27/7/2020
GIAI THOẠI LỊCH SỬ: Phạm Thái (1777-1814)
Lưu Văn Vịnh
Phần 1. SỐNG Ở DƯƠNG GIAN
Sống ở dương gian là loay hoay giữa sống và chết, trên sân khấu vui buồn sầu hận căng thẳng, tuy biết chắc tấm màn mắt nhung này sẽ buông, nhưng không biết có màn tiếp hay không!
Loay hoay tất va chạm thời và thế, đôi khi va chạm cả nhân gian lẫn cái bóng của chính mình. Điều oái oăm là hiện tại chồng chất ngập đầu vô lượng dư ảnh quá khứ, nên tương lai vẻn vẹn còn lại con tính trừ, giằng co giữa xuất và xử, giữa có và không !
Chiêu Lỳ Phạm Thái (1777-1814) bị ném vào dương gian như chú kiến rơi vào hũ rượu mạnh, vùng vẫy, say sưa rồi dẫy dụa chìm xuống đáy, nằm lăn ra như bóng ảo thắt cổ bằng sợi dây tơ hồng đam mê : đam mê lịch sử và đam mê tình ái. Tàng thức giống nòi chất chứa đáy tim là hành trang của kẻ sĩ, lịch sử là bánh xe hành trình, Phạm Thái không ra thoát dù có trốn vào lòng be tiên tửu :
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Chết về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
– Be !
Người thanh niên xứ Kinh Bắc mới hai mươi tuổi đầu, lớn lên khi môi trường của chàng đổ vỡ : triều Lê mà cha ông họ Phạm cho là chính thống nát ra dưới bước chân Nguyễn Huệ Tây Sơn, sinh vào năm 1777 khi ngôi sao bừng sáng Nguyễn Huệ phá tan quân chúa Nguyễn ở Long Xuyên, ông chẳng nghe rõ vó ngựa kiêu hùng của Bắc Bình Vương đại thắng quân Thanh năm1789 cứu quốc bảo vệ Bắc Hà, ông chỉ thấy đời vua sau, Cảnh Thịnh, ấu chúa với bọn gian thần vô tài bất chính. Sống ở môi trường nào thì lý tưởng khuôn theo môi trường đó, lý tưởng rất dễ lẫn với bánh vẽ, chỉ khác là bánh vẽ là người khác vẽ ra để nhử mình, còn lý tưởng là chiếc bánh tự mình vẽ ra để nuôi cõi lòng trống rỗng. Cả hai cùng hậu quả như nhau: đổ mồ hôi, có khi cả đời, để ăn một món ăn treo trên mây, đôi khi quên cả những món ăn rất gần, giản dị, mà chẳng cần tạo ra ảo kịch cho đời mình. Nhưng khốn nỗi có mấy ai đạt được cái lý to nhỏ như nhau, vạn pháp bình đẳng của Hoa Nghiêm, kể cả Phổ Chiêu Thiền Sư Phạm Thái !
Sống ở dương gian thường phải đóng kịch bất đắc dĩ, nhưng vì bất đắc chí nên kẻ sĩ lồng lộn tạo thêm những màn kịch hão huyền, mơ tưởng mình đạo diễn chủ động đời mình. Lòng vòng như thế, càng quẫy mạnh càng vướng trong cái bẫy vô minh do chính mình nối dáo Trẻ Tạo tinh nghịch bày ra. Phạm Thái trước sau là một nghệ sĩ, chàng đi tìm nét đẹp của lịch sử, nét đẹp của hành động, nét đẹp của người đàn bà, nét đẹp của cần vương, ngay cả khi ngắm mình trong bầu rượu cũng thấy lung linh đẹp bi hùng như thể đang bơi lượn quanh hồ mắt giai nhân. Rút cục tất cả những nét chấm phá tưởng tô điểm cho chính đời sống, chẳng ngờ bút lông gây họa: mới đầu đẻ ra những nàng tiên tuyệt đẹp, rồi dần dà về sau ảo giác có thể biến chúng thành quỷ sứ chụp chính đời mình giam vào hang vọng tưởng không có lối ra !
Thế nhân đứng ở bờ này nhìn sang bờ kia, thả mồi tôm tép, bắt bóng cá kình, gắn mình vào bóng cá lớn mới thấy đời sống cao rộng hơn…Thế nhân là thế nên mỗi kẻ sĩ, chồng chất ảo tưởng này lên ảo tưởng kia, hết trang sách này đến điển cố nọ, đều bắc cầu treo đời mình lơ lửng từ bờ này sang bờ kia… bắc cầu đi dây là sống một nửa và chết một nửa, chẳng chịu ở hẳn bờ này, từ chối dương gian để đi tìm không gian mới.. hẳn là trong tâm thức con người có tàng ẩn bóng dáng thiên thần hay ma quỷ nào nó mới đưa đẩy hành xử siêu hình như vậy.
Phạm Thái lên ngựa như một tráng sĩ, hình bóng cổ nhân lồng vào chàng, ào ào phi vào lý tưởng cần vương phục Lê, dù triều Lê chỉ còn là ảo mộng, nhưng ảo thế nào thì vẫn cần thiết như món ăn tinh thần. Chàng lên mãi Lạng Sơn tìm đàn chim đồng chí, đẳng cấp sĩ phu vẫn nhen nhúm đâu đó : Trương Đăng Thụ trấn thủ Lạng Sơn cũng mang giấc mơ đội trời… Nguyễn Du, hơn Phạm Thái một giáp, năm 18 tuổi từng được lão tướng Hoàng Ngũ Phúc tặng một thanh bảo kiếm với giấc mơ phò Lê chống Tây Sơn dọc ngang nào biết trên đầu có ai, họ đều thuộc tầng lớp sĩ phu mang trong đầu lưỡi dao cắt thế sự làm hai : đúng-sai, vương đạo-bá đạo, chính-tà :
Có trung nghĩa ắt không lưỡng lập
Giận vì thằng đặt Tụng Tây Hồ,
bênh ngụy tặc bỏ quên đời thế đế
Chiến Tụng Tây Hồ (1800)
Khả năng trí thức là khả năng phân biệt, nhưng thế sự xôi đậu, như miếng thịt chỗ nạc chỗ mỡ không rõ rệt, cái đúng của người này lại là cái sai của người kia, cái sai của nhóm này lại là cái lý của nhóm khác… thế nhân bầy nhầy và thế sự ngầu đục trong thế gian điên đảo. Kẻ sĩ bơi trong dòng nước đục vẫn mơ tưởng một dòng nước trong chẳng bao giờ có trong lịch sử loài người, khả năng trí thức phân biệt chính giả, thiện tính vượt cao, chỉ là ánh lửa thiên thần le lói sót lại trong thân xác động vật, nó không bùng lên được ở mặt đất, mà chỉ có thể may ra rọi đường tới quốc độ khác, trong lành hơn, cao thượng hơn. Chữ nghĩa mô phạm tư tưởng chính là cái cũi giam người trên thế gian vô thường, một khi vướng vào phạm trù ý thức hệ bước chân kẻ sĩ lún xuống bùn như con voi của Trần Hưng Đạo chết đứng ở sông Hóa ! Tình huống đó Phạm Thái thở than ngay lúc bút chiến :
Than với đất, cả lũ chim đàn sẻ
Thở cùng trời, cả con cóc cái cua
Tâm sự thấm ngập cả lũ chim đàn sẻ, cả con cóc cái cua có lẽ là tiếng thở dài não nuột nhất của kẻ sĩ Việt , mâu thuẫn hành xử này còn kéo dài lê thê tới trăm năm sau, thế kỷ XIX với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, sôi nổi hai lập trường hợp tác hay không hợp tác với Pháp, tới thế kỷ XX với chuyện trên đe dưới búa Quốc-Cộng. Phạm Thái dường như đã tiên kiến 200 năm phân tâm phân cực Việt Nam ! nó não nùng hơn tiếng than của Nguyễn Du :
Lên trời xuống đất chẳng xong
Đâu đâu cũng vẫn một dòng Mịch La
Thượng thiên hạ địa giai bất khả
Đại địa xứ xứ giai Mịch La
(Phản Chiêu Hồn)
Phạm Thái và đẳng cấp sĩ phu trong đảng Lê Thần phò Lê, như Lê Quýnh theo Lê Chiêu Thống sang Tầu cầu viện, như Trần Quang Ngọc con Trần Quang Châu đảng trưởng Tiêu Sơn…một dòng những tài tử ái quốc lãng mạn, đi tìm cảm giác trong hành động thực thi lý tưởng, đi tìm một thang thuốc kích thích cho kiếp nhân sinh nhàm chán, cơ thể trẻ trung, nhựa sống ngùn ngụt, vậy thì chỉ có đấu trường lịch sử mới đủ rộng lớn để đốt cháy rừng rực bao giấc mơ lung linh bóng dáng thiên thần đang lồng vào đầu kẻ đọc sách Xuân Thu Chiến Quốc! Giấc mơ ấy lưu truyền trong dòng máu, từ Trần Quang Châu, Trần Danh Án ở Kinh Bắc, Dương Đình Tuấn ở Yên Thế, cả nhà Phạm Đình Đạt (cha Phạm Thái?), Phạm Đình Dữ ở Lạng Giang…họ từng nổi lên chống Tây Sơn và đều tử trận…Phạm Thái là con em lẽ nào không nuôi giấc mơ của phụ huynh, của đàn chim mang cùng lông cánh !
Nhưng không phải môi trường lúc nào cũng bén lửa và không phải đam mê nào cũng dễ thực hiện, thế nhân sống ở dương gian thường bất mãn phải chăng vì sinh nhầm quốc độ, từ tiên thánh bị giáng xuống làm người ? mà nếu mãn nguyện thì phải chăng là hạng bì phu được thăng cấp từ súc sinh sâu bọ lên thỏa thuê cơm gạo ở cõi vật chất vong thân này ? Sĩ phu ăn phải trái cấm tri thức, lý tưởng là sự phủ định hiện tại, hiện sinh bất mãn vì đem cõi người so sánh với cõi mộng, rút cuộc phải sống mà sống lồng lộn trong cuộc nhân sinh như con đại bàng được bay cao mà vẫn thấy lồng trời xanh chật hẹp gò bó !
Phạm Thái bay trên mây 10 năm, 15 tới 25 tuổi, 1792-1802, chống lại triều Tây Sơn của vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân là đứa con tầm thường của người cha anh hùng Nguyễn Huệ. Phạm Thái cùng đẳng cấp sĩ phu Bắc Hà đang sụt xuống hố giữa trận động đất trên đất tổ: gần 900 năm, lần đầu tiên miền trung ương sông Hồng Giao Chỉ bị mất quyền lực về phương Nam đất mới, vua và triều đình ở mãi miền sông Hương núi Ngự với đám quần thần chủ động khác xa với nhóm Bắc Hà. Phạm Thái, Nguyễn Du…chới với như bị hụt chân trên nấc thang sự nghiệp, như đang sống quen trong một lâu đài cha truyền con nối, bỗng dưng đổi đời, lâu đài tan vỡ, đẳng cấp mới có lâu đài mới, hoặc có khi như bọn cướp vào đoạt lâu đài của đẳng cấp cũ. Lịch sử là cướp đoạt lẫn nhau, có dùng mỹ từ nào thì thực chất hành động lịch sử đều phát ra từ bản năng tranh giành chém giết của loài người.
Đọc tiếp Phần 2 |