Tùy bút:
BẾN ĐỖ
Chiều. Bầu trời ảm đạm, xám xịt những áng mây bập bềnh trôi trên những tàn cây bạch đàn rũ lá. Tượng đài “Tổ quốc ghi công” đứng thẳng, chọc trời, lặng lẽ, trang nghiêm, xa vắng!
Dưới đó là hàng hàng lớp lớp những nấm mồ liệt sĩ . Nơi nghìn thu yên nghỉ của những người con anh hùng của đất nước. Bốn bức tường trắng toát, âm thầm ngăn cách đồng cỏ hoang tàn, vàng úa bên ngoài. Xa xa, những mái nhà nhấp nhô, chạy dài theo hai bên đường đất nâu sẫm, ngoằn ngoèo.
Bên trái nghĩa trang, một dòng sông chảy vắt ngang phố huyện. Nó thản nhiên luồn lõi, lăn tăn vỗ sóng dưới gầm cẩu rêu mốc bám đầy. Trên dòng nước đục ngầu, vài ba chiếc thuyền con xuôi ngược. Bên kia cầu là chợ huyện. Một cái chợ độc đáo: Chợ chiều! Chợ nhóm buổi chiều. Còn buổi sáng, ở đó buồn tênh như ngôi nhà vắng chủ.
Bên phải nghĩa trang là một cánh đồng. Lúa hè thu xanh rì, lả lơi theo chiều gió lượn. Không có bóng người lom khom bắt sâu, nhổ cỏ mà thấp thoáng cánh cò chấp chới tìm mồi. Chẳng biết xuất phát từ chỗ nào, một cánh diều vi vút, ưỡn ẹo, lắc lư, lạc lõng trên vòm trời buồn bã, nặng nề.
Đó là bức tranh hoành tráng, thê lương mà thân thuộc vô cùng của ba tôi. Nơi ông chọn làm bến đỗ của dòng đời đã xế.
Ba tôi tạm trú trong một túp lều con ở phía sau Phòng Giáo dục huyện, đối diện với nghĩa trang liệt sĩ, cách một con đường trải nhựa. Dù không ai thuê, ông vẫn để mắt trông chừng những căn phòng xám xịt, nền gạch loang lổ. Vào những ngày nghỉ, trông chúng như khu nhà thờ bỏ hoang từ lâu lắm. Hai hàng Bạch Đàn ủ rũ, ngậm ngùi phất phơ những chiếc lá bàng bạc, xanh xanh. Chỉ cần con chó mực sủa lên một tiếng , ba tôi đã bươn bả chạy tới, đảo một vòng quanh đó, thở phào, nhẹ nhõm khi thấy ổ khóa còn nằm trơ trên cánh cửa vàng nhợt nhạt. Ông in trí rằng những quyển sổ dầy cộp, mấy cái tủ hồ sơ, vài cái bàn, một cái máy đánh chữ cũ kĩ, lỗi thời, một quạt máy cánh sờn nhạt …vẫn còn nguyên!
Dù không ai thuê, ba tôi cũng trồng một hàng huệ trắng, mấy bụi cúc vàng, vài ba cây phù dung hoa đỏ… để làm đẹp nơi nầy. Ông yêu cái phòng Giáo dục nghèo nàn nầy vì yêu chúng tôi, những đứa con sống bằng nghề dạy học. Ba tôi muốn điểm tô cuộc sống lam lũ bằng những giọt mồ hôi thầm lặng.
Dù không ai thuê, chiều nào, ba tôi cũng băng ngang lộ, đánh một vòng quanh nghĩa trang liệt sĩ. Ông quét lá vàng bay lạc vào , nhổ những cây cỏ dại ngơ ngác bò lên lối đi lót gạch. Đôi khi ông nghẹn ngào nhìn một người phủ phục trước mộ bia, mặt úp vào đôi bàn tay, hai vai gồ lên run rẩy theo tiếng nấc. Trước khi đêm tràn ngập chốn cô quạnh, ba tôi đốt một bó nhang, cắm vào bình hương của từng ngôi mộ. Những sợi khói mỏng mảnh , hoà quyện vào nhau, cuống quýt bay lên như những linh hồn chiến sĩ rủ nhau đi hái những vì sao nhấp nhánh ẩn hiện phía chân trời.
Ba tôi bằng lòng với công việc không ai thuê đó. Mà dù người ta có thuê, ba cũng từ chối thù lao. Ba sống bằng tiền trợ cấp của Sở TB-XH dành cho một người lính thương tật . Ai cũng lấy làm lạ và ái ngại cho ông. Người ta chẳng hiểu rồi ba tôi sẽ vượt qua khó khăn bằng cách nào!
Có lẽ hiểu lòng ba tôi chính là những đồng đội , các liệt sĩ đã yên nghỉ trong nghĩa trang nầy. Ba tôi đứng vững bằng trái tim người lính. Trái tim nhân ái, bao dung và cao thượng. Ông yêu cuộc sống mà ông đã ra sức bảo vệ. Ông trân trọng những con người đã thật sự hy sinh cho mọi người. Và ba tôi hy vọng, biết đâu, một trong những nấm mồ khuyết danh ở cuối góc nghĩa trang kia chính là ngôi mộ của một người mà ba yêu quí nhất đời, đã mất tích. Người đó là mẹ tôi!
NGUYỄN THỊ MÂY