NÓI LẠI CHO ĐÚNG
Tự điển tiếng Việt giải thích về từ “Sợ” như sau: 1/ Không dám chống lại. Thí dụ: Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời. 2/ Ngại ngùng, nhút nhát: Không sợ hẹp nhà, sợ hẹp bụng 3/ Không yên tâm trước một khả năng nguy hiểm hay có hại. Thí dụ: Không dám nhận vì sợ trách nhiệm. Không cho con tắm biển vì sợ nó chết đuối. Như vậy, “sợ vợ”rơi vào định nghĩa thứ nhất của từ sợ, nghĩa là, không dám chống lại vợ. Nó xem xém rơi vào nghĩa thứ hai, nghĩa là, nếu không “sợ vợ” sẽ có hại cho mình hay không tránh né được những nguy hại có thể xảy đến cho mình. Có thật thế không? Có đáng “sợ” như thế không? Bài viết của tôi xin đóng góp một ý thô thiển về chuyện khó nói ra, nhưng lại được loan truyền khắp bàn dân thiên hạ. Để diễu cợt cũng có, để chê trách, dè bỉu cũng có và để tự trào cũng có.
Luận ngữ có câu: Danh bất chính tắc ngôn bất thuận…Nghĩa là, đinh danh một sự việc không đúng ắt nói không xuôi. Với kẻ hèn này, sợ vợ là từ không chính đáng và nghe nhột nhạt cái lỗ nhĩ ghê lắm. Vì rằng, tôi sợ vợ nghĩa là: Tôi không dám chống lại vợ, nghĩa là vợ bảo sao nghe vậy. Có đúng thế không? Hời hợt nghe qua, ai cũng phải công nhận là đúng. Suy nghĩ thêm một chút, hơi ngờ ngợ có cái gì chưa ổn đây. Nghĩ kỹ hơn, chưa chắc đúng, vì còn tùy trường hợp, tùy lúc, tùy hoàn cảnh mà ta phải nghe, vì nó hợp với đạo lý ở đời.
Nếu chúng ta quan niệm lập gia đình, sống chung với nhau như là một sự đồng thuận, hợp tác của trái tim và lý trí thì phải chăng, chúng ta đã mặc nhiên công nhận việc chăm sóc, xây dựng gia đình có 2 mảng. Mảng thứ nhất là chăm sóc lẫn nhau giữa vợ chồng, con cái, rồi đến việc đối xử thỏa đáng những mối quan hệ do huyết thống như anh chị em, họ hàng, do quan hệ xã hội nảy sinh như bạn bè, đồng sự v.v…Mảng thứ hai là kiếm được nguồn tài chính cho cả gia đình chi tiêu.
Chúng ta hãy xem lịch sinh hoạt hằng ngày của nhà học giả Nguyễn Hiến Lê. Xin lược thuật: dậy lúc 6:30 sáng, ăn điểm tâm 7:00, đọc sách đến 9:00, viết 9:00 – 12:00. Ăn, ngủ trưa từ 12:00 – 1:30, đọc đến 3:00, viết từ 3:00 – 5:30, nghỉ ngơi. Nguyên một ngày của ông, ta thấy có giờ nào ông đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, lo cho con đâu. Vậy mà mọi chuyện vẫn ổn, vẫn êm, nên ông cứ hoạt động theo thời khóa biểu đó cho đến gần như cuối đời mình. Nghĩa là, ông đã để cho vợ ông toàn quyền sắp đặt mọi việc khác. Nói một cách khác, vợ ông bảo sao ông nghe vậy và quyền hạn của ông chỉ giới hạn trong thời khóa biểu như trên. Cụ đã rạch ròi phân nhiệm cho mình và người phối ngẫu. Giả như có ai nói kháy cụ sợ vợ. Tôi đoán, chắc cụ sẽ cười xòa.
Trong giới văn nghệ sỹ, giới giải trí, thể thao chuyên nghiệp, ta thấy có xuất hiện một nghề nghiệp, người làm nghề đó, tùy theo giới tính mà ta gọi họ là ông bầu hay bà bầu. Chữ nghĩa hơn, văn hoa hơn ta gọi họ là người quản lý. Họ thay mặt cho thân chủ của mình làm tất cả mọi chuyện, từ việc lớn đến việc nhỏ, thậm chí, họ cũng phải ra tay dàn xếp những vụ việc lùm xùm tình cảm xảy ra, gây rắc rối cho thân chủ mình. Họ mó tay vào tất cả mọi việc, chỉ để thân chủ của họ có thể toàn tâm toàn ý làm công việc chuyên môn của mình, như sáng tác, thượng đài, biểu diễn cho có hiệu quả, gặt hái được doanh thu cao. Họ lãnh lương “khủng”, nhiều khi xảy ra kiện cáo, vì thân chủ của họ phát giác ra, ông bầu hay bà bầu kiếm nhiều tiền hơn mình. Đại văn hào Lev Tolstoi, tác giả của Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina than vãn: Vợ tôi bắt tôi làm việc như tên tù khổ sai. Tôi khổ quá. Tôi mất tự do. Chả là, bà vợ ông là người trực tiếp nói chuyện với các nhà xuất bản, ký hợp đồng về tiền tác quyền, tỷ lệ ăn chia khi cuốn sách bán ra thị trường. Nhà văn chỉ có một việc viết. Đôi khi ông làm nư, đình công không chịu viết mà thời hạn hợp đồng đã đến. Bà phải dùng đủ mọi cách, từ dỗ ngọt, hăm dọa đến dùng sức mạnh lôi ông vào bàn. Bà ngồi canh chừng, bắt ông phải viết. Viết và viết…Bà nổi tiếng “dữ dằn”, đám nhà xuất bản vừa sợ, vừa ghét bà. Chúng không thể làm gì bà, vì nếu bà không đồng ý, nghĩa là đừng mong nhận bất cứ tác phẩm nào của nhà văn gửi đến. Không có “bà chằn lửa” bắt viết, chắc gì ông Lev Tolstoi đã có một di sản văn chương đồ sộ để lại cho hậu thế. Hơn thế nữa, bọn nhà xuất bản sẽ lợi dụng sự “ngây thơ” về quan niệm tiền bạc để ăn trên đầu trên cổ nhà văn. Ông sẽ sáng tác “dưới bóng nợ nần” hay dưới sự rượt đuổi của cơm áo gạo tiền. Bà đã làm trọn vẹn chức trách bà bầu. Nếu ta kết tôi bà dữ dằn, ăn hiếp chồng, tôi e rằng không thỏa đáng và bất công với bà. Danh không chính tắc ngôn bất thuận. Ta phải trả cho bà từ “hiền thê” mới xứng đáng. Đó là chuyện của ông Lev Tolstoi bên Nga.
Bên Việt Nam ta có ông “cùi bắp”, hết mực “cù lần”, trăm phần “cù loi” là ông N.. Vốn ông là người Ngã Ba Ông Tạ. Sau lấy vợ, khép nép từ biệt mẹ cha, theo vợ về ở đường Lê văn Sỹ. Ông biết phận mình không khéo xã giao, kém phần ăn nói, quản lý ù ơ, nên tất tần tật giao cho hiền thê. Một hôm gần Tết, chị của ông mới lôi ông ra hỏi: Tết này cậu tính sao? Ông đang gãi đầu suy nghĩ tìm câu trả lời thì bà mẹ đã: Con hỏi nó làm gì. Nó chẳng biết gì đâu. Hỏi con H. vợ nó mới được. Thật đúng là: Không ai hiểu con bằng mẹ. Cứ theo triết thuyết: Mèo mù vớ cá rán, thì đúng cho trường hợp của ông cù lần N. này. Ông đã có người vợ khéo quản lý việc nhà. Từ đó, ông yên chí xông pha chiến đấu với Nhật. Tất cả mọi chuyện khác đã có bà bầu H. lo. Mọi ý kiến của bà, ông đều thuận ý, không chống lại. Vậy, ông có sợ vợ không? Ừ! Tôi nghĩ lẩn thẩn, nếu sợ theo cách ở trên, thì cũng “đáng” để mà chịu tiếng sợ. Quý bà con cô bác nghĩ sao?
Sợ vợ là một từ, nhiều khi vô thưởng vô phạt. Nó không hẳn dùng để bỡn cợt, phê phán hay nhạo báng người khác. Nhưng, với tôi nếu không thận trọng khi dùng từ này, thì ta sẽ, một là, vô hình trung làm giảm giá trị của mẹ ta, vì chẳng phải bà cũng được định danh là vợ hay sao? Hai là, nó sẽ khiến con ta có cái nhìn không chính xác về mẹ của chúng, tức cũng là vợ của ta. Cuối cùng là,” xấu chàng, hổ thiếp”. Vậy nếu thiếp mất mặt thì chàng có đẹp đẽ lên được tí nào không?
Hãy trả lại những gì mà, thực sự, người phụ nữ đã làm cho chúng ta. Chỉ nội một chữ “vợ” không thôi đã đủ nhọc nhằn lắm rồi. Vì thế, nếu không tôn vinh được họ thì ta cũng chẳng nên choàng thêm cho họ vòng hoa “Sợ” ở đằng trước nữa.
Arizona, giữa Hạ
3 tháng 7 năm 2020
Trịnh Đình Nam
|