ĐỌC CHUYỆN XƯA, NGẪM CHUYỆN NAY
Trần-Đăng Hồng
Từ thời ấu thơ, mỗi khi tôi có điều gì sai quấy, cha tôi thường răn dạy tôi cách xử thế qua những trích dẫn sử liệu trong lịch sử Tàu, từ thượng cổ đến chí kim, mà ông rất am tường. Nào là chuyện gian hùng, nào là gương anh hùng hào kiệt coi thường cái chết, nào là mưu lược mỹ nhân kế, ly gián kế, hỏa kế, thủy kế để chiến thắng kẻ thù, nào là bọn tham quan ô lại, bọn nịnh thần dùng lời đường mật tâu nịnh vua để giết trung thần, v.v. Vì vậy, khi lớn lên tôi càng thích đọc lịch sử của nhiều nước, đặc biệt Trung Hoa, và theo tôi, đây là một kho tàng quý báu về cách xử thế ở đời.
Trong thời gian cách ly Coronavirus Covid-19, kéo dài hơn hai tháng, quá buồn tẻ, nên lấy đại một quyển tiểu thuyết lịch sử Tàu đọc tiêu khiển. Lật đại một trang, nhằm lịch sử vận mạc cuối đời Nhà Thanh, vào thời Từ Hy Thái Hậu. Vì là loại tiểu thuyết lịch sử, dài tràng giang đại hải, nhưng rất hấp dẫn, càng đọc càng bị lôi cuốn, và vì vậy cứ tiếp tục đọc trong mấy ngày. Nay viết tóm lược lại để bạn đọc có thể rút một bài học cho thời sự ngày nay.
Sau thời đại thịnh là tới kỳ mạt vận, triều đình nhà Thanh chỉ toàn là kẻ vô tài, tham quyền cố vị, triều chính lọt vô nhóm thái giám chỉ biết nịnh hót. Từ Hy Thái Hậu thì chỉ muốn thâu gồm quyền lực, cùng với nịnh thần quyết đoán mọi chuyện triều đình, nhà vua thật sự chỉ là một bù nhìn, bị áp đảo bởi Từ Hy Thái Hậu. Trong lúc đó, nước Anh, về sau liên kết với các nước khác thành lập Liên Minh Tám Nước (Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Đức, Pháp, Úc, Ý), uy hiếp, gặm nhấm từng phần lãnh thổ Trung Hoa.
Dân chúng sùng sục câm hờn, tự động nổi lên kháng cự quân xâm lược Tây Phương. Các nhà trí thức như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, v.v. lập nhóm Duy Tân, đề nghị Trung Hoa phải canh tân xứ sở, phải thay thể chế chính trị, cải tổ giáo dục, cải cách kinh tế cho dân giàu nước mạnh, tương tự như Nhật Bản đã làm trước đây. Vua Quang Tự ủng hộ nhóm Duy Tân, nhưng nhóm bảo thủ Từ Hy Thái Hậu và nịnh thần, tham quyền cố vị, dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt nhóm Duy Tân. Nhóm bảo thủ thành công. Vua Quang Tự bị bắt và bị phế, các lãnh tụ Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu phải chạy trốn ở nước ngoài, và 6 nhà cách mạng khác bị xử tử.
Mặt khác, nhóm bảo thủ Từ Hy Thái Hậu dựa vào lực lượng Nghĩa Hòa Đoàn để khai chiến với Liên Minh Tám Nước. Nghĩa Hòa Đoàn là nhóm cực hữu, tuyên truyền rằng quân lính họ có phép thần thông sau khi uống nước thánh ở sông Lưu Ly, súng đạn tây phương bắn không thủng. Được Từ Hy Thái Hậu ủng hộ, Nghĩa Hòa Đoàn đi đánh phá các làng theo tôn giáo tây phương, giết các giáo sĩ Tây Phương, giết cả giáo dân người Hoa, nhưng thảm bại trước súng đạn của Liên Quân Tám Nước. Bắc Kinh bị bao vây. Từ Hy Thái Hậu và nhóm quan bảo thủ, cưỡng ép vua Quang Tự rút khỏi Bắc Kinh chạy trốn.
Một biến cố quan trọng xảy ra. Viên công sứ Karlington của Đức bị bắn chết trên đường đi. Liên Minh Tám Nước ra lệnh tấn công Bắc Kinh, tìm bắt Từ Hy Thái Hậu, và chỉ tiếp tục hòa đàm với điều kiện Trung Hoa phải nộp hung thủ giết công sứ Karlington.
Liên Minh Tám Nước, đứng đầu bởi Von Waldersee của Đức, cho rằng Từ Hy Thái Hậu chính là kẻ chủ mưu và phải chịu trách nhiệm về cái chết của Karlington, phải bắt bà ta. Từ Hy Thái Hậu, trên đường tẩu thoát, ra lệnh cho Lý Hồng Chương đứng ra đàm phán với Liên Minh, với bất cứ giá nào dù mất nước hay mất quyền tự chủ, miễn là được ngưng chiến và bảo đảm được ngai vàng của triều Thanh và Bà. Bà cũng tính chuyện lấy người tâm phúc làm “vật tế thần” thay Bà nếu không tìm ra thủ phạm.
Để gở tội cho Từ Hy, Lý Hồng Chương báo với Von Waldersee là chính Nghĩa Hòa Đoàn gây chiến, chứ không do lệnh của Từ Hy. Nhưng Von Waldersee cương quyết là Trung Hoa phải nộp hung thủ trước nhất, còn các bàn thảo khác sẽ tính sau.
Các đại thần tìm cách truy tầm hung thủ, nhưng đều thất bại. Sau khi nghe tin triều đình tra xét người đã nổ sung giết công sứ Karlington, tất cả những người đã từng đi lính đều hoảng sợ, không dám ra đường, ai ai cũng sợ bị bắt làm vật tế thần. Sau triều đình ra cáo thị tuyên thưởng 5000 đồng cho người báo tin, và nói rỏ là Liên Minh chỉ nghị hòa và lui binh khi bắt được hung thủ.
Trong khi Tháp Mộc An và nhân viên của sở an ninh đang âu lo chưa tìm ra manh mối thủ phạm, thì có một thanh niên tuấn tú đến tự thú là người bắn chết Karlington. Không ai tin là trong vụ án long trời lở đất và bí mật như vậy lại có người tự thú để nhận cái chết. Anh thanh niên tuấn tú thản nhiên tự giới thiệu tên là Ân Hải, 25 tuổi. Tháp Mộc Am cặn hỏi: “Ta xem diện mạo ngươi, không giống phường du đãng chuyên việc giết người, nếu có ẩn tình gì bên trong thì cứ nói ra, vì nó không những chỉ quan tâm đến sinh mạng nhà ngươi, mà quan trọng hơn là liên quan đến sự tồn vong của xã tắc. Nhà ngươi cứ nghĩ kỹ đi”. Ân Hải vội đáp: “Ý tốt của đại nhân, Ân Hải sẽ ghi nhớ cho đến chết. Nhưng hôm nay, Ân Hải đến đây tư thú, là do hoàn toàn mình chủ động, không có ai thao túng sau lưng”. Rồi Ân Hải kể lại đầu đuôi “Hôm đó, thấy một người Tây ngồi trên xe 4 ngựa mui trần, đi qua cổng chào Đông Đơn. Khi nhìn thấy một tốp quyền dân Nghĩa Hòa Đoàn đang luyện tập tay không, ông ta liền giơ súng bắn vào họ, làm chết mấy người tại chỗ. Bên cạnh đó, binh lính nhà Thanh đứng trợn mắt nhìn không làm gì cả. Sau khi bắn xong ông ta đánh xe thản nhiên đi luôn. Bấy giờ ai nấy đều tức giận, nhưng không ai dám bắn theo. Chúng tôi không biết đó là công sứ nước Đức. Lúc đó, tôi nghĩ là ngày mai ông Tây này sẽ qua chỗ này, và tôi quyết tâm trả hận cho đồng bào tôi. Quả nhiên trưa hôm sau, ông ta ngồi trên cỗ xe đó, đi qua cổng, tôi giật ngay cây súng của một anh lính đứng bên cạnh, bắn chết ông ta”, và nói : “Nước nhà dùng các anh liệu có ích gi?”. Anh lính trả lời “Chúng tôi không bắn không phải vì sợ hắn mà bởi vì hắn là người ngoại quốc, triều đình lại chưa có lệnh thì sao dám bắn hắn”.
Nghe xong câu chuyện, Tháp Mộc An hỏi “Ngươi có bằng chứng gì không ta mới tin”. Ân Hải lôi ra một đồng hồ quả quít màu xanh và một khẩu súng lục dâng lên. An Hải nói tiếp “Tôi nghe nói triều đình thưởng 5000 đồng để tìm người biết đầu đuôi sự việc. Tôi không muốn trốn tránh ở nhà để triều đình không tìm ra tạo nên cơ sự. Tôi không muốn cuộc nghị hòa bị hoãn lại hoặc đổ vỡ, không muốn để dân chúng khắp nơi lầm than. Nhân dân được bình an thì dẫu An Hải này có chịu tội chết cũng cam lòng. Mong đại nhân hãy mau trói tôi lại, giao cho Thống soái nước Đức, để tiến hành nghị hòa cho đất nước”.
Tất cả mọi người không ai là không cảm động và thán phục. Sự việc được tường trình lên cấp cao. Lý Hồng Chương mừng rỡ, thông báo cho Von Waldersee biết để tiến hành nghị hòa.
Von Waldersee xem xong vật chứng, nhìn nhân chứng, nghe phiên dịch lại toàn bộ khẩu cung, giật mình nói “Trung quốc bây giờ mà còn có được những anh hùng như vậy sao?”. Ông ra lệnh cởi trói cho Ân Hải, đưa vào phòng khác canh phòng nghiêm ngặt. Ngày hôm sau, Von Waldersee mời tư lệnh 7 nước kia đến để tường trình, kể lại đầu đuôi sự việc Ân Hải bắn chết Karlington. Mọi người đều cảm kích hành động anh hung của Ân Hải. Viên Tư Lệnh Nga nói “Sở dĩ Ân Hải giết Karlington là để trả thù khi thấy Karlington giết đồng bào của mình. Nghĩa Hòa Đoàn nổi loạn là do Từ Hy Thái Hậu chủ xướng. Vậy bắt Từ Hi Thái Hậu là chính, Ân Hải phải được bảo vệ chứ không thể xử tội chết bây giờ”.
Cuộc thảo luận rất dài dòng, xin tóm lược quyết định cuối cùng như sau:
-Ân Hải bị tống giam, được đối đãi tử tế, và chờ Hoàng đế nước Đức quyết định. Một thời gian sau, Hoàng đế Đức ra quyết định là xử tử Ân Hải lúc khánh thành bia tưởng niệm Karlington ở nơi Karlington bị Ân Hải bắn chết. Việc xây dựng bia và tượng đài khá vĩ đại, nên mất thời gian khá lâu.
- Cuộc nghị hòa, nhờ vậy, được tiếp tục. Liên quân 8 nước, biết thế yếu của Từ Hy, đòi Trung Hoa phải bồi thường 9 trăm triệu lạng bạc. Vào thời điểm này, Trung hoa có 400 triệu dân, thì đổ đồng mỗi đầu người chịu hơn hai lạng bạc. Hai bên mặc cả gay go, cuối cùng thỏa thuận là Trung Hoa bồi thường 450 triệu lạng, trả dần trong 39 năm, với lãi xuất 4%/năm. Từ Hy Thái Hậu chỉ thị Lý Hồng Chương “Chỉ cần giữ được ngai vàng, các điều kiện khác đều không cần thiết”.
Sau khi gây sức ép bắt Trung hoa bồi thường và cắt đất được thỏa mãn, Von Waldersee bàn với các nước về việc rút quân, chẳng cần đợi bia tưởng niệm Karlington khánh thành, và giao việc xử tử Ân Hải cho cấp dưới.
Buổi sáng ngày xử tử, Ân Hải bị trói chặt vào bia tưởng niệm, nghe chi tế viên Na Đồng đọc chiếu chỉ. Đến giữa trưa, mặc dầu bị trói chặt, Ân Hải vẫn hiên ngang bất khuất. Khi thấy Na Đồng quỳ lạy trước bia tưởng niệm Karlington, Ân Hải hét to: “Chỉ bọn không xương mới quỳ lạy kẻ thù người ngoại quốc”. Nói xong, ung dung đưa đầu vào máy chém không hề sợ hãi.
Dân chúng tụ họp đông đúc chứng kiến. Du khách ngoại quốc đến quan sát rất đông, chụp ảnh rồi gởi về nước ca ngợi Ân Hải, các báo tiếng Anh, Pháp, Đức phát hành khắp thế giới. Thế giới đều thán phục cái chết anh hùng khí phách của Ân Hải.
Khi đọc tới đoạn toán lính tập không dám bắn Karlington vì có lệnh từ triều đình là “không được bắn” người ngoại quốc, tôi chợt nhớ cuộc thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam bảo vệ Gạc Ma vào ngày 14/3/1978, vì các lính này cũng được nhận lệnh “không được nổ súng” vào kẻ xâm lược. Hậu quả, 64 người lính làm bia đỡ đạn của quân Trung Cộng.
Triều đại nhà Thanh bị tiêu diệt năm 1912, qua 12 đời vua, cai trị Trung hoa tổng cộng 295 năm, chỉ 4 năm sau cái chết của Từ Hy năm 1908. Trung hoa được thay thế bởi triều đại mới – Cộng Hòa Trung Hoa (Republic of China) hay còn gọi Trung Hoa Dân Quốc - do Tôn Trung Sơn (hay Tôn Văn, Tôn Dật Tiên) lãnh đạo.
Reading, 30/6/2020