3/12/2022
(Vãng cảnh tâm linh):
NHỮNG NGÔI CHÙA TRONG HẺM NHỎ Ở CHÂU ĐỐC.
Tôi vốn có ý muốn tìm kiếm viếng thăm những ngôi chùa nghèo. Nghèo ở đây hàm ý chùa nhỏ gọn đơn sơ nhưng tam bảo vẫn oai nghi thường trụ. Ở tại chợ nữa thì càng quý, càng đáng quan tâm.
Cho nên khi đi lại trong nội ô thành phố Châu Đốc, trên đường Nguyễn Văn Thoại hướng vào núi Sam, tôi để ý mấy cái cổng chùa nằm bên tay trái mà đường vào chùa rất nhỏ vừa đủ hai xe máy chạy chậm lách qua, có đường chỉ một xe, không tránh được phải lui lại khi có người đi ngược. Ngó sâu vào bên trong hun hút không thấy một mảnh kiến trúc nào có vẻ là chùa. Ba chùa ở trong ba hẻm nhỏ như thế nằm gần nhau trên một đoạn đường ngắn, từ hẻm 71 đến hẻm 141. Một là tịnh xá Ngọc Phú, hai là chùa Châu Viên và ba là chùa Bửu Ân.
Ngoài mặt tiền, các căn phố khang trang nhưng chật hẹp, những cửa tiệm tạp hóa, tiệm ăn nhỏ…làm tôi nghĩ những ngôi chùa bên trong chắc chỉ là những ngôi nhà gọn, của ông bà để lại nên con cháu phải cố gắng gìn giữ duy trì.
Cho đến chiều hôm qua tôi mới có dịp ghé thăm những ngôi chùa đó và biết mình đã lầm.
• Chùa Châu Viên và hạnh tu “Một Chữ Một Lạy”
Cổng chùa Châu Viên ngang chừng 1,50m, cao khoảng 2,50m, trên có biển tên chùa giản dị. Đường vào chùa thẳng, hẹp, chỉ còn hơn 1m, tráng xi măng. Nhà hai bên chen chúc, chật hẹp, mái đâu vào nhau che hết ánh sáng, giống như đang đi trong một đường ống.
Qua cổng chừng 100m tới cuối đường quẹo phải, bất ngờ thấy bên tay phải là một căn nhà dài ngăn ra 4, 5 phòng rộng. Nhìn kỹ lại, đã ở trong khuôn viên chùa Châu Viên.
Tôi đi qua khoảng sân, là cái sân tương trong mấy ngôi nhà xưa, thường chừa một khoảng trống lấy ánh sáng giữa nhà trên và nhà dưới. Cuối sân là nhà trù, bên hông trái có khung cửa nhỏ bước lên nhà hậu tổ.
Nhà hậu tổ rộng rãi nhưng vắng lặng, và hơi tối. Trong không gian u tịch mùi nhang trầm thoang thoảng, tiếng niệm Phật nhỏ, đều đều phát ra từ một chiếc loa đâu đó làm cho các pho tượng có vẻ trầm tư hơn.
Tất cả các tượng thờ đều có nét cổ kính, tạo hình sắc sảo. Tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn đối diện tượng tổ Đạt Ma đứng vác gậy. Bên trên chánh điện, bàn thờ tam bảo trang nghiêm. Ngoài bàn thờ các bồ tát thường thấy như Địa Tạng, Hộ pháp chư tôn, đặc biệt có hai bàn thờ ít gặp: Thập Điện bồ tát và Già Lam bồ tát.
Sư Thiện Đức trụ trì cho biết, chùa được cất từ năm 1897. Lúc ấy nguyên khu vực là một vùng nê địa. Khi làm con lộ vào núi Sam, chánh quyền cho dân công đào con kinh lớn, lấy đất làm nền đường, chính là đường Nguyễn Văn Thoại với khúc trong là Tân Lộ Kiều Lương. Tổ khai sơn Như Dược làm một am tre lá tu hành, phải bắt một cây cầu qua kinh và đắp một con đường đất vào chùa. Gần cuối đời của tổ, ông nội của sư lúc ấy đã lớn tuổi mới xuất gia thọ giới, được tổ ban pháp danh Chơn Niệm, tiếp nối trụ trì. Nhờ những Phật tử chủ đất quanh chùa mến mộ hỷ cúng nên khoảng 1915 - 1920, ông nội sư cất lại chùa đàng hoàng hơn. Mái ngói âm dương, vách ván, cột cây. Đặc biệt là sư ông đã thỉnh một nhóm thợ từ ngoài Huế vào đúc tạo các pho tượng thờ cho tới nay. Cha của sư khi đã có gia đình cũng xuất gia tại chùa, có pháp danh Thiện Thành. Năm 1962, chùa cũ mục nát, phải xây lại chùa kiên cố đến giờ. Tới sư cũng vậy, đi tu muộn và trụ trì từ 1999.
Đô thị lần hồi phát triển, người tứ xứ đổ về chen nhau cất nhà sinh sống. Trải qua hơn trăm năm biển xanh thành ruộng dâu ở đâu không biết, ở đây hoang địa thành đất chật người, chùa không có chỗ để làm lối đi. Sư cười rồi nói, tôi không có đệ tử chắc khi mất sẽ hiến chùa cho giáo hội là xong.
Sư kể sư ông Chơn Niệm suốt đời trì kinh Pháp Hoa và kiền thành mật hạnh đọc một chữ kinh lạy một lạy.
Tôi nghe sư nói nhẹ nhàng mà như sấm nổ bên tai nên hỏi lại, là sao sư? Là đọc một chữ kinh lạy một lạy, tuần tự tử chữ đầu tiên cho tôi hết bộ kinh. Sư đáp,
Chúng ta biết trong Phật pháp có phép tu lục độ. Trong lục độ có kham nhẫn, trong kham nhẫn có triều sơn lễ thánh tam bộ nhất bái. Tức là hành hương lên viếng các danh sơn có Phật tích bằng cách đi ba bước lạy một lạy.
Tam bộ nhất bái là phép tu để hành giả chế ngự chính mình, không để cho các giác quan khơi dậy những ham muốn tầm thường. Kham nhẫn chịu đựng mọi khó khăn thử thách để rèn luyện tiêu trừ nghiệp chướng, phát triển thiện căn, mang đến an lạc cho thân tâm.
Các hành giả khắp nơi trên thế giới thường xuyên thực hiện hạnh tu nầy, nhất là ở Tây Tạng nhiều tu sĩ ước nguyện trong cuộc đời của mình lạy đủ 100.000 lạy.
Ở Việt Nam, báo chí đưa tin đã có nhiều cuộc lạy suốt đường thiên lý. Một trong những lần hành pháp như vậy được nhắc nhiều là lần hai đại đức của Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thích Trúc Thái Ngọc và Thích Trúc Thái Thanh. Bắt đầu từ ngày 06/05/2014 đã tam bộ nhất bái theo quốc lộ 1 từ Cà Mau, đến ngày 04/01/2019, sau 4 năm 8 tháng hai vị tới Nghệ An. Có người đếm thử một đoạn đường và tính ra hai vị đã lạy 3 triệu lạy và niệm 6 triệu lần A Di Đà Phật!
Những cuộc hành trình dài lễ lạy như thế đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm rất cao nhưng để nhiều người biết quá cũng ít nhiều làm giảm ý nghĩa của mật hạnh. Việc tụng kinh Pháp Hoa của sư Chơn Niệm ở chùa Châu Viên, một bộ kinh lớn của Phật Giáo Phát Triển mà mỗi chữ kinh lạy một lạy trong thinh không tịch mịch, một mình mình biết một mình mình hay thật sự là một công phu tu tập kham nhẫn ngoài sức tưởng tượng. Tôi có đếm thử một trang kinh Pháp Hoa do hòa thượng Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt và ước tính kinh có khoảng trên dưới 100.000 chữ. Vì hòa thượng đối dịch nên bản chữ Hán chắc cũng chỉ từng ấy chữ. Vậy là khi tụng xong một lần kinh, sư Chơn Niệm đã lạy 100.000 lạy. Thời gian bao lâu không có ý nghĩa nữa rồi.
Kẻ hậu học xin đê đầu bái phục Ngài.
• Tịnh xá Ngọc Phú và các khóa tu 1 ngày.
Cổng tịnh xá Ngọc Phú cũng nhỏ như cổng chùa Châu Viên. Cả hai chắc đều đạt kỷ lục cổng chùa nhỏ nhất Việt Nam. Tịnh xá Ngọc Phú thêm kỷ lục đường vào chùa nhỏ nhất vì chỉ cho một chiếc xe gắn máy chạy lọt. Nếu có người đi ngược lại, phải có một người de lui. Mà đường lại có 2 cua 90*, mới chết chớ.
Các con đường vào chùa như thế nầy làm cho người đi có cảm tưởng đã vào chùa thì không nửa đường quay lại người ơi!
Tôi ghé thăm chùa vào ngày mùng 8 và hoàn toàn bất ngờ, choáng ngợp với không gian trang nhã và thanh tịnh.
Khuôn viên chùa rộng tầm 400 - 500m2, nhỏ hơn chùa Châu Viên một chút, nên có một tầng lầu bên trên làm chánh điện. Ngay bên dưới là giảng đường rộng. Cặp bên là khu nhà trù sạch sẽ tinh tươm. Có lẽ là do ni trụ trì nên nhìn chung tịnh xá sáng sủa và vui tươi hơn chùa Châu Viên.
Trong giảng đường có một ni sư đang thuyết pháp. Bài pháp nói về sự giữ giới của Phật tử. Thính chúng hơn 30 người nghiêm cẩn ngồi nghe.
Tôi bước sang khu nhà trù, có một sư cô và 4 - 5 Phật tử đang lúi húi làm bữa ăn trưa. Tiếp chuyện với tôi, sư vui vẻ, luôn miệng mời lên giảng đường thọ pháp rồi dùng cơm. Tôi xin phép vì ăn bận lề mề quá, sư nói không sao ghé viếng chùa là có duyên lắm rồi.
Sư cho biết pháp danh là Dung Liên, trụ trì tịnh xá. Tháng nào cũng vậy, vào 2 ngày mùng 8 và 23 âm lịch, tịnh xá đều tổ chức khóa tu một ngày cho Phật tử. Giảng sư ở Sài Gòn về nên luôn thu hút người nghe. Tịnh xá nhỏ, đường vào khó khăn nhưng không ngăn được người mến mộ. Khóa tu nào cũng có vài ba mươi người tham dự. Sư vui lắm.
Tôi thật sự bái phục một ni trưởng tuổi cao, nhất sanh bổ xứ về một đạo tràng khuất lánh vẫn tổ chức sắp xếp được cho nhiều người đồng tu thì đúng là bồ tát rồi.
• Chùa Bửu Ân
Chùa thứ ba trong dãy chùa có đường vào chật hẹp là chùa Bửu Ân. Khuôn viên rộng hơn chùa Châu Viên nhưng thiếu sự chăm sóc nên không được gọn gàng. Những công trình kiến trúc có vẻ chắp vá. Sư trụ trì nhỏ tuổi hình như mới được giáo hội bổ về, thấy không đủ tâm lực. Hy vọng trong thời gian tới sẽ theo kịp hai chùa kia.
…..
Châu Đốc nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều chùa, mới có cũ có, to lớn và đỉnh đỉnh đại danh. Ba chùa nói trên không thể so sánh. Tuy nhiên đã là một đạo tràng thì không phân biệt lớn nhỏ. To lớn hàng ngàn mẫu đất nguy nga lộng lẫy nhưng chỉ mượn áo chùa kinh doanh thu lợi nhuận, thờ tam bảo cũng chỉ là thờ ma, báng bổ Phật pháp.
Chùa không cần lớn nhỏ, chỉ cần có tâm Phật mà thôi.
2/12/2022
Đào Dũng Tiến
|