26/10/2022
CHẬU HẸ HỒNG
Sáng nay đông sơ, chậu hẹ hồng trước sân nở 4 bông đằm thắm.
Chậu hẹ hồng nầy tương đối đặc biệt.
Thân, lá, hoa, củ, đều lớn hơn các loại thường gặp. Phiến lá dài 50 - 60 cm, rộng 1 phân so với loại thường chỉ dài 15 - 20 cm và rộng 5 ly.
Hoa nó cũng vậy. Tràng hoa 6 cánh, đường kính 6 - 8 cm, tràng hoa loại kia chỉ 2,50 cm.
Cành hoa cao 50 - 60 cm.
Tôi gặp nó ở một tiệm hoa kiểng Châu Đốc. Trong một chậu hẹ hồng thường, một mình nó vươn cao cành hoa lên chào. Biết gặp được quý nhơn, tôi phải mua một lô hoa kiểng khác để chủ tiệm vui lòng thọt ngón tay vô chậu móc lấy cái củ nhỏ xíu của nó, nằm tuốt dưới sâu lên chiều tôi.
Đem nó về, bà xã phải nâng niu, nuôi dưỡng nó trong một cái chậu riêng. Hai năm rồi, giờ thì nó “phong nhũ phì đồn” như trong ảnh. Củ con lố nhố trồi lên mặt chậu, đòi một chỗ rộng hơn.
Một ít thông tin về hẹ hồng thường:
Tên: Cây hẹ hồng, cây phong huệ, cây phong huệ hồng, cây tóc tiên hồng
Tên khoa học: Zephyranthes rosea
Họ: Amaryllidaceae (họ loa kèn đỏ)
Tên tiếng Anh: Rain Lily, Pink rain lily, Rain lily rose
Chiều cao: 15 – 20 cm
Thân: Cây hẹ hồng là cây thân thảo lâu năm có 1 lá mầm. Thân hành có vỏ, đường kính khoảng 1.5 – 2.5 cm.
Lá: Lá cây hẹ hồng thon hẹp, phiến lá sậm màu xanh lá cây, dài 15 – 20 cm và rộng 5 mm.
Hoa: Cành hoa hẹ hồng mọc ở nách lá, dài 15 – 20 cm. Hoa nằm trên đỉnh làm cành hoa hơi cong. Hoa hẹ hồng có hình phểu. Bao hoa có màu hồng, 6 cánh, đường kính khoảng 2.5 cm và chiều dài 3 – 3.5. Ống tràng bao hoa màu xanh lá cây dài 0.2 – 0.3 cm. Cánh hoa lan rộng nhưng không bị cong gập thành gốc. Nhị hoa hẹ hồng được phân tách, tua nhị dài 1 – 1.7 cm, bao phấn nhỏ 3 – 6 mm. Vòi nhụy dài 1.8 – 2.7 cm, dài hơn ống tràng bao hoa. Đầu nhụy chia thành 3, nhô ra 1 – 1.5 mm ngoài bao phấn. Thời gian cây hẹ hồng ra hoa từ tháng 3 đến tháng 7 (nhiều vào mùa mưa). Cây hẹ hồng thường nở hoa sau những cơn mưa lớn.
Quả: Những bông hoa hẹ hồng phát triển tạo thành các quả nang có 3 thùy. Hạt cây hẹ hồng đen bóng và phẳng dẹt.
Hẹ hồng còn là một bài thuốc trong đông y trị rụng tóc giảm ho, sốt, lỵ. Tuy chữa được bệnh nhưng chúng cũng có chứa các chất độc hại như lycorine và haemanthamine. Những chất này có thể gây ói, co giật, tử vong cho người, gia súc và gia cầm.
.
Đông sơ gió chướng non về
Bờ lau sậy cũ ở quê có còn?
Đứng hờ góc núi chon von
Hẹ hồng phớt chút môi son cho đời.
Đào Dũng Tiến ( NLS / CT)
•Đầu tháng mười Nhâm Dần.
|