TRẢ NỢ TÌNH XA.
Người bạn hàng xóm của tôi tên Đông , hành nghề chạy xe thớt (một loại hình biến tướng của xe ba gác.) mỗi ngày chạy bình thường nếu không bị CSGT bắt thì kiếm được bộn tiền đủ nuôi thân và lo ăn học cho thằng con trai 6 tuổi vừa vô học lớp 1.
Nhưng nếu bị bắt thì thu nhập 3, 4 ngày mới đủ tiền đóng phạt. Mà chạy xe long nhong ngoài đường trước sau gì cũng phải bị bắt vì xe tự chế là vi phạm luật pháp rồi.
Nhà kế bên nên hay hú hí nhau làm vài ly cho vui, vì hoàn cảnh tôi và chú bạn hàng xóm cũng na ná nhau nên cũng dễ gần, có chuyện gì cũng kể nhau nghe.
Một hôm đang ngồi nhậu thì thấy cái đồng hồ tôi hết pin, chỉ vài thao tác nhỏ là Đông đã lắp xong cục pin khác như một anh thợ chuyên nghiệp. Hỏi cục pin bao nhiêu tiền Đông xua tay rồi rút trong túi ra tờ 100 ngàn nói :
- Anh cầm 100 này rồi tôi kể anh nghe. Tui sinh ra và lớn lên ở khu cầu Bà Bầu nên lập gia đình với người vợ trước cũng ở gần nhà. Được bên vợ cho miếng đất phía sau nhà nên cất nhà ở tạm. Để kiếm tiền nuôi vợ con vốn biết nghề sửa đồng hồ nên tui ra góc chợ Mỹ xuyên bày cái tủ sửa đồng hồ kiếm sống qua ngày. Khách đem đồng hồ cái nào mình sửa cái đó. Giá sửa thì lấy tiền theo dạng Bình dân không chặt chém nên từ từ cũng có nhiều mối đem đến.
Tôi hỏi :
- Thu nhập đủ sống không chú?
Đông cười :
- Cũng tàm tạm thôi anh. Mình không vốn liếng nhiều nên chỉ làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Một hôm có một ông khách lớn hơn tui chừng 20 tuổi, chay chiếc Dream lùn nói giọng lơ lớ của người Hoa, ghé nhờ tui chùi dầu cái đồng hồ seiko ổng nói 2 ngày sau sẽ ghé lấy. 2 ngày sau ổng ghé sau khi đeo đồng hồ vô tay rồi hỏi :
- Tiền công bao nhiêu chú em?
- Dạ 7 ngàn.
- Sao? 7 ngàn rẻ vậy?
- Dạ chùi dầu đâu có bao nhiêu công cán đâu anh. Lấy nhiều coi sao được.
Ông khách gật đầu rồi nói:
- Chú cho anh mời chú ly cà phê nhe. Lên xe anh chở.
Người bạn mới quen chở tôi ra quán Phượng ở đèn 4 ngọn.
Anh nói:
- Thấy chú có tính thật thà nên anh mời chú ly cà phê bày cách cho chú làm giàu. Quan trọng là chú có muốn hay không thôi.
Tui hỏi :
- Làm cái gì anh?
Anh ấy nói nhanh:
- Làm vựa phế liệu. Mà chú có mấy đứa con rồi?
- Dạ vợ chồng em chỉ mới có thằng con trai 6 tuổi.
- Vậy là 3 miệng ăn, lo cơm áo gạo tiền cũng hơi mệt. Cái nghề mua ve chai coi vậy chứ mau phất lắm nhe chú. Điều kiện là phải có cái mặt bằng ở mặt tiền để tiện việc chuyên chở.
Tui lắc đầu :
- Em đang ở nhờ phía sau hè nhà bên vợ anh ơi. Thuê cái mặt bằng ở mặt tiền đường tốn rất nhiều tiền. Phải trả tiên thuê tiền dằn cọc đủ thứ.
- Vậy thì xem ra cái nghề phế liệu không thích hợp với chú em rồi. Thôi để anh về suy nghĩ tìm cách khác giúp chú vậy.
Tui hỏi anh ấy tên gì để tiện xưng hô ảnh nói :
- Anh nhà ở Cái Dầu, chú em mày kêu anh bằng Hia là được rồi.
Vài hôm sau anh ấy lại đến rủ cà phê. Thấy anh có vẻ vui lắm, anh hỏi :
- Tủ đồng hồ của chú ngay đầu chợ người qua lại nhiều chú tính coi một cái đồng hồ lấy về treo lên tủ bán vốn chừng bao nhiêu tiền? Loại đồng hồ model bây giờ tụi thanh niên mới lớn hay thích đeo đó.
- Dạ vừa máy, dây, phọt là 32 ngàn vốn. Nếu lấy một chục cái thì rẻ hơn.
Anh gật gù:
- Tủ mình nhỏ treo 1 chục cái là xôm rồi. Đây là 500 ngàn anh giúp chú để có vốn đầu tư vô cái tủ đồng hồ. Chú đừng ngại cứ cầm lấy. Coi như tôi cho chú mượn vậy. Sau này có khá thì trả anh cũng được. Còn nếu thất bại thì cũng đâu có sao đâu. Anh ra vốn anh không sợ chú sợ gì nhỉ?
Thiệt tình tui không ngờ mới quen biết nhau đầu hôm sớm mai mà anh ta đã không ngại mà giúp tui số tiền lớn như vậy?
Nhấp ly rượu đế trầm ngâm một chút rồi Đông nói tiếp:
- Mà anh biết không? 500 ngàn anh ta đưa cho tui toàn là tiền lẻ. Đủ loại tiền bui bui nhưng dù sao nó cũng là tiền. 500 ngàn thời đó hơn 1 chỉ vàng. Có tiền tui mua hơn chục cái đồng hồ, mua thêm pin, thêm dây để bán cho khách. Khách hàng ngày càng đông nên vốn liếng cũng tăng dần lên. Hia thỉnh thoảng cũng ghé rủ cà phê, anh rất vui khi thấy tui ăn nên làm ra. Mấy lần ngõ ý trả tiền cho anh nhưng anh khoát tay nói:
- Chú làm ăn được anh mừng lắm. Chưa dư giã gì mà bận tâm làm gì chuyện trả tiền cho anh. Biết đâu số tiền này là tiền tôi thiếu chú từ kiếp trước thì sao nhỉ.
Tôi hỏi :
- Cái nghề đồng hồ ngon vậy sao bây giờ ra chạy xe ba gác cho khổ vậy?
Đông cười buồn:
- Tui cố làm bao nhiêu thì con vợ tui nó phá bấy nhiêu. Đề đóm, cờ bạc món nào nó cũng dính. Đứa con còn nhỏ mà nó muốn bỏ đi lúc nào thì đi. Nó ỷ có gia đình nó ở kế bên nên nghĩ chắc tui không làm gì được nó. Tui cuối cùng phải đưa đơn ly dị ra tòa. Ngày tòa xử xong cả gia đình bên vợ xúm lại chửi tui té tát. Họ nói vợ con sai từ từ sửa cớ sao đưa ra tòa để bêu xấu gia đình họ. Mà con gái họ hư đốn tui nói hoài họ chỉ bênh vực nó mà trấn áp tui hoài, kẻ làm người phá thì chia tay cho rồi. Tui bỏ đi chỉ mặc một bộ đồ mà họ chưa vừa lòng nữa sao.
- Tội nghiệp cho thằng nhỏ.
- Cũng phải chịu thôi. Lâu lâu tui cũng ghé cho tiền nó. Bây giờ nó hơn 30 rồi vài hôm là nó chạy xe vô thăm hỏi tui.
- Còn Hia Cái Dầu ?
- Từ đó tui không còn gặp Hia nữa. Tui lúc đó thuê nhà trọ ở gần trạm biến điện Mỹ xuyên nên ra vô cũng gặp mặt bên vợ hàng ngày. Thằng con trai nó bỏ mẹ nó lại ở với tui. Không muốn nó bị bên ngoại ghét nên tui khuyên nó trở về với mẹ nó tui dẹp luôn tủ đồng hồ đi học lái xe. Lấy được bằng lái ô tô nhưng không ai thuê vì họ chỉ mướn những người có kinh nghiệm ít nhất cũng cầm vô lăng 2 năm. Buồn đời tui sắm chiếc xe ba gác chạy dễ kiếm tiền hơn.
Tui hỏi :
- Kiếm tiền hay kiếm vợ?
Đông lại cười :
- Thì buồn chuyện gia đình vài năm rồi cũng hết buồn mình cũng phải có người đàn bà bên cạnh chứ. Anh rảnh rỗi nhờ anh viết câu chuyện của tui. Biết đâu Hia ảnh biết được ảnh thông cảm cho hoàn cảnh của tui lúc đó và mong rằng ảnh không giận tui là làm phụ lòng tin của ảnh.
- Sao lúc đó không đi tìm ảnh?
- Biết đâu mà tìm. Ảnh chỉ nói ở trên Cái Dầu mà đâu nói phường xã nào thì biết đâu mà kiếm hả anh. Thú thiệt tôi cứ nghĩ là Hia giống như ông Bụt trong cổ tích vậy.
- Tôi sẽ cố gắng giúp chú. Tôi sẽ viết câu chuyện của chú. Mong rằng Hia còn sống. Nếu anh ấy có mất đi có lẽ vong linh anh ấy sẽ rất vui vì người mang ơn anh ấy là chú vẫn còn nhớ mãi đến ân nhân của mình. Ủa sao hôm nay chú không chạy xe mà mời tôi nhậu vậy?
Đông cười buồn hiu:
- Hôm qua chở một xe gạch bị lập biên bản rồi.
- Trời đất? Bây giờ tính sao chú?
- Tính gì nữa nhậu thôi anh.
- Vậy chú sống làm sao?
- Sống mới ngồi nhậu với anh nè? Mức phạt lỗi xe tự chế trong nước là 750 ngàn. Chưa kể các lỗi khác như không kính chiếu hậu, không mua bảo hiểm... Chắc ăn là trên một triệu.
- Trời đất? Phạt vậy sao không đăng ký? Tôi thấy ở Sài gòn, ở Đồng tháp hay các tỉnh khác xe 3 bánh Trung Quốc chạy chở đồ thấy êm quá mà chú?
- Tỉnh mình đâu cho đăng ký loại xe đó đâu. Vì cuộc sống cứ liều mạng chạy được ngày nào hay ngày nấy. Biết là trước sau vì cũng bị bắt mà tránh đâu cho khỏi.
- Sao không trở lại nghề sửa đồng hồ?
- Bây giờ con mắt nó kèm nhèm sao thấy đường mở cái máy ra chùi dầu anh. Chạy ba gác long nhong cũng quen rồi. Tui mới đập cái ống heo thấy dư tiền đóng phạt rồi nên gởi anh 100.
- Gởi làm gì?
Đông cười :
- Nghe hôm qua anh nói anh gom tiền gởi cho mẹ vợ ngoài Huế nên tui muốn hùn vô chút đỉnh vậy mà. Tuy không nhiều nhỏ gì nhưng dẫu sao cũng tới tay người cần giúp. Ngày xưa anh Hia gì đó giúp tôi vốn liếng làm ăn anh ấy cũng đâu toan tính gì đâu phải không anh. Anh là dân đàn ca tui nghe bài hát gì mới vô người ta ca: Dốc hết tình này ta trả nợ đời là bản gì?
- Trả nợ tình xa.
Đông cười vui:
- Đúng rồi... Vậy anh cầm cho tui vui nhe. Của ít lòng nhiều mà anh.
Sáng nay cầm tiền ra Ngân hàng gởi số tiền nho nhỏ về Huế. Trong đó có 100 ngàn của người bạn hàng xóm chợt thấy một niềm vui dâng lên trong lòng. Tôi chợt lẩm bẩm hát lên câu hát:
- Dốc hết tình này ta trả nợ đời...
Mặt trời phía Đông hôm nay bỗng sáng rực lên đẹp lạ thường . /.
BÙI TRUNG.