18/11/2020
Bút ký:
NHẤT TỰ VI SƯ
Cuối thập niên 90, cái xóm nghĩa trang thời đó hoang vắng trống trơn không một bóng nhà nên lúc đầu mấy anh thương binh về cất chòi như chòi vịt ở quanh vòng rào để tiện cho việc chuyện lãnh đào huyệt hay bốc mộ cho người chết. Có mấy cái chòi có người ở rìa nghĩa trang cũng vui, bà con qua lại khúc vắng teo lạnh lẽo này cũng đỡ ớn và bớt sợ ma.
Từ từ xung quanh cái nghĩa trang chỗ nào cũng có nhà. Nhà cất trên đất nhà nước gọi là cất trên đất tự chiếm, địa phương thì cũng làm ngơ dẫu sao đụng chạm với phe thương binh cũng dễ mích lòng, muốn đuổi cũng phải có dịp nào đó giải quyết cho các anh đi tái định cư chẳng hạn nhưng ngày qua ngày cũng không ai quan tâm đến. Dần dần tụi nhỏ trong xóm nghĩa trang ngày càng đông và ít đứa nào được đi học một là vì nghèo, hai là gia đình không có giấy tờ tùy thân vì không có hộ khẩu .
Gần xóm vài chục mét có nhà của vợ chồng anh Phúc. Anh Phúc chạy xe lôi cây nhưng trong túi lúc nào cũng có cây viết và cuốn sổ nhỏ. Rảnh thì anh móc ra ghi chép chuyện gì đó... ai thân quen mới biết anh tranh thủ khi thì viết bài gởi báo Tỉnh, khi thì gởi bài cộng tác với đài truyền thanh xã. Vợ anh thì lo công việc nội trợ trong gia đình. Thấy mấy đứa cháu nhỏ trong xóm mù chữ nên chị bày ra mấy cái bàn nhỏ rảnh lúc nào thì dạy tụi nhỏ học chữ, học làm toán. Anh Phúc lúc rảnh cũng ra đứng lớp thay cho vợ vô nấu cơm. Tập vỡ viết các thứ vợ chồng anh bỏ tiền ra mua cho tụi nhỏ. Nước uống thì vợ chồng anh cũng tự nấu cho tụi nhỏ uống vì anh chị thấy nguồn nước gần nghĩa trang sợ bị ô nhiễm uống bậy bạ có gì thì tội cho mấy đứa trẻ. Một hôm Anh Phúc xin đâu về được mấy bộ bàn ghế học sinh bằng cây cũ mèm, anh bỏ công sửa sang sơn phết lại cho tụi nhỏ ngồi học. Cái bụi tre sau nhà anh cũng đốn hết để cất thành cái lớp lợp bằng lá cho tụi nhỏ trong xóm đến học.
Tụi học trò đa số là con nhà nghèo được học chữ, biết làm toán nên cái lớp càng ngày cha mẹ trong xóm đưa đến xin học càng đông. Học sinh nhiều nên phải chia ra lớp sáng, lớp chiều và lớp tối. Tiếng ê a, i u ư... vang lên suốt ngày nên người qua kẻ lại xầm xì bàn tán thêu dệt đủ thứ...
Một hôm, trong một cuộc họp tại uỷ ban xã, một thành viên là Phó ban Ấp khẩn trương phát biểu :
- Tui thay mặt bà con khu nghĩa trang kính đề nghị lãnh đạo địa phương nên đến kiểm tra cái lớp học của vợ chồng anh Phúc xe lôi. Dạy học cái giống gì mà suốt cả ngày lẫn đêm không để bà con lối xóm nghỉ ngơi. Mấy đứa trẻ đa số là con em hộ nghèo mà còn bắt đóng tiền học phí thì lấy đâu mà đóng? Tiền học phí thu như vậy là bất minh cần phải làm rõ. Chưa nói đến việc dạy cho trẻ em học không biết có đúng nguyên tắc sư phạm hay không? Hai vợ chồng một anh chạy xe lôi thì lấy tư cách gì mà mở lớp dạy học? Tại sao bắt tụi nhỏ phải đóng tiền nước uống đủ thứ hết. Đề nghị lãnh đạo phải kiểm tra xử lý nghiêm.
Hôm sau uỷ ban xã lập một phái đoàn đủ mặt chư vị các ngành liên quan đến lớp tình thương mến thương của vợ chồng anh Phúc. Khi kiểm tra mới biết vợ chồng anh mới về xóm Nghĩa trang mấy năm nay. Thấy tụi nhỏ trong xóm dốt chữ tội nghiệp nên vợ chồng anh bàn với nhau bỏ chút thời gian dạy chữ cho tụi nhỏ. Giấy viết tập vỡ vợ chồng anh tự bỏ tiền túi ra mua và không có thu học phí đồng nào hết. Chuyện nước uống là một phụ huynh đến thấy cô giáo bỏ cả việc nhà dạy học cho con em mình còn phải vất vả nấu nước cho mấy chục đứa trẻ con uống nên họ bàn nhau người bỏ ra một ít để mua vài bình nước để tại lớp cho tụi nhỏ uống. Kiểm tra mấy đứa nhỏ lem luốc trong xóm nghĩa trang đứa nào cũng lễ phép học giỏi làm ai cũng bất ngờ khi biết vợ chồng anh Phúc trước kia là giáo viên Tiểu học ở vùng biên giới. Càng bất ngờ hơn là khi hỏi mỗi tháng đóng bao nhiêu tiền đứa nào cũng lắc đầu.
Anh Hai chủ tịch xã mời cả đoàn kiểm tra về phòng họp anh hỏi :
- Theo mấy thầy bên giáo dục anh Phúc mở lớp vậy là đúng hay sai?
Một thầy rụt rè dơ tay:
- Báo cáo lãnh đạo địa phương. Muốn mở lớp dạy học thì phải có giấy phép bên Đào tạo giáo dục cấp. Phòng lớp tạm bợ không đúng chuẩn quí định. Không có trang bị PCCC, không có nhà vệ sinh, cả hai vợ chồng chưa có giấy chứng nhận đã khám sức khỏe và mở lớp dạy học mà không xin phép địa phương. Nhưng vợ chồng anh Phúc dạy thí công đâu thu tiền ai. Một việc làm tốt đẹp như vậy đúng ra đáng được biểu dương. Nhưng nếu biểu dương thì bên nhà trường và cả bên Phổ cập giáo dục đều bị khiển trách ạ.
Anh Hai nói :
- Anh Phó Ấp không nắm bắt được sự việc rồi báo cáo không đúng. Khu nghĩa trang trẻ em đa số là thuộc dạng nghèo khó, mỗi năm mình đã đến vận động từng gia đình cho con em họ đi học nhưng rất khó vì đủ lý do. Vợ chồng anh Phúc làm được việc như vậy là quá tốt. Theo tôi Ấp nên đề nghị biểu dương. Nếu có sai chủ trương chính sách từ trên tôi sẽ tìm cách tháo gỡ. Tôi còn được biết anh Phúc còn là cộng tác viên của đài truyền thanh xã có nhiều bài viết rất hay về "Người tốt việc tốt". Theo tôi mình nên ngó lơ cho vợ chồng anh Phúc tới đâu hay tới đó. Ít ra thì ít ai trên đời chịu vất vả bỏ công sức ra cả ngày lẫn đêm dạy học cho bọn trẻ không vụ lợi như vợ chồng anh. Mình không khen thưởng được thì cũng đừng ngăn cản họ làm việc tốt.
Sau đó anh hai Chủ tịch bỏ tiền túi ra mua 50 cuốn tập và 50 cây viết gởi cho vợ chồng anh Phúc.
Tiếc là sau khi hết nhiệm kỳ, tới ông Chủ tịch khác đến thay thì cái lớp học tình thương mến thương của vợ chồng anh Phúc phải bị buộc dẹp đi. bọn trẻ ngày xưa bây giờ đứa nào cũng đã bước qua tuổi ba mươi. Lớn lên tụi nhỏ vẫn sống bám ở xóm Nghĩa trang, lâu lâu bọn nhỏ cũng hay nhắc tới vợ chồng thầy giáo Phúc với lòng kính trọng. Dẫu sao họ là những người đã từng dạy cho tụi nó biết đọc biết viết tại cái khu nghĩa trang đầy phức tạp này. Câu Nhất tự vi sư, bán tự vi sư có lẽ là thích hợp nhất cho vợ chồng anh Phúc phải không các bạn. /.
Bùi Trung.
|
|
|
|
|