14/7/22021
TRI ÂN GIÁO SƯ TÔN THẤT TRÌNH
Tiến sĩ Trần-Đăng Hồng
Kính thưa Cô Mộng Chi, phu nhân GS Tôn Thất Trình, cùng tang quyến.
Thật là xúc động khi nghe tin Thầy Trình từ giã cõi đời. Gia đình chúng em xin chia buồn cùng Cô và tang quyến.
Sự ra đi của Thầy, không những là một sự mất mát lớn của gia đình Cô, của toàn thể cộng đồng khoa học và cựu sinh viên trong và ngoài nước, cũng là một sự mất mát lớn của cá nhân em. Biết bao nhiêu kỷ niệm vui, đẹp, vinh quang, khổ nhọc trong suốt 58 năm hoạt động cùng Thầy, mặc dầu xa cách không gian nửa vòng trái đất. Đúng vậy, em không có nhiều dịp gặp Thầy Cô kể từ sau 1975, nhưng em vẫn thường xuyên liên lạc với Thầy qua email. Đặc biệt, từ khi em làm biên tập cho những bài viết của Thầy trên mạng báo Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ (https://thnlscantho.page.tl/) kể từ ngày thành lập 12/10/2007, em và Thầy liên lạc thường xuyên, có thể nói hàng tuần, bằng email, điện thoại, để lên bài của Thầy.
Tôi được diễm phúc, có cơ duyên được Thầy thương mến và nâng đỡ trong suốt 58 năm qua (từ 1963). Số là vào cuối năm học năm thứ 2, tôi được GS Tixier (Pháp) đỡ đầu làm luận án về cao su để tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông. Vì biến cố chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa bị lật đổ với hai cái chết của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1/11/1963), GS Tixier không được chánh phủ Pháp cử sang dạy học ở Việt Nam, tôi chới với vì không có vị Giáo Sư đỡ đầu làm luận án tốt nghiệp. May mắn cho tôi, vào niên học năm thứ 3, trong dịp Thầy Trình dẫn lớp chúng tôi du sát Miền Trung qua Đà Lạt đến Khánh Hòa. Đến quận Ninh Hòa, Thầy thích thú quan sát lò sấy thuốc lá và nghe lời tường trình của ông Giám Đốc Hợp Tác Xả Thuốc Lá về khả năng trồng giống thuốc lá thơm Virginia (thuốc thơm đầu lọc, khác với thuốc rê cổ truyền ở VN). Thầy nói đây là một đề tài rất mới và hữu ích cho việc sản xuất thuốc (lá) thơm vì khí hậu vùng Khánh hòa rất thích hợp, phải có sinh viên nào có khả năng làm luận án này thì hay lắm. Lúc đó, tôi ngồi bên cạnh Thầy và xin Thầy làm hướng dẫn luận án cho tôi. Thầy đồng ý. Về tới Sài Gòn, Thầy giao cho tôi một số sách tiếng Anh về canh tác và kỹ thuật sấy thuốc, v.v. Hè đó, về Nha Trang, quê hương của tôi, tôi dùng xe Vespa đi khắp các vùng trồng thuốc lá từ Lương Sơn, cho tới chân Đèo Cả, từ đồng bằng cho tới các ngọn đồi trọc mà người dân trồng thuốc lá, để nghiên cứu về đất đai, phương pháp canh tác của nông dân, cách phơi, thu mua thuốc lá của Hợp Tác Xả, nghiên cứu kỷ hơn 10 lò sấy rải rác trên các vùng sản xuất thuốc lá quan trọng. Thế là luận án khả năng trồng thuốc lá thơm Virginia của tôi được đánh giá cao khi tốt nghiệp Kỹ Sư.
Khi tôi về dạy trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ, tôi thường về Sài Gòn gặp Thầy xin tài liệu giảng dạy về các môn Nông Học và Lúa Gạo. Thầy cho tôi bản thảo đánh máy các quyển sách Nông Học Đại Cương và Lúa mà Thầy đang viết, chưa xuất bản. Tôi cũng thường về Sài Gòn gặp Thầy tại trường, và thỉnh thoảng cùng Lê Nguyên Khôi đến thăm Thầy Cô ở nhà Thầy. Có một lần Thầy dẫn tôi và Lê Nguyên Khôi đi câu cá trên sông Sài Gòn.
Một sự kiện làm thay đổi cuộc đời tôi. Năm 1966, khi vừa về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ, Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ tham khảo ý kiến với GS Tôn Thất Trình, bấy giờ là Giám Đốc Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sài Gòn, và nhờ Giáo Sư Trình giúp thực hiện một thí nghiệm lúa tại Đại Học Cần Thơ, trước khi Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp được chính thức khai giảng vào niên khóa 1968-1969. Thế là Thầy Trình từ Sài Gòn về Cần Thơ, dẫn tôi theo đến gặp GS Phạm Hoàng Hộ. Sau khi đồng ý và cam kết hổ trợ làm thí nghiệm, GS Trình mang cho tôi mấy kilo lúa IR8, và cùng tôi hoạch định trình diễn tại 1 ha đất ở trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Nhờ sự hỗ trợ tài chính dồi dào và rất nhanh chóng của Đại Học Cần Thơ, trực tiếp qua anh KS Phạm Văn Kim và GS Phan Lương Báu, Giám Đốc trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Cần Thơ, như tuyển dụng cho tôi một anh lao công và chị Huấn Sự Trần Thị Thịnh để canh tác, bảo vệ chim (dùng giấy vàng treo khắp cánh đồng), chuột (Hàng rào bằng tôle kẽm bao quanh khu ruộng), v.v. Mỗi tuần tôi đều báo cáo đến Đại Học Cần Thơ và GS Trình. Nhờ canh tác đúng kỹ thuật, bảo vệ khỏi chim và chuột phá hại, lúa IR 8 trúng mùa. Một tuần trước ngày gặt, tôi báo cáo GS Trình, GS Phan Lương Báu, và GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ. Ba vị nói trên quyết định tổ chức một buổi hội thảo tại Giảng Đường trường Trung học NLS Cần Thơ. Từ Sài Gòn, GS Trình cùng một số giảng nghiệm viên, một số nhân viên cao cấp trong bộ Canh Nông về Cần Thơ tham dự. Tại Cần Thơ, viên phụ trách Nông Nghiệp của Hoa Kỳ ở vùng 4 dùng trực thăng chở nông dân gương mẫu của vùng 4 (mỗi tỉnh vài nông dân), cũng như Ty Nông Nghiệp Cần Thơ đưa hàng vài chục nông dân trong tỉnh đến tham dự. Như vậy trong Hội Trường có tới hàng trăm người. Các nhân viên Thống Kê của Bộ Nông Nghiệp thâu hoạch và ước tính năng xuất 6 tấn lúa/ha. Các báo chí cũng đến chụp hình quay phim. Cuộc hội thảo và trình diễn rất hoàn hảo.
Nhờ sự thành công trình diễn lúa IR8, Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ tuyển dụng tôi về Đại Học Cần Thơ. Nhờ từ bực thang này, tôi có cơ hội đi du học ở Anh.
Cũng sau ngày trình diễn lúa IR8 này (mà thầy Trình đặt tên Thần Nông 8) GS Trình được mời làm Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp. GS Trình nhắn Lê Nguyên Khôi bảo tôi về Sài Gòn gấp gặp Thầy. Thầy yêu cầu tôi và Lê Nguyên Ngôi về giúp Thầy. Tôi đồng ý. Thầy liên lạc với GS Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ, và tôi được biệt phái về Bộ Nông Nghiệp để giúp Thầy. Thầy bổ nhiệm Lê Nguyên Khôi làm Chánh Sụ Vụ sở Khuyến Nông, và Thầy giao tôi nhiệm vụ thiết lập Trung Tâm Quốc Gia Huấn Luyện Lúa Gạo tại Sài Gòn, với cơ sở thực hành ở Hiệp Hòa (Biên Hòa). Dưới quyền tôi có 5 kỹ sư trẻ, cùng tôi thành lập khu thí nghiệm và trình diễn lúa Thần Nông trên một khu đất trên Cù Lao Hiệp Hòa, Biên Hòa. Tôi thiết kế canh tác thế nào để khi huấn luyện cán bộ, lúa có đủ giai đoạn sinh trưởng từ sửa soạn đất cho tới thu hoạch lúa để học viên thực hành. Đồng thời, tại Sài Gòn tôi có một văn phòng và một giảng đường mượn của trường Huấn Luyện Hợp Tác Xả, và chị Kỹ Sư Trần Thị Mai (Khóa 5) làm phụ tá cho tôi, trong việc sửa soạn lớp huấn luyện
Với chức vụ Quản Đốc cho một trung tâm huấn luyện mới thành lập, phải mất 3 tháng tôi mới mở được khóa huấn luyện đầu tiên giảng dạy canh tác lúa Thần Nông cho 30 vị Trưởng Ngành Túc Mễ và Khuyến Nông trên toàn quốc.
Khóa huấn luyện cán bộ Khuyến Nông và Túc Mễ. Tôi đứng hàng đầu thứ 4 từ trái.
Cũng trong thời gian này, tôi được vinh dự hướng dẫn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấy lúa Thần Nông 8 trong Lễ Ngày Nông Dân (26/3/1968) tại Nông Xã Kiểu Mẫu Phước Thới, Long Xuyên.
Nhờ công lao phát huy tiềm năng của lúa Thần Nông 8 tại trường NLS Cần Thơ, và huấn luyện chuyên viên ngành Túc Mễ và Khuyến Nông của Bộ Canh Nông về kỹ thuật canh tác mới cho lúa Thần Nông, trước khi trở lại Viện Đại Học Cần Thơ, tôi được tưởng thưởng một Nông Nghiệp Bội Tinh. Có lẻ tôi là người trẻ nhất (lúc đó mới 27 tuổi) mà không phải nhân viên của Bộ Canh Nông lại được cái vinh dự này.
GS Tôn Thất Trình lại được mời làm Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp lần thứ hai (1974-1975). Thầy Trình phone tôi và yêu cầu tôi giúp thầy lần nữa. Tôi đồng ý. Lần này, tôi vẫn là nhân viên giảng huấn của Viện Đại Học Cần Thơ, nhưng kiêm nhiệm chức vụ Thanh Tra Chương Trình Lúa ở 16 tỉnh Miền Tây. Trong thực tế, tôi hoàn toàn bỏ dạy học ở Đại Học và dùng toàn thời gian đi thanh tra chương trình canh tác lúa khắp Miền Tây. Tôi được cấp một văn phòng làm việc ở Cần Thơ, một nhân viên làm phụ tá, liên lạc ở Văn Phòng (Ông Châu Văn Khoa, nguyên Quản Đốc Nông Xã Mỹ Thới, Long Xuyên), một thư ký đánh máy, một công xa với tài xế, và tôi tuyển dụng Kỹ Sư mới ra trường (Đặng Vĩnh Quảng) để theo tôi suốt hành trình. Tôi dùng công xa đi khắp các tỉnh, hoặc dùng trực thăng (chỉ qua Cố Vấn Nông Nghiệp Vùng 4 của Hoa Kỳ). Chiến tranh bấy giờ đã bắt đầu khốc liệt, đi thanh tra rất nguy hiểm, biết sẽ không làm được gì khi bị Hoa Kỳ bỏ rơi, khi xăng dầu không còn đủ để nông dân bơm nước canh tác lúa. Và nhân cơ hội du học ở Anh Quốc, tôi xin từ chức. Tôi lên đường du học, mấy tháng sau Miền Nam bị mất.
Sau 1975, tôi không có dịp gặp Thầy. Tôi ở Anh, Thầy làm việc ở Phi Châu, sau này về làm cho cơ quan Lương Nông Quốc Tế FAO, phụ trách Lúa Gạo toàn thế giới. Năm 1982, Thầy và con gái út (Quỳnh Giao) đến London. Tôi hướng dẫn Thầy thăm viếng London trọn một ngày.
Trước dinh Thủ Tướng Anh, 10 Downing Street, London (1982)
Năm 1990, tôi có dịp đi công tác ở Rome, tôi có đến thăm Thầy Cô và dùng cơm tối tại nhà Thầy Cô, hàn huyên cho tới khuya.
Đó là 2 lần duy nhất gặp Thầy sau 1975. Tôi có nhiều lần đến Hoa Kỳ, lần nào cũng dự trù đến gặp Thầy Cô, nhưng lần nào cũng không gặp được, vì khi tôi ở Nam Cali thì Thầy Cô ở Bắc Cali (thăm con ở San Jose).
Tuy nhiên, dầu không gặp, nhưng Thầy, hoặc tôi, thường xuyên liên lạc nhau qua email, hay điện thoại. Kể từ 2007, khi tôi thiết lập trang web Trung học NLS Cân Thơ, coi như hàng tuần chúng tôi liên lạc nhau. Thầy gởi bài và tôi lên bài, tổng cộng có trên 500 bài khoa học đủ loại.
Thầy Cô rất thương mến tôi, vì sự phục vụ tận tụy và lòng trung thành của tôi với Thầy, Thầy Cô xem tôi như đứa em.
Thiệp chúc của Thầy khi tôi cưới vợ mà tôi vẫn còn giữ cho tới nay, đúng 50 năm
Cách đây 5 năm, có một dạo, trong vòng 2 tuần, Thầy không gởi bài cho tôi. Tôi lo lắng, phone hỏi Thầy. Thầy cười, cảm động, Thầy nói là nghỉ ngơi vài ngày chứ không có chuyện gì. Không ngờ, sau đó vài tuần, Thầy bị stroke, và nghĩ viết một thời gian. Khi bình phục, Thầy cố gắng viết lại. Nhìn dòng chữ đánh trên bàn phiếm computer, chữ không có dấu, nhiều chữ không đọc được, tôi phải đoán và viết lại bài cho Thầy. Thật đau lòng. Thầy vẫn tiếp tục viết như vậy, thêm 5 bài, và rồi Thầy không còn viết nữa cho đến hôm nay.
Em muôn vàng tri ân Thầy, một vị ân sư, một người đã dạy và nâng đỡ em trong suốt hành trình 58 năm để em mới có được sự nghiệp như ngày nay.
Xin cầu nguyện hương linh Thầy được sớm tiêu diêu nơi miền Cực lạc!
Reading, 14/7/2021
|