SÔNG HƯƠNG ƠI, NHỚ QUÁ!
Nguyễn Văn Ngưu
Xứ Huế có lắm phố phường
Có thành Đại Nội, có đường mù u
Đẹp nhất! Đẹp nhất thì cứ ừ ừ Sông Hương
Xa rồi mãi nhớ, mãi thương
Sông Hương Ơi, Nhớ Quá
Trở về khách sạn sau một buổi sáng làm việc với các chuyên gia của chi nhánh của Viện Nghiên Cứu Lúa của nước Ai Cập nằm ở phố Giza, bụng đói, Văn để cái cặp giấy tờ và sách vở trong phòng khách sạn rồi đi lang thang ra quán ăn nằm trên bờ của đoạn sông Nile đẹp đang chảy qua cái thủ đô Cairo rộng lớn và náo nhiệt này. Trong khi uống bia đợi món ăn, lững thững tay Văn mò vỏ túi áo veston và đụng một bì thư. Rút ra, Văn ngỡ ngàng khi thấy những dòng chữ của của Hân, người bạn trong những tháng năm Văn còn ở Huế. Cũng đã hơn 20 năm rồi Văn không có tin từ Hân và chỉ nhớ mang mán là gia đình của Hân đã qua Pháp ở sau năm 1975. Nhìn dấu bưu điện trên bí thư, Văn giật mình khi nhận ra là mình đã nhận cái thư nầy hôm 10 April 1999, gần hơn hai tuần lễ rồi.
Văn ơi, chiều ni mình đi thuyền trên con sông Seine tự nhiên mình nhớ tới con sông Hương của quê mình quá đi. Càng muốn quên Huế đi, Huế lại cứ dồn dập về. Càng muốn quên đi con sông Hương thì nó cứ dào dạt chảy về.
Sông Hương
Dòng nước sông Hương chợt ồn ào chảy về trong lòng Văn, dẹp qua một bên cái con sông Nile mà Văn đang ngồi trên dòng nước của nó.
Lần Đầu Gặp Sông Hương
Một buổi sáng đầu năm 1954 khí Văn đang còn ngái ngủ, cha của anh đêm anh xuống một chiếc thuyền nhỏ đậu ở bến trên con mương cuối xóm nhà của mệ nội của Văn. Trong thuyền có ông chủ của thuyền và anh trai của Văn đang ngồi đợi. Chiếc thuyền rất nhỏ, bề ngang của nó chỉ rộng bằng một sãi tay của người lớn. Khoảng giữa của chiếc thuyền có một mái che làm bằng lạt tre phết dầu nhựa đường. Ở khoảng giữa này của chiếc thuyền có hai hủ sành, một hủ đựng nước và một hủ đựng gạo. Gần bên hai chiếc hủ là một cái bếp đất nhỏ và một ấm đất mà ông chủ thuyền dùng để nấu nước trà.
Ông chủ thuyền và cha của Văn chèo con thuyền đi ra con sông đào Lối Nông. Sau con sông Lối Nông, chiếc thuyền gặp sông Hương to lớn. Văn có nhiều run sợ mỗi khi thuyền của anh gặp các thuyền lớn hơn hay khi có gió thổi mạnh. Những lúc đó sóng trên sông Hương sao mà to lớn quá!
Không phải Văn không quen sông nước. Thực ra anh thích những buổi chiều được ông chú đem xuống con mương để tắm. Vào những buổi tắm ở con mương mấy đứa con trai lớn trong lối xóm bơi giởn và làm nước của con mương lên sóng. Tuy nhiên những con sóng đó chỉ nhỏ tí teo. Sóng trên sông Hương sao mà to quá, sao mà đáng sợ quá. Văn ngồi im trong lòng thuyền không nhúc nhích và cầu mông con thuyền sẽ đến bến sớm.
Chập Chững Làm Quen
Cái cảm giác sợ hãi ban đầu của Văn về sông Hương đã dần dà nhường cho lại cho cái gắn bó khắn khít và yêu thương. Không xa bao nhiêu từ trung tâm thành phố Huế, sau khi đi qua chợ Đông Ba, sông Hương chia ra làm hai nhánh ôm ấp cái Cồn Hến ở giữa. Dân Huế gọi nhánh ở bên miền Bắc là Tã Ngạn và nhánh ở bên miền Nam là Hữu Ngạn. Tã Ngạn cũng là tên của quận thứ ba của thành phố Huế. Căn nhà của Văn được xây trên một miếng đất nhỏ ở quận Tã Ngạn. Căn nhà có nền đất, phên tre bôi phân trâu và mái lợp với lá tranh, nằm ở cuối con xóm phụ của xóm Thanh Bình.
Sau lưng nhà của Văn là một căn vườn lớn của một ông nhà giàu. Trong khoảng vườn đó có trong những cây ổi, mít đào và những cây ăn trái khác nữa. Đằng sau nhà có cây sầu đông có hoa tím và những chùm trái cây xanh nhỏ và một cây mít tố nữ. Nhà của Văn cũng có một cái sân nhỏ ở mặt trước nơi cha anh trồng những cây bông như vạn thọ, thược dược, mười giờ, thiên lý và mai.
Con xóm nhỏ của nhà Văn nói liền với con xóm Thanh Bình Thự nằm chừng ở giữa con đường Gia Hội chạy từ cầu Gia Hội đến bến đò Chợ Dinh, song song với nhánh Tã Ngạn của sông Hương. Từ xóm người ta phải bằng qua con đường Gia Hội để đi xuống bến. Ở Huế có nhiều loại bến như bến đò, bến phà, bến chợ và bến xóm. Bến xóm là một phần chính yếu trong đời sống của dân chúng ở Quận Tã Ngạn như gia đình của Văn. Bến xóm là nơi để người ta xuống giặt giũ áo quần, để người ta lấy nước, để tắm, và để làm nhiều chuyện khác nữa. Qua cái bến của xóm Thanh Bình Thự, Văn làm quen dần dần với sông Hương theo ngày tháng anh lớn lên.
Trong những tháng năm đầu ở Quận Tã Ngạn, Văn thường đi theo cha, mẹ hay chị của anh mỗi khi họ đi xuống bến để giật áo quần, để tắm rửa. Anh từ đó bắt đầu làm quen và thấy gần gũi với con sông Hương. Anh thích nhất những lần đi tắm trong mùa hè nóng bức, nhất là những ngày có gió Lào trong tháng 5, tháng 6 dương lịch. Qua những lần đi tắm, anh dần dà thấy sông Hương không có hung dữ và nguy hiểm như trong lần đầu anh gặp nó. Trái lại, anh thấy sông Hương rất là hiền từ, rất là bao dung.
Ở trong xóm, gia đình của O Vịnh cũng nghèo như gia đình của Văn. O Vịnh có hai đứa con trai — thằng U cùng tuổi với Văn và Dân, anh của U. O Vịnh góa chồng, một mình kiếm sống cho gia đình. U và Dân không được mày mắn đi học như Văn nhưng chúng rất mạnh và có nhiều liều lĩnh. Tuy nhiên hai anh em nó rất là tốt bụng với các đứa nhỏ khác ở trong xóm và nhất là đối với anh em của Văn. Một buổi chiều sau trận đá banh giấy (trái banh làm bằng giấy) ở trong sân của xóm, Dân rủ U và hai anh em của Văn đi xuống bên của xóm để tắm. Dân nói với một giọng rất là bí ẩn và tự tin.
- Chiều ni tụi mình đi nhảy sông.
- Nhảy sông! Chúng mình đã nhảy hoài có chỉ lạ mô. Bĩnh, người anh trai của Văn nói.
- Rứa là mi chưa biết chi cả đó. Dân nói
- Rứa sao mi không nói đi? Bĩnh nói
- Xuống bên rồi sẽ thấy. Dân nói
Thế là cả bọn đi xuống bến. Đến bến, Dân chỉ cây sung (Ficus racemosa) nằm trên bến có nhánh vươn dài ra trên sông Hương rồi nói
- Tụi bay có dám leo lên cây sung và đi ra nhánh của nó để nhảy xuống sông không?
Văn nhìn cây sung mà ngỡ ngàng. Cây sung ở trên bến của xóm đã có lâu rồi. Biết bao lần xuống bến hắn chưa bao giờ quan tâm đến cây sung ngoài những lần hắn thấy bực mình bởi đám ruồi bu vào những trái sung chín rụng trên bờ của bến. Những trái sung chín rụng xuống nước sông làm dơ nước sông và thu hút những con cá nhỏ. Cây sung chắc cũng đã hơn 40 năm tuổi. Thân của cây sung lớn hơn vòng tay của Văn. Cây sung có nhiều nhánh đâm ra phía sông Hương và cái nhánh to lớn nhất thì rất to. Vẫn nghĩ là nếu có căng tay ra thì hắn cũng chỉ ôm đủ cái nhánh to lớn nhất này của cây sung. Dọc thân nhánh của cây sung có những trái nhỏ còn xanh lẫn lộn với các trái chín có màu tím đậm. Trái sung có dáng như trái vã (Fiscus auriculata) nhưng nhỏ hơn.
Dân cởi áo thun và quần xà lỏn, trần truồng leo lên cây sung. Hắn ta đi ra nhánh sung lớn rồi nhảy xuống sông. Nước bắn tung. Bĩnh và U làm theo Dân nhưng Văn chỉ mới tập bơi nên con ngại ngùng lắm. Dân kéo tay và giúp Văn leo lên cây sung, đi ra đầu nhánh sung lớn và từ đó hai đứa cùng nhảy xuống sông. Dân bơi theo và giúp Văn bơi vô bến. Từ đó, cả bọn leo lên cây sung và nhảy xuống sông nhiều lần và chơi đùa suốt cả buổi chiều.
Con Sông Gắn Bó
Sông Hương từ đó trở nên rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống của Văn. Sông Hương là con sông của tuổi thơ của Văn.
Sông Hương! Con sông có nước xanh trông mát trong những ngày hạ nóng cháy người. Bơi giữa dòng sông Văn có thể thấy được dưới đáy sông có cát trắng và những cây rêu xanh.
Sông Hương! Con sông có nước lạnh lùng chảy dưới bầu trời xám của mùa Đông có những con mưa phùn dài vô tận. Cái thứ mưa sụt sùi như đay nghiến lòng người.
Sông Hương! Con sông có những con cá cơm, cá bống, tép con và những con cá này đã nuôi sống biết bao gia đình ở Huế.
Sông Hương! Con sông với đò ngang đò dọc và với giọng hò mái đẩy “Bỏ thì thương mà vương thì tội” của cô lái đò.
Bây giờ Văn mới thấy cái thấm thiết của câu hò mái đẩy. Câu hò mà ngày xưa khi nghe thì cũng chỉ như nghe những câu hò khác, như nghe một bài hát.
Bỏ thì thương – Văn bỏ dòng sông Hương mà ra đi đã lâu lắm rồi. Thế mà cứ hôm nào gặp được một dòng sông, Văn lại nhớ đến sông Hương.
Nhớ Quá, Sông Hương Ơi! |