20/11/2024
THẦY TÔI
Trần Đăng-Hồng
Năm 1954, tôi học lớp Đệ Lục (Lớp 7 bây giờ). Ngày 20/7/1954, Hội Nghị Geneve phân chia đất nước làm 2, lấy vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) làm ranh giới, phía bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay), phía nam là nước Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi hiệp định vừa ký kết, hơn một triệu người miền Bắc di cư vào nam (người Bắc 54, hay người Bắc 9 nút, để phân biệt với người Bắc vào Nam sau 30/4/1975). Đủ các thành phần xã hội trong số người di cư này. Trước nhất là người Công Giáo Bùi Chu Phát Diệm, vào nam lập nghiệp ở vùng Hố Nai hay vùng Cái Sắn. Thành phần kế tiếp là Cảnh sát, lính thời Pháp, hay thời Quốc Gia của chính phủ Nguyễn Văn Tâm; các nhà giàu triệu phú, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, v.v. Lớp Đệ Lục của tôi lúc đó có rất nhiều giáo sư người Bắc di cư dạy, như thầy Bùi Trọng Bạch (Hóa học), thầy Đặng Đức Cường (Địa Lý), thầy Nguyễn Ngọc Quỳnh (Anh Văn), nhưng ấn tượng nhất với tôi là thầy Nguyễn Nhân. Thầy rất trẻ, khoảng 22 tuổi (hơn tôi 10 tuổi). Thầy rất đẹp trai, da hồng hào như đánh son phấn, giọng nói Hà Nội ngọt ngào, lúc nào cũng vui cười. Thiết nghĩ, vừa vào Nam, còn túng thiếu tiền bạc, thầy bỏ một năm đi dạy học, kiếm thêm tiền. Tôi thuộc loại học giói, chăm ngoan, nên Thầy nhớ mặt và mến tôi.
Năm 1959, tôi vào Sài Gòn học, ở trong Đại Học Xá Minh Mạng. Ở đây tôi gặp lại thầy Nhân. Ngồi ăn chung cùng bàn với Thầy, thầy cho biết là thầy bị động viên đi lính, và thầy chọn ngành Công Binh, vì vậy thầy được cho đi theo học Công Chánh thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ. Thầy nói với tôi : ‘’Hồng à, bây giờ tôi là sinh viên, Hồng cũng là sinh viên, từ nay Hồng đừng gọi tôi bằng Thầy nữa’’. Tôi dạ, nhưng sau đó tôi vẫn tiếp tục gọi Thầy.
Năm 1964, tôi về dạy ở Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Một ngày nọ, tình cờ gặp lại thầy Nhân trong quán ăn Ngọc Lợi, nơi có sân tennis. Hai thầy trò gặp lại nhau mừng rỡ vô cùng. Thầy dẫn tôi về trại Công Binh của thầy, trên đường ra Bắc Cần Thơ. Thầy bây giờ là Trung Úy, phụ trách Công Binh, sửa đường, phá mô do Việt Cộng bắt dân đắp ban đêm, phá mìn, làm cầu phao cho quân đội hành quân. Một lần nữa, Thầy nói ‘’Hồng à, bây giờ Hồng là Giáo sư, lớn rồi, đừng gọi tôi bằng thầy nữa’’. Làm sao tôi không gọi bằng thầy, người xưa nói "Nhất tự vi sư bán tự vi sư" kia mà, huống chi Thầy Nhân dạy tôi một năm học.
Tôi không biết bây giờ thầy Nhân ở đâu, còn sống hay đã mất. Nếu còn sống nay thầy cũng đã 97 tuổi rồi. Cách đây không lâu, tôi được biết thầy Đặng Đức Cường đã mất cách đây 7 năm tại Houston, Tesax, các bạn học của tôi có đi đưa đám.
Viết ngày Teacher Day, 20/11/2024.
Trần Đăng Hồng, PhD. |