Những chặng đường Miền Tây
30/11/2024

 
 
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG MIỀN TÂY
TS Trần-Đăng Hồng
Trong video “50 năm Viễn Xứ”, tôi đã kễ những gì tôi đã thực hiện trong thời gian 50 năm ở hải ngoại.
Trong bài viết này tôi sẽ kể những gì tôi đã làm trong 10 năm ở Cần Thơ và ở Miền Tây Nam Phần.
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG MIÊN TÂY NAM PHẦN
Tuy sinh ra ở xứ “Nha Trang là miền quê hương cát trắng” (nhạc sĩ Minh Kỳ), nhưng tôi đã rời hẳn Nha Trang sau khi đậu Tú Tài, rồi sống 6 năm ở Sài Gòn khi vào đại học, rồi 10 năm làm việc ở Cần Thơ, và cuối cùng 46 năm ở Anh quốc.
Thú thật tôi không có nhiều kỷ niệm ở nơi “chôn nhau cắt rún” của mình, ngoài những kỷ niệm vụn vặt của thời thơ ấu, mà qua ký ức mơ hồ còn vươn vấn lại khi vào tuổi xế chiều, tôi cũng đã cố gắng ghi lại vài kỷ niệm về miền quê cha đất tổ.
Ngược lại, trong 10 năm sống ở Cần Thơ, lúc tuổi vừa trưởng thành, đầu óc còn mang đầy lý tưởng, với lối sống phiêu bạt, mạo hiểm và ước mơ khám phá, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm sống động không bao giờ quên. Tôi đã mê vùng đất hiền hòa, con người đầy nhân hậu, hiếu khách, dễ nổi cộc nhưng cũng dễ bao dung, thật thà chân chất “ruột để ngoài da”. Thú thật tôi đã bị “Nam Kỳ hóa” và bản chất Miền Trung đã bị bào mòn dần trong thời kỳ sống ở vùng Tây Nam Phần này.
Sở dỉ tôi có nhiều kỷ niệm về Miền Tây là vì trong 10 năm sống ở Cần Thơ tôi có rất nhiều dịp đi đây đi đó, vì tôi rất đam mê du lịch khám phá vùng đồng quê đầy xa lạ này.           
1. Chương trình Chí Nguyện Nông Lâm Súc.
Tôi đang công tác được một tháng trong Đoàn Chí Nguyện Nông Nghiệp tại NhaTrang do lớp chúng tôi sáng lập sau khi vừa tốt nghiệp kỹ sư, nhờ sự bảo trợ tài chính của Bộ Thanh Niên mà Giáo sư Võ Long Triều của lớp chúng tôi đang làm bộ trưởng, thì tôi nhận được sự vụ lệnh đi dạy ở Trung HọcNông Lâm Súc Cần Thơ.
Vì Chương Trình Chí Nguyện Nông Nghiệp ở Nha Trang của lớp chúng tôi rất thành công, nên khi vừa về Cần Thơ tôi được Nha Học Vụ giao phụ trách thành lập Đoàn Chí Nguyên Nông Lâm Súc tại trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, một số bạn học lớp tôi phụ trách ở Trường Bảo Lộc và Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sài Gòn. Nhờ tài chánh yểm trợ dồi dào của Đoàn Chí Nguyện Quốc Tế của Hoa Kỳ (IVS, International Voluntary Service) thông qua Nha Học Vụ, công tác hoạt động chí nguyện ở Cần Thơ rất thành công. IVS Hoa Kỳ gởi anh Jerry Kliever về NLS Cần Thơ để phụ giúp chúng tôi, cũng vừa dạy Anh Văn. Các giáo sư cơ hửu của Trường như các anh Lê Quan Hồng (Giám Canh), Lê Hiền Lương (Chăn nuối Thú y), Trương Thiện Niệm (nuôi cá) cùng tham gia, nhưng sự đóng góp nhiều nhất có lẻ là GS Nguyễn Văn Thước. Anh Nguyễn Văn Thước phụ trách về sinh hoạt cộng đồng (ca hát, cắm trại, lửa trại, báo chí). Tôi có nhiệm vụ điều hành, phụ trách tổng quát và chuyên môn canh nông. Anh Jerry Kliever phụ trách tìm nguồn tài chánh và vật dụng từ các cơ quan viện trợ Hoa Kỳ - USAID (như Xi măng, tôn lợp nhà để làm chuồng trại, xây đường ở các hẻm). Hàng trăm học sinh NLS gia nhập để hoạt động cuối tuần (Thứ Bảy và Chủ Nhật), tổ chức thành từng toán từ 3-5 học sinh, có một toán trưởng chịu trách nhiệm. Tất cả các toán dưới quyền điều động của Đoàn và các Thầy. Mỗi toán hoạt động tại một khu vực do toán chọn và được các Thầy đồng ý, phần đông là giúp nông dân ở Cồn Khương, Cồn Sơn, Bình Lạc, Đầu Sấu, Bình Minh, v.v., nghĩa là chung quanh nhà truờng trong vòng 10 cây số. Ty Nông Nghiệp, Ty Thú Y và Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng yểm trợ Đoàn Chí Nguyện hết mình bằng cách cung cấp hạt giống mới, bình xịt, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc chủng ngừa bệnh gia súc, và thuốc trị bệnh gia súc thông thường v.v. Cuối tuần, hàng trăm học sinh tung đến các địa điểm để làm thí điểm nông nghiệp với các giống mới, phân bón, bảo vệ mùa màng khi có sâu xuất hiện, chỉ dẩn vệ sinh chuồng trại, chủng thuốc ngừa bệnh và trị bệnh gia súc, nuôi cá trong ao, v.v. Vì vậy, tôi rất bận rộn suốt tuần, trong tuần thì lo dạy học, ngày cuối tuần thì hoạt động công tác với các em học sinh. Thỉnh thoảng, anh Nguyễn Văn Thước tổ chức lửa trại trong trường, cắm trại ở Bình Lạc, Đầu Sấu, v.v.  Những năm kế tiếp, Đoàn hoạt động ở nhiều tỉnh khác, nhờ đó tôi đi và biết nhiều về các vùng Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Bến Tre, Vĩnh Long. Tôi đã từng cùng Đoàn Chí Nguyện NLS dùng ghe đi cứu trợ lũ lụt năm 1966 tại vùng biên giới Tịnh Biên, hay cứu Cồn Sơn không bị ngập lụt vì vỡ đê bao ngạn. Jerry cũng cùng tôi đi trực thăng vào vùng Đồng Tháp, Mộc Hóa, Bạc Liêu hay bay về Sài Gòn tham dự các buổi họp. Jerry và tôi cũng thường lái xe đến Châu Đốc để đi thăm các hoạt động chí nguyện trên cung đường Cần Thơ, Thốt Nốt, Long Xuyên, Châu Đốc, Châu Phú.
 
2. Lúa Thần Nông.
Viện Đại Học Cần Thơ được thành lập năm 1966. Là trung tâm vùng lúa gạo, Giáo sư Viện Trưởng Phạm Hoàng Hộ yêu câù GS Tôn Thất Trình làm một thí nghiệm về lúa. Giáo sư Trình cùng tôi soạn kế hoạch, rồi giao cho tôi hột giống lúa IR8. Trên khu đất rộng hơn 1 Ha tại Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, nhờ ngân khoảng dồi dào của Viện Đại Học cung cấp, và nhân viên làm việc tích cực, năng xuất lúa khi thâu hoạch 6 tấn/ha, trong khi lúa địa phương chỉ 2 Tấn/Ha, mỗi một vụ/năm vì quang kỳ tính, trong lúc lúa IR8 có thể canh tác 3 vụ/năm, vì không quang kỳ. Ngày thâu hoạch cũng là ngày Hội Thảo được tổ chức tại Đại Giảng Đường gồm có GS Phạm Hoàng Hộ và nhân viên Đại Học Cần Thơ, GS Tôn Thất Trình và nhân viên Trường CĐNN Sài Gòn, nhân viên Bộ Nông Nghiệp Sài Gòn, Ông Đặc Trách Viện Trợ Hoa Kỳ USAID ở Vùng 4, một số nông dân gương mẫu vùng 4 do USAID đưa đến bằng trực thăng. Nhờ sự thành công này, GS Hộ tuyển tôi về làm quản lý nông trại ở ĐHCT. Đây là nấc thang quan trọng của đời tôi, nhờ đó tôi mới có cơ hội du học sau này.
3. Biệt phái về Bộ Canh Nông Sài Gòn.
Chỉ mới làm việc ở ĐHCT vài tháng thì GS Tôn Thất Trình lên làm Bộ Trưởng Bộ Canh Nông. Giáo Sư TT Trình yêu cầu GS PH Hộ biệt phái tôi về Sài Gòn. Giáo Sư TT Trình giao tôi làm nhiệm vụ huấn luyện cán bộ nông nghiệp toàn quốc về lúa IR8 (sau này GS Trình đặt tên Thần Nông . Để thực hiện nhiệm vụ này, tôi cùng 9 kỷ sư canh nông khác được gởi đi huấn luyện về Lúa IR tại đảo Kawai, Hawaii (Hạ uy Di), Hoa Kỳ, và Trung Tâm Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI – International Rice Reasearch Institute tại Phi Luật Tân. Khi về Việt Nam, tôi bắt đầu thực hiện một thí đểm trình diễn và thực hành tại một khu đất rộng trên 2 Ha tại Cù Lao Hiệp Hòa, Biên Hòa mang tên National Rice Production Training Centre- Trung Tâm Quốc Gia Huấn Luyện sản Xuất Lúa Gạo. Dưới quyền của tôi có 5 kỷ sư canh nông phụ giúp, để thực hiện canh tác lúa IR. Riêng tại Sài Gòn, tôi có một giảng đường, mượn của Trung Tâm Huấn Luyện Hợp Tác Xã. Ở đây, tôi có cô Kỷ Sư Trần Thị Mai làm phụ tá cho tôi trong việc giảng dạy cán bộ.

 


Khóa huấn luyện canh tác lúa Thần Nông đầu tiên (9-20/4/1968) ở VN do tôi giảng dạy tại National Rice Production Training Centre do tôi vừa thành lập. Tôi đúng hàng đầu, thứ tư tính từ phía có hai chị.


Tôi hướng dẫn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấy lúa Thần Nông tại Nông Xã Cải Thiện Mỹ Thới, Long Xuyên.
Tháng 10/1967, GS Bộ Trưởng Tôn Thát Trình đặt tên giống lúa mới IR8 là Thần Nông 8. Với chức vụ Quản Đốc cho môt trung tâm huấn luyện mới thành lập (National Rice Production Training Centre), phải mất 3 tháng tôi mới mở được khóa huấn luyện đầu tiên giảng day canh tác lúa Thần Nông cho 30 vị Trưởng Ngành Túc Mể và Khuyến Nông trên toàn quốc. Cũng trong thời gian này, tôi được hân hạnh hướng dẩn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cấy lúa Thần Nông 8 trong một lể Hạ Điền (26/3/1968) tại nông xã kiểu mẩu Phước Thới, Long Xuyên. Nhờ công lao phát huy tiềm năng của lúa Thần Nông 8 tại trường NLS Cần Thơ, và huấn luyện chuyên viên ngành Túc Mể và Khuyến Nông của Bộ Canh Nông về kỹ thuật canh tác mới cho lúa Thần Nông, trước khi trở lại Viện Đại Học Cần Thơ, tôi được tưởng thưởng một Nông Nghiệp Bội Tinh. Có lẻ tôi là người trẻ nhất (lúc đó mới 27 tuổi) mà không phải nhân viên của Bộ Canh Nông lại được cái vinh dự này.
   
3. Chi Hội Chuyên Viên Nông Nghiệp Miền Tây.
Ngoài ra tôi còn nhiều cơ hội khác nữa để đi khắp các tỉnh Miền Tây. Bởi vì các trưởng ty ngành canh nông, chăn nuôi thú y ngư nghiệp đều là những đồng môn quen thân, thuộc khóa đàn anh hay đàn em. Hàng năm, tôi đều có tổ chức họp mặt các bạn đồng môn chuyên viên nông nghiệp ở 16 tỉnh Miền Tây tại trường trung học NLS Cần Thơ hay sau này tại trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Viện Đại Học Cần Thơ, vì vào thời đó tôi và anh hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Sơn thay phiên làm Trưởng Chi Nhánh Hội Chuyên Viên Nông Nghiệp Miền Tây. Chính vì vậy tôi cũng thường đến các tỉnh này thăm viếng bạn bè.
Sau khi lập gia đình, tôi lại còn đi nhiều hơn nữa, vì công vụ chứ không phải du lịch. Đây là thời kỳ tôi làm Thanh Tra Phụ Trách Chương Trình Phát Triển Lúa Thần Nông ở 16 tỉnh Miền Tây, vào thời GS Tôn Thất Trình làm Tổng Trưởng Bộ Nông Nghiệp (1973-1975). Tuy thời gian phục vụ ngắn ngủi, khoảng 6 tháng, nhưng tôi đi các tỉnh rất nhiều, bằng xe hơi công vụ do tài xé lái, hay bằng trực thăng. Phải nói là thời gian công vụ này rất nguy hiểm vì tình trạng chiến tranh đang cao điểm trước khi Miền Nam thất thủ.                     
Cung đường tôi thường đi nhất là Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá. Đây là cung đường có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Tôi thường đến đây thăm viếng hay công tác nghiên cứu về giống lúa chịu mặn, giống “Xa quay” và thường ở đêm tại nhà anh trưởng ty Nông nghiệp, KS NLA vốn là bạn thân.                       
Khoảng 1966, tôi cùng anh Nguyễn Văn Thước, Lê Hiền Lương, và Jerry Kliever dẫn đoàn công tác Chí Nguyện gồm trên 50 học viên đến cắm trại trong 3 ngày ở Rạch Giá, ngủ trong một ngôi chùa Miên, và ăn ở quán cơm xã hội “Gió Ngàn Phương”.            
Sau này, khoảng 1973 tôi và ông CVK, phụ tá của tôi, lái xe vào vùng Tắc Cậu, thuộc rừng U Minh để khảo sát, mà trước đó ít năm tôi có lái xe Lambretta vào vùng này. Trong chuyến đi 1974 này, chúng tôi bị “bắn sẻ” từ bên trong rừng, may mắn chạy thoát được.
Cũng trong cung đường này, năm 1972 tôi theo ông KS Trưởng Khu Nam Công Chánh trong một chuyến du lịch Hà Tiên.  
4.Thăm dò kinh tế Vùng Cái Sắn
Năm 1971, Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp được Ủy Ban Quốc Tế Mekong trụ sở ở Bangkok giao nhiệm vụ khảo sát và thăm dò (survey) về xử dụng đất và đời sống người dân ở Khu Định Cư Cái Sắn. Ở đây có tổng cộng khoảng 40 con kinh đào, bề ngang rộng 6 mét và sâu 4 mét. Bên mỗi bờ kênh, sâu vào 20 mét là những căn nhà ở của dân chúng. Cộng chung tất cả các kênh gồm 8.086 lô đất. Mỗi lô đất dành cho một gia đình là 3 mẫu tây vừa là nhà ở và đất để trồng trọt. Mỗi lô đất rộng 30 mét tây chiều ngang và 1000 mét chiều dài. Tất cả sinh viên khóa 1, nhân viên giảng huấn của cả đại học được điều động tham gia cuộc khảo sát này, người đứng đầu tổ chức là anh Nguyễn Phú Thiện. Ban đêm chúng tôi ăn ở và sinh hoạt trong Nhà Thờ Cái Sắn, và ban ngày đi dọc theo kinh dài khoảng 2 cây số, vào từng nhà để hỏi, ghi chép trên giấy với nhiều câu hỏi đã in sẳn. Nhờ 1 tuần lặn lội như vậy, chúng tôi biết thêm về đời sống của người Bắc di cư ở vùng Cái Sắn. Người Bắc ở vùng này đều là tín đồ Thiên Chúa Giáo, mỗi kinh đều có một nhà thờ nhỏ cai quản bởi một linh mục, là vị lãnh đạo tinh thần ở đây. Muốn việc gì suông sẻ, phải gặp cha linh mục trước, chỉ một tiếng nói của ông, tín đồ tuân lệnh tuyệt đối. Công tác thăm dò của chúng tôi nhờ vậy rất suông sẻ và thành công theo ý muốn.
5. Những hành trình khác.
Các anh bạn ở Cồn Sơn thường dùng ghe đưa tôi đi viếng những vùng xa khác, như ở Cồn Mây cách Cần Thơ trên 20 km.
Đề cập đến tôn giáo, ở Miền Tây mà không am hiểu về đạo Hòa Hảo là một thiếu sót lớn. Khoảng 1969, tôi và anh Lê Hiền Lương được một tín đồ Hòa Hảo hướng dẫn đến Thánh Địa Hòa Hảo ở làng Hòa Hảo An Giang. Chúng tôi ở đây hai ngày một đêm và được gặp nhiều vị chức sắc. Nhờ đó tôi biết chút ít về đạo Hòa Hảo.
Nhân dịp đây cũng cần kể thêm về một người bạn Hòa Hảo rất đặc biệt đã mến mộ tôi. Đó là anh Bảy Thới Long, do các anh Cồn Sơn giới thiệu. Nguyên do là anh Út Lùn ở Cồn Sơn, một tín đồ Hòa Hảo, có nhả ý mời tôi đi ăn đám giỗ ở Thới Long, Bằng Tăng (thuộc quận Thốt Nốt, Cần Thơ). Anh dùng ghe gắn máy và chúng tôi đến Thới Long vào buổi chiều. Đám giỗ đã chấm dứt vào buổi trưa, nhưng chủ nhà dành thức ăn cho chúng tôi ăn nhậu suốt đêm. Tôi không biết tên thật của anh, chỉ quen gọi là “Anh Bảy (ở) Thới Long”. Anh lớn hơn tôi khoảng 20 tuổi, vốn là một cận vệ của ông Ba Cụt, tức tướng Lê Quang Vinh của lực lượng Hòa Hảo. Anh rất to con, lực lưỡng, xâm hình con rồng trên cả 2 tay. Nghe nói là anh có võ nghệ cao cường. Là bạn chí thân thời thơ ấu với Ba Cụt, cùng Ba Cụt học võ với võ sư Sáu Kim ở làng Hòa Hảo. Khi thành lập lực lượng quân sự, Ba Cụt chọn anh làm cận vệ thân tín. Trong khi lực lượng chánh của Hòa Hảo quy thuận chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì nhóm quân của Ba Cụt ly khai chống chính phủ. Ngày 13.4.1956, Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị một tiểu đội Bảo An phục kích bắt sống tại Chắc Cà Đao cách Long Xuyên 15 cây số cùng với 5 hộ vệ. Vào sáng ngày 13 tháng 7 năm 1956, Ba Cụt đã bị hành quyết bằng hình phạt chém đầu tại Cần Thơ, và 5 cận vệ, trong đó có anh Bảy Thới Long, chịu án 20 năm đày ra Côn Đảo. Khoảng năm 1964, anh được ân xá trở về Thới Long. Trong thời gian 8 năm lưu đày, anh thố lộ tâm sự với tôi, là anh đã ăn năn hối cải vì những tội ác anh đã gây ra trong thời gian cùng Ba Cụt hoành hành ở khắp tỉnh Cần Thơ. Từ đó anh tu theo phật giáo Hòa Hảo, thuộc kinh sách của Đức Thầy. Trong suốt một đêm dài, tôi chỉ lắng nghe anh tâm sự, tôi chỉ dám khơi động những kỷ niệm anh sống ở Côn Đảo. Tôi chỉ lắng nghe, không dám bình luận điều gì, nhất là về tôn giáo. Có lẻ mặc cảm vì thất học, võ biền, nay được một trí thức dạy đại học lắng nghe, anh mến mộ tôi lắm. Sáng hôm sau, trước khi bước xuống ghe từ giả, anh móc từ trong túi áo trao cho tôi một chiếc nhẫn. Anh nói đây là chiếc nhẫn anh làm từ xương hàm của cá mập khi anh còn ở Côn Đảo. Anh tặng tôi làm kỷ niệm, nói rằng dầu tôi có đi đâu, hễ nhìn thấy chiếc nhẫn này là hãy nhớ đến anh. Tôi đã thất hứa, tôi đã để chiếc nhẫn này ở lại VN và nay đã đánh mất. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ đến anh.          
Ngoài ra, cũng cần kể thêm một chuyến công tác nguy hiểm mà tôi bắt buộc phải đi cũng trên cung đường này. Đó là năm 1966, có cuộc bầu cử tổng thống. Thế giới e ngại là cuộc bầu cử ở các địa phương xa xôi sẽ bị gian lận, không được tự do bầu phiếu nên cử quan sát viên đến VN. Để chứng tỏ với quốc tế là việc bầu cử tự do, tỉnh Cần Thơ cử một số giáo chức vào các vùng xa để quan sát cuộc bầu cử. Tôi và anh Lê Hiền Lương bị đề cử đến quan sát tại một phòng phiếu ở một xã thuộc quận Cờ Đỏ. Là một vùng bất an, tôi không muốn đi, nhưng bắt buộc phải đi vì là công chức của tỉnh. Đến quận này vào thời đó chỉ bằng ghe chở hành khách có gắn động cơ. Khi đến quận, ai cũng phải trình diện với ông Quận Trưởng để nhận nhiệm vụ. May mắn cho tôi, ông quận trưởng là Thiếu Tá HC, là bậc đàn anh của tôi ở trường Võ Tánh Nha Trang. Nhờ vậy, anh chuyển chúng tôi đến 1 xã tương đối an ninh nhất của quận, là Xã Thới Lai. Anh vỗ vai tôi “chú mày đến đó cũng phải cẩn thận”. Chúng tôi phải theo đoàn ghe của quận đi ngay trong đêm đó, để ngày hôm sau là ngày bầu cử. Vừa đến xã, vào khoảng 10 giờ tối, là được “chào đón” bởi một loạt đạn súng cối từ một xóm quê không xa lắm. Thế là đồn lính địa phương quân của xã bắn trả lại hàng loạt đạn súng cối. Tôi trốn trong hầm núp suốt đêm, khỏi ngủ. Cả ngày hôm sau, ngày bầu cử, thỉnh thoảng hai bên trao đổi nhau bằng pháo kích. Lần đầu tiên, không phải là quân nhân, tôi đã trải qua một ngày dài đầy lo sợ. Đến giờ chấm dứt bầu cử gần nửa đêm, nhân viên phòng phiếu mời chúng tôi ra xem họ niêm phong thùng phiếu, ký tên và yêu cầu chúng tôi đi theo để mang thùng phiếu về quận quan sát việc kiểm phiếu. Tôi từ chối không đi theo, vì sợ bị phục kích trong đêm khuya. Đó là một chuyến đi đầy hải hùng của tôi.
Bởi vì Việt Cộng tổng công kích trong dịp Tết Mậu Thân (1968) trên khắp mọi thành phố lớn ở Miền Nam, mà trước đây hai phe Quốc Gia và Cộng Sản đồng ý hưu chiến trong 3 ngày Tết, nên mọi giáo chức Đại Học và Trung học đều phải đi tập huấn quân sự trong 9 tuần, để bảo vệ cơ sở giáo dục nơi mình phục vụ. Tôi làm việc ở Đại Học Cần Thơ nên học quân sự ở Trường Huấn Luyện Quân Sự Chi Lăng trong vùng Thất Sơn. Trong các cuộc thực tập hành quân, tôi có dịp biết thêm về vùng đất huyền bí linh thiêng này.
Ngoài ra, tôi có quen Ông Thiếu Tá làm Quận Trưởng quận Tân Châu, Châu Đốc, nên có dịp đi thăm vùng này
Năm 1973, tôi dùng công xa đi quan sát lúa Thần Nông dọc cung đường Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cao Lãnh, cho tới Hồng Ngự. Trong dịp này, tôi có gặp lại một số cựu học viên NLS Cần Thơ, và cán bộ nông thôn mà tôi có dịp huấn luyện tại trường nls Cần Thơ vào khoảng 1965-1966.
Một cung đường dài khác là Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Tôi thường đi Sóc Trăng chơi bằng xe Lambretta của tôi vì có anh bạn cùng lớp KS NHL làm trưởng ty NN Sóc Trăng. Mỗi lần đến đây, tôi thường đến Phú Tâm thăm anh Ba Tam (Những Món Nợ Ân Tình). Một lần, tôi lái xe Lambretta chở đứa “em nuôi” Đặng Vĩnh Quãng (đã qua đời) đi chặng đường dài Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Ở Bạc Liêu có anh bạn trưởng ty VT, và Cà Mau có anh trưởng ty TTM. Vào thời này, đường còn xấu, nhưng có an ninh, chạy xe thông suốt.
Năm 1974, tôi tháp tùng Tổng trưởng Bộ Canh Nông và Cải Cách Điền địa là GS Tôn Thất Trình đi Bạc Liêu. Phái đoàn đi thăm viếng nhiều thí điểm phát triển nông nghiệp, vùng lúa nước mặn, vùng trồng nhản nổi tiếng (tôi không nhớ địa danh), vùng nuôi tôm thiên nhiên ở rừng ngập mặn, nơi có gió thổi vù vù, mà tôi nghĩ là nơi hiện có lấp hàng trăm máy turbin phong điện (windmill) ngày nay.
Tuy chỉ sống 10 năm tổng cộng ở Cần Thơ, nhưng tôi lại có rất nhiều kỷ niệm thân thương và sâu đậm ở khắp các tỉnh Miền Tây. Tới giờ này, thỉnh thoảng tôi có những giấc chiêm bao, trở về những nơi xa vời đó, gặp lại người này người nọ. Thức dậy lòng tiếc nuối về một thời xa xôi. Tôi không bao giờ quên những người bạn, có người tôi đã thọ ơn như các anh ở Cồn Sơn, hay có những người quen thân thiết trong nhiều năm, hay những bạn vừa quen biết một lần, như anh Bảy Thới Long. 
 
TÀI LIỆU CHI TIẾT
2. Những kỷ niệm ở trường THNLS Cần Thơ. Trích từ “Trường cũ tình xưa” của Trần Văn Diên.
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 232856 visitors (440427 hits) on this page!