29/6/2022
Phóng sự & Ký sự
LẠC ĐƯỜNG TRÊN NGŨ HỒ SƠN
Đi ngang núi Két mấy lần, thấy tấm bảng ghi: “Đường lên Núi Dài 5 Giếng. Điện Thầy.”
(hình 1).
Tui nghĩ trong bụng, chắc cũng phải sắp xếp một ngày đi lên đó coi.
Núi Dài Năm Giếng thì không còn xa lạ gì với khách du sơn quan tâm tới miền Bảy Núi.
Rằng đây là ngọn núi cao thứ 4 trong Bảy Núi, với đỉnh 265m và vòng chân khiêm tốn, chỉ 8.751m. Tên chữ của núi là Ngũ Hồ Sơn, nằm trên địa bàn xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Rằng sở dĩ núi có tên nầy vì trên đỉnh có một mặt bằng không cây cối, gọi là Vồ Đầu, có 5 giếng nước nhỏ hình hơi bầu dục, diện tích mặt giếng chỉ tầm 2 m2. Điều đặc biệt là 5 giếng nầy, ngay trong mùa khô hạn cũng không cạn nước!
Rằng ngày xưa, Thái Thượng Lão Quân một lần vân du trần thế, ngồi nghỉ chân ở đây. Khi đứng dậy, Ngài bấu tay vào tảng đá để lại dấu 5 ngón tay của Ngài.
Rằng chuyện hợp lý ở chỗ, trong 5 giếng có 3 giếng lẻ và 1 giếng đôi. Một trong cái giếng đôi giống đầu ngón cái đang hướng vào 4 giếng kia.
Rằng chỗ 5 Giếng có ngự một Điện Bà, gần đó có Điện Thầy và Điện Năm Ông.
Nhiều chuyện hấp dẫn như vậy nên tui cũng quyết làm một cuộc, không dám nói là vân du, để tận mục sở thị.
——
Đường lên núi hẹp, ngang chừng 2 m, có chỗ chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe honda chạy chậm qua mặt nhau. Không ngoằn ngoèo như một số đường lên núi khác nhưng nhiều dốc. Được tráng xi măng nên cũng dễ đi miễn là máy xe còn mạnh chút. Có đoạn đường xuyên qua một dãy vách đất dày, cao tầm 2m, giống như hồi làm đường người ta đào xuyên qua một ngọn đồi. (Mà nếu thế thì đào làm chi? Không để tự nhiên? Nhiều dốc còn đứng hơn nữa mà?).
(hình 2)
Không gặp ai hết. Rất vắng người. Có lẽ nhờ vắng mà môi trường còn sạch, cây vườn sum suê. Chủ yếu là hồng quân, xoài, mít…Đa phần vườn không rào dậu, cứ mỗi một quãng xa xa, bên lề đường người ta lại để sẵn những bình nước lọc, trên cây đóng tấm bảng nhỏ: “Xin thường niệm Phật”, cho thấy tấm lòng thơm thảo của bà con.
(hình 3)
Chạy hơn cây số vào sâu trong núi, tui mới gặp 2 người thanh niên đang xịt cỏ cho miếng vườn mới lập. Ngổn ngang đá nhỏ đá to, chỗ dựng lên cao, chỗ bày xuống thấp. Dừng lại hỏi thăm, Ba Phong, người thanh niên ngồi trên tảng đá (hình 4) cho biết mua miếng đất nầy năm rồi, 7 công 300 triệu, dọn phá cũng mất gần 100. Hôm rồi có người hỏi mua, nói giá 2 tỉ, đã trả 1tỉ 2, nhưng chú ấy chưa chịu bán. Tui khen thế đất đẹp. Về già chơi một cái nhà nhỏ ở đây, trời đất riêng mình thì thôi chớ…
(hình 4)
Chú cười hề hề nói, ở Văn Giáo bận việc nhiều, nếu người mua trả thêm chút đỉnh sẽ bán. Trên Năm Giếng còn 10 công đất nhà dọn không nổi giờ thành như rừng!
Hỏi thăm đường chú chỉ: đi tiếp khoảng 2 cây số có ngả ba, quẹo mặt lên Điện Thầy, đi thẳng qua Năm Giếng. Đường dễ đi mà.
Tui xin số điện thoại chú ấy. Nói thật cũng không biết để làm gì!
…
Khoảng 8 giờ tới ngả ba, theo lời Ba Phong tui rẽ phải, chạy vào một đoạn gặp quán nước nhỏ. Dì Chín chủ quán cho biết từ đoạn nầy lên Điện Thầy phải đi bộ vì toàn là bậc thang, xe không chạy được. Chú cứ theo đường đi có dây giăng làm tay vịn, chừng vài trăm mét là tới. Xe máy bỏ đây tui coi cho, khi nào xuống uống ly nước là được rồi.
Tui hỏi trên đó có người chăm sóc điện thờ không? Dì Chín nói có một chủ vườn cất nhà tại đó, lâu lâu người ta lên quét dọn một lần. Khách hành hương lúc nầy hơi vắng nhưng cũng có lai rai.
Tui hỏi Điện Thầy thờ thầy nào? Có phải thờ đức Huỳnh giáo chủ? (Vì thấy dì ấy thờ đức Huỳnh Phú Sổ trong nhà). Dì Chín nói, chánh là thờ Phật Thầy Tây An, cũng có thờ đức Huỳnh giáo chủ. Thờ Phật Thầy Tây An là vì khi Ngài đi thăm Trại ruộng bên Thới Sơn, các đệ tử có đưa Ngài lên đây ngoạn sơn. Tại đây Ngài tỏ ra thích thú. Về sau, đức Huỳnh giáo chủ dắt bổn đạo đi núi Két, cũng có qua đây đãnh lễ Phật Thầy.
Đường bậc thang có dây giăng lên điện có nhiều quãng. Giữa các quãng là những mảnh vườn trồng hồng quân xanh tốt, cũng là những quãng cho khách hành hương được thả lỏng đôi chân. Vậy mà lên tới điện tui vẫn cảm thấy bắt đầu “xì khói lỗ tai”.
Điện Thầy được xây cất gọn, khang trang. Có dành hẳn một gian nhà bên dưới, treo hai hàng võng cho khách thập phương nằm nghỉ. Trên điện có một sân rộng đặt một cột bàn thờ Ngọc Hoàng. Đứng từ góc sân nầy nhìn xuống, thấy hết quang cảnh thị trấn Nhà Bàng. Đối diện cột bàn thờ Ngọc Hoàng là một khối đá cực to, dưới chân có một hàm ếch rộng, cao chỉ chừng 7 - 8 tấc, nhưng dài hơn 3 m, sâu vô cũng cỡ đó. Bên trong là bàn thờ Phật Thầy.
Muốn thắp hương , phải nằm xuống để lòn người vào. Gian thờ sạch sẽ và mát lạnh, rõ ra là được chăm sóc thường xuyên và cẩn thận. Trên bàn thờ, giữa là khung trần điều, bên trái hình Phật Thầy Tây An râu dài, gần đó và thấp hơn một chút là hình toàn thân Đức Huỳnh Phú Sổ. Góc bên phải hình Nguyễn Trung Trực. Đủ Tam Anh Miền Tây.
Vì còn muốn qua thăm Năm Giếng nên tui chỉ loanh quanh ở Điện Thầy nửa tiếng rồi đi xuống. Tính tới quán Dì Chín uống ly mủ gòn hột é. Ai dè….
Giống như con kiến bò từ đầu ngón tay vào lòng bàn tay, giờ bò trở ra thì không tìm được ngón tay cũ của mình.
Xuống khỏi Điện Thầy, tui mới biết là có rất nhiều đường mòn từ trong vườn, trong rừng đổ ra đường lên điện. Tui đi lên đi xuống suốt mà không tìm ra con đường có dây giăng mình lên lúc nãy. Không gặp ai để hỏi thăm, hoàn toàn vắng vẻ.
Cứ đi vô một con đường rẽ như thế, không phải bằng phẳng đâu nhe, chừng trăm mét, thấy hoàn toàn lạ lại trở ra. Một lần trở ra là chân không bước nổi, thờ không ra hơi, tai ù và mắt mờ. Phải ngồi trên một tảng đá và thở thiền. Thiền thì thiền, tui cũng phải tự nhắc, đứng dậy đi nhe, không thì ngồi đi luôn đó. Thế cho nên khi vừa thở đủ lục bội lục, tam thập lục biến là tui đứng dậy dù còn rất mệt, để tìm đường đi ra.
Tui nhủ trong lòng cứ cố tìm. Chừng nào đuối quá thì ngồi bên vệ đường. Giờ mới 1 giờ trưa. Hổng lẽ đến chiều không có người viếng điện để hỏi thăm? Nghĩ vậy nên không lo lắng lắm!
Nhưng vì muốn xuống sớm, tui đi tiếp vào một con đường mòn mới. Đi qua một miếng rẫy trồng khoai mỡ. Miếng rẫy dốc thoai thoải. Cuối rìa miếng rẫy là rừng hoang đầy cây bụi. Ngó xuống bên dưới thấy mái nhà xa xa. Nghĩ bụng mình cứ băng rừng vô nhà đó, chắc có đường để ra. Tui nắm lấy một bụi cây, ngồi xuống thò chân tìm mặt đất. Thò xuống, thò xuống… bàn tay sắp vuột bụi cây mà bàn chân vẫn không chạm được gì. Chết rồi. Tui đang ngồi không phải trên một bực đất thấp mà đang ngồi trên một miệng vực. Những cây bên dưới tui nói cây bụi, nhìn kỹ lại là đọt của cây rừng cao.
Lúc nầy mới hết hồn. Tay trên sắp vuột mà sức không còn đủ để tự kéo lên. Trong lòng than, chết chỗ nầy vợ con không biết đường đâu kiếm. Đành nằm xuống ôm lấy bực đất thở, chịu trận một hồi rồi cố bường lên.
May mà sau mấy lần choài đạp, tui cũng gác được cái đầu gối rồi lăn người lên, nằm thật lâu mới vừa đi vừa lết trở ra đường lên điện.
Đận nầy thì tui hoàn toàn không còn sức lực để mò đường đi nữa. Ngồi thở mấy hồi mới tỉnh dần để chờ may, gặp người đi núi.
Ngồi suốt, đến lúc nhìn điện thoại đã 2 giờ vẫn không có ai. Tui tiếc sao hồi sáng không xin số Dì Chín. Rồi chợt nhớ ra mình có số Ba Phong.
Hay là gọi nhờ Ba Phong?
Tui rất đắn đo trong việc gọi cho Ba Phong. Ngoài chỗ hoàn toàn xa lạ với nhau, còn lẽ chú ấy giờ chắc đang nghỉ ngơi ở nhà Văn Giáo sau một buổi dài lao động cực nhọc. Còn lẽ sợ quê, con đường chỉ quanh quẩn đâu đây thôi mà lú lẫn tìm không ra. Nên ngần ngừ và ngồi tiếp, chờ người.
Thời gian trôi đi. Hơn 3 giờ chiều vẫn chưa gặp ai. Trời lại chuyển mưa. Thôi thì đành bạo gan gọi cho chú ấy.
Mừng sao! Chú rất nhiệt tình sau khi nghe tôi kể rõ tình cảnh của mình, chú hỏi giờ tui đang ở chỗ nào, tui nói sát bên đường lên Điện Thầy. Chú biểu tui cứ ngồi yên đó đi, đừng đi đâu hết, chừng nửa tiếng sau chú sẽ lên tới.
Ôi trời, nửa tiếng đồng hồ nầy là nửa tiếng trời cho tôi sung sướng. Bao nhiêu mệt nhọc đều bay hết. Tui quá yêu đời, yêu người.
…
Khi chú Ba Phong lên dắt tui xuống thì mắc cười chưa, con đường dây giăng mà tui tìm suốt trưa giờ lại nằm lặng lẽ bên hông nhà mát treo võng cho người hành hương nằm nghỉ, mà tui đã có dịp kể tới bên trên!
…
Gặp lại tui, Dì Chín mừng ra mặt. Trời ơi, tui thấy chú đi lên, sát bên mà tới chiều không xuống, tui biết có chuyện rồi mà không biết làm sao. Thôi thôi mừng rồi, con cám ơn Trời Phật..
Vậy đó. Những con người nơi tận cùng hẻo lánh, không quen biết gì hết.
Ngày xưa có tuồng cải lương Mùa Thu trên Bạch Mã Sơn, tui nhớ kết thúc không vui mấy. Còn nay tui Lạc Đường Trên Ngũ Hồ Sơn mà toàn gặp người tốt bụng.
Sau khi uống hết một ly cối to mủ gòn hột é, tui xuống núi về nhà. Đành hẹn một dịp nào sung mãn lại mới sang thăm Điện Bà với Vồ Năm Giếng được.
Đào Dũng Tiến (NLS/CT)
28/05/Nhâm Dần
(26/06/2022)
|