Tái sinh


Tái Sinh

Bồ Tùng Ma  
 
Mới đặt chân đến Mỹ chưa được mười ngày ông Hai đã được ông James tặng một chiếc xe hơi. Ông James dẫn ông Hai băng qua cái sân rất rộng, vào nhà xe, chỉ một chiếc xe màu xám trắng nằm trên bốn bánh gần như không còn một chút hơi:
-Ford Mustang 65. Anh chỉ việc bơm bốn cái bánh lên là có thể lái nó đi phom phom.
Quả vậy, sau khi nhờ một người bạn -người đã giới thiệu ông Hai với ông James- lo mọi chuyện về bốn cái bánh xe, ông Hai đã lái xe đi phom phom... trong sân nhà ông James xong nhờ ông James lái nó về nhà mình, vì ông Hai chưa có bằng lái.
Nhà ông Hai thuê cách nhà ông James chừng một mile, thuộc loại rẻ tiền, không có chỗ đậu xe riêng, nên ông Hai hướng dẫn ông James đậu chiếc xe ngoài đường. Sau đó thỉnh thoảng ông vào xe rồ máy, nhìn trước nhìn sau xem thử có cảnh sát không, rồi de tới de lui, rất khoái chí.
Ông James là một cựu Sĩ quan Hải quân. Trong chiến tranh Việt Nam, ông là Hạm trưởng của một Hộ tống hạm (PCE). Ông ta biết ông Hai cũng là Hải quân nên rất khoái. Mới gặp ông Hai, James đã ôn đủ thứ chuyện về Việt Nam, sau cùng nói:
-Anh thích xe hơi không" Nếu anh muốn, tôi biếu cho một chiếc. Xe cũ thôi, nhưng rất ít mile, anh không thể tưởng tượng được trong vòng 20 năm nó chạy chưa tới 120,000 mile. Thằng Cuba ở bên cạnh nhà anh xin mà tôi không cho. Tôi không muốn một vật kỷ niệm quý giá như thế này lọt vào tay nó. Thằng ấy mà có được chiếc xe, sẽ xẻ ra từng mảnh đem về Cuba.
Ông Hai tò mò và thích thú ngắm chiếc xe. Xe kiểu cũ, chớ không hẳn là xe cũ. Thân xe sơn màu xám lợt, màu chiến hạm tiếp vận, trông vẫn còn khá mới. Nệm ghế màu xanh hải quân, không một vết sờn. Ông James khởi động máy và nhấn còi. Tiếng còi xe nghe như tiếng còi tàu, kéo dài lê thê, buồn rười rượi. Ông James cười nói:
-Tôi chế thêm ra đó.
Ông James mở cóp xe, chỉ cho ông Hai các vật dụng ở trong đó:
-Đây là thuyền phao, khi bơm lên, anh có thể an tâm ngồi trong đó mà câu cá, dù cho biển động đến sóng hai, sóng ba. Đây là cần câu. Đây là mồi giả. Đặc biệt xe này có một cái ghế sau rất nhẹ mà anh có thể tháo ra làm ghế ngồi câu. Ghế này cũng do tôi chế ra.
Ông James thở dài nói tiếp:
-Bao nhiêu đồ đạc đã ở cùng ta, chiếm mọi ngõ ngách trong nhà. Chúng không bao giờ phải chết cả nên càng ngày càng nhiều thêm lên. Thú thật những thứ tôi biếu anh là những thứ tôi không cần dùng nữa, nhưng lại không nỡ rời bỏ. Tôi biết anh là người mới qua, cần dùng những thứ này, ít ra cũng trong một thời gian vài năm.
Ông Hai cảm động nhìn ông bạn Mỹ. James đang lấy tay xoa xoa đầu chiếc xe như vuốt ve một đứa bé hay một con vật nuôi. Ông Hai không ngờ ở nơi xa xôi này lại có người có tâm hồn giống mình đến thế. Ngày rời khỏi trại cải tạo ông Hai đã không bỏ lại bất cứ một cái gì: cái lon Guigoz, cái áo trấn thủ làm bằng bao cát chống đạn, đôi đũa tre. . .; những vật dụng đã đồng cam cộng khổ với ông; nhất là cái lon Guigoz, gần như nó có thể làm đủ mọi chuyện: nấu ăn, đun nước, làm gáo múc nước và làm cái bô đi tiểu những lúc bị kẹt...
*
Gia đình ông Hai, gồm hai vợ chồng và đứa con trai, chuẩn bị dọn qua Los Angeles. Ông nói với bà:
-Mình sẽ qua đó bằng xe hơi. Từ Orlando qua đó hơn 2700 mile, đi mất chừng 3 ngày 3 đêm, kể cả nghỉ ngơi dọc đường. James đã chỉ cho tôi cách giải quyết mọi tình huống bất ngờ khi đi đường. Tôi cũng đã đem xe đi tune-up...
Nghe đến đây bà Hai kêu lên:
-Ông có điên không" Dùng một chiếc xe đời 65 để dưa vợ con đi từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương.
Ông định cãi lại bà như thói quen gia trưởng xưa nay, nhưng rồi nghe bà nói cũng có lý nên ông bỏ ý định dùng chiếc Mustang. Tuy nhiên ông không biết nên để lại chiếc Mustang cho ai. Thằng Cuba thì nhất định ông không giao xe cho nó, ngay cả bán với giá 500 đô như nó đã trả. Ông cũng không muốn giao chiếc xe cho thằng con ông bạn ở ngay cạnh nhà, nó sắp có một công việc làm khá tốt, chẳng bao lâu nó sẽ cho xe vào nghĩa địa xe để mua xe mới. Ông suy nghĩ suốt hai ngày về việc này và cuối cùng mắt ông sáng lên, ông sẽ cho ông Danh chiếc xe. Chắc chắn ông Danh sẽ dùng chiếc xe ít ra cũng 4 năm nữa. Ông Danh đã 61 tuổi, đang ăn tiền bệnh SSI. Ông Danh nhác gan và lẩm cẩm, sợ Sở An Sinh Xã Hội cúp tiền bệnh nếu nghi ông hết bệnh, nên suốt ngày nằm nhà làm như bệnh nặng lắm. Nếu phải đi đâu ông Danh chỉ đi bộ, quấn khăn quanh cổ, ho hen sù sụ như sắp chết đến nơi. Ông vượt biên từ miền Bắc, từng sống trong một xã hội mà người dân hay dò xét nhau, việc này trở thành ấn tượng sâu đậm, nên khi đến Mỹ ông tưởng tất cả mọi người chung quanh đều dò xét ông, xem ông có đáng ăn tiền SSI hay không. Ông Danh rất thích xe hơi, nhưng nghe đồn ai lái xe và sở hữu xe là khỏe mạnh và có lợi tức, không ăn tiền SSI được, nên rất ngại mua xe, nhất là xe tốt. Sau khi nghe ông Hai ngỏ ý muốn cho mình chiếc xe hơi, mắt ông Danh sáng lên nhưng rồi tối ngay lại:
-Mà. . . mà tớ có lái xe được đâu. Từ ngày bị thằng biên phòng cho mấy bá súng vào đầu, mắt tớ không dược bình thường.
Ông Hai bực mình nói:
-Có lấy không" Nếu không, tôi cho người khác.
-Xe thế nào, đời mấy"
-Đời 65.
-Phải chi đời cũ hơn.
-Ngoài nghĩa địa cũng không có xe đời cũ hơn.
-Thế thì tớ nhận.
-Nhưng tôi lấy lại một cái ghế sau.
-Phải, phải. Như thế... tiện cho tớ hơn.
*
Hôm nay là ngày chủ nhật, ông Hai và người con trai đang thu gọn các đồ đạc trong nhà, nghĩa là tính xem nên bỏ đi và nên giữ lại cái gì, để chuẩn bị dọn sang nơi ở mới.
Bao nhiêu đồ đạc tích trữ từ nhiều năm trước chiếm nguyên cả cái nhà để xe, đến nỗi xe phải đậu ngoài đường. Những đồ đạc này phần lớn do bà Hai sắm. Bà là người thích mua sắm hay nói đúng hơn là có bệnh mua sắm. Bà càng có nhiều tiền, bệnh mua sắm của bà càng trầm trọng. Không những bà thích mua sắm áo quần và những đồ đạc lặt vặt khác mà còn thích mua sắm luôn cả những đồ chứa đựng các thứ này như hộp, thùng, tủ và những đồ chứa đựng kỳ cục khác. Đồ mua sắm này giống như thân phận của những cung phi, có khi được dùng đến, có khi bị bỏ quên, để rồi một thời gian sau trở nên cổ lỗ, không được ngó ngàng đến.
Người con trai ông Hai là người chủ chốt trong việc thu gọn nhà cửa lần này. Đã từ lâu anh ta nhất quyết "làm một cuộc cách mạng triệt để" vào những đồ đạc này, nghĩa là loại bỏ không nương tay những "thành phần" mà anh ta cho là không có lợi. Nhưng ông Hai lại không muốn vất bỏ chúng, ông muốn giành chúng cho những người mới đến Mỹ hay giữ chúng trong kho, chớ không nỡ để chúng nằm lăn lóc trong một đống rác hôi thối nào đó. Ông cảm thấy chúng như có linh hồn, lại có cả tình gắn bó với ông sau khi đã ở trong nhà ông một thời gian khá lâu.
Ông bất bình thấy người con vất một cách thô bạo những đồ đạc chứa trong nhà để xe lên chiếc xe truck nhỏ. Ông nói:
-Nhẹ tay một chút được không" Mình có thể đem cho mà.
-Gọi Good Will hai ba lần mà họ cũng không đến nhận, có lẽ họ chê. Ba xem này, cái lon đen thui cột chung với miếng giẻ rách...
 

-Mày nói sao" Cái lon, cái lon Guigoz, cái áo trấn thủ.
-Ba nói gì vậy"
-Mày đưa mấy thứ đó cho tao, các thứ còn lại mày muốn làm gì thì làm.
Ông giằng lấy cái lon Guigoz và cái áo trấn thủ nơi tay người con trai rồi bỏ đi, không nỡ nhìn những đồ đạc nằm ngổn ngang trên sàn nhà, như không dám nhìn những người thân yêu đang bị tra tấn hay bước lên đoạn đầu đài.
Đêm hôm đó ông nằm cố ru giấc ngủ nhưng không tài nào nhắm mắt được. Ông cố quên những đồ đạc nằm ngổn ngang ngang lúc chiều nhưng chúng cứ hiện ra trước mắt ông. Ông chợt nhớ đến chiếc Mustang 65. Đã từ lâu không liên lạc với ông Danh, ông không biết gì về chiếc xe cũng như chủ của nó. Ông nhớ lại khi ông giao chiếc xe cho ông Danh và ra về trời đang lất phất mưa. Những giọt nước mưa đọng trên hai cái đèn xe long lanh trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều tà, làm ông có cảm tưởng như chiếc xe đang rưng rưng lệ từ biệt ông. Ông nhớ đến chiếc ghế xe mà ông đã tháo ra và mang sang đây. Mấy năm trước mỗi khi đi Santa Monica câu cá, ông vẫn dùng chiếc ghế này. Ngồi trên ghế nhìn từng lớp sóng xô vào bờ từ biển xa, những con hải âu bay lượn trên nền trời xanh biếc, những con tàu màu trắng đục ở xa tít tận chân trời, ông có cảm tưởng như đang ngồi trên chiến hạm tuần tiễu cận duyên và nhớ lại một thời đẹp nhất trong cuộc đời mình. Tất cả đã xa rời, không bao giờ còn trở lại. Nhưng mà chiếc ghế xe, mới chiều nay nó vẫn còn... Ông ngước nhìn đồng hồ treo tường. Đã gần 2 giờ sáng. Ông nhổm dậy, bước qua phòng đứa con trai. Nó vẫn còn đang thức đọc sách.
-Hồi chiều mày có thấy chiếc ghế của ba không"
-Ghế gì"
-Cái ghế ba hay ngồi câu cá đó.
-Có vài thứ con vất trong thùng rác hay bỏ ngoài đường, không chở đi. Mà ba muốn gì vậy" Ba Mẹ đều... lẩm cẩm hết rồi! Đầu hôm mẹ khóc nguyên cả 1 giờ vì con vất cái ví đầm cổ lỗ sĩ của mẹ trong thùng rác.
-Mầy là người rất hời hợt, ngay cả ảnh tao chụp cho mầy hồi nhỏ mầy cũng vứt tùm lum, bây giờ vứt luôn cả vật kỷ niệm của mẹ mầy. Đó là cái ví tao mua tặng mẹ mày.
- Ở xứ Mỹ này mà ba mẹ. .. như vậy thì không bao lâu nhà mình biến thành cái thùng rác.
- Ba mẹ mầy như vậy thì mới có mầy; nếu mẹ mầy cũng hời hợt như mầy thì đã bỏ tao ngay khi tao còn ờ trong trại cải tạo. Còn tao...
-Nhưng cái gì cũng có sự chấm dứt chứ...
Ông không muốn nghe tiếp nữa, quay gót trở về phòng. Ông ngủ một giấc ngủ chập chờn vì mãi suy nghĩ mênh mang. Ông nhớ đến chiếc xe "rớm lệ" khi ông bỏ nó lại Orlando. Ông tưởng tượng chiếc ghế xe đang nằm co quắp trong đống rác hôi thối than trách ông. Ông bùi ngùi nói:
-Phải, cái gì cũng có sự chấm dứt. Cái gì rồi cũng có lúc tàn lụi. Cái gì có rồi cũng sẽ không có; ngay cả vũ trụ, trái đất; ngay cả thân xác tao rồi cũng sẽ đi theo mầy. Tất cả chúng ta sẽ gặp nhau tại một nơi, đó là nơi không-có-gì-cả. Việc gì phải than trách.
-Nhưng tôi chưa tàn lụi. Tôi chỉ mới bị sút vài cây đinh vít, vài con ốc. Ông chỉ việc lấy chiếc kèm vặn lại là xong, là có thể dùng tôi, một loại đồ đạc đã theo ông suốt mười mấy năm dài đăng đẳng, đã chịu đựng biết bao nhiêu thô bạo của ông. Ông còn nhớ không, rất nhiều lần, chỉ vì câu hụt một con cá nhỏ mà ông đã giận dữ ngồi phịch lên người tôi, làm tôi suýt rách nát cả da thịt.
Ông Hai ngồi nhổm dậy. Đồng hồ chỉø 4 giờ 30 sáng. Xe hốt rác sắp đến đem rác đi. Xe của mấy người Mễ đi lượm đồ phế thải cũng sắp tới. Ông Hai đi nhanh ra ngoài đường nhìn dáo dác rồi reo lên một tiếng mừng rỡ. Cái ghế vẫn còn nằm bên vệ đường.

***

Ông Hai nay là một ông già lụ khụ. Bà Hai đã mất. Ông giao ngôi nhà rộng thênh thang lại cho đứa con trai quản lý, ra ở nơi căn phòng mới chế biến từ cái nhà để xe. Việc này do ông tự nguyện sắp xếp, một sự sắp xếp có tình có lý theo nếp sống tự do của Mỹ. Ngôi nhà nay rất rộng vì bao nhiêu đồ đạc cũ đều bị vợ chồng người con trai vất đi hết. Ông Hai chỉ còn giữ lại một vài vật kỷ niệm của vợ ông và chiếc ghế xe.
Ở trong căn phòng nguyên là nhà để xe này, ông Hai có cảm tưởng như mình cũng là một loại đồ đạc sắp bị phế thải. Khi xưa ông cụ thân sinh ra ông ở Việt Nam chắc chắn không có cái cảm tưởng như ông ngày nay. Từ bao giờ, trước khi ông mở mắt chào đời, ông cụ đã ở trong ngôi nhà từ đường, chễm chệ ngồi trên bộ phản gõ kê ngay trước bàn thờ, bên cạnh biết bao nhiêu vật dụng để từ đời này sang đời khác, không ai dám có ý định vất đi vì những vật tổ tiên sắm ra không những là những kỷ vật thiêng liêng mà còn là của cải, chứ không phải chỉ là phương tiện. Ông cụ ở đó cho đến khi nhắm mắt lìa đời với đám con cháu chung quanh. Ông Hai nghĩ đến đây lòng buồn rười rượi.
Ông và những đồ đạc trong căn phòng này chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến nơi-không-có-gì-cả, sẽ vĩnh viễn bị quên lãng trong đám cát bụi của trần gian.
Ít khi hai vợ chồng người con trai đến phòng riêng của ông. Ông càng ngày càng ít bạn bè, hầu hết họ đều ra đi về bên kia thế giới trước ông. Người khách vãng lai duy nhất ở đây là đứa cháu nội trai lên năm. Nó chẳng có nhu cầu gì nơi ông cả, nó không cần ông kể chuyện cổ tích vì đã có TV, nó cũng chẳng cần kẹo bánh vì ở xứ Mỹ này đồ ăn uống dư thừa, nhưng nó vẫn cà rà một bên ông.
Ông Hai vẫn còn đi câu cá hay nói đúng hơn là đi nhìn biển. Ít khi ông nhờ vợ chồng người con trai chở đi mà thường hay lủi thủi một mình đáp chuyến xe buýt số 4 đi Santa Monica. Xuống xe ông chỉ cần đi một đoạn đường ngắn là đến nơi.
Một hôm ông Hai cùng đứa cháu nội định băng qua đường để đi về phía biển thì thấy trên một đoạn đường có giăng cờ màu sắc rực rỡ, phía dưới có nhiều chiếc xe mới đủ màu đang đậu. Ông tò mò đi đến xem. Người ta đang quảng cáo xe. Đây là những chiếc Ford Mustang mới tinh đủ màu: xanh hải quân, đỏ, trắng xám... Ông Hai say mê nhìn mấy cái xe. Chúng đều phảng phất bóng dáng của chiếc Mustang 65, nhưng trẻ trung, xinh đẹp và tân kỳ hơn. Chiếc Mustang 65 có thể không còn nữa, có thể đã "chết", đã được nung chảy ra và tái sinh thành những chiếc xe này. Ông nhìn đứa cháu nội đang đứng một bên. Rõ ràng nó phảng phất bóng dáng của ông. Cũng như ông, nó có mớ tóc quăn phía sau ót, hai cái tai to, những ngón chân dài... Ông đang được "nung chảy" ra để trở thành nó. Thì ra là như vậy. Cái gì có sẽ không có, nhưng không phải về một nơi không-có-gì-cả, mà về một nơi nào đó để trở lại hoàn hảo hơn. Không thể nào có sự trường sinh bất tử theo nghĩa thông thường như người ta đã nghĩ. Nếu có sự này cách đây 70 triệu năm thì hôm nay trái đất chỉ toàn là khủng long.
Ông Hai mỉm cười rạng rỡ, cùng đứa cháu đi về phía biển. Hôm nay trời khá lạnh, lại có nhiều gió, những đợt gió từ đâu ngoài biển thỉnh thoảng xô vào người ông như ngầm bảo ông nên trở về, ở đây hôm nay không phải là ngày thích hợp với một người già cả. Nhưng mà ông đang thích biển, ông muốn ra nhìn biển vì biết đâu đây không phải là dịp cuối cùng.
Quả vậy, vài giờ sau đó người ta thấy có ông già ngồi chết bên cạnh một đứa bé đang ngủ say, tay đứa bé cầm cái cần câu, môi ông già vẫn chưa tắt nụ cười. Nếu không quan sát kỹ, khó biết được ai đã chết và ai đang ngủ.

Bồ Tùng Ma
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229047 visitors (434200 hits) on this page!