16/11/2023
TRỜI ĐÁNH KHÔNG CHẾT.
Tác giả : Bùi Trung.
Nhà anh Sương ở xóm trên, ngang Nhà thờ Tin lành, con của Ông Đại đội Tám, anh tuổi Tỵ hơn tôi 5 tuổi tên Sương, tuy chung khóm 3 nhưng anh xem tôi như một kẻ hậu sinh nên ít khi nào bắt chuyện với nhau. Anh có gương mặt hao hao như diễn viên Công Ninh cái tay cán vá nên khi đi cái tay co khuynh khuynh trông dễ tức cười. Đặc biệt là cái giọng ca của anh nó cao vút và tiếng vang xa như một cái loa "bông bí" của đài truyền thanh xã.
Năm 1977, tôi và anh đi chung chuyến Thủy lợi đào kênh Tuổi trẻ ở Trà Cú, anh là Trung đội trưởng đội A còn tôi là trung đội trưởng đội B, hai đội thi đua nhau làm rất sung. Khi hội họp thì tôi và anh Sương thường tranh cãi nảy lửa không ai nhường ai, tôi tuy nhỏ tuổi nhưng vẫn bảo thủ ý kiến của mình trong cách đào kinh thà làm hơn buổi rồi nghỉ sớm còn anh thì không chịu vì anh nói :
- Con người phải khác máy móc làm phải nghĩ đúng giờ, rồi tối một chút lại tiếp tục tăng ca.
Cãi nhau chí chóe là vậy nhưng những buổi tối tôi hay cầm guitar đánh cho anh hát những bài nhạc "đỏ" mà anh đã hát trong thời gian theo đoàn Văn công xã Mỹ thuận. Mà tiếng hát của anh nó giống như được gắn thêm một cái loa trép nên những bài như dạng hot thời đó như : Bài ca Trường Sơn, Afganistan, Những đôi mắt mang hình viên đạn... ai mới nghe anh hát phải sởn da gà, còn tôi tuy mới biết đàn chập chủng nhưng khi đàn cho anh hát tôi cũng cháy hết mình. Sau lần đi thủy lợi đó tôi và anh trở thành hai người bạn thân.
Sau đó anh mở cái lò bánh mì phía sau vườn nhà, lò nướng bánh bằng củi, nhưng bán không lại cái lò người ta nướng bằng điện. Trong khi anh đã dốc hết vốn liếng vào trong đó. Bán càng lúc càng chậm nên từ từ hết vốn nên anh bỏ ngang ôm đồ xuống nhà tôi, tôi làm hủ tíu anh cũng nhảy vô làm, nhà có cái máy xay bột mướn anh cũng nhảy vô xay bột làm không cần lương chỉ cần tối mua lít rượu và cầm đàn cho anh hát. Tôi thì vốn nhẹ bóng vía nên hay bị "Ma đè" nhưng từ khi ngủ chung với anh thì không khi nào bị đè nữa.
Anh kể:
- Tao trước năm 75 đi lính, một buổi chiều trời nổi mưa giông dữ dội, đang đứng bên này con kinh dưới mấy gốc cây dừa mắc "tè" nên đứng dưới gốc cây dừa trút bầu tâm sự. Bỗng cảm thấy nhột cái sống lưng chưa biết chuyện gì thì nghe Trời đánh "Rầm" một cái rồi ngả ra bất tỉnh... một chút tỉnh lại thì thấy mình mẩy còn nguyên, cây dừa thì bị sét đánh cháy tét cả ngọn nhưng không hiểu là mình không bị gì và cũng không hiểu cách nào mà bị văng tuốt qua bờ kinh bên kia được?
Từ đó bạn bè biết chuyện hay trêu anh là thằng "Trời đánh không chết."
Sau khi cái nhà tôi được người anh bán đi, anh vẫn theo tôi tôi ngủ bụi. Tôi ở đâu anh theo ngủ ở đó, tôi theo anh Đào Đô (là một người con nuôi của mẹ tôi) làm cu li hồ anh cũng đi theo, có lần bị công an xã Đông thành mời làm việc cũng là chuyện hy hữu.
Lần đó tôi, anh Sương và anh Vương Thanh tối nào sau khi rảnh công việc phụ hồ cũng ngồi nhậu đàn ca ở kho lương thực ngay Vàm Phù ly gần sát bên nhà Nội, một buổi sáng mấy tay công an xã tìm đến tận nơi hỏi :
- Các anh buổi tối sử dụng âm thanh công suất lớn nên bà con bên kia sông viết đơn gởi qua thưa tụi tôi.
Mấy thằng tôi cãi làm gì có cái công suất nào? anh em chỉ ca bằng cây guitar thôi.
Tối đêm đó đang ngồi nhậu vừa ca thì công an, văn hóa xã lại tới kiểm tra đột xuất mấy anh nói:
- Mấy anh ca ghê thiệt, ca bằng miệng thôi mà tụi tui tới Chùa Ông Lục cách đây chừng 500 mét đã nghe lồng lộng rồi. Hèn chi bên sông bà con người ta nói đêm nào cũng mở âm thanh công suất lớn. Mấy anh có cách nào ca nhỏ nhỏ lại một chút không?
Tới khi tôi bỏ xứ theo gánh hát thì cũng tôi cũng nghe tin anh bỏ xứ đi lập nghiệp bằng cái nghề làm bình Accu tuốt dưới chợ Đầm Cùng, một nơi cách Mũi Cà Mau không xa lắm.
Năm 1993, Một lần đi công tác thu hồi công nợ ở Cà Mau, tối lại ngủ nhờ ở khách sạn của công trình. Chủ thầu nói chiều mai mới có tiền vậy là tôi suy nghĩ sẽ đi tìm anh thăm, hỏi thì mới biết muốn tới Đầm cùng phải ngồi đò tầm bốn tiếng mới tới. Thế là tôi liều mạng nhảy xuống chiếc tàu đò chạy è ạch tới chợ Đầm cùng thì đã xế chiều. Gặp bà xã anh đang bán rau cải ở khu chợ, chị cho biết anh ra Cà Mau mua hàng về cho chị bán khoảng 8 giờ mới về tới. Tôi nằm võng chờ anh đúng 8 giờ thì ghe chở hàng về tới, gặp tôi anh cười cười anh hỏi nhẹ hều:
- Mày xuống lúc nào vậy?
Tôi bất ngờ vì mình không được đón tiếp như mình nghĩ, sao mà anh xuôi xị vậy? Hỏi thì anh nói ậm ờ :
- Tao đang bệnh, lúc nãy chút nữa là xỉu trên đò rồi.
Tối đó anh và tôi ngủ chung, anh chỉ hỏi một câu:
- Mày còn bị Ma đè không?
Chưa kịp trả lời thì đã nghe anh ngáy khò khò...
Sáng tôi vừa thức dậy thì anh rủ uống cà phê, ăn sáng rồi về nhà mần mồi nhậu sớm. Khác với lúc tối anh hỏi han đủ thứ, Anh vui như Tết, kéo mấy người bạn ở khu chợ lại nhậu và khoe có thằng em cùng quê xuống thăm. Không có đàn nên ca "chay" vừa gỏ muỗng vừa hát vậy mà cũng vui, nhậu xong anh đón đò Cà Mau cho tôi đi, đò chạy thẳng ra biển nên chỉ hai giờ là tới.
Lần đó tới bây giờ tôi vẫn không gặp anh tuy vẫn biết anh thỉnh thoảng cũng về Bình Minh nhưng tôi và anh ít khi nào gặp nhau. Có lần anh về Bình minh kêu Ngọc Vũ chở anh xuống chợ Bà lan thăm Lê Tòng và anh a lô với tôi:
- Tao bây giờ là chủ hội của phòng cơm từ thiện ở Bệnh viện Huyện Cái Nước (Cà Mau), hồi xưa khổ sở nhiều người giúp mình bây giờ khỏe rồi nên tìm cách giúp người để trả nợ cuộc đời.
Anh rủ tôi có dịp nào xuống Cái Nước gặp anh, tôi hứa với anh nhưng chưa có dịp nào để đi. Không ngờ hôm về quê hỏi thăm thì mới hay anh đã đi xa thật xa rồi..
(Bài viết để nhớ một người anh, một người bạn thân thiết một thời ở khóm 3 Lò heo Thị trấn Cái Vồn Huyện Bình Minh.)
Bùi Trung.
|