Chuyện cọp quê tôi
28/9/2020

CHUYỆN CỌP QUÊ TÔI

Trần-Đăng Hồng

Panthera tigris corbetti (Tierpark Berlin) 832-714-(118).jpg 

“Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận“. Vào tuổi trẻ thơ ai lại không thích nghe chuyện ma. Còn tôi, ngoài chuyện ma, mà chuyện ma ở làng quê tôi thì nhiều lắm, tôi còn mê nghe chuyện cọp.
Làng tôi nằm trong thung lũng nhỏ, 3 mặt hướng Nam, Tây, Bắc bao bọc bởi những rặng núi của dảy Trường Sơn, còn hướng Đông là biển cả. Vì vậy, ngày xưa, khoảng trước 1930, hể ra khỏi nhà là có thể gặp cọp. Cọp thường hay ẩn dưới gốc cây Thị, cây Xay trong mùa trái chín để rình bắt người đi hái trái. Mà cây Thị cây Xay thì đầy rẫy ở quê tôi.

Cha tôi kể rằng, khoảng trước 1910, khi cha còn nhỏ, có một con cọp ở thường trực tại Gò Đình, kế bên cầu Bè của làng tôi, cách nhà tôi  chưa tới  1 cây số. Cha còn kể rằng chính ông nội thấy một con cọp hàng ngày lảng vảng ở trong vườn nhà tôi khi ông nội còn nhỏ, khoảng năm 1870.

Mà ngay cả khi tôi bảy hay tám tuổi, khoảng 1945 - 1946 đêm đêm cọp về làng bắt heo bò thường xuyên, và là nổi sợ hãi của anh em tôi thời nhỏ.

Khoảng năm 1945, tôi học trường tiểu học Thanh Minh, cách nhà khoảng 3 km. Trên đoạn đường từ cầu Bè ra lộ cái Thanh Minh phải đi qua một đoạn đường hoang vu, toàn cây rừng, dài khoảng 1 cây số. Bọn học trò chúng tôi phải đi chung với nhau, và khi qua đoạn đường này mạnh đứa nào đứa nấy chạy nhanh, vì sợ cọp, bởi vì có người thấy có 1 con cọp lảng vảng ở vùng này. Một lần, vào khoảng tháng 10 mưa lụt, đi học về có một mình vào một chiều chạng vạng tối, sau khi chạy qua khoảng đường nói trên thì tới cầu Bè. Tôi hốt hoảng quăng cặp sách, la  cầu cứu “cọp, cọp”, vì thấy dưới dòng nước đang chảy xiết ở chân cầu có đầu con cọp ngoi lên.  Khi có Chú Bốn Gai  nhà gần đó chạy đến cứu, thì hóa ra không phải là đầu con cọp mà là khúc cây rừng mưa lụt trôi xuống mắc ở chân cầu.  

Một chuyện khác là khoảng 1949, tôi học lớp nhì nhỏ, anh Năm học lớp nhất trường Tiểu học Diên Khánh. Hàng ngày tôi và anh Năm phải đi bộ, chân không, từ làng Lạc Lợi đến trường quận Diên Khánh, xa khoảng 4 cây số, sáng đi thật sớm và chiều về tới nhà là xẩm tối. Vì vậy, sáng nào cũng vậy, anh em tôi phải dậy thật sớm, khoảng 4:30 giờ sáng, để nấu cơm ăn sáng và giở cơm mang theo ăn trưa. Để giở cơm, chúng tôi phải ra vườn chuối sau hè, rọc lá chuối, hơ lửa cho mềm để gói cơm. Một sáng nọ, trời mưa rả rích, sau khi nấu nồi cơm xong, tôi đội cái nia để che mưa cho hai anh em, vì thời đó chưa có áo mưa, anh Năm cầm cây đèn dầu và cái rựa quéo rọc lá chuối. Khi vừa ra tới bụi chuối sau hè, thì bổng nghe một tiếng “xào” rất lớn, tiếng khua động vào lá cây của một con thú thật lớn chạy nhanh. Hoảng kinh, anh em tôi la thất thanh “cọp, cọp”, quăng cả nia, lẩn đèn và rựa, chạy thoát vào nhà bếp. Thật là hú vía, không biết thật có phải cọp hay không.

Khi những di dân đầu tiên vào lập nghiệp ở Khánh Hòa, ngoài những hiểm nguy phải chiến đấu với người Chàm, với thiên nhiên khắc nghiệt, họ còn phải chiến đấu với thú dữ, voi và cọp nổi tiếng hung dữ ở vùng này. Vì vậy, người Việt di dân đầu tiên phải biết võ nghệ, trong đó có môn “đả hổ”, tức chiến đấu với cọp. Chuyện kể rằng trong làng có hai cha con giỏi vỏ đả hổ. Một ngày nọ hai cha con vào bờ rừng làm rẩy thì gặp một con cọp. Người cha muốn đứa con áp dụng bài học đả hổ mà ông đã dạy, nên bảo đứa con vào chiến đấu với cọp, ông đứng xem và tiếp ứng nếu có nguy kịch. Trong phần đầu của cuộc chiến giữa người và cọp, người con làm đúng bài học. Thứ nhất là khi gặp cọp, ta không chạy trốn, vì chạy là bị cọp vồ sau lưng chết tức khắc. Thú nhì, ngược lai, phải đứng trụ, đem hết nhãn lực vào đôi mắt, không được nháy, nhìn chòng chọc vào mắt cọp. Con cọp cũng vậy nhìn chầm chập vào mắt ta, hể thấy ta khiếp đảm là nhảy tới vồ ta. Thứ ba, trong thế đứng trụ vững chắc và dễ dàng né tránh, hai ngón tay trỏ và ngón giữa của cả hai tay ta phải nhắm vào mắt cọp giả như muốn móc mắt nó để thị uy. Cọp khi thấy nhãn lực và thế chiến đấu của ta, nó e ngại và bỏ đi. Còn nó tấn công, thì ta phải chiến đấu và tùy cơ ưng biến để xử dụng độc chiêu giết cọp. Người con với tay không chiến đấu và né tránh tài tình, nhưng không làm sao giết được cọp. Người cha đứng ngoài nóng ruột, thắc mắc không hiểu đứa con sao tới giờ này mà chưa dùng đến tuyệt chiêu hạ cọp. Vì vậy, ông bèn quở và nhắc khéo người con “sao mày không ‘bắt cọp’ (nói lái) nó?”. Chợt nhớ ra tuyệt chiêu đả hổ, người con chờ con cọp nhảy tới vồ, thoắt né bên, rồi dùng chân đá hậu vào hạ bộ của cọp, con cọp róng lên, rớt bịch xuống, máu miệng trào ra và chết tức khắc. Đó là chuyện đánh cọp ở quê tôi mà thời tuổi thơ tôi thích thú được nghe kể nhiều lần.

Nay xin kể chuyện Cậu Hai (ruột) của tôi đánh và giết cọp với tay không. Má tôi kể là khoảng 1915, cậu Hai tôi khoảng 20 tuổi.  Như mọi thanh niên con nhà khá giả thời đó, không chú trọng vào việc làm ăn, bởi vì mọi việc làm ra tiền đều do vợ mới cưới đảm đang. Cậu Hai có một thân hình cao lớn, vạm vỡ, tay chân ngực bụng đều có cơ bắp u tròn. Thú tiêu khiển của Cậu Hai là đi săn với đàn chó. Một ngày nọ, Cậu Hai cùng một người bạn trong làng dẩn chó vào rừng Đồng Bò săn nai. Vừa ra khỏi nhà khoảng 1 cây số, vừa tới bìa rừng, không may cho cậu, một con cọp rình mồi, nhảy ra vật chết một con chó và tấn công cậu. Rất may là con cọp nhảy vồ giết con chó trước, nên cậu Hai có đủ thời gian để bình tỉnh trở lại. Cậu bảo người bạn phải chạy nhanh về làng kêu cứu, để cậu ở lại một mình tranh đấu với cọp, bởi vì nếu cả hai cùng chạy thì cả hai đều chết về tay con cọp này. Thế là một mình Cậu Hai ở lại, trụ thế đả hổ. Cậu Hai bình tỉnh chiến đấu với tay không, cậu đã xử dụng tới tuyệt chiêu đá vào hạ bộ cọp mà con cọp vẫn không hề nao núng. Thật không may cho cậu, đây là con cọp cái. Cậu thất thần. Biết cậu khiếp đảm, con cọp tung bốn cẳng phóng lên cao, há mồm rộng, nhảy tới vồ Cậu Hai. Dầu khiếp đảm, Cậu Hai trụ thế vửng, thừa lúc con cọp há mồm rộng nhảy tới, cả cánh tay Cậu Hai đâm thẳng vào miệng và cổ họng cọp, tay kia ôm ghì cổ cọp, hai chân đu vào thân bụng cọp để tránh bốn chân cọp quấu. Cậu Hai dùng cánh tay quậy trong cổ họng cọp rồi đâm thẳng vào hướng phổi cho tới khi cọp chết. Khi người làng chạy đến cứu thì thấy Cậu Hai nằm bất tỉnh, một tay ôm ghì cổ cọp, một tay thọc sâu trong cổ họng cọp, và con cọp chết tươi, máu cổ cọp lẩn với máu tay cậu Hai chan hòa mặt đất. Cậu Hai được chở vào nhà thương ở Nha Trang điều trị mấy tháng trời. Khi về nhà, bà ngoại bắt Cậu Hai hàng ngày phải ăn nhộng tầm cả mấy năm để tuyệt nọc cọp. Kể từ đó, cậu từ giã việc săn bắn, và chí thú làm ăn.

 

 

Reading, 27/9/2020

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 232705 visitors (440249 hits) on this page!