28/6/2022
Tản văn:
CAO SU MÙA THAY LÁ
Tây Nguyên cứ mỗi độ cuối Chạp đầu Xuân về, trong cái nắng, cái gió xôn xao của đại ngàn, nếu lỡ chân lạc vào rừng cao su, không thể không ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nơi đây như mùa thu khung trời Âu nào đó.
Cây cao su sau những chuỗi ngày dài trong năm hiến dâng cho người dòng nhựa trắng như sữa mẹ, đã lặng lẽ chuẩn bị thay cho mình màu áo mới.
Rừng cao su rực lên bầu trời như một bức tranh sơn dầu với những gam màu xanh, vàng, đỏ của lá. Thi thoảng một cơn gió xào xạc qua, từng lớp lá vàng rời cành rơi xoay những vòng tròn như bất tận đầy triết lý cuộc đời.
“Khi chiếc lá từ trên cành rơi xuống
ta đâu còn thấy được một màu xanh
và chiếc lá vô tình cơn gió cuốn
mới hiểu rằng tất cả rất mong manh!”
Và cứ như thế, lá cao su rụng dày như tấm thảm nhung trên nền đất mẹ lam lũ, như lòng biết ơn của những đứa con hiếu thảo đối với người mẹ già.
“Rồi chiếc lá sẽ hóa thành dưỡng chất
hòa vào trong lòng đất mẹ hồi sinh
những hạt mầm vươn đang lên bần bật
có cám ơn chiếc lá dưỡng nuôi mình!”
Khi rụng hết lá, rừng cây cao su còn lại là những cành khẳng khiu như rừng mai trút lá đợi xuân về trổ hoa. Trong những thân cành khẳng khiu ấy là sức sống đang dồn nén mãnh liệt, hàng nghìn mầm non đang chờ nhú mình bung ra những mầm xanh.
“Vươn vai cùng với nắng hồng
Khoe mầm xanh biếc thơm nồng sớm mai”
Đầu tháng Tư, khi lá đã to, màu đã xanh thẫm là cũng lúc vụ cạo mủ mới bắt đầu, những dòng nhựa trắng lại được khơi, một chu kỳ mới đầy hy vọng lại khởi ra. Vườn cao su lại vang lên những giai điệu của đại ngàn.
Và ta lại hẹn mùa cao su thay lá năm sau.
Đỗ Thiện Nghĩa
( trích Facebook: Giúp nhau tập viết truyện)
|