02/7/2020
KÝ SỰ DU LỊCH HẬU COVID-19
KS Mong Phước Minh
Phần 17. Viếng thăm Lăng mộ cụ Phan Thanh Giãn
Từ khu mộ Cụ Võ Trường Toản nhìn về hướng Bắc khoảng 300m, chúng tôi thấy khu mộ và đền tưởng niệm của Đại Thần Phan Thanh Giãn. Cổng chính đã đóng nên tôi trở ra hương lộ 16, chạy tiếp chừng 50m rẻ vào con đường nhỏ tương tự, tới thẳng khu mộ cổ và đền thờ. Cửa cũng đóng, may nhờ có 1 cháu nhỏ nói là “chắt”, không biết là đời thứ mấy của Cụ Phan, chỉ lổ chun qua hàng rào cây kim quất(?), thì vào được bên trong.
Ngôi mộ nguyên thủy của Cụ Phan Thanh Giản được nhân dân trong vùng xây dựng từ năm 1867, sau khi ông qua đời, không biết hình dáng ra sao.
Còn bây giờ, theo tôi thấy, cũng là mộ táng hình voi phục, nhưng to hơn của Ông Võ Trường Toản(chỉ so sánh về kích thước ngôi mộ)và được sơn trắng, nằm gọn trong 1 vòng cung bảo vệ , phía trước là bình phong,1 rào lang cang chữ nhật có cửa đơn sơ ghi Phần mộ Cụ Phan Thanh Giãn với 2 câu liễng. Dựa vào hình dáng của mấy ngôi mộ cổ của các phu nhân bên ngoài, cũng giống như phần mộ của Ông, hình voi phục, có bình phong, bia đá không sơn phết nhưng khá đẹp và uy nghi tôi nghĩ có lẽ đó cũng là hình dạng mộ Ông đã sửa chửa lại vào thời đó!
Đối diện với lăng mộ là đền thờ khiêm tốn, kích thước 7mx7m, mới xây dựng năm 2004, trị giá 185 triệu đồng(!), do chủ trương của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cùng nỗ lực đóng góp của nhân dân và gia đình của cụ Phan Thanh Giản tại quê làng Bảo Thạnh và Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.
• So với Võ Trường Toản, khu mộ táng và Đền Ông Phan Thanh Giãn nhỏ hơn nhiều, có lẽ do “nỗi oan”150 năm vì tội “bán nước” chăng!? Tôi cảm thấy thật ngậm ngùi cho bi kịch đời Ông, cái bi kịch đã khiến từng bị đục bỏ tên trên Bia Tiến Sĩ, rồi sau này tên đường, tên trường cũng bị xóa mất như:
• Bạc Liêu: nay là đường Phan Ngọc Hiển
• Sóc Trăng: nay là đường Lê Hồng Phong
• Vị Thanh: nay là đường Hải Thượng Lãn Ông
• Rạch Giá: nay là đường Trần Quang Diệu
• Sa Đéc: nay là đường Nguyễn Huệ
• Vĩnh Long: nay là đường 3 tháng 2
• Bến Tre: nay là đường Đồng Khởi
• Trà Vinh: nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa
• Gò Công: nay là đường Lê Thị Hồng Gấm
• Tân An: nay là đường Phan Văn Đạt
• Tây Ninh: nay là đường Cách mạng tháng 8
• Bà Rịa: nay là đường Nguyễn Đình Chiểu
• Vũng Tàu: nay là đường Lý Tự Trọng
• Đà Lạt: nay là đường Lê Thị Hồng Gấm
• Phan Thiết: nay là một đoạn của đường Chu Văn An
• Nha Trang: nay là đường Pasteur
• Pleiku: nay là đường Lê Hồng Phong
• Kontum: nay là đường Trần Phú
• Đà Nẵng: nay là đường Hoàng Văn Thụ
• Huế: nay là đường Lê Quý Đôn
Tuy nhiên, tại một số đô thị ở miền Nam, tên đường Phan Thanh Giản vẫn được giữ lại và không bị xóa tên từ trước năm 1975 cho đến ngày nay, cụ thể như tại Mỹ Tho, Lái Thiêu, Trà Ôn, Tân Châu, Giá Rai. (theo wikipedia).
Với tôi Ông là một vị quan tốt, thương dân và yêu nước qua những đánh giá khách quan của nhiều danh sĩ trí thức đương thời lẫn sau này.
Cụ Phan Thanh Giản được nhiều người kính trọng vì tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm. Tuy làm quan to nhưng ông tự xem mình như người dân thường ở nông thôn, đối xử như người bình dân, không bao giờ phô trương quyền lực.
Ngôi nhà xưa lợp ngói âm dương của giòng họ bên cạnh mộ phần, nơi quê nhà tại làng Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre thật là đơn sơ, nghèo khó, không xứng với vị thế của 1 đại thần quyền quí, cao sang!
Công và tội của Ông được các nhà chuyên môn đánh giá khách quan từ nhiều nguồn tư liệu đã giải tỏa nỗi oan ức trăm năm, còn đối với người dân địa phương và nhiều nơi ở đồng bằng Nam Bộ, từ sau khi Ông uống thuốc độc quyên sinh vì để mất 3 tỉnh Miền Tây, vẫn tôn kính một lòng. Đền thờ của Ông đã được lập ở nhiều nơi như Óc Eo(Ba Thê, An Giang), Văn Thánh miếu Vĩnh Long, đình Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và nhiều nơi khác nữa, chứng tỏ ông là một vị quan có nhân cách cao cả trong lòng dân qua nhiều đời.
“Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”. Với “tuyên ngôn” này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, Cụ đã tự làm án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế... Tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Bây giờ, hàng năm vào lễ giỗ các Cụ, cựu học sinh các trường Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giãn(dù tên trường không còn)nhiều người đã trở về Lăng mộ để tham viếng và tưởng niệm.
Tôi xinh phép đề nghị, các bạn ở miền Tây, nên dành 1 ngày đến thăm Bến Tre và để thăm lăng mộ của 3 bậc danh nhân tiền bối này.
Chắt của cụ Phan Thanh Giản
Lăng mộ và thờ cụ Phan Thanh Giản
Mộ của phu nhân cụ Phan Thanh Giãn
Mộ của Phu nhân Cụ Phan Thanh Giãn.
Nhà của cháu Cụ Phan Thanh Giãn, trông
coi mộ phần và làm lễ giỗ hàng năm.
Muốn đọc các bài cũ, xin bấm vào TRANG BẠN VIẾT, phần Mong Phước Minh |