VỀ THẦY CÔ...
Ngày đó, thường đến giờ môn học vẽ, môn học nhạc là lớp ồn ào, mất trật tự.
Thầy giáo Quang, dạy môn vẽ, người ốm yếu, nói chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Không hầm hè, hăm he như các thầy cô khác...Vậy mà, đã xoay chuyển lớp tôi lập lại trật tự, biết thương yêu, giúp đỡ nhau...
Thầy kể, lớp thầy dạy có trò Tí, thường thưa với thầy bị các bạn chọc phá vì cái đầu trọc lóc của nó. Thầy giải thích,Tí bị ghẻ lở phải cạo đầu để bôi thuốc, chứ không phải là " thầy chùa lửa " như các bạn trong lớp trêu ghẹo. Còn với Tí phải mạnh dạn lên, khi vào lờp học, tự tin hét lên :" đầu trọc vào lớp, nè.Các bạn biết chưa ?"
Mình có khuyết điểm, đừng mặc cảm, mạnh mẽ nói ra...để không còn ai đó kiếm cớ trêu chọc.
Trong lớp học, có bạn tên Sự. Một cánh tay bị liệt,xụi lơ...Hậu quả cơn sốt bại liệt lúc nhỏ.Tay trái còn lại yếu ớt, chỉ dùng khi cần thiết. Sự rất mặc cảm, tránh xa các trò chơi ở giờ nghỉ. Nhưng đặc biệt, Sự viết chữ, nét vẽ rất đẹp, hoa mỹ. Thầy Quang bảo chúng tôi giúp bạn chuyện làm vườn rau,trồng cây xanh ở trường. Còn Sự được đặc cách ghi ngày tháng, môn học, ngày đó lên bảng đen...Chúng tôi cũng phụ họa đưa phấn màu xanh, đỏ cho Sự trổ tài rồng phượng.
...Năm 1969, sau khi đỗ Tú Tài 1 hạng BT, tôi được nhập học lớp 12 trường Công lập Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên). Từ trường xã, lên trường tỉnh, tôi không khỏi thích thú, bỡ ngỡ... Tháng sau, tôi theo gia đình, lại chuyển trường lên Sài Gòn học ở trường Mạc Đĩnh Chi ( Q6 ). Từ 1 học sinh trường làng, bước vào 1 trường lớn Đô thành tôi không tránh khỏi mặc cảm tự ti cố hữu. Những buổi chào cờ ở sân trường, tôi cúi đầu nhìn chân mình coi có còn dấu phèn đồng ruộng? Xem cái quai hậu đôi săn đan đã thít chặt sao cái gót chân vẫn lỏng lẻo, vậy?
Hôm đó, cô giáo dạy môn Triết, vào lớp hỏi ngay :
-Lớp này, có em nào tên... ( Tâm Nguyên )?. Mấy lớp kia, không có, nhưng sao có bài làm của em đó, lạ nhỉ ?
Tôi rụt rè đứng dậy.
-Sao các câu hỏi bài kiểm tra em không làm?... Còn bài luận của em, em viết đặc biệt lắm.
-Em vừa chuyển trường từ Long Xuyên lên, nên không theo kịp bài giảng của cô
-Thầy dạy triết của em ở trường TNH tên gì ?
-...thầy Đỗ Bưởi ( xin lỗi, lâu quá nếu tên thầy không chính xác)
-Thôi được,...để cô đọc bài luận văn của em cho cả lớp nghe
Tôi ngồi xuống, cả người như đóng băng, nghe nhịp thở dồn dập..
Hết giờ học, bạn Hoàng A ( trưởng ban Văn nghệ ) đến bẳt chuyện với tôi. Đặt hàng cho số báo Xuân của lớp 12b2. Bạn tâm sự, mình tranh thủ viết cái gì đó...qua Tết bận bịu chuyện thi, rồi tứ tán không còn chung học nữa.
Hè năm đó (1970), sau buổi thi TT môn Triết, Theo lời dặn chúng tôi ghé nhà cô, để " báo cáo " chuyện làm bài thi cho cô mừng. Theo địa chỉ cô cho: cô Bùi Thị Mạnh, phu nhân BS TR. Giám Đốc BV Nhi Đồng ( SG)...
Sau này, quãng năm 1980, tôi đưa thằng con ( 2 tuổi), vào cấp cứu ở BV Nhi Đồng này, tôi nhìn về chỗ công thự, nơi cô Mạnh một thời sinh sống ( trong khuôn viên BV )...Tôi biết rằng, cô và gia đình không còn ở nơi đó nữa
Mỗi khi có dịp đi trên đường Lý Thái Tổ, hoặc có khi ăn phở Tầu Bay, tôi nhớ,ở đó có cô BTM đã từng " nhặt " tôi lên, để tôi xóa đi mặc cảm thằng học trò nghèo, quê mùa. Nhờ vậy, tôi đã cố gắng vươn lên theo nhịp sống đô thành.
Người ta nói : nghề giáo là "kỹ sư Tâm hồn".
Tôi là một cục sắt xù xì, được các Thầy Cô gọt dũa, trui rèn thành chiếc bánh răng, được xếp đặt vào guồng máy Gia Đình và Xã Hội.
Tâm Nguyên
|