MÙA CÁ ĐỒNG.
Hàng năm, tới Mùa nước lên bà con ai cũng phấn khởi vì sắp có cá đồng ăn. Cá đồng Miền tây thì đầu tiên các bà nội trợ tìm mua là con Cá lóc. Cá lóc đồng con không lớn nhưng giá cao gấp 3 lần Cá lóc nuôi. Tuy giá cao nhưng bà con vẫn thích ăn con Cá lóc đồng hơn vì thịt chắc và ngon hơn con cá nuôi, cá nuôi thì thịt bở rệp và mềm xèo. Mấy bà nội trợ hay lắm, nhìn sơ con cá thì phân biệt ngay con nào là con cá nuôi, con nào là con cá đồng tự nhiên. Bầu tui thì hay mua Cá lóc xẻ thịt làm khô nên riết rồi cũng quen, chỉ cần rọc cái da con cá thì biết. Cá lóc nuôi cái da cá mềm èo như giấy còn da con cá lóc đồng nó dai nhách dao hay kéo mà không bén thì khó cắt được.
Mùa nước vừa đổ (tháng 6 âl) thì bà con cũng náo nức ra chợ tìm mua con cá Linh non. Cá nhỏ bằng đầu đủa thì giá gấp 4 hay 5 lần thịt heo nhưng khi cá càng lớn thì giá cá Linh từ từ rớt thê thảm như cái bánh Trung thu bước qua tháng 9 vậy.
Con cá cũng được săn đón mua mùa nước là con Cá rô non. Cá rô đồng nhỏ cở chừng cái đầu ngón tay út đem kho sả thì tuyệt cú mèo. Vậy đó cá lớn thì cũng tự nhiên mất giá và ít ai chịu mua. Con cá rô biển mình dẹp hơn con cá rô đồng, tên là rô biển nhưng thật ra nó là loại cá nước ngọt. Ngày xưa ít ai chịu ăn vì chê có nhiều xương bây giờ thì ngày một ít nên giá cũng cao ngất giá. Con cá rô biển ngoài các chợ lớn có giá không dưới 200 ngàn một ký.
Con cá heo (cá heo nước ngọt) loại cá bằng lóng tay béo núc thịt ngọt lịm đem kho tiêu thì nồi cơm hết lúc nào không hay, bấy giờ mỗi ngày cũng mỗi vắng bóng.
Còn các loài cá khác như:
- Cá chài, Cá vồ đém, Cá ngát, Cá trê vàng, cá gầm, cá ét, cá trèn, Cá Phèn, lòng tong bay... ngày cũng ít đi. Con tép đồng (còn gọi là tép chấu) xưa đâu có ai chịu ăn bây giờ 100 ngàn 1 ký mà có cũng không đủ bán. Con cá Chạch loại bằng lóng tay cũng hơn 150 ngàn. Lươn thì bây giờ có bao nhiêu nhà hàng gom hết dân nghèo đâu dám ngó...
Mẹ tôi mùa nước đổ sáng đi chợ hay la cà chỗ mấy bà bán lươn, đợi người ta làm bà xin mấy cái ruột con lươn mang về nhà. Lấy cái rổ xúc (loại rổ thật to lớn gấp đôi miệng cái thùng phuy) đem xuống sông ngâm cái rổ ngập xuống nước rồi lấy cái ruột lươn dạo trong rổ, mùi máu tanh của ruột con lươn nó làm cho con cá Thiểu nó chun vô cái rổ, chỉ vài lần thì cá đầy một tô rồi.
Tôi hỏi :
- Sao mẹ không bắt thêm?
Bà nạt:
- Đủ ăn rồi bắt thêm chi? Chừa cho người khác người ta bắt.
Mẹ tôi cũng thích con cá Thác lác lắm, lâu lâu bà mua chừng 4,5 con chừng bàn tay của tôi cắt bỏ cái đầu rồi đem phơi nắng tới trưa khi đã chín nồi cơm bà lấy mấy con cá xuống để từng con lên tấm thớt lấy cái chai bằng sành (chai thủy tinh tròn) từ đuôi cá vừa đè vừa ép cái thịt cá ra hết, xong bà dùng cái muỗng chấm nước muối đánh một lúc cho dẽ thịt cá rồi đem nhồi vào ruột trái khổ qua đổ đầy nồi nước đem hầm làm canh...
Thời thế bây giờ khác xưa rồi, buổi sáng ai đi chợ mua thịt Heo ăn có thể đó là con nhà nghèo. Còn ai mua Ba khía hay mua Cá linh non hỏng chừng gia đình họ thuộc loại Đại gia chứ không phải dân Lao động nghèo phải không các bạn./.
Bùi Trung.
Gần nữa triệu đồng 1 kg cá heo- ( Đặc sản An Giang)