06/01/2024
TẢN MẠN CHỜ XUÂN.
Như một số nước châu Á khác, Việt Nam có tập quán xài 2 lịch. Lịch Tây và lịch Ta.
Lịch Tây tính ngày tháng dựa vào vị trí của trái đất khi đi quanh mặt trời. Mặt trời trong thiên văn phương đông là Thái Dương nên lịch đó được gọi là dương lịch. Trái đất vừa đi vừa tự xoay quanh mình. Đi đúng một vòng quanh mặt trời là 365,242198…ngày. Nhưng con người đâu có cách nào biểu thị cái khoảng lẻ đó, 1 năm chỉ có thể là 365 ngày, thiếu lại tự nhiên 0,242198.. gần bằng 0,25 ngày. 4 năm liên tục như thế thiếu hẳn một ngày, đem thêm vô tháng Hai thành 29, thay vì 28 ngày như thường lệ.
Người ta quy ước năm nào mà hai số chót của nó chia hết cho 4, năm đó gọi là năm nhuận dương lịch, tháng 2 có 29 ngày. Nhưng năm 2100, tháng hai vẫn 28 ngày nha, tại sao vậy? Là để bù vô khoảng chênh lệch 0,242198…mà ta đã tính tròn 0,25 ngày ở trên. Năm nào chẳn 100, năm đó tháng 2 chỉ 28 ngày, nhưng nếu chẳn 400 thì tháng 2 năm đó vẫn phải 29 ngày. Tháng 2 năm 2000 có ngày 29.
Hơi rắc rối phải không? Kệ, tết mà rảnh rỗi đọc chơi.
Còn âm lịch là lịch tính theo sự vận hành của mặt trăng đi quanh trái đất. Mặt trăng theo thiên văn phương đông là Thái Âm nên gọi lịch đó là âm lịch. Mà chị Hằng nầy cũng ngặt nghèo lắm. Chỉ đủng đỉnh đi đúng một vòng quanh trái đất như thế mất …29,5 ngày! Rồi làm sao an bài? Đành phải sắp xếp trong 12 tháng có tháng 29, có tháng 30 ngày. (Tháng nào 29, tháng nào 30 thì dựa vào tiết khí rắc rối lắm.) Dù gì cuối năm cũng phải thiếu so với tự nhiên 10-11 ngày, bèn giải quyết bằng cách cứ 3 năm thêm vào 1 tháng thành năm đó có 13 tháng và gọi là năm nhuận. (Tháng nào nhuận cũng phải dựa vào tiết khí, không được nhét khơi khơi). Người ta phát hiện ra quy luật: thập cửu niên thất nhuận, nghĩa là trong 19 năm phải có 7 năm âm lịch nhuận. Nếu ta lấy số chỉ năm dương lịch chia cho 19 mà số dư là một trong các số 0, 3, 6, 8, 11, 14, 17 thì năm đó là năm nhuận.
…
Gọi tên các năm như thế nào?
Đối với dương lịch đơn giản. Từ khi thống nhất sử dụng lịch Gregory, cứ lấy ngày Giáng sinh mà đếm tới. Năm rồi 2023 thì năm nay 2024…
Ông âm lịch lại phức tạp hơn. Ổng không dùng số thập phân để đếm ngày giờ. Ổng dùng hai hệ thống gọi là thiên can và địa chi để xác định thời gian.
Thiên can gọi đầy đủ là thập thiên can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Địa chi là thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Người Việt chúng ta gọi là 12 con giáp.
Để gọi một thời điểm nào đó, năm, tháng, ngày, giờ, người ta ghép một thiên can với một địa chi nhưng tiến lên tuần tự không được nhảy ngang.
Thí dụ bắt đầu là năm Giáp Tý, năm sau là năm Ất Sửu, năm sau nữa là năm Bính Dần…
Chúng ta để ý là phải qua một thời gian 60 năm mới có lại một năm Giáp Tý. Khoảng thời gian nầy được gọi là một lục thập hoa giáp.
Và tuân theo quy luật tuần tự đó, không bao giờ ta có các năm Giáp Sửu, Ất Thìn… Cứ xếp thập thiên can và thập nhị địa chi thành mã chẳn lẻ chẳn lẻ.. Rồi kết hợp từng cặp với nhau tuần tự, ta luôn có các cặp chẳn chẳn, lẻ lẻ. Không bao giờ có chẳn lẻ hay lẻ chẳn.
Do thập thiên can cơ số 10 trùng với hệ đếm thập phân, ta có thể suy một năm dương lịch nào đó thuộc thiên can gì? Các số cuối của năm 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 tương ứng với Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ.
Thí dụ: năm 1885 là năm Ất, 1963 là năm Quý. Còn muốn tính ra địa chi phải kết hợp nhiều dữ kiện nữa.
Tóm lại đây chỉ là một hệ đếm ghi chép thời gian, không mặc định một tính chất nào hết. Không hề có nghĩa người tuổi Sửu cực nhọc, người tuổi Hợi thì nhàn nhã.
Nhưng trên đời có nhiều sự trùng hợp không biết giải thích sao?
Năm âm lịch 2024 mà chúng ta sắp bước vào đây là năm Giáp Thìn.
Xem lại lịch sử nhất là lịch sử của dải đất phương Nam nầy, chúng ta giật mình vì những năm Giáp Thìn xưa cũ không thể nào quên, để rồi gắn luôn trong ngôn ngữ người miền Nam là “năm Thìn bão lụt”:
1/ Lụt năm Giáp Thìn tháng 9, 1844 .
Khi đó là vào thời Vua Thiệu Trị năm thứ 4 (húy là Nguyễn Phước Dung) là vị hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn nước Đại Nam . Kinh đô Huế mưa to gió lớn, nước ngập sâu 4.2 m trong kinh thành.
Tỉnh Thừa Thiên hơn 1000 người chết, 2000 nhà bị sập hoàn toàn. Tại Quảng Trị nước ngập sâu 6.72 m, 79 người chết đuối, hơn 3000 nhà bị sụp đỗ.
2/ Lụt năm Giáp Thìn (1904).
Thời Vua Duy Tân năm thứ 15 (huý Nguyễn Phước Vĩnh San).
Xảy ra ngày 1/5/1904, nhằm ngày 13/3/ Giáp Thìn, do một trận bão lớn, cùng lúc thủy triều cao gây những đợt sóng cao 10 m như sóng thần, càn quét khắp vùng duyên hải miền Nam đến tận Campuchia. Thiệt hại lớn nhất là Gò Công, Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn. Nhiều làng ven biển ở Gò Công bị cuốn trôi. Vì mưa lớn, nước lụt dâng nhanh, có nơi ngập sâu 3 m.
Mỹ Tho bị thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hoà…60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết. Tại Sài Gòn, số người chết hơn 3.000 người.
Cũng năm Giáp Thìn này (1904) lũ lụt lớn cũng xảy ra ở miền Trung, từ Huế cho tới Nghệ An. Tại Thừa Thiên-Huế đã xuất hiện một cơn bão cực mạnh ngày 11-9-1904 gây nhiều tổn thất về người và tài sản, nhiều công trình kiến trúc trong kinh thành và đình chùa miếu mạo bị hư hỏng, hơn 50.000ha ruộng lúa ở vùng thấp thuộc lưu vực sông Hương và phá Tam Giang bị nước mặn tràn vào gây mất mùa liên tục những năm sau đó. Trận thiên tai này đã khiến tỉnh Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nề: 22.027 nhà bị sập đổ, 529 tàu thuyền bị trôi dạt hoặc bị đắm, 724 người chết.
3/ Lụt năm Nhâm Thìn 1952 .
Thời Bảo Đại là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955) .
Xảy ra ngày mồng 3 tháng 9 năm 1952, nhằm tháng 8 năm Nhâm Thìn. Có thể nói là cuồng phong (tornado) chứ không phải bão vì cơn lốc có chiều rộng khoảng 40 km, thổi từ Phi Luật Tân thẳng vào Phan Thiết, đến Long Khánh, Thủ Dầu Một, và tắt dần khi vào Campuchia. Thiệt hại nhân mạng và nhà cửa rất lớn do cuồng phong và lụt ở Phan Thiết, làm ngã rạp rừng và rừng cao su ở vùng Long Khánh, v.v.
Theo thống kê thời ấy, sông Vàm Cỏ Đông ở đoạn thuộc huyện Châu Thành (Tây Ninh) nước lên cao 4 mét, chợ Tây Ninh 3,6 mét, vùng Suối Đôi, cầu Lộc Ninh đến 18,7 mét. Núi Bà Đen bị nước lũ xói mòn đá đứt chân lăn xuống, đùa nhau từ đỉnh đến chân núi thành 3 đường sâu hoắm, rộng hơn 20 mét. Đứng từ xa 30 cây số vẫn thấy rõ ba đường lở đỏ ối màu gạch nung.
Hậu quả trận lụt rất nặng nề. Các nơi trong tỉnh bị mất trắng 100% ruộng rẫy làm lúa, nhân dân thiệt hại 80%, vùng Châu Thành có 1.073 mẫu ruộng và 315 mẫu rẫy chỉ còn thu hoạch được 18 mẫu. Trảng Bàng bị mất hết 2/3 mùa màng, 220 nhà bị sập, 92 người chết. Dương Minh Châu thiệt hại thấp nhất cũng có hơn 50% mùa màng chìm trong biển nước. Nhiều người bị đói phải ăn củ nần, củ chuối, trái rừng thậm chí cả lá rừng thay cơm.
4/ Lụt năm Giáp Thìn 1964 .
Thời ông Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng của quốc gia VN .
Xảy ra ngày mùng 6 tháng 10 âm lịch tại Quãng Nam với hàng ngàn người chết. Riêng làng Đông An chết trên 1700 người, chỉ còn 19 người sống sót.
…
Ta giật mình vì ngoài trận lụt Nhâm Thìn 1952 ra, 3 trận khủng khiếp còn lại đều nằm năm …Giáp Thìn! 1844, 1904, 1964.
…
Năm 2023 là một năm lũ cạn ở đồng bằng miền Tây. Đỉnh lũ trên sông Tiền ở Tân Châu đạt vào ngày 16/10 là 3,09m. Thấp hơn mức báo động 1: 0,41m, thấp hơn năm 2022: 0,55m và thấp hơn trung bình nhiều năm 0,81m. Nghĩa là đỉnh lũ hàng năm có xu hướng đi xuống nhanh. Đó là kinh Funan chưa đào. Còn khi nó đào xong, khô hạn không có nước canh tác là nguy cơ rõ nét.
Vì vậy mong sao quy luật “bão lụt năm Thìn” trở lại nhưng nhẹ nhẹ thôi như một cách điều tiết tự nhiên cho bà con được nhờ. Đời sống yên vui.
Mong lắm thay.
Tháng 01/2024
Đào Dũng Tiến
|