GS Tôn Thất Trình
Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố 10 loại trái cây có giá trị kinh tế cao nhất nước, với các tiêu chí không chỉ thơm ngon, gần gũi mà còn đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong cuộc "Tìm kiếm đặc sản Việt Nam" lần thứ nhất - 2012, Vietkings vừa công bố danh sách 10 loại trái cây thơm ngon, đặc trưng của đất nước. Các loại trái này đều được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy “Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Chúng cũng trở thành thương hiệu có uy tín đối với thị trường trong nước cũng như trên thế giới.
1)- Nhãn Xuồng cơm vàng
là đặc sản trái cây nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Khi chín, nhãn có màu vàng da bò, thịt dày, ráo nước, giòn và rất ngọt. Nhãn xuồng cơm vàng rất thích hợp với đất pha cát. Hiện tại thành phố Vũng Tàu có trên 200 hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng. Một số huyện khác như Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Thành, Long Điền... cũng đang trồng loại nhãn này. Nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngày 15/9/2006.
2)- Vải thiều Thanh Hà
là đặc sản trái cây của tỉnh Hải Dương. Giống vải ở đây, theo một số người cao tuổi cho biết là đã có trên 150 năm. Tất cả giống vải ở Thanh Hà được nhân giống từ cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Vải thiều Thanh Hà thơm ngon, nhiều chất dinh duỡng, quả nhỏ nhưng tỷ lệ phần thịt cao vì hạt nhỏ. Đặc điểm của vải thiều Thanh Hà là vỏ có màu hồng, khi chín vỏ mỏng, lớp da giấy dai, cùi dày, trong suốt và giòn, khi ăn vị ngọt đượm không hề chát miệng. Vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu Trí tuệ trao bằng Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tại UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương vào ngày 8/6/2007.
3)-Sapô Mặc Bắc:
Sa pô chê hay Sapô là đặc sản trái cây của Tiền Giang, đặc biệt giống Sa pô Mặc Bắc là một thương hiệu nổi tiếng ở Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Sa pô Mặc Bắc được trồng nhiều ở các xã ven sông Tiền như: Tam Bình, Mỹ Long (huyện Cai Lậy); Kim Sơn, Bàn Long, Phú Long, Song Thuận (huyện Châu Thành). Những xã này có tổng diện tích cây trồng Sa pô Mặc Bắc khoảng 2.000ha.
4)-Vú Sữa Lò Rèn
ở Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Giống vú sữa này do một người thợ rèn nhân giống trồng trong vườn nhà mình, sau đó thấy ngon nên phát triển cho dân làng Vĩnh Kim trồng. Vú sữa Lò Rèn quả tròn, màu trắng, mỏng vỏ, nhỏ hạt, dày ruột, lúc chín vỏ chuyển sang màu phơn phớt vàng hồng. Muốn ăn vú sữa Lò Rèn, người ăn dùng tay vo tròn và bóp đều cho mềm quả, sau đó rút cùi sẽ có một dòng nước trắng như sữa trào ra ngọt lịm. Vú sữa Lò Rèn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang ban hành tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng. Vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều ở các xã: Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Bàn Long, Đông Hòa, Long Hưng... huyện chợ Gạo (Tiền Giang).
5)-Xoài Cát Hòa Lộc
là một thương hiệu trái cây nổi tiếng ở Nam Bộ từ rất lâu. Hòa Lộc là tên cũ của xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Đây là vùng đất phù sa ven sông nên rất nhiều chất dinh dưỡng cho thân cây xoài cát. Trái xoài cát Hòa Lộc có hình dáng gần giống xoài Cát Chu. Xoài cát Hòa Lộc khi chín có mùi thơm đậm đà và bay xa hơn xoài Cát Chu, đứng cách nơi đặt xoài chín chừng vài mét cũng ngửi thấy mùi thơm. Khi ăn xoài cát Hòa Lộc, người ta cảm nhận như có những hạt đường cát ngọt ngào, thơm tho trong miệng. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy bụng dưới của trái xoài cát Hòa Lộc có một rãnh nhỏ, thẳng tắp từ cuống đến chóp trái. Đây cũng là một trong những đặc điểm nhằm giúp tránh tình trạng mua nhầm các loại xoài khác. Cũng giống Hòa Lộc nhưng nếu được đem đến trồng ở vùng đất khác thì xoài không thơm ngon bằng.
6)-Thanh Long
là đặc sản trái cây nổi tiếng của Bình Thuận nói riêng, cả nước nói chung. Thanh long Bình Thuận là mặt hàng xuất khẩu mạnh tại các nước châu Á, nhất là Hong Kong, Đài Loan. Các nước như Malaysia, Singapore, Trung Quốc... cũng nhập khẩu trái Thanh long.
7)-Bưởi Da Xanh
là đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. Bưởi da xanh được trồng nhiều ở Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre) và huyện Mỏ Cày. Khác với bưởi Năm Roi, Tân Triều, bưởi da xanh khi chín vẫn giữ nguyên màu lúc còn xanh. Cắt trái bưởi da xanh ra ta thấy tép bưởi màu hồng, ráo nước, rất dễ bóc tép, không có hạt và hương vị ngọt thanh đậm đà. Bưởi da xanh Bến Tre đã đạt giải nhất cuộc thi Trái ngon do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam tổ chức.
8)-Nhãn Lồng Phố Hiến
là giống nhãn Hương Chi đặc sản nổi tiếng ở Hưng Yên từ xa xưa. Tại Phố Hiến có nhiều giống nhãn khác nhau, và dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn mà nhân dân đặt tên các loại nhãn: nhãn nước, nhãn cùi, nhãn gỗ, nhãn hoa nhài, nhãn đường, nhãn trắng, nhãn cùi dừa, nhãn hành, nhãn đường phèn... Nhưng tất cả chỉ có loại nhãn đường phèn (nhãn lồng) nay lai tạo thành nhãn Hương Chi là ngon nhất.
9)-Sầu riêng Ri6
ở tỉnh Vĩnh Long đã đánh bạt nhiều thương hiệu sầu riêng ở những nơi khác nhờ cơm có màu vàng óng, khô ráo, cầm không dính tay, hạt lép, ngọt đậm và mùi thơm bay xa. Sở dĩ có tên gọi Sầu riêng Ri6 vì đây là công lao tạo giống của ông Sáu Ri ở ấp Phước Định, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, vào năm 1990.
10)-Quýt Đường
là một đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Quýt đường được trồng nhiều ở làng Long Trị và vài nơi khác. Quýt đường Trà Vinh trái to, màu vàng ươm, vỏ láng bóng và có vị ngọt thanh ít có loại quýt nào sánh bằng.
Irvine, 30/5/2013
Irvine, 30/5/2013