Con sáo nhà nội

CON SÁO NHÀ NỘI




Nhà tôi gần nhà nội, chỉ cần năm bảy phút đi bộ là tới. Vì vậy, thời còn ở tiểu học, ngày nào tôi cũng đến nhà nội. Nội có vườn cây khá rộng, đủ loại cây ăn trái, đặc biệt có nhiều cây cau cao lớn. Chỉ có hai ông bà sống ở đây, không có con nít phá phách, nên chim thường đến lót ổ trong vườn. Ông nội nuôi nhiều loài chim. Cả ngày ông chăm sóc, ngắm nghía chúng, một thú vui lúc tuổi già của nội. Tôi thích nhất là con sáo đen. Nó thông minh, biết nói tiếng người. Mỗi khi đến chơi, tôi cho nó thức ăn, nó nhảy tung tăng, rồi nói “Sáo thương ông, sáo thương ông”. Nó không phân biệt được ông nội với tôi, hễ ai dầu lớn, trẻ, trai hay gái mà cho ăn thì nó đều nói câu đó. Ngược lại, khi em trai tôi hay người lạ đến chọc thì nó nói “Tổ cha mày, tổ cha mày” làm ai cũng thích thú chọc nó để nghe nó chửi. Chính em tôi dạy sáo nói câu này. Tôi và em rất thích nó, xin ông cho con sáo này mang về nhà để nuôi, nhưng ông bảo là con này già rồi, nếu không biết nuôi nó sẽ chết, uổng lắm. Ông hứa là sẽ bắt sáo con nuôi, huấn luyện thành thạo rồi cho chị em tôi.

          May mắn là khoảng thời gian đó có một cặp sáo đen đến làm ổ trên một cây cau không cao lắm. Hằng ngày, chúng tôi đến theo dõi cặp chim này. Ông nội cũng vậy. Khi chim không còn bay thành cặp, ông bảo chim bắt đầu ấp trứng. Rồi vào một buổi trưa, tôi nghe tiếng sáo con kêu khi chim mẹ mang mồi về. Ông nội nói rằng 10-15 ngày nữa ông sẽ bắt thang lên cây để bắt sáo con khi mở mắt và có ít lông. Em tôi nói sao ông không cột chân chim vào nhánh cây để mẹ nó nuôi cho đến khi sáo biết bay thì bắt, như mấy đứa bạn của em thường làm. Ông cười, vò đầu em rồi trả lời “Mình bắt chim còn nhỏ thì nuôi vất vã thật, nhưng có lợi là vì nó còn nhỏ, chưa biết cha mẹ và giống sáo của nó, nên coi mình như cha mẹ. Nó sẽ lẫn quẫn trong nhà mình, không biết thế giới bên ngoài, nên rất dễ dạy. Ngược lại, để lớn hơn, nó đã biết cha mẹ, nòi giống, thì khó dạy theo ý mình được. Một khi biết có cha mẹ và đồng loại sống bay nhảy bên ngoài, dầu được nuôi trong lồng, có thức ăn ngon, nó vẫn tìm cách thoát ra bay theo đồng loại”.
          Khoảng mười ngày sau ông bắt một con đã mở mắt, lông cánh vừa nhú đen, nuôi nó trong một ổ nhân tạo, ấm áp và để trong nhà. Ông xua đuổi cặp chim cha mẹ bay tìm con, đậu trên hàng cây nhìn vào nhà kêu ai oán. Ông đuổi chim rồi đóng kín cửa để chim con không nghe tiếng kêu của cha mẹ. Vài ngày sau, cặp chim bay mất. Hàng ngày, ông cho chim ăn uống và chăm sóc kỹ. Lớn hơn một tí, chim biết đứng và nhảy, ông chuyển qua lồng đẹp. Vào ngày tốt trời, ông treo lồng chim ngoài sân để chim hong nắng, nhưng ông lấy khăn lông che một phần lồng hướng ra vườn. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao ông làm vậy. Ông cười nói “Để nó không biết là ngoài vườn có chim khác đang bay nhảy”.
          Khi chim bắt đầu bay thì ông bắt đầu dạy chim nói. Em tôi hỏi “Nội có cần lột lưỡi để nó mau nói không”. Ông trả lời “Nếu chim đã lớn vài ba tháng tuổi, lưỡi nó đã cứng thì mình phải lột. Còn chim nhỏ 4-5 tuần thì không cần, vì là tuổi học hỏi nên rất dễ dạy. Lúc này đầu nó trống rỗng, nhét cái gì vào cũng được, nhưng mình phải dạy có phương pháp. Từ còn nhỏ, chim mẹ dạy chim con qua tiếng hót liên tục, thế là chim con nhìn và hót theo âm điệu của mẹ. Bây giờ mình thay thế mẹ nó, dạy nói tiếng người”. Ông bảo tôi muốn dạy nó nói gì. Tôi chưa kịp trả lời thì em tôi nói “Nội dạy nó chửi nghe nội, như con sáo lớn trong nhà, nghe nó chửi đã lắm”. Nội bảo không nên, phải tập nó nói cho có lễ độ. Em tôi nói thêm “Vậy tập “Đừng chọc sáo, sáo giận” được không Nội”. Ông gật đầu, nhưng nói là câu này dài quá, sáo chưa thuộc được đâu. Khi còn nhỏ, chỉ dạy nó một hay hai tiếng mà thôi.
          Ông bảo tôi mỗi buổi sáng đến nhà ông dạy chim nói 2 tiếng “Chào cô” thật rõ ràng. Thế là vào mỗi buổi sáng, khi cho sáo ăn tôi nói lập đi lập lại hai chữ “Chào cô” nhiều lần, có khi cả tiếng đồng hồ. Rồi chiều tối chạng vạng, tôi cũng làm các động tác y hệt như vậy. Ông bảo tôi chỉ nói 2 tiếng này khi sáo nhìn tôi đòi ăn. Tôi thắc mắc hỏi, ông giải thích “Vào buổi sáng, trí óc nó còn minh mẫn và đói. Nó nhìn mình đòi ăn, mình nhét vào đầu nó hai tiếng này và cho nó ăn, nó từ từ hiểu rằng đó là lệnh muốn ăn thì phải nói. Mình phải ép nó nghe hàng ngày cho quen tai. Tối đến, lúc nó mệt mỏi, mình cũng ép nó nghe, thì chỉ sau vài ngày nó thuôc lòng”. Đúng như ông nói, chỉ sau một tuần, sáo nói được “Chào Cô” theo phát âm của tôi. Vì vậy, khi tôi cho ăn, tôi nói “Chào Cô” thì sáo bắt chước nói “Chào Cô”. Khi nó nói được hai tiếng này, ông Nội bảo tôi thưởng nó một miếng ăn ngon. Những lần sau, hễ gặp tôi thì sáo nói “Chào cô” để tôi thưởng thức ăn. Sau khi thuộc hai tiếng “Chào Cô”, Ông nội bảo em tôi dạy sáo nói câu khác, dài 3-4 tiếng. Sau một thời gian, sáo nói được “Đừng chọc sáo, sáo giận” theo phát âm ồ ồ của con trai.
Khi sáo nói đủ các câu theo phát âm của tôi hay em, Ông nội mới cho  đem về nhà. Chúng tôi cưng sáo lắm. Một lần em tôi vô ý, quên đóng cửa lồng khi thay nước uống, sáo vụt bay ra và đậu trên nóc nhà.
Sợ chim bay mất, tôi vừa khóc vừa chạy đến nhà nội cầu cứu. Nội cười, nhìn tôi an ủi: “Nó không bay mất đâu. Chốc nữa nó sẽ chui lại vào lồng. Bây giờ cháu lấy thức ăn ngon nhất mà nó thích, để vào lồng, rồi đứng xa xa nhìn”. Quả như nội nói, nó đậu trên mái nhà, xòe cánh, nhìn dáo dát bốn phương, rồi bay lại vào lồng. Tôi mừng rỡ, chạy đến đóng cửa lồng. Tôi ngạc nhiên hỏi “Sao nội biết là chim sẽ bay lại vào lồng”. Ông cười trả lời: “Tại vì nội đã huấn luyện nó. Nó không biết là ở ngoài bầu trời kia có đàn chim đồng loại. Vì không biết cách tìm mồi,nó phải phụ thuộc vào cháu để có thức ăn”.
Thế rồi, để cho sáo có chút thoải mái, thỉnh thoảng tôi thả nó ra. Nó tung tăng bay nhảy trong nhà, có vẽ sung sướng lắm. Nó chạy theo con gà đang kiếm ăn, nhưng gà dùng mỏ mổ xua đuổi dành ăn, nó chỉ biết né tránh.
Một ngày nọ, con sáo cưng của tôi bị con mèo nhà láng giềng vồ chết. Nó không bay trốn khi con mèo đến gần. Chị em tôi khóc mấy ngày thương tiếc nó.
Gần đây, trên mạng tôi được biết là nuôi chim sáo biết nói đã trở thành một công nghệ. Người nuôi đã có phương pháp nuôi sáo để đẻ trứng như nuôi gà công nghệ, rồi ấp và nở hàng mấy trăm con mỗi lứa. Để dạy nói thì dùng máy ghi âm vào cassete hay CD, tới giờ thì phát âm dạy cho hàng chục hàng trăm con một lúc. Thức ăn cũng đã được công nghệ hóa thành viên đầy bổ dưỡng, ai ai cũng có thể nuôi dễ dàng. Nhờ cách chăn nuôi và dạy nói đại trà này, ngày nay sáo biết nói được thấy bán nhiều ở chợ chim, với giá rẽ. Không như ngày xưa, ông nội phải vất vã mới tạo được một con sáo biết nói.
 
Reading, 3/2012
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Mời nghe  Con sáo biết nói:
https://youtu.be/B1o622d24Qg




https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 229204 visitors (434518 hits) on this page!