19/9/2020
Nơi ấy, lúc đất chuyển vào xuân, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người. Nơi ấy, những ngôi nhà đều không cửa, nhà mở toang cho gió Nam vào, chướng tới, bấc qua, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày cả gan ruột... Nhưng rồi đến với làn sóng di dân ào ạt, cái không cần thay đổi đã thay, còn cái cần thay đổi thì chưa đổi bao giờ. Đất Mũi ngày xưa sẽ đến một ngày xa mãi...
Thỉnh thoảng anh gọi điện cho tôi từ thành phố Hồ Chí Minh, hỏi vụ con chó cò nó ra làm sao, trái giác là trái gì mà nấu được canh chua bông súng... ( sao mà những gì tôi viết ra đều khó hiểu như thế không biết). Có nói gì thì cuối cùng, anh cũng gạ, hỏi rằng: “Còn Đất Mũi, chỗ đó nó ra làm sao, em hả?”.
Trời, đất nước mình hẹp te vậy mà lời anh hỏi sao nghe thăm thẳm mù xa. Nhưng anh lại hỏi lầm người rồi, tôi là đứa bạc bẽo từ Đất Mũi ra đi không nhớ thương, luyến tiếc, tôi là loại người thấy nhà người ta đẹp hơn nhà mình, thấy vợ người ta đẹp hơn vợ mình, nên tôi bảo rằng, “Dạ, Đất Mũi cũng thường thôi anh”. “Thường à?”. Phải, thường lắm, thường thiệt là thường, tôi trả lời mà tự xấu hổ trong lòng. Về nói lại với cô em gái, em tôi la lên: “Ôi trời, sao anh không mời ảnh về thăm quê mình một chuyến cho biết hả anh?”, đó là lúc tôi lặng đi, cái bản chất mến khách của người Đất Mũi trong tôi cũng đã phai rồi.
Thành ra trong câu chuyện này có tới ba người, anh, tôi và cô em gái Đất Mũi rặt ri. Tôi thành nhịp cầu nối hai miền đất.
Em tôi nhắn với anh rằng, Đất Mũi thiệt tình không có núi cao, không có biển xanh, cát trắng, không cung đình cổ kính lại càng không có phổ cổ đìu hiu. Đất Mũi chỉ có bùn sình, rừng thẳm và biển. Dẫu biển không xanh ngằn ngặt mà đục ngầu phù sa nhưng ở đây nhiều biển lắm. Biển đằng trước, biển bên phải, biển bên trái. Bình minh, mặt trời từ biển quẩy nước ngoi lên rồi khi chiều về, mặt trời chín đỏ già nua lại ngụp về biển sau một ngày tự cháy.
Bây giờ, Đất Mũi đang mùa gió chướng. Coi ra thì người xóm Mũi sướng nhất đời rồi, ngọn Nam, ngọn chướng về, xóm Mũi là nơi đón, thưởng thức trước tiên. Em tôi muốn mời anh về ngay mùa này, lúc đất chuyển vào xuân. Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người. Mùa này, ba khía chuẩn bị vào hội; không biết hẹn hò nhau từ hồi nào, ba khía tụm về xúm xít đeo trên gốc mắm, rễ đước. Con nào con nấy thịt chắc nụi, gạch ứ đầy mai ( nói tới đây tự dưng thèm ba khía muối ăn với bần chua cháy lòng).
Cũng mùa này, bắt đầu con nước rông, cây đước nhón cái rễ như cái nơm cao lên đến nửa thân cây, những cái rễ mới thò xuống từ trong tán lá rừng xanh biếc. Nước tràn bờ bãi, người xóm Mũi bắt đầu cuộc sống rặt trên sàn. Những cây đước lót sít sao nhau để làm lối vào nhà, lối qua bên hàng xóm, lối ra nhà tắm, chuồng gà. Trẻ con chạy rượt, u hơi ở trên sàn, nhảy lò cò bên những bụi hẹ, bụi ớt lơ thơ trồng trong thúng. Cá thòi lòi dạn dĩ theo con nước chạy rột rẹt dưới sàn nhà, có lúc ngóc đầu lên, nhìn thom lom, ý hỏi ai đây ta, ai mà lặn lội tới xứ bùn sình rừng rú này, ai mà ngó tui thiếu điều lòi con mắt ra, lạ lắm sao?
Lạ lắm, nếu anh đến, thể nào anh cũng bảo cái mũi đất cùng trời cuối đất này sao mà lạ quá đi ?
Lạ chớ, em tôi cười, lạ từ cái cây, ngọn cỏ, vụ trái giác với con chó cò chỉ là chuyện nhỏ. Em tôi hỏi anh đã từng thấy nụ bông đậu cộ tím biêng biếc như những chiếc giày cao cổ (em bảo chắc như đinh đóng cột rằng hầu hết hoa dại ở xứ tôi đều có màu tím thủy chung), anh đã thấy những bông vẹt cứng cỏi xòe chơm chởm như cái nơm cá, bao giờ kết trái, hoa lại trở thành chiếc ô che đầu, rồi những trái quao mới sinh ra đã cong cong. Em tôi vì nuôi nấng mẹ già, không chịu lấy chồng, ai tới hỏi, em đều cắc cớ đòi lễ vật phải có một mâm muỗi tréo cánh và mâm trái quao thật thẳng ( vụ trái quao này là tôi nói thêm với anh, chứ đời nào em nói). Và còn những trái đước quê tôi, anh đã biết ? Từ khi còn là trái xanh lủng lẳng trên thân cây mẹ, trái đước đã thẳng người trong tư thế một ngày cắm thẳng xuống bãi bùn mà không mảy may nghi ngờ, chọn lựa. (Đôi lúc trên con đường văn chương cô độc, tôi chùn bước, em tôi lại bảo tôi phải chặt lòng chặt dạ, phải giống như những trái đước ấy, lao xuống đất văn chương bằng niềm say mê mãnh liệt nhất).
Bao giờ ngồi nghĩ thật lâu về quê nhà tôi cũng nhận ra rằng, dường như Đất Mũi thiêng lắm, nhất là khi đất biết có người ngày mai chia xa nên dưới kinh bắt đầu con nước rặt, nước chảy cạn chỉ còn một lạch nhỏ. Quê xứ bắt đầu cồn lên những thứ mà ai cũng biết rằng không thể mang theo. Đây mùi cá khô vừa mới se se nửa nắng hăng hăng nồng nả bay vào gió. Những giàn lưới tanh mặn mùi biển cả vắt mình trên những giàn phơi. Tiếng tàu đêm ra biển rù rì. Mẻ un trên những căn nhà nhỏ bên sông tù mù cuộn khói. Món hàu tái chanh, cá thòi lòi kho dừa, vọp nướng... mà em tôi đãi món nào cũng ngọt tự nhiên một cách kỳ lạ. Mới nhớ có người đã từng thốt lên chừng như cảm động không chịu được, rằng ở đây chỉ có nước biển mặn thôi, tất cả thì ngọt bùi. Người Đất Mũi sao mà hiền từ, mến khách thấu trời thấu đất vậy không biết, dường như sống giữa bao la trời, bao la biển này, người ta phải học cách thương nhau để khỏi cô độc. Làm sao tay xách nách mang những thứ này được đây, khi em gởi theo ít ba khía muối mang về, ba khía thì mang về được rồi, còn cái tình cái nghĩa của người Đất Mũi đằm sâu vậy, làm sao bỏ vô giỏ xách theo được ?
Tôi vẫn không từ bỏ câu nói của mình rằng Đất Mũi thường thôi, rất thường, nhưng hết thảy mọi thứ ở đây đều làm cho người ta nhớ vì lạ, vì thương. Bầy dã tràng xe những hòn cát liu riu nằm trên bãi Khai Long, những bông rau muống biển mỏng tang mà chống chọi với gió trời, rập rờn tím ngát. Hòn Khoai thì xanh thẳm ngoài kia với ngọn hải đăng chưa bao giờ tắt. Dường như mọi thứ ở đây đều thắm và đậm. Nắng thì lầm lì thôi là lầm lì, gió cởi mở thôi là cởi mở. Rừng đã xanh là xanh lặc lìa, một màu rời rợi. Biển đã đục là ngầu ngầu phù sa. Nước đã mặn là mặn quéo đầu lưỡi. Người Đất Mũi rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời. Cho nên khi anh về, đừng có từ chối mà không cạn từng ly rượu đế cay xè, cũng đừng trả giá nửa ly thôi, làm lòng bà con mình buồn nghen. Mà, anh dứt khoát phải gặp em tôi một lần, cô có tất cả đặc trưng của người Đất Mũi, da ngăm ngăm, rắn rỏi, mắt hay cười, em hay hồn nhiên xắn quần cao đến khỏi đầu gối lội qua kinh những lúc nước ròng, mộc mạc không giả đò mắc cỡ làm duyên...
Những năm tháng qua đi đã làm em tôi khôn lớn. Em bắt đầu biết buồn, mà toàn buồn chuyện đâu đâu không hà. Mỗi lần lên thành phố thăm tôi, em đều ngồi thừ ra, em nói, chắc mơi mốt rồi chẳng còn Đất Mũi ngày xưa nữa. Đất Mũi của ngày em lên chín, mười, từ vàm Rạch Tàu đến tận cuối xóm Mũi thưa thớt nhà, nhưng những ngôi nhà đều không cửa. Nhà mở toang cho gió Nam vào, chướng tới, bấc qua, tầm nhìn thông thống, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày ra cả gan ruột của mình mà rộng rãi, hào sảng. Tháng tám hội ba khía. Tháng chín mùa cua lên bãi. Tháng mười hội cá đường. Rừng dày rậm rạp, rừng chồm sát mé kinh để níu kéo chút hơi ấm con người. Cái hồi mà thiên nhiên ở đây hào phóng tới mức cha ông chúng tôi chắc lòng chắc dạ tuyên bố với quân thù, chừng nào “Khai Long hết xác cá đường, thì Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bây”.
Thấy em buồn, tôi chỉ cười, sao mà cô đi lo chuyện thiên hạ không vậy. Em giận tôi, em bảo, “không, đó là chuyện của quê hương, của nhà mình, của thời thơ ấu chúng mình”. Em tôi nghĩ hoài, rồi sau này khi tôi đưa anh về thăm biết làm sao bây giờ, làm sao để đưa anh đến một ngôi nhà bình yên trải lòng ra như thế, với một làn sóng di cư của hàng trăm, hàng ngàn người từ nơi khác tới, người Đất Mũi khép cửa lòng tin. Người bản xứ vẫn gắn bó mình với chiếc ghe cào, ghe câu đánh bắt gần bờ; với những chân đáy hàng khơi thì những người mới đến sống bằng cách phá rừng, càn quét bãi bồi. Nên em bảo cố rủ anh về khi trở qua mùa gió chướng bởi gió Nam là mùa gió buồn nhất, mùa này, tôm cá về bãi, người mới đến thôi phá rừng mà đi đẩy te, xiệp, giăng lưới ba màng, sạt sò huyết, mò vọp, bắt cua. Những cách đánh bắt hết thảy đều mang tính tận diệt. Bãi bồi nhão nhừ dấu chân người, vạt mắm nhỏ xíu xanh líu ríu mới vừa bắt rễ để lấn biển giữ phù sa đã bị càn phá giạt trôi, dẫu lòng đất âm ỉ muốn sinh sôi mà chân thì không sao bước tới. S. Antov viết rằng, mỗi người có những ước mơ khác nhau nên không hiếm khi bi kịch đã xảy ra vì có số ước mơ phải hy sinh để những ước mơ khác trở thành hiện thực. Tôi nghĩ tới Đất Mũi. Ước mơ đất của em tôi, của người yêu thiên nhiên đã đau đớn gục xuống cho bầy trẻ con có tiền đi học, khạp gạo để ở góc nhà được đầy, bữa cơm không chỉ muối trắng, tối ngủ mùng lành, có mền đắp để qua mùa gió bấc năm nay...
Rồi lẫm đẫm đất đã đổi thay, cái bản sắc vùng đã phai nhạt ít nhiều (em lo là không còn cái chất riêng của miền đất cuối, anh sẽ bảo anh ra Cần Giờ sướng hơn, chớ lặn lội làm chi mấy ngày đường). Lô xô những ngôi nhà tạm bợ mọc lên chen nhau bạt trống huơ cả mấy khoảng rừng. Thiên nhiên bắt đầu nghèo nàn, rách rưới, mà đất vẫn hiền như mẹ, dẫu con lầm lỗi vẫn ôm vào tấm lòng. Em than thở với tôi, đã có câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” còn sáng tác ra câu “bần cùng sanh... lâm tặc, ngư tặc” chi vậy không biết. Tôi biểu em đừng tiếc nữa mà em không chịu nghe, mới hay vừa ráo bùn tôi đã không còn là tôi nữa, chỉ có em thôi, bấy lâu nay cái không cần thay đổi thì đã thay, cái cần đổi thì chưa đổi bao giờ. Nhất là cái khoản luôn luôn nuối tiếc những gì mình không trở lại nữa, mà, trời ơi, đời người có bao lâu đâu, không nhìn phía trước sau cứ lo ngoái lại.
Anh à, em tôi có ý nhắn hỏi anh rằng, có phải em tệ lắm không. Bởi dù gì thì hơi ấm con người đang làm cho đất thức dậy sau gần trăm năm vì sông nước chằng chịt, vì rừng rậm hoang sơ cản đường người ta đi tới. Cuồn cuộn theo dấu chân của những gia đình di cư, là xóm chợ xôn xao, những hàng quán mọc lên. Đất cuối trời bừng tỉnh, sôi động. Những chiếc vỏ lãi cao tốc lướt băng băng trên sóng làm con đường vốn xa ròng rã gần lại. Vậy thì lẽ ra em không nên buồn, không nên tiếc mới phải ? Em đã nhắn vậy rồi anh còn chần chừ ngại ngần chi nữa mà không tới Đất Mũi hả anh ?
Để được đón anh về, có lẽ em tôi sẽ nhọc nhằn hơn nữa bởi hết lòng cố giữ những gì đáng giữ. Này biển, này rừng, này tôm cá trên bãi bồi, này tính cách hồn nhiên không vụ lợi của người Đất Mũi. Để anh có thể ngồi quây quần với bà con, đêm thức nghe gió mùa tan trong bếp lửa, bên bữa rượu ấm nồng, tôi ngồi đếm tóc anh, chợt giật mình thấy anh bạn mình tuổi đời có còn trẻ gì đâu, hú hồn, chút xíu nữa là không kịp về Đất Mũi xứ tôi rồi. Đất Mũi gần gũi vậy, sao phải mất tới mấy chục năm trời mới đến được vậy ta.
Nhưng anh biết không, đi với anh dưới ánh nắng vàng dãi, len lỏi trong những mảng rừng loang lổ, nhìn về cái bãi đất bồi hoang vắng, nếu thấy em tôi vui cười chơi chơi vậy, chưa chắc em đang thật đâu, với em tôi, Đất Mũi ngày xưa sẽ đến một ngày xa mãi.
Nếu em tôi thật sự mệt mỏi buông xuôi rồi, thì tôi biết làm sao đây anh ? |