Theo thầy chẻ đá
24/6/2022

Phóng Sự- Ký sự


                    THEO THẦY CHẺ ĐÁ

  Nhà tui ở Chi Lăng, lọt thỏm trong vùng Bảy Núi, nên rằm lớn nào trong năm cũng bắt chước mọi người bày đặt đi chùa cho vui. Chủ yếu là đi cho thấy cảnh hồng trần chen lấn, ghé các chùa thưởng thức món ngon chớ tu hành gì tui!

  Ra tới Nhà Bàng thường ghé chùa Long Sơn của thầy Huệ Trí (hình 1), vừa viếng tam bảo vừa thăm mấy cây thị cổ thụ trước sân chùa. Mấy cụ nầy đều ngoài trăm tuổi nhưng vẫn xanh tươi sung mãn, chắc sống vài trăm năm nữa như không. Sau đó thưởng thức món bún riêu của Phật tử từ ngoài Cái Dầu, rằm nào cũng vô nấu cúng, ngon phải nói.

  Có lần hầu chuyện thầy Huệ Trí. Thầy nói thầy là đệ tử chùa Hang núi Sam (chùa Phước Điền), vì nhân duyên Phật tử cúng dường nên thầy được sư phụ là hoà thượng Huệ Tài cho phép về trụ trì ở nơi nầy, vốn là một cổ tự đơn sơ để hoằng dương chánh pháp. Ngộ nhất là thầy Huệ Trí năm nay chỉ tầm 50 và là người Hà Nội đó nhe!

  Gần đây nghe nói quãng giữa đường lên đỉnh núi Sam có một kiểng chùa to, thanh tịnh lắm cũng có tên là Long Sơn. Lòng ngạc nhiên sao đều là chùa lớn mà lấy trùng danh? Có liên hệ mạng mạch gì không? Hôm nay bèn đi một chuyến viếng chùa cho biết vậy.

  Đường xe lên đỉnh núi Sam chỉ dài 2,2 km, nhưng quanh co uốn lượn theo thế núi, làm cho người đăng sơn có cảm giác đường dài. Khoảng giữa đường, vừa qua khỏi resort Victorya, sau một cua quẹo là thấy ngay cổng chùa Long Sơn (hình 2). Anh xe ôm dưới chân núi dặn dò kỹ lưỡng, cổng chánh nầy dành cho người đi bộ vì toàn là bậc thang, mình chạy thêm một cua quẹo nữa sẽ rẽ vô ngay sân trong của chùa.

  Từ sân trong, bước cặp theo hành lang nhà trù ta vòng ra chánh điện. Wow! Ở lưng chừng núi mà tạo được một kiểng chùa to có một chánh điện “mênh mông”, thật sự là một kỳ công. Chánh điện bày trí thờ cúng đơn giản nhưng nghiêm trang và thanh nhã. Tượng Phật không to, đặc biệt là bằng gỗ. Nghe nói là gỗ mít và là báu vật không chỉ của riêng chùa. (hình 3)

  Trước chánh điện là một sân rộng. Đứng từ đây có thể thu hết vào tầm mắt ruộng đồng bao la bên dưới chạy suốt về trời Tây. (hình 4)

  Ở trên núi nên đường đi trong chùa phải lần theo thế đá. Tui có cảm giác các đường đi nầy được sắp xếp theo kỳ môn độn giáp của Hoàng Lão Đông Tà! Vừa khuất qua một khối đá, cảnh vật trước mắt lại hoàn toàn biến đổi. Mới ở sau chùa đó, lách mình qua một ngõ hẹp bên hông chánh điện thì thấy đường xe chạy lên núi, dưới xa xa. Theo bậc tam cấp bước xuống một đổi, ngó ra lại thấy đồng lúa và núi Cấm mờ mờ. Ngoạn mục không?

  Đang đi lòng vòng như thế thì tui nghe từ đâu đó, hình như từ một bãi thấp bên dưới chùa, vang lên tiếng đập đá đều đều nhưng rõ, mạnh. Tui cũng không để ý. Quanh co một lúc, trước mắt thế nào lại xuất hiện một đống đá to, nguyên khối có, chặt gọn ra từng viên nhỏ vuông có, tròn có, nằm ngổn ngang một vùng.

  Ngồi giữa đống đá ấy là một người đàn ông tầm 50 tuổi, ăn vận bình thường, đang chăm chú nện những nhát búa lên cây đục nhỏ nhằm chẻ đá ra. (hình 5).


… .

   Đá núi với muôn hình vạn trạng, kích cỡ tầm 40 - 50 cm được chở về đây. Người thợ sẽ tuỳ theo hình dạng mà đục, đẽo, chặt nó ra thành những viên đá hình đa giác đều, hình tròn hoặc hình hộp, kích thước từ 20 - 30 cm trở lên. Đá tròn để xây móng, đá vuông xây tường vách…Dụng cụ đơn giản là một cái búa tầm 1 - 2 kg, đục bản rộng 5 cm, đục bản hẹp, đục nhọn…đặc biệt là một cái chốt thép dài chừng 3 cm để thốn cho cục đá lớn tách ra thành 2 mảnh, sau khi dùng đục nhọn khoét một lỗ sâu vừa phải.

Công việc nặng nhọc nhất là dùng búa đập. Phải mạnh, dứt khoát không nhấp nhứ, vết cắt mới gọn, thẳng theo ý mình. 

……

   Anh Năm Thảo, tên người đàn ông chẻ đá nói, công việc nặng nề nên ít người chịu làm. Chùa nào xây cất cũng phải chuẩn bị trước 5 - 3 năm, nhất là trên núi, chỗ nào cũng cần rất nhiều đá hộp để xây móng xây tường. Làm gấp phải mướn công thợ cao mà kiếm người không có.

Nhà anh ở Tịnh Biên, có 3 con. Anh đi làm, bà xã chăm sóc cháu ngoại. Lương công nhật 5 - 600 ngàn. Được cái là làm chùa nào thì chùa đó cho cơm nên cũng đỡ tốn.

  Tui hỏi tên chùa nầy là Long Sơn không biết có quan hệ gì với chùa Long Sơn trong Nhà Bàng không? Anh nói có chớ, trụ trì chùa nầy là thầy Huệ Tâm, sư đệ của thầy Huệ Trí Nhà Bàng. Cả hai đều là học trò của thầy Huệ Tài chùa Hang.

  Tui nói sau anh biết rành vậy. Anh cười không rành sao được? Từ hồi mười mấy tuổi, lúc thầy Huệ Tài về trụ trì chùa Hang, anh là một trong những người chẻ đá cho thầy xây chùa. Đến năm chín mấy, thầy Huệ Trí xuất sơn thì cũng chính anh là người chẻ đá cho thầy Trí xây chùa Long Sơn ở trỏng. Rồi sau năm hai ngàn, thầy Huệ Tâm về đây cất chùa nầy, cũng chính anh là người theo chẻ đá.

Tính ra hơn 30 năm qua, anh đã theo chẻ đá cho các thầy suốt thôi.

…..

   Tui có đọc chuyện Huệ Năng gánh nước bữa củi trên chùa Hoằng Nhẫn. Tui cũng muốn câu chuyện về anh Năm Thảo ngã ngũ ra ở chỗ, sau ba mươi mấy năm chẻ đá cho các chùa, trong hàng triệu các mảnh đá vụn văng ra anh cũng lượm được vào một vài viên xá lợi.

Nhưng thôi chuyện đó thuộc về cõi vô ngôn và Huệ Năng cũng muốn như thế mà. Phải không?

Chỉ mong các bạn sau khi biết anh Năm Thảo, có dịp đi viếng chùa Hang, chùa Long Sơn Nhà Bàng, chùa Long Sơn Núi Sam, hãy đưa tay sờ vào các viên đá ở tường ở móng.

Có khi bạn sẽ cảm nhận một cái hơi âm ấm. Cái ấm đó vốn từ nơi tay anh ấy vậy.

- các hình khác là hình chung của chuyến đi chơi.

    Núi Sam & Chi Lăng

           Tháng 6/2022

     Đào Dũng Tiến (NLS/CT)

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 245627 visitors (461462 hits) on this page!