KÝ SỰ DU LỊCH HẬU COVID-19
KS Mong Phước Minh
Phần 24. Về Gò Công
Hồi trước, người ta dùng hình tượng “con nhạn trắng Gò Công” để bày tỏ sự ngưỡng mộ 1 giọng hát hay sinh trưởng tại đây là ca sĩ Phương Dung, vốn được khá nhiều người yêu thích. Từ đó phát sinh trong lòng khán giả về một vùng biển bình yên, đẹp đẻ.
Rồi vào thập niên 1980, một serries nhạc vàng làm nên tên tuổi của ca sĩ Bảo Yến trong album Nhạc Gò Công, dù trong đó chỉ có 1 bài chính thức nói về nơi này là bản “Mẹ Gò Công”. Ấy là vì 1 thời gian rất dài sau 1975, nền âm nhạc ...miền Nam bị cái mũ “nhạc vàng” qui chụp, đè dí trong bóng tối, phải hát lén, hát lút, thì 10 bản “trử tình cách mạng” trong Nhạc Gò Công nhanh chóng được quan tâm và Bảo Yến nổi lên như sóng cồn!
Dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công
Đất như cao trời như thấp lại
Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng
Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công…
Thật ra, người miền Nam đã quen rồi cái “loài” nhạc nhiều cảm xúc, êm dịu…nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi tràn đầy tình yêu, không như loại nhạc mới mang tính “chiến đấu”cao, hát trong “đốc họng”eo éo đến rợn người! Cho nên với giai điệu mượt mà, mang âm hưởng dân ca, “Nhạc Gò Công” xuất hiện đúng lúc như “đo ni đóng giày” cho cái giọng Huế khàn khàn mà ngọt ngào của Bảo Yến, khiến mọi người được dịp trở lại cái thói quen thưởng thức “nhạc vàng”công khai không bị ai rầy!
Thật ra, theo qui luật bất thành văn của cuộc đời, cái gì hay, đẹp một cách tự nhiên, hợp đạo lý thì tự nó tồn tại và phát triển! Đó là trường hợp của dòng nhạc vàng bolero đã và đang trở lại mạnh mẽ trong những năm qua.
Nhạc Gò Công như thế, vô hình trung góp phần tạo nên một mỹ cảm về xứ sở của vị Anh hùng Trương Định (thật ra là quê vợ của Ông), khiến cho, với nhiều người như tôi, chưa hề biết Gò Công, đã tưởng tượng những cảnh quan đẹp lạ nơi này, mong sẽ có ngày đến viếng bãi biển Tân Thành, để ngắm những con nhạn trắng chao liệng trên đầu sóng.
Đọc tiếp Phần 25.
Muốn đọc các phần trước, xin bấm vào TRANG BẠN VIẾT, mục Mong Phước Minh