10/3/2024
CÓ MA HAY KHÔNG?
Trần-Đăng Hồng, PhD
Phần 2. Ma trong mắt nhà khoa học
Năm 1902, “Cha đẻ của ngành tâm lý học Mỹ” William James đã xuất bản cuốn “The Varieties of Religion Experience: A Study of Human Nature”. Trong quyển sách này, ông liên kết những “trải nghiệm tôn giáo” đơn lẻ với các rối loạn tâm lý trong não. Đối với ông, chúng là kết quả của “sự điên rồ ảo tưởng”. Điều này đặt nền tảng chung cho việc các nhà khoa học nên tập trung vào bộ não để xác định nguyên nhân gây ra các hiện tượng tâm linh (spiritual). Theo ông, bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) có thể là nguyên nhân của ảo ảnh ma quỷ.
Bệnh tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến gần một phần trăm dân số toàn cầu, khoảng 51 triệu người, con số này đủ lớn để giải thích cho phạm vi rộng lớn của các tuyên bố thấy ma quái, đặc biệt là ảo giác âm thanh/ảo ảnh thị giác (visual hallucinations) cũng như suy nghĩ ảo tưởng (delusional thinking).
Năm 1994, Đại học Adelaide ở Nam Úc xác nhận rằng có mối tương quan giữa các trường hợp tâm thần phân liệt và niềm tin vào điều huyền bí.
Điều gì thực sự đang diễn ra trong não để giải thích – ít nhất là một phần – cho những tuyên bố về việc nhìn thấy ma?
Năm 2014, các nhà khoa học ở Switzerland đã định vị trí ở phần nào của bộ não tạo ra ảo giác thấy ma quỷ. Đó là 3 khu vực của trung tâm vỏ não (central cortex) xử lý thông tin đầu vào về thị giác, ký ức và nhận thức. Nếu vùng này bị hư hại, bệnh nhân thấy có người hiện diện trong phòng, sự thực không có ai.
Cũng theo nhóm nghiên cứu của Dr Jeff Anderson, thuộc University of Utah School of Medicine (USA), một số tiến bộ gần đây trong kỹ thuật hình ảnh thần kinh MRI cho phép chúng ta hiểu cách bộ não của chúng ta “tạo ra” trải nghiệm tâm linh hoặc thần bí. Điều gì gây ra ảo giác rằng có người khác đang hiện diện trong phòng trong lúc sự thực không có ai, hoặc hồn xuất ra ngoài cơ thể của mình và đến một không gian khác. Giáo sư James Giordano, từ Trung tâm Y tế Đại học Georgetown ở Washington, D.C., cũng đồng ý vấn đề này. Ông nói rằng những người xử dụng “thuốc lắc” ecstasy cũng có ảo tưởng như vậy và cũng xác định các vùng não cụ thể tham gia vào quá trình này.
Trải nghiệm thần bí có thể được định nghĩa là những cuộc gặp với một đấng siêu nhiên hoặc thế giới siêu thường, vốn được cho là nền tảng của đức tin tôn giáo.
Theo các nhà khoa học tâm thần, thuyết thần bí (Mysticism) có liên quan đến ảo giác đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc rối loạn tâm thần.
Có rất nhiều giả thuyết về trải nghiệm thần bí, trong số này có giả thuyết cho rằng những trải nghiệm thần bí được tạo ra bởi hoạt động trong các khu vực của não liên quan đến cảm xúc, ngữ nghĩa trừu tượng và hình ảnh. Chẳng hạng, bệnh nhân bị động kinh (epilepsy) thùy thái dương bên phải thường báo cáo rằng có những trải nghiệm thần bí trong hoặc sau cơn động kinh.
Cuộc nghiên cứu về chấn thương sọ não của các cựu chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam trước 1975 cho thấy có sự liên quan giữa các trải nghiệm thần bí và chấn thương sọ não.
Đó là công trình nghiên cứu của Irene và cộng sự trong số 116 cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh ở Việt Nam với những thương tật ở nhiều vị trí khác nhau trên não cho thấy những người từng bị thương ở vỏ não hai bên trước trán có nhiều khả năng báo cáo những trải nghiệm thần bí hơn.
Phân tích bản đồ do MRI chụp cho thấy các tổn thương vùng não trán và thái dương có liên quan đến những trải nghiệm thần bí lớn hơn. Những vùng như vậy bao gồm vỏ não trước trán bên (dorsolateral prefrontal cortex - dlPFC) và vỏ não giữa / trên thái dương (middle/superior temporal cortex TC). Nhóm tổn thương ở dlPFC thì hiện tượng thần bí phát triển cao độ nhất.
Những phần này của não kiểm soát cảm giác về bản thân của mình trong mối quan hệ với các đối tượng khác trên thế giới, cũng như tính toàn vẹn của cơ thể chúng ta; do đó, những cảm giác và nhận thức ‘ngoài cơ thể’ và ‘mở rộng bản thân’ mà nhiều người đã từng có kinh nghiệm thần bí thú nhận. Một thương phế binh tâm sự: “Chúa đã nói chuyện với tôi và giọng nói của Ngài cũng thật như người bên cạnh tôi”.
Những nghiên cứu của cựu chiến binh Hoa Kỳ liên quan đến những trải nghiệm thần bí đều là công dân Mỹ có tôn giáo Thiên Chúa hay Tin Lành, nên trải nghiệm thần bí đều liên quan đến Chúa. Tuy nhiên, nhóm tác giả nghiên cứu nói trên tin tưởng rằng ở các dân tộc khác có tín ngưởng hay văn hóa khác có trải nghiệm thần bí liên quan đến tôn giáo hay văn hóa của họ, bởi vì những trải nghiệm huyền bí, hoặc những cuộc gặp gỡ được tin tưởng một cách chủ quan với một thế giới siêu nhiên, được báo cáo rộng rãi trên khắp các nền văn hóa, tôn giáo và trong suốt lịch sử loài người.
Chẳng hạn chuyện ma quỷ nhập cốt người, các đồng bóng, các người tự xưng là thiên sứ được đấng trên giao phó để cứu nhân độ thế, v.v. Nguyên nhân là do phần não nào đó bị tổn thương do bệnh hay tai nạn nhẹ. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng một số bệnh nhân bị động kinh (epilepsy) thùy thái dương đã trải qua quá trình siêu tôn giáo - niềm tin tôn giáo rất mãnh liệt đến mức họ có thể làm gián đoạn hoạt động hàng ngày.
HỘI CHỨNG TGA
Có một vài bệnh chấn thương rất kỳ lạ như Transient Global Amnesia (TGA). Đây là một bệnh rất hiếm thấy, bệnh chỉ xảy ra trong vài ba giờ đồng hồ, tối đa 24 giờ, và trong suốt thời gian này, bệnh nhân hoàn toàn mất trí nhớ ngắn hạn, những gì hiện tại đang xảy ra thì không biết, như không nhận diện được vợ con mình, không biết mình đang làm gì, ở đâu, nhưng khi hỏi về quá khứ thì nói vanh vách đúng.
Có bệnh nhân bị TGA trong lúc lái xe, không biết gì cả, nhưng vẫn lái xe như bình thường, không xảy ra tai nạn, nhưng cứ lái mà không biết đi đâu. Hay đang nấu ăn, thì vẫn nấu ăn như người bình thường, vẫn theo thứ tự công việc, như thêm thịt này, rau nọ, rồi nếm gia vị như người bình thường, nhưng đầu óc trống rổng, làm việc như một người máy.
Vì không biết hiện tại, mà chỉ nhớ dĩ vãng, nên có bệnh nhân sau khi hồi tỉnh nói là đã gặp lại cha mẹ, hay người cho là ông bà của mình, mặc dầu các người này đã chết từ lâu. Trước khi hồi tỉnh, bệnh nhân cảm nhận như mình đang đứng trên trần nhà, nhìn xuống thấy người thân đứng ngồi chung quanh một người, và khi hồi tỉnh thật sự thì đúng là có những người thân đang ngồi lo lắng cho mình.
CHẾT LÀ HẾT
Ngày nay, khoa học “trí tuệ nhân tạo” (artificial intelligence – AI) đã đạt đến mức gần giống bộ não thông minh của con người. Chẳng hạn, robot chơi cờ tướng giỏi hơn người, biết lái xe hơi trên đường phố đông đúc mà không gây tai nạn, cũng biết đi, biết làm việc không mỏi mệt, biết nói và trả lời câu hỏi một cách rất thông minh.
Robot Ameca thông minh như người, và trong tương lai có thể thông minh hơn người
Bộ não con người cũng giống như bộ não của robot. Nếu mất điện, robot chỉ còn là một khối kim loại.
Còn chết, con người ra sao, có linh hồn không, hay chỉ là xác chết?
Có linh hồn, có đời sống khác sau khi chết, có ma hay không, là tùy bạn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH.
Reading, 10/3/2023. |