01/4/2923
CHÙA MỚI WAT THMAY TỊNH BIÊN VÀ VỊ HÀNH GIẢ ĐỘC TOẠ
Chùa Mới Wat Thmay Tịnh Biên là một ngôi chùa Khmer nằm trên đường 91, thuộc khóm Xuân Phú thị trấn Tịnh Biên huyện Tịnh Biên An Giang.
Khuôn viên rất rộng, tầm 5-7ha lại ở một vị trí đắc địa. Lớp lớp toà ngang dãy dọc, hàng hàng cổ tháp mà không gian chùa vẫn còn mênh mông. Và hoàn toàn vắng lặng. Tôi đi một vòng mấy tòa viện mặt tiền không gặp ai. Xa xa thấy lố nhố một nhóm người, hình như đang xây một ngôi tháp mới.
Tôi bước lên ngôi chánh điện đã nhuốm màu thời gian. Chánh điện rộng, so ra không bằng chánh điện của một số chùa mới cất gần đây. Nhưng cái vẻ cổ kính, trầm mặc thì hơn hẳn. Hai hàng cột lớn sơn son thếp vàng đỡ lấy tấm trần có nhiều bích hoạ kể lại cuộc đời của đức Phật. Chùa Nam Tông nên tượng Phật chánh là tượng Thích Ca Mâu Ni. Đặc biệt tượng to lớn, cao khoảng 5m mô tả đức Phật ngồi bán già, kiết ấn thí nguyện varada- mudrã, không gặp ở nơi nào khác.
Điều làm tôi thập phần ngạc nhiên hơn nữa là ở cuối chánh điện đang có một hành giả nhập định, trong không gian tuyệt đối lặng thinh và mờ mờ nhân ảnh.
Hành giả ăn mặc bình thường, áo sơ mi ca rô hình như hơi sờn một chút. Tóc tai cũng bình thường. Chỉ có một điều khác thường là người ấy đang ngồi bán già đối diện đức Phật, tay chấp ấn kim cang hiệp chưởng vajrapradama-mudrā, thần khí thu hết về bên trong. Ngồi bán già thủ ấn nầy rất khó, mau mỏi. Thiền gia Bắc tông thích thiền ấn dhyāni-mudrā hơn. Tuy nhiên cái nào cũng có cái giá của nó. Vajrapradama-mudrā đòi hỏi tập trung cao sẽ tinh tấn hơn.
Các hành giả Theravada thường sử dụng phép thiền Tứ niệm xứ hạ thủ công phu. Đây là phép thiền Phật Thích Ca nói là con đường duy nhất đi đến giải thoát. Dựa vào quán niệm hơi thở, thấu triệt bản chất bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã…của bốn xứ thân thọ tâm pháp. Tuy nhiên đức Phật cũng chỉ ra bên kia bờ tục đế thực sự có một cõi thường lạc ngã tịnh. Không biết trên con đường đó, vị hành giả kia đã bước tới đâu?
Tôi không dám lưu lại lâu sợ quấy rầy người ấy nên lui ra.
…
Đi lần về phía sau xa, trong một căn nhà sàn gỗ, tôi gặp hai vị sư và một ông lão. Hỏi thăm được biết, một trong hai sư là trụ trì, còn ông lão là À cha của chùa.
À cha Chau Cu kể:
Mang tên chùa Mới nhưng thật ra chùa cất năm 1877 trên đất của một người dân giàu có ở Tà Ngáo hiến cúng. Ban đầu chùa có tên Klanh Trong, gọi đấy đủ theo tên phum làng là Wat Kiriphum Klanh Trong. Tính ra đã 146 năm từ ngày xây dựng.
Trải qua 4 đời trụ trì Chau Phat, Chau Nol, Chau Kroai, Chau Phânl, cho đến năm 1978 - 1979 chùa bị Khmer đỏ hủy hoại, sãi cả Chau Phânl bị giết chết tại chùa. Năm 1980, chùa được đại trùng tu. Từ đó mới có tên chùa Mới, Wat Thmay.
Chùa cũng đã có 3 đời À Cha: cụ Chau Dón, cụ Tà Phết, tới ông là Chau Cu.
Khi tôi hỏi về vị hành giả đang thiền định trên chánh điện, trụ trì chùa hiện giờ là sãi cả Chau Phi Run tươi cười nói: sư huynh, sư huynh của tôi. Ổng chạy xe ôm trên Kampuchia nhưng ngày nào cũng về chùa ngồi thiền một hai tiếng đồng hồ. Mấy ngày chùa lễ thì không, ổng thích một mình hà.
Tôi cũng muốn tìm hiểu thêm vị hành giả ấy, về gia đình, về mọi thứ… Nhưng cũng biết duyên chỉ đến đó, tao ngộ rồi lướt qua vậy thôi.
Đành chịu.
01/04/2023
Đào Dũng Tiến
Chánh điện chùa Wat Thmay
Hành lang chánh điện
Cột phướn
TượngPhật trong chánh điện
Độc tọa
Sãi cả Chau Phi Run
À Cha Chau |