10/8/2020
Lê Minh Tâm
Thân gởi Anh Chị Em con của Thầy và các bạn là học trò của Thầy Nguyễn Văn Sanh- (Thầy Ba Cho )
Tưởng nhớ Thầy
Trong mười mấy năm làm học trò, tôi đã được học với rất nhiều thầy cô, bây giờ còn nhớ đủ hết thầy cô đã dạy từ thuở lần đầu vào lớp học cho đến cuối cùng rời hẳn mái trường chấm dứt thời học sinh.Khi vào trường Nông Lâm Súc Cần Thơ 1966 thì không còn học với Thầy nữa, từ đó đến nay không có dịp gặp lại nhưng hình ảnh của Thầy luôn in khắc trong vợ chồng tôi, cả hai là học trò của Thầy, học chung lớp,hiện nay ở nơi nầy xa quê hương, ít người Việt, cho nên trò chuyện với nhau thường là người trong gia đình, thỉnh thoảng kể lại chuyện xưa thời cả hai còn học ở Cái Bè, nhắc bạn bè, nhắc Thầy Cô dạy học,nhiều nhất là Thầy. Không nhớ chính xác lúc nào, khi đến thành phố Melbourne của Úc, thấy xe tram vợ tôi nói : " Anh có nhớ bài học Pháp văn năm đệ tứ, kể thành phố Melbourne có xe tram trong sách Mauger I, Course de Langue et de Civilisation Francaise hồi đó Thầy dạy không? bây giờ mình đang có mặt ở đây nơi mà mấy mươi năm trước chỉ biết trong sách ".
Vừa rồi đọc trên FB một bài viết về địa danh Cỏ Cò, kể những đặc biệt của địa phương nầy, đọc bài viết tôi nôn nóng xem có nhắc đến Thầy không?, điều chờ đợi đã thấy, tác giả đã có nhắc đến Giáo sư Nguyễn Văn Sanh mà người ngoài và trong giới mô phạm thường gọi Thầy Ba Cho. Lúc còn học trường Lê Quí Đôn, Cái Bè, ông Diệp Tư Khấu, Giám thị của trường chắc cùng độ tuổi với Thầy đã kể cho học trò chúng tôi nghe ": Hồi trước ở vùng từ Bắc Mỹ Thuận tới Cái Lậy khi nói đến ông Tú Tài Cho thì ai cũng biết ". Bởi vì những năm thập niên 1930, 1940 người dân VN có được đi học và đổ đạt bằng cấp rất là ít. Như vậy Thầy đã nổi tiếng được nhiều người biết đến với sự kính phục.
* * *
Thưa Thầy, sau khi đọc bài viết trên FB ,qua trao đổi, liên lạc được với gia đình mới biết thêm :Thầy sinh 1910 đã qua đời năm 82 tuổi , Thầy lớn hơn Ba của con 16 tuổi nhưng Ba con đã từ trần trước Thầy, chỉ mới biết được hai người con của Thầy là chị Kim Hoa lớn hơn và cô Kim Hạnh nhỏ tuổi hơn con, cho biết gia đình rất vui mừng và xúc động vì sau thời gian rất dài 54 năm và không gian xa cách, không một lần gặp lại mà vẫn nhớ đến Thầy.
Nhà Thầy ở Cổ Cò, mỗi tuần hai ngày, sáng đi xe lam đến Cái Bè dạy học, chiều về, buổi trưa Thầy nghĩ tại văn phòng của trường, nhà con ở Hòa khánh, cũng sáng đi chiều về, có khi đi cùng chuyến xe với Thầy, buổi trưa Thầy trò thường gặp nhau và trò chuyện, có thể đây là một trong những lý do thân thiện quý mến Thầy hơn các vị khác, còn nữa khi nghỉ giải lao cuối giờ Thầy chưa lên văn phòng uống trà thì có vài học trò đến bàn Thầy hỏi chuyện đủ thứ, càng lúc thấy gần gũi hơn, có lần ông Chín Giám thị đã rầy yêu " giờ nghĩ để cho thầy Ba nghĩ, mấy đứa bao vây không cho Thầy Ba đi úông nước " những hình ảnh thân thương làm sao !!! . Nghe ông Chín nói vậy có bạn đi lấy ly nước trà từ văn phòng đem đến có lẽ Thầy không thích vậy nên những lần sau đến giờ nghỉ Thầy mau mau đi lên văn phòng uống trà rồi trở lại lớp liền để...nói chuyện với học trò đang chờ. Thầy kể về nước Pháp, chuyện văn minh, cách giao tế,...cả chuyện tếu lâm vì bất đồng ngôn ngữ của ông Việt làm việc nhà cho ông Tây, chuyện châm biếm phải suy nghĩ chút rồi mới cười, có lần Thầy kể: " Một tay gàn gàn không kính nể một nhà bác học, y ta đứng trước mặt vị nầy trịnh trọng đặt câu hỏi để cho trả lời không được : " thưa ngài khoãng cách biệt giữa nhà bác học và con bò bao xa ", vị này biết được ý định của y là xem thường, bôi bác ...nên đã chậm rãi trả lời :" khoãng cách giữa nhà bác học và con bò độ một mét ". Câu chuyện ứng xử trả đũa lại thật đích đáng. Thầy cũng kể giai thoại về Bà Huyện Thanh quan với bút phê :" Lấy chồng thì lấy, lấy trai thì đừng ", về tâm sự của đại văn hào Nguyễn Du - Tố Như qua câu thơ mà ai thích Truyện Kiều đều thuộc:
" Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như " .
Thưa Thầy, đại văn hào Nguyễn Du- Tố Như gởi gắm tâm sự, con không thể kể hết, chỉ trích một góc thật nhỏ, Cụ Tố Như hỏi ba trăm năm sau có ai Nhớ, Nhắc đến Cụ không?. Ngày trước Thầy đã kể, nay nhân nhắc lại, con mượn ý nầy để thưa là đối với Thầy: " Năm mươi bốn năm sau từ khi không còn học với Thầy vẫn còn, còn nhiều học trò nhớ, nhắc đến Thầy với sự tôn kính "
Thật vậy, vì thầy đã tận tụy giảng dạy, sẵn sàng chỉ dẫn, lưu lại tình cãm, kính thương trong mỗi học trò của Thầy, nhớ Thầy dạy Việt văn Huỳnh Công Trứ muốn cho học trò có thêm kiến thức tìm hiểu ca dao tục ngữ bằng cách mỗi trò phải ghi vào sổ tay ít nhất hai câu mỗi tuần, đem cho Thầy dạy Việt văn xem và giải nghĩa, sau đó vài bạn nhờ Thầy dạy Pháp văn dịch ra để học, Thầy đã sẵn sàng dịch mà còn cho biết thêm những câu ngạn ngữ tây phương như: "Những người cùng lo một việc thì thương nhau, những người cùng muốn một việc thì ghét nhau "....
Trường Lê Quí Đôn đã có được nhiều giáo sư uy tín, có tiếng tăm trong giáo dục, ba môn chánh, quan trọng, điểm nhân hệ số 3 trong kỳ thi trung học cuối năm được dạy bởi các Thầy việt văn Huỳnh Công Trứ, toán Thầy Hiệu trưởng Cổ Tấn Anh Phong, pháp văn Thầy Nguyễn Văn Sanh. Những môn khác do các Thầy từ các trường lớn khác đến dạy.
Có niềm vui, bản thân con được hầu hết các Thầy tin tưởng khả năng, được chọn giúp các Thầy khi cần .Ông Giám thị thường nhờ giúp cộng điểm, xếp hạng cho lớp mỗi tháng,các đề toán, pháp văn thi lục cá nguyệt các Thầy giao viết lên bảng cho cả lớp viết theo .
Cuối năm đệ tứ con đậu thi tuyển vào trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần thơ, nhập học xong vài tháng sau con có về trường củ thăm và báo tin cho các Thầy, chỉ gặp ông Chín Giám thị và Thầy Hiệu trưởng Cổ Tấn Anh Phong, học Cần Thơ năm, sáu tuần thì về nhà ở Hòa khánh, có một lần vào chúa nhật trên đường đi Cần thơ có ghé Cổ Cò tìm thăm và báo tin cho Thầy nhưng Thầy không có ở nhà.
Giờ thì chưa biết lúc nào nhưng khi có về thăm quê hương vợ chồng con sẽ đến thắp hương trước di ảnh của Thầy.
Kính bái Thầy
Lê Minh Tâm
|
|
|
|
|