19/9/2020
CHUYỆN QUÊ TÔI
Trần-Đăng Hồng
Khoảng 180 năm trước, vào thời vua Gia Long (1802-1820), ông tổ trước tôi bảy thế hệ đến làm quan Trực Phủ Quận (governor) tại Phủ Bình Hoà, tức Thành Diên Khánh ngày nay, và cụ thân sinh cùng họ hàng đến lập nghiệp tại Bầu Lát thuộc thôn Lạc Lợi bây giờ, thì vùng đất này đã thuộc về Việt Nam từ lâu, khoảng trên 150 năm. Vùng này trước năm 1653 thuộc tỉnh Kauthara của Chiêm Thành, và thị trấn Nha Trang thời đó có tên là Aya Tra. Theo một số địa phương chí, thì tên Nha Trang là do người Pháp phát âm từ chử “nhà trắng” (maison blanche) khi viên quan Pháp chỉ tay hướng về thị trấn này để hỏi viên thông ngôn về tên thị trấn, viên thông ngôn hiểu lầm tưởng ông tây chỉ những ngôi nhà vét vôi trắng nên trả lời “nhà trắng”. Theo tôi nghĩ Nha Trang là do phát âm của Aya Tra của người Chàm khi phiên âm qua chử Hán. Sử ghi rằng năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong (người Chăm) vượt Đèo Cù Mông chiếm vùng Phú Yên ngày nay. Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm đem quân đánh Phú Yên. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc (người Chăm) vượt Đèo Cả, sang đánh. Bà Thấm thua, xin hàng. Hiền Vương lấy hẳn vùng Kauthara, lập thành phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Bình Hoà, trong đó có thánh tích Chiêm là Po Nagar tức Tháp Bà. Chiêm Thành bấy giờ chỉ còn lại vùng Panduranga, phía nam sông Phan Rang (có lẻ Phan Rang là phát âm của người Việt từ Panduranga).
Như vậy, lảnh địa phủ Bình Hoà mà ông tổ chúng tôi làm Trực Phủ Quận thời vua Nguyễn bao gồm tỉnh Khánh Hoà ngày nay cho tới sông Phan Rang bây giờ. Năm 1689, vua Chiêm mới là Bà Tranh tấn công phủ Thái Ninh. Chúa Nguyễn là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hửu Cảnh xuống đánh. Năm sau (1690) Nguyễn Hửu Cảnh bắt được Bà Tranh và giải về Phú Xuân (Huế) và chiếm luôn phần đất phía nam Phan Rang đặt là phủ Thuận Thành, nhưng giao cho các quan người Chiêm cai trị. Như vậy, đến năm 1693, nước Chiêm Thành chỉ còn một vùng đất tự trị ở vùng Bình Thuận. Khi còn là lảnh thổ nước Chiêm Thành, cơ sở hành chánh và quân sự của tỉnh Kauthara đặt tại làng Phước Tuy ngày nay, cách thôn Lạc Lợi của tôi khoảng 3 cây số về hướng Tây Bắc. Ngày nay, dân chúng vẫn còn gọi địa danh Phước Tuy là Thành Hồ, hồ có nghĩa là Chiêm Thành (rợ Hồ). Sử cũng ghi rằng một trận đánh rất khốc liệt giữa quân Chiêm và Việt tại Thành Hồ. Thua trận, một hoàng tử Chiêm Thành chạy trốn đến núi Me thuộc thôn Bình Khánh, và vì bị vây khốn vị hoàng tử này leo lên một cây me thắt cổ tự vận để quân Việt không bắt sống. Sau khi bình định vùng này, dân Việt lập miếu thờ vị hoàng tử Chàm anh hùng này, và “Miếu Hoàng Tử” còn tồn tại tới ngày nay ở Núi Me Bình Khánh, cách nhà tôi khoảng hai cây số về hướng Tây. Miếu là một tiểu đình, mái ngói cột săn, bốn bề không có vách, che một tảng đá vuông vức, mỗi chiều trên một sải, nằm giữa một đám đá lởm chởm. Trong miếu không có bàn thờ. Từ khí từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ con cờ cũng bằng đá, một đôi giày đá và một bộ cối chày đá. Truyền rằng tảng đá vuông kia là tượng của Thái Tử. Miếu linh thiêng, thường dân địa phương đến đây thề thốt. Hàng năm, tại đây có lễ Kỳ an và lễ Vía Thái Tử vào ngày 13-14/3 âl của người dân thôn Bình Khánh .
Vì nguyên là lảnh thổ của Chiêm Thành, quê tôi tới nay vẩn còn nhiều di tích của người Chàm, văn hoá địa phương và đức tin tôn giáo của người Việt vẩn còn sâu đậm ảnh hưởng Chàm.
Làng tôi xem như là trung tâm của đồng bằng Diên Khánh, bao bọc bởi bốn ngọn núi lớn; Hòn Ngang, Hòn Dử, Hòn Bà và núi Đồng Bò. Là một thung lủng nhỏ, một nửa hướng đông thông ra biển cả, một nửa hướng nam là một dải đất hẹp kềm kẹp giữa hai núi Đồng Bò và Hòn Bà, hướng tây là sườn đông của Trường Sơn với rặng Hòn Dử, và hướng bắc là Hòn Ngang với nhiều nhánh núi đâm ngang khác chạy từ Hòn Dử đến biển cả và đèo Rù Rì nằm trên một núi trong rặng Hòn Ngang này. Bao vây bởi núi rừng và biển cả, khí hậu vùng quê tôi rất đặc thù, khô hạn, gió Lào, và mưa lủ. Vì vậy núi rừng vùng quê tôi cũng lắm đặc thù với nhiều giống cây và thú lạ và cũng vì vậy quê tôi cũng lắm huyền thoại mang sắc thái địa phương. Quê tôi là cái nôi của loài Thị (Diospyros species) và loại Cam (Citrus). Trong số khoảng 40 loài Thị của vùng Đông Dương, núi rừng vùng quê tôi là quê hương của hơn 20 loài thị, từ loai “thị bỏ bị bà già” (Diospyros odoratissima) trong chuyện cổ tích Tấm Cám của vùng quê tôi, cho tới những loại Thị đặc thù chỉ thấy ờ địa phương, và vì vậy được mang tên khoa học theo tên địa phương, như Diospyros Nha Trangensis (thị Nha Trang), Diospyros bangoiensis (thị Ba Ngòi). Cũng thuộc loài Thị, mà người Việt Nam nào cũng biết, đó là cây Mun (để làm đủa mun và khắc tượng) của vùng Hòn Bà, và chỉ có ở núi vùng quê tôi mà thôi, vì vậy được mang tên Diospyros mun. Quê tôi cũng là trung tâm nguồn gốc của vài loại Cam quít, Citrus annamensis và Citrus macroptera annamensis. Nói đến Tết là phải nói hoa mai (Ochna integerrima), thì chỉ có ở vùng Hoà Tân cho tới Ba Ngòi là có giống mai sáu cánh, các nơi khác ở Việt Nam chỉ là hoa bốn hay năm cánh. Đặc biệt hơn nữa, quê tôi cũng là cái nôi của một loài gổ quí, “Kỳ Nam” hay “Trầm Hương” (Aquilaria crassna), và trầm hương cũng đi vào nhiều huyền thoại, “ngậm ngải tìm trầm”, và quan trọng nhất là huyền thoại Thiên Y Thánh Mẩu. Hình như những giống cây tôi kể trên đã hay đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Bốn ngọn núi bao quanh quê tôi vì vậy đã có ảnh gưởng rất nhiều đến tâm tư của tôi vào thời thơ ấu. Hòn Ngang chỉ cách nhà tôi hơn hai cây số, bên kia sông Cái, nhưng trông có vẻ rất gần. Đêm đêm có những ánh lửa cháy bập bùng trên sườn núi. Khi tôi khóc đêm các chị tôi thường doạ “nín đi, nếu không bà chằn đốt lửa bên Hòn Ngang xuống bắt ăn thịt đó”. Tôi sợ hải phải nín khóc ngay. Bà chằn ở Hòn Ngang đêm đêm đốt lửa để nướng con nít ăn thịt là nổi ám ảnh của tôi thời thơ ấu. Lớn hơn một chút, tôi mới khám phá ra rằng những đám lửa đó là do đốt rừng làm nương rẩy.
Hòn Dử, ở hướng Tây, tôi không biết lý do tại sao mang tên này. Vào mùa nắng ở đồng bằng quê tôi, trời khô hạn và nóng bức, nhưng đỉnh núi Hòn Dử lúc nào cũng mây mù, thỉnh thoảng như có sấm sét, dấu hiệu của mưa nguồn, nhưng mưa không xảy ra. Có lẻ người dân quê mộc mạc không giải thích được hiện tượng lạ này mà đặt tên là Hòn Dử. Sau này, khi vào đại học tôi mới hiểu được hiện tượng “Foehn”, “gió Lào”, mưa nhiều ở sườn tây, nhưng khô hạn ở sườn đông Trường Sơn. Vào thời thơ ấu, tôi vẫn thường thắc mắc là bên kia Hòn Dử là cái gì. Tôi tò mò thường hỏi những người lớn tuổi về thắc mắc này, nhưng cũng không ai biết để trả lời. Tôi thích nghe những chuyện về Hòn Dử và Hòn Bà. Tôi thường đến nhà các bô lảo trong làng để nghe kể chuyện. Chuyện kể rằng sông Cái bắt nguồn từ Hòn Dử, có lắm thác và ghềnh. Trong số các ghềnh này có “ghềnh trâu thần” là nguy hiểm nhất. Dân đò đưa (người đi buôn bán với người Thượng) khi đến khúc sông này phải ngừng ghe lại, phải cúng vái, nếu không, trâu thần bằng đá sẽ nổi lên húc cho ghe chìm. Thác nổi tiếng là Thác Hòm. Không có cách nào để vượt Thác Hòm. Trên Hòn Dử lại có mọi Cà Răng Căng Tai rất hung dử, hể gặp người Việt là giết. Có một đàn voi, rất hung dữ, hể nghe mùi gió có hơi người là chúng hướng về hướng gió để tìm tấn công, và cuối cùng dùng chân khổng lồ chà người nát ra như giả thịt. Vì vậy, trước khi vào Hòn Dử, người ta phải ngâm thân mình vào bùn để voi không đánh được hơi người. Ngoài ra, có một giống đười ươi, rất to lớn, hể gặp người là nó nắm hai tay mình, nhắm mắt rồi nó cười cho đến khi mình sợ hải mà chết. Vì vậy, ai vào Hòn Dử phải mang theo hai ống tre, hể gặp đười ươi thì mang hai ống tre vào, khi dười ươi nắm hai ống tre nhắm mắt cười thì ta rút tay ra và nhẹ nhàng trốn thoát. Chuyện còn kể rằng trên Hòn Dử có một vườn quít do Tiên trồng. Khi vào vườn quít thì ta tha hồ muốn ăn bao nhiêu cũng được, nhưng không được mang ra khỏi rừng. Ai vi phạm điều cấm này sẽ không tìm được lối về, cứ đi lẩn quẩn mải trong rừng cho đến khi ăn hết quít, hoặc để quít lại rừng. Đó là những chuyện thời nhỏ tôi nghe không bao giờ chán.
Đỉnh Hòn Bà lúc nào cũng bao phủ bởi mây và sương mù
Sừng sửng hướng tây nam, cách Lạc Lợi chừng 20 km là núi Hòn Bà. Vào lúc tốt trời, từ Đèo Ngoạn Mục (Bellevue) Đà Lạt ta có thể nhìn thấy đỉnh Hòn Bà (cao 1500 m) và xa hơn nữa là biển cả. Nhưng từ làng tôi, ít khi thấy được đỉnh Hòn Bà, vì mây phủ quanh năm. Vì vậy Hòn Bà được mang tất cả những huyền bí đáng tôn thờ. Dân đốn củi kể rằng khi bước tới bìa rừng, từ thật xa thường thấy hai ông tiên đang ngồi chơi cờ trên một khối đá bằng phẳng, nhưng khi đến gần thì hình ảnh hai ông tiên mờ dần rồi biến mất. Khi nhỏ, khi ngồi chơi ngoài sân vào ban đêm, mổi khi thấy có một vì sao xẹt từ trời xuống đỉnh Hòn Bà, hay từ đỉnh Hòn Bà xẹt ra, anh em chúng tôi phải khúm núm chắp tay, bởi vì “Bà giáng” hay “Bà bay”. Theo dân chúng, Hòn Bà là nơi “Bà” ngự trị, và từ đỉnh cao ở ngọn núi này Bà có thể nhìn thấy hết đám con dân nằm trong vòng tay bảo bọc của Bà. Po Nagar, theo ngôn ngử Chàm, là Mẹ Xứ Sở vì vậy giới thầy pháp và đồng bóng gọi Bà là Mẹ, còn người Việt gọi Bà là Thiên Y Thánh Mẩu. Gọi là Thánh Mẩu hay Mẹ vì Bà là người mẹ đở đầu của dân địa phương. Ai đau ốm thập tử nhất sinh chỉ cần vái đến Bà là Bà cứu sống. Dân địa phương rất tin tưởng vào sự bảo hộ của Bà. Khi Đệ Nhị thế Chiến gần kết thúc, một cuộc không chiến giữa máy bay Mỷ và Nhật ngay trên thành phố Nha Trang. Lúc đó, tôi mới bốn hay năm tuổi gì đó. Tôi thấy năm sáu máy bay ở miệt Nha Trang - Đồng Bò đang bay lượn bắn nhau. Dân trong làng ai ai cũng chạy ra ngoài đồng để nhìn cho rỏ, dỉ nhiên trong đó có cả gia đình tôi. Tôi chỉ thấy máy bay quần thảo trên trời, chỉ thế thôi. Nhưng sau đó, tôi được nghe kể lại là một máy bay Nhật bị máy bay Mỷ bắn hạ, khi máy bay sắp rớt xuống thành phố Nha Trang, thì người ta thấy có một bàn tay lửa đưa chiếc máy bay Nhật đó vào hướng núi Hòn Ngang và cho rớt cháy ở đó. “Bà” đã cứu nhân dân Nha Trang qua cơn thảm hoạ. Nhân dân địa phương còn tin tưởng rằng, qua mấy cuộc chiến tranh vừa qua, bất cứ thành phố nào ở Việt Nam cũng có những thiệt hại to lớn, từ Mậu Thân (1968), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972) và 1975, chỉ có Khánh Hoà Nha Trang là an toàn nhất. Đó là nhờ sự bảo hộ của Bà. Nhưng Bà chỉ bảo hộ người Việt sau khi người Việt chiếm được đất Chiêm Thành. Sử Chàm có ghi là năm 774, người Java (Indonesia) đánh chiếm thị trấn Aya Tra (Nha Trang ngày nay) và phá huỷ ngôi đền cổ Po Nagar. Mải đến năm 817, Tháp Bà được xây lại, sau đó được tu bổ nhiều lần và tồn tại tới ngày nay. Cũng vậy, năm 950, Chân Lạp (Kampuchia bây giờ) cũng tàn phá Aya Tra khi tấn công Chiêm Thành. Nhưng từ khi vào tay người Việt, Nha Trang và Khánh Hoà đã tránh được nạn binh đao. Bà hay Thiên Y Thánh Mẩu, đúng ra là thần Civa trong Ấn Độ giáo. Nhưng đến khi Po Nagar vào tay người Việt, lớp di dân Việt đã Việt hoá thần Civa của Ấn Độ Giáo và biến Bà thành Thiên Y Thánh Mẩu của người Việt. Huyền thoại kể rằng, Thiên Y Thánh Mẩu, tức thần Civa, hoá kiếp thành một đứa con gái vào làm con nuôi cho một gia đình trồng dưa hấu ở làng Đại Điền, dưới chân núi Đại An thuộc rặng núi Hòn Ngang. Đứa con gái này rất đẹp, nhưng bướng bỉnh và phá phách. Bị cha mẹ nuôi quở phạt, đứa bé bỏ nhà ra đi. Khi đến bờ sông Cái Nha Trang, đứa con gái nhập hồn vào khúc gổ trầm hương, còn gọi là Kỳ Nam. Theo dòng sông, khúc gổ ra biển đông rồi trôi dạt vào nước Tàu. Như vậy Bà là thuyền nhân (boat people) đầu tiên của Việt Nam. Dân địa phương thấy khúc gổ lạ, có mùi thơm ngát, tụ tập lại xem và hàng trăm người cùng nhau cố kéo lên bờ, nhưng không kéo nổi. Tin lạ truyền tới kinh đô. Vị hoàng tử Trung Hoa bèn ra vùng biển xét xem chuyện lạ. Ngạc nhiên là khi tay hoàng tử chạm đến thì khúc gổ trầm trở nên nhẹ, và hoàng tử mang về cung điện. Đêm đó, một người con gái đẹp hiện ra và cuối cùng kết hôn với hoàng tử và sanh được một hoàng tử và một công chúa. Mặc dầu sống trong nhung lụa, Bà vẩn nhớ đến quê hương Việt Nam. Vì biết chắc là không được phép về thăm quê hương, Bà cùng hai con lại hiện hồn vào gổ trầm hương, theo ngọn gió bấc trôi về Nha Trang. Bà cùng hai con ở tại một ngọn núi nhỏ, ngay tại cửa sông Cái, tức chổ Tháp Bà ngày nay. Vị hoàng tử Tàu, vừa nhớ con, vừa giận vợ phụ bạc, xin vua cha một hạm đội đi lùng bắt Bà. Khi hạm đội Tàu đến cửa sông Cái Nha Trang, quân Tàu tàn bạo cướp bóc và giết dân Nha Trang. Bà tức giận, và để bảo vệ dân chúng Nha Trang, Bà làm phép đánh đấm cả hạm đội Tàu tại cửa Sông Cái Nha Trang. Ngày nay, dưới chân cầu Xóm Bóng vẫn còn di tích của một khối đá hình đuôi tàu – chiếc tàu của hoàng tử Tàu. Như vậy, lòng thương yêu và bảo hộ của Bà đối với dân chúng Nha Trang bắt nguồn từ huyền thoại đó. Sau khi dẹp tan quân Tàu, Bà cùng hai con cởi hạt bay về Hòn Bà. Nhớ ơn Bà dân chúng xây nên Tháp Bà, gồm 4 tháp để thờ Bà, hoàng tử Tàu và hai con.
Tháp Bà Po-Nagar ở Nha Trang
Di tích khối đá và chiếc tàu hóa đá (khối đá tròn bên tay trái) bị Bà đánh đắm tại cửa sông Nha Trang, kế bên Cầu Xóm Bóng. Hình nhìn từ Tháp Bà Po-Nagar
Làng tôi còn nhiều mả vôi của người Chàm. Tôi biết rỏ và còn nhớ kỷ ngôi mả gần Đình Lạc Lợi và nhiều mả gần cây Giáng Hương. Khi còn nhỏ, tôi không bao giờ dám lại gần các mả Chàm. Người ta đồn rẳng người Chàm đều ếm bùa khi chôn, ai đến gần đều bị bịnh, ai đào mả sẽ bị chết. Một quốc gia bị xoá tên, một dân tộc hoàn toàn không còn hiện diện trên quê tôi, tuy chỉ còn thiểu số ở Bình Thuận và Ninh Thuận. Các mồ mả Chàm đã chôn ở quê tôi từ trên 300 năm trước, tưởng đã yên mồ yên mả, nhưng vẫn chưa yên. Thật vậy, phong trào đào mả Chàm tìm vàng và đi tìm kho tàng Chiêm Thành bộc phát khoảng thập niên 1950s và 1960’s. Bắt đầu bằng một câu chuyện. Chuyện đồn rằng có một người Chàm từ Phan Rang ra quận Diên Khánh để hỏi địa điểm của một cây cổ thụ. Người ta đồn rằng người Chàm này vốn là con cháu của vị vua Chàm nay đi tìm lại kho tàng mà vị hoàng tử đã chôn đâu đó trên quê tôi hiện nay khi biết Thành Hồ sẽ thất thủ vào tay người Việt cách đây hơn 300 năm. Thế là những ngôi mộ Chàm, nhất là kế cận những cổ thụ như Giáng Hương, Cây Xay, Cây Dầu Đôi, đều bị khai quật một cách bí mật. Ở Thanh Minh, gần Thành Hồ, có ông Bảy tự nhiên phát giàu. Người ta đồn rằng ông đào được một kho tàng Chàm. Chuyện có thật hay không, ngoại trừ ông ra, không ai biết được. Chỉ tội cho các mồ mả Chàm bị quấy động sau hơn 300 năm an nghỉ. Chỉ tội cho các oan hồn của hàng trăm ngàn người Chàm đã chết tức tưởi trong cuộc chiến diệt chủng ngay trên vùng đất quê tôi cách đây hơn 300 năm, để không còn một ai sống sót cầu nguyện cho nhau, oan hồn vì vậy vẫn còn vất vưởng đâu đây trên quê hương tôi để dệt lên huyền thoại “cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận”.
Trần-Đăng Hồng
Reading, 7 August 1999
|