Nam Kỳ Lục Tỉnh:
Đất nước và con người
Lâm Văn Bé
Phần 3
Văn học Nam Kỳ
Bùi Đức Tịnh trong bài ‘‘Phần đóng góp của văn học Miền Nam’’ (Saigon: Lửa Thiêng, 1974) đã viết:
Trong suốt giai đoạn chuyển tiếp từ văn chương cổ điển sang văn chương hiện kim và giai đọan hình thành của nền quốc văn mới, nghĩa là từ 1865 đến 1932, hầu hết các tác phẩm xuất hiện ở Miền Nam đều bị coi như không có trong lịch sử văn học VN.
Nguyễn Hiến Lê trong quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười có thuật lại một cuộc đối thoại giữa tác giả và một người bạn, có cử nhơn Luật, được tác giả mời từ Bắc vào viếng Saigon. Sau đây là câu chuyện.
Anh bạn cầm tờ T.Đ coi qua vài cái tựa chữ lớn rồi bỏ xuống nói:
– Tôi không thế nào đọc báo trong nầy được
– Sao thế?
– In sai nhiều quá. Hỏi ngã nhầm be bét, rồi ác, át, an, ang…không phân biệt, thật chướng mắt. Cây cau mà in là cây cao thì có chết tôi không chứ?
– Còn báo ngoài Bắc không in sai sao? S thì nhầm với X, Tr với Ch… mà sao anh không thấy chướng?
– Bề gì ngoài mình cũng in ít lỗi hơn. Còn nội dung thì bài vở ở đây tầm thường
lắm, ít bài xã thuyết có giá trị. Nói chung, về văn học, Saigon kém Hanoi xa.
Hai nhận định nầy nói lên một thiên kiến tiêu biểu về việc đánh giá thấp nền văn học Nam Kỳ, cho rằng Nam Kỳ không có văn học hay văn học kém, thiếu Nho học, và lai căng Pháp. Người Nam không biết viết văn, viết nôm na, sai chánh tả, thậm chí có nhà phê bình đất Bắc nhận định rằng Lục Vân Tiên chẳng phải là một tác phẩm văn chương. Thiên kiến trên dựa vào những tiêu chuẩn giá trị và sự thưởng ngoạn văn chương của người Miền Bắc, vốn đã trải qua bao thế kỷ trui rèn trong nền Hán Học, từ sơ khai để trở nên bóng bẩy, chải chuốt, phù hợp với tâm tình và cách ứng xử khách sáo, trang trọng của người Đàng Ngoài. Khi vợ chồng gọi nhau bằng hiền thê, hiền phu, và bạn bè xưng tụng là hiền huynh, hiền đệ thì dĩ nhiên lời văn phải trau chuốt gắn liền với nếp sống ấy.
Trái lại, nếp sống của người lưu dân trong vùng đất mới, thuở mới đến khai hoang lập làng, phải chiến đấu thường xuyên với sơn lam chướng khí, cọp beo rắn rít, phải đương đầu với gian khổ, hiểm nguy:
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma
Trong hoàn cảnh ấy, các lưu dân từ Thuận Quảng xuôi Nam còn đâu có thời giờ và ý chí mà nghĩ đến hành trang chữ nghĩa.
Nhưng khi nội chiến đã chấm dứt, khi đất hoang đã biến thành làng xóm, đời sống lưu dân được tương đối ổn định thì một mảng văn học đặc thù Miền Nam đã bắt đầu được hình thành và phát triển từ giữa thế kỷ thứ 19.
Xa đất Bắc, xa cái nôi của Nho học, tiếp cận với các văn hóa và ngôn ngữ người dân bản địa (Miên, Chàm) và người Minh Hương, lưu dân thường di động trong khoảng đồng ruộng bao la, trên sông nước kinh rạch, lội qua các khu rừng già ngập nước, người Việt vào Nam cần nói và viết sao cho dễ hiểu. Câu văn, câu nói nôm na, bình dân, ngôn ngữ của ruộng đồng là một nhu cầu truyền thông của người dân vùng đất mới. Qua nhiều thế hệ cần lao, tiếp cận với các ngôn ngữ địa phương không khoa cử, văn chương bóng bẩy, hán học nguyên thủy vùng Thuận Quảng đã biến hóa thành thứ văn chương nghĩ sao nói vậy. Do đó, văn chương Miền Nam là loại văn chương thiên về kể chuyện và trình diễn, thiên về đọc to để mình nghe và để người khác cùng nghe với mình. Người Nam Kỳ nói thơ, chớ không ngâm thơ.
Nói thơ là một sắc thái văn chương miền Nam thịnh hành từ thành thị đến thôn quê trong suốt 50 năm đầu thế kỷ 20, là một thú giải trí tao nhả của người có học lẫn ít học, và tác động nhiều đến tâm tình và lòng ái quốc của dân miền Nam. Người nói cứ trình bày các câu chuyện thường dưới thể lục bát theo lối nói thơ Vân Tiên. Vì câu chuyện bằng thơ thường dài hàng trăm câu, người nói và người nghe hay nằm trên võng, ngồi trên bộ ván hay dựa cột. Những chuyện thơ thường viết theo kiểu có hậu, tức là ơn đền oán trả, trang trải những giá trị luân lý, tiềm ẩn tinh thần ái quốc chống Pháp đã đi sâu vào tâm khảm của dân Nam kỳ. Những chuyện thơ còn nhớ là: Bạch Viên Tôn Các, Chiêu Quân Cống Hồ, Lâm Sanh Xuân Nương, Mục Liên Thanh Đề, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Lý Thông, Trần Minh Khố chuối, Thoại Khanh Châu Tuấn…
Bởi lẽ cái đặc tính kể truyện và trình diễn của văn chương Nam Kỳ mà truyện Lục Vân Tiên, ngay khi còn ở thể văn Nôm chưa chuyển ngữ ra chữ Quốc Ngữ thì truyện đã được phổ biến rộng rãi trong dân gian, kể cả những người không biết chữ cũng nói thơ Lục Vân Tiên và tác phẩm nầy đẵ được tái bản nhiều nhất.
Thanh Lãng đã nhận xét:
Lối văn trong Nam là một lối văn đơn sơ, mộc mạc, dùng hầu toàn chữ Nôm, cách đặt câu có vẻ vắn tắt, không xét gì đến cân xứng, đối chác. Nói tóm lại, nó là thứ văn VN hơn, dân chúng hơn. (Thanh Lãng- Biểu Nhất lãm văn học cận đại. Saigon: Tự Do, 1958. tr. 78).
Bởi lẽ quen thưởng thức lối văn chải chuốt cầu kỳ, những điển tích Hán Văn hiểm hóc, người đọc và người nghe thường đánh giá thấp loại văn chương nôm na, bình dân của người Nam Kỳ Lục tỉnh.
Có người còn cho rằng viết văn xuôi chữ quốc ngữ có gì là khó, nhưng ở vào một thời điểm mà người ta dạy luân lý bằng diễn ca, dạy tiếng Pháp bằng diễn ca, dạy võ bằng diễn ca, thậm chí đi ăn xin cũng kêu van ngân nga có ca, có kệ, câu đối bằng trắc thì viết văn xuôi, muốn cho nó thông cũng thật là khó. (Bằng Giang. Văn học Quốc Ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930. NXB Trẻ, Hà nội, 1992, tr.376)
Ngoài tính chất thực tiển phù hợp với nhu cầu ngôn ngữ và truyền thông của người dân Nam Kỳ, văn chương quốc ngữ, sở dĩ được phát triển dễ dàng hơn trong Nam là nhờ sự đóng góp tích cực cùa giới truyền giáo Thiên Chúa, vốn đã phổ biến và sử dụng ngôn ngữ nầy từ thời Alexandre de Rhodes (1593-1660) để truyền đạo. Trong cuộc Nam Tiến, để có thể giữ đạo trước chánh sách cấm đạo của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, nhiều làng giáo dân đã giăng buồm bỏ xứ vào lập nghiệp ở vùng đất mới, đặc biệt vùng cù lao ven sông Tiền, sông Hậu hay cửa sông, cửa biển (Cái Mơn, Cái Nhum, Mặt Bắc, Thom, Mõ Cày, Sốc Trăng, Ba Thắc…). Nhiều tác phẩm nghiên cứu, tiểu thuyết tiền phong viết bằng chữ quốc ngữ theo cấu trúc của Tây Phương đã xuất hiện trong các xóm đạo từ giữa thế kỷ 19 và nhiều tác giả tiêu biểu của thời kỳ nầy đều là tín đồ thiên chúa giáo như Huỳnh Tịnh Của (1830-1908: 26 tác phẩm), Trương Vĩnh Ký (1837-1898: 111 tác phẩm) Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), Trần Thiên Trung (bút hiệu của Trần Chánh Chiếu 1867-1919). Riêng Huỳnh Tịnh Của và Trương Vĩnh Ký (nói, viết được 15 sinh ngữ và tử ngữ Tây Phương) đều xuất thân từ Đại Chủng Viện Poulo Pénang (MãLai).
Một yếu tố khác cũng không kém quan trọng là văn chương chữ quốc ngữ lại được chánh quyền bảo hộ khuyến khích, mục đích cho người dân đọc được dễ dàng các thông cáo, nghị định của chánh phủ, bước đầu đưa đến việc dùng chữ Pháp, mục tiêu tối hậu của chánh sách đồng hóa. (chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng chính thức ở miền Bắc từ 1913 trong khi ở miền Nam đã sử dụng từ gần nửa thế kỷ trước).
Trong ý đồ ấy, người Pháp đã mở thêm nhiều trường dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp, hô hào giúp đỡ người dân đi học, cốt để đào tạo một đội ngủ công chức thừa hành, hổ trợ cho công cuộc cai trị của chánh quyền thuộc địa Pháp. Nhưng trong một thời gian dài lúc ban đầu, đa số người nhà giàu, vì lo sợ mất con khi con học tiếng Pháp thì nghĩ rằng Pháp sẽ bắt đưa về Pháp và các thuộc địa Pháp ở Phi Châu nên có hiện tượng những nhà giàu mướn con nhà nghèo đi học thay thế. Kết quả là tại Nam Kỳ, đầu thế kỷ 20, một số trí thức đỗ đạt xuất thân từ bần cố nông. Ý thức văn hóa và chính trị của lớp người nầy làm thay đổi phần nào bộ mặt nông thôn miền Nam và là một lực lượng trí thức quan trọng kháng Pháp.
Trong một hoàn cảnh đặc thù như vậy, mảng văn học Nam Kỳ đã phát hiện và phát triển mạnh mẽ từ năm 1865 cho đến khi đất nước qua phân năm 1954. Nhưng mảng văn học nầy bị bỏ quên, vì không được biết hay bị bỏ qua vì được biết nhưng bị đánh giá thấp nên không xét tới. (Nguyễn Văn Trung, Giới thiệu Lục Châu học, tr. 1)
Truyện Thầy Lazaro Phiền, (chuyện một thầy giảng vì không đáp lại mối tình của một người đàn bà nên bị người đàn bà nầy trả thù bằng cách cáo gian vợ của thầy giảng ngoại tình. Thầy giảng ghen và thuốc vợ chết. Vợ chết rồi thầy mới biết là vợ chết oan. Thầy bị lương tâm cắn rứt cuối cùng cũng chết. Tác phẩm này của Nguyễn Trọng Quản là một tiểu thuyết tình cảm viết theo lối Tây Phương đã được xuất bản ở Saigon từ năm 1887 (J. Linage Éditeur), có thể được xem như mở đầu cho tiểu thuyết tây phương trong lịch sử văn học nước ta (Địa lý văn hóa TPHCM, qu. 2, tr. 234) nhưng các nhà nghiên cứu văn học vẫn nhứt quyết là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, xuất bản ở Hà nội năm 1924 là quyển tiểu thuyết đầu tiên viết theo thể loại nầy.
Nhiều tiểu thuyết cảm tác theo Tây Phương của Hồ Biểu Chánh (1885-1958), một trong số nhà văn viết nhiều tiểu thuyết nhất VN, 64 tựa trong 50 năm cầm bút (cảm tác chớ không phải phóng tác vì từ một cốt chuyện, ông đã viết ra một tiểu thuyết mà khung cảnh và nhân vật đều hoàn toàn khác với cốt chuyện nguyên tác, và ông đã thành tín ghi lại tên quyển sách từ đó đã đưa ông đến việc sáng tác, điều ít có của các nhà văn thời nầy (thí dụ Chúa tàu Kim Qui, cảm tác từ Le comte de Monte Cristo của Alexandre Dumas; Cay đắng mùi đời – Sans famille của Hector Malot; Chút phận linh đinh – En famille của Hector Malot; Ngọn cỏ gió đùa- Les misérables của Victor Hugo; Thầy thông ngôn – Les amours d’ Estève của André Theuriet; Vì nghĩa vì tình – Fanfan et Claudinet của Pierre Decourcelle; Ở theo thời – Topaze của Marcel Pagnol)… đã lần lượt được xuất bản ở Saigon cũng bị bỏ quên hay bỏ qua.
Theo Nguyễn Văn Trung, trong Lục Châu Học, ông nhận định rằng loại tiểu thuyết lịch sử ở Miền Nam đã xuất hiện từ 1910, đi trước miền Bắc ít ra là 30 năm và khá phong phú, hấp dẩn điển hình như Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngởi). Những tiểu thuyết tình cảm của Lê Hoàng Mưu (1879-1941), Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), Phú Đức (1901-1970), Bửu Đình, Phạm Minh Kiên, Biến Ngũ Nhi, Nam Đình Nguyễn Thế Phương… không được nhắc đến.
Trong lãnh vực báo chí, nhiều tờ báo quan trọng ở Nam Kỳ, có một lịch sử lâu năm được phổ biến ra cả Bắc Kỳ, như Gia Định Báo ( 1865-1909 do Ernest Potteaux làm Tổng Tài rồi sau giao lại cho Trương Vĩnh Ký), Thông loại khóa trình (1888), Nam Kỳ địa phận 1909-1945); Nông Cổ Mín Đàm (1901-1924 nhiều chủ bút trong số có Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt), Lục Tỉnh Tân Văn (1907-1943 do H.F. Schneider sáng lập, Trần Chánh Chiếu, rồi Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Hoằng Mưu làm chủ bút) cũng bị liệt vào thứ yếu so với Nam Phong.
Trong loạt bài du ký Một tháng ở Nam Kỳ đăng trong Nam Phong, Phạm Quỳnh có lời khen nhưng trong cái chê:
– Một địa hạt Nam Kỳ mà bấy nhiêu báo cũng nhiều lắm vậy. Cứ lấy cái lượng mà xét thì đủ thật khiến cho Bắc Kỳ Trung Kỳ phải thẹn với Nam Kỳ rằng về phương diện ngôn luận còn thậm kém xa quá. Nhưng cái phẩm có được xứng đáng với cái lượng không. Điều đó chưa dám chắc vậy.
Để nhận xét về các sách dịch thuật truyện Tàu từ đầu thế kỷ XX vô cùng phát triển ở Miền Nam (những dịch giả quan trọng là các chủ bút hay phụ bút cho nhiều tờ báo ăn khách lúc đó như Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Cư, Nguyễn Liên Phong…nên truyện dịch của họ được đăng ngay trong báo hay in từng tập phổ biến dễ dàng trong dân chúng, gây thành một phong trào), lưu hành ra Trung Bắc và được độc giả Trung Bắc ưa thích.
Phạm Quỳnh, cũng trong Nam Phong đã nặng lời:
Nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng thịnh lắm… Cái số sách xuất bản ở NK khôngbiết bao nhiêu mà kể. Nhất là các loại dịch các tiểu thuyết Tàu cũ như Tam Quốc, Thủy Hử, Chinh Đông, Chinh Tây, Phản Đường, Tùy Đường, Đông Châu, Phong Thần… nếu sưu tập cả lại thì làm được cái thư viện nhỏ. Nhưng những tiểu thuyết Tàu từ tám mươi đời đó, văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn quái đản của mấy bác cuồng nho bên Tàu, ngồi không bịa đặt ra để khoái trá bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng kinh thay. Không trách cái tư tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng, có khi còn sinh ra những việc xuẩn động trong xã hội cũng vì đó.
Chẳng những mảng văn học Nam Kỳ bị bỏ quên, bị bỏ qua mà còn bị chê bai là ấu trĩ. Trong suốt một phần tư thế kỷ (1950-1975), học sinh trung học đã phải học các sách giáo khoa Việt văn của các giáo sư Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ với đầy thiên kiến lệch lạc, bất công.
Sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm chỉ giới thiệu có một nhà văn trong Nam là thi sĩ Đông Hồ (nhưng Đông Hồ, Mộng Tuyết lại viết văn cầu kỳ nên ít được độc giả Nam Kỳ ưa thích). Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn hiện đại giới thiệu được hai văn sĩ Nam Kỳ là Đông Hồ và Trương Vĩnh Ký. Giáo sư Phạm Thế Ngũ, tác giả quyển Việt Nam văn học sử giản ước tân biên đã đi xa hơn bằng cách mạt sát nhà văn Nam Kỳ là ấu trĩ, độc giả Nam Kỳ là hạ lưu.
Ông viết: Gia Định là đất mới, dân chúng vừa thưa ít, vừa chưa thuần nhất; sự sáng tác văn chương, sự ưa chuộng văn chương, sự trồng trọt thi văn ở đây chưa có truyền thống sâu xa nên kém tiềm lực, kém khả năng. Do đó, quốc văn trong nhiều năm về sau ở Nam Kỳ chỉ bày tỏ trong hình thức báo chí phổ thông với trình độ ấu trĩ, hoặc ở tác phẩm tiểu thuyết cho một công chúng hạ lưu dể dãi…
Như trên đã xét, Nam Kỳ có một nền văn học đa dạng, phong phú từ hơn 150 năm nay. Mảng văn học nầy là phản ảnh tiếng nói, tâm tình và tâm tính của người Việt từ đàng Ngoài, sau gần 400 năm lập quốc ở phương Nam, hòa tụ với văn hóa Minh Hương và văn hóa bản địa, văn hóa tây phương để biến trở thành một mảng văn hóa độc đáo mang sắc thái đặc biệt của một địa phương Nam Kỳ.
Văn chương bóng bẩy, cầu kỳ, trọng Hán Học cùa vùng Đất cũ và văn chương mộc mạc, bình dân, hướng về chữ quốc ngữ của vùng Đất mới, cả hai đều là văn chương. Không có thứ văn chương sang, văn chương hèn, văn chương tốt, văn chương xấu.
Nếu chúng ta nghe hai câu văn:
– Tao mà có cà phê cà pháo gì mậy. Ờ mà các chả đang làm cà phê trong cái quán chỗ đám hát sơn đông đó. Nhưng mà khoan đã, để tao dằn bụng chén cháo gà rồi mình lên đường.
– Cầm hào bạc ra phố mà cắt tóc nhanh lên, nhỡ bố về trông thế thì khốn đấy!
thì chúng ta biết được rằng không gian và thời gian đã có khả năng biến hóa con nguời, và Nam kỳ hay Bắc kỳ đều là sản phẩm của một môi trường lịch sử và địa lý.
Kết luận
Lịch sử là những hiện tượng giống nhau được lập lại trong những không gian và thời gian khác nhau.
Gần 400 năm trước, cuộc nội chiến Nam Bắc đã đẩy dân Thuận Quảng trên những chiếc ghe bầu vượt biển để vào Nam khẩn đất, biến một vùng đất hoang vu thành một vùng đất màu mỡ tên gọi là đất Nam Kỳ.
400 năm sau, cũng kết thúc một cuộc nội chiến Nam Bắc, dân Việt Nam, cũng trên những chiếc thuyền nan, cũng vượt biển đi tìm đất hứa.
400 năm trước, chúng ta có vua, có đất.
400 năm sau, chúng ta chỉ có đám lưu dân, tản mác khắp bốn phương trời, không chánh quyền, không lãnh thổ.
Nếu lịch sử là cái gì lập lại, thì với sự phấn đấu và ý chí tuyệt vời của dân tộc ta, chúng ta có quyền tin rằng, 400 năm sắp đến, con cháu của chúng ta sẽ làm nên những chính quyền, tạo nên những lãnh thổ.
Lâm Văn Bé |