16/7/2020
Miền Nam
GS Thái Công Tụng
Phần 3
10.Các thủy sản: sự cọng sinh giừa người và thiên nhiên.
Với kinh rạch, sông ngòi chằng chịt, với các loại môi trường nước ngọt, nước lợ, nước mặn, lại thêm nguồn lợi cá-tôm quan trọng từ Biển Hồ hằng năm theo mùa nước tràn xuống nên ĐBCL có một tài nguyên thiên nhiên rất phong phú về các loại thủy sản như cá, tôm, thể hiện qua nhiều ca dao như:
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng còn nhiều cá tôm
hoặc:
Tràm Chẹt ăn cá bỏ đầu
Gò Đất đi lượm xỏ xâu đem về
10.1 nguồn lợi thủy sản.
. Cá có 2 nguồn:
.nguồn tại chỗ do các giống thủy sản phát triển trong thủy vực như : cá lóc, cá rô, cá trê, cá trạch, cá chài, cá dảnh, cá mè vinh, cá tra, cá vồ, cá chép, cá cốc, cá bông lau, cá bạc bụng
.nguồn giống thủy sản theo nước lũ từ Biển Hồ tràn về như cá lóc, cá trê, cá rô, cá bóng, cá bông lau và đặc biệt là cá linh. Loại cá này cứ đầu mùa mưa, theo dòng nước phù sa đỏ nâu, trôi dạt xuống đồng bằng Cửu Long, nhỏ li ti và theo lũ lụt tràn vào các ruộng đồng sinh sống. Khi mùa mưa chấm dứt, nước lũ rút dần ra sông, vào tháng 11, tháng 12 âm lịch và loài cá linh cũng dạt theo lội hàng bầy trên mặt nước, khiến ngư dân có một tài nguyên phong phú vào mùa nước xuống này để làm khô, làm mắm, làm nước mắm v.v.
Ngoài bờ biển có những hải sản như cá bạc má, cá chim, cá thu, cá hồng, cá gộc là những hải sản có giá trị xuất cảng.
. tôm
Có ba nguồn tôm: tôm biển, tôm sông và tôm đồng. Các loại tôm thường gặp là tôm bạc thẻ, tôm nghệ, tôm giang, tôm sú, tôm càng xanh, tôm he v.v. và là các nguyên liệu để chế biến thành nhiều mặt hàng xuất cảng.
. ba ba tức là rùa nước ngọt; phổ biến ở Việt Nam là Trionyx sinensis. Chuyên ăn động vật (cá, động vật không xương sống ..) và đẻ trứng ở mé nước. Ba ba dễ xuất cảng vì chế biến với gia vị là món ăn ngon.
. cua và ghẹ, nghêu sò
Cua đồng cũng là nguồn thức ăn giàu đạm . Trữ lượng nhiều nhưng việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện tích rộng đã làm hư hao tài nguyên cua đồng tại nhiều nơi. Ngoài cua đồng còn có cua biển, nghêu, sò huyết .Ở Bến Tre, nghêu tập trung thành từng bãi rộng ven bờ biển; ruột nghêu dùng làm thực phẩm, vỏ nghêu dùng nung vôi bón ruộng. Rươi cũng là một loại hải sản dùng làm nước mắm, có trong các rừng cây mắm ở Thạnh Phú, Bình Đại
. ếch
Ếch đồng (Rana tigrina ) phổ biến ở đồng ruộng rất có ích vì thịt ăn thơm ngon và đùi ếch đông lạnh dễ xuất cảng; hơn nữa bắt được các côn trùng trong ruộng .
10.2 mùa cá và ngư cụ
Nghề khai thác cá ở ĐBSCL kéo dài quanh năm, chủ yếu đánh bắt các loại cá đen, ngoài ra còn có những loài cá khai thác theo mùa vụ.
Hàng năm, từ mồng 5 â .l. đến hết tháng 6 â .l. là mùa nước quay (nước sông chảy mạnh hơn thường lệ), đây là mùa khai thác cá tra bột từ nguồn trên sông Cửu Long chảy xuống. Ngư cụ để vớt là đáy.
Tháng 9 â.l. là mùa tôm càng xanh và ngư dân khai thác bằng đáy tôm, lợp , câu, lưới bao cà
Từ tháng 9 â.l. đến tháng 11 â.l. là mùa cá linh; ngư cụ đánh bắt là đáy cá linh, rùng, cào, chày
Từ tháng 12 sang tháng 3 năm sau, lúc nước cạn là mùa tát đìa. Tát đìa khai thác các loại cá đen đã lên đồng để đẻ và khi nước rút không theo xuống kịp.
Về ngư cụ khai thác có thể chia ra ngư cụ có lưới và ngư cụ không lưới. Ngư cụ có lưới : lưới rê, lưới kéo, lưới vó, lưới cố định. Ngư cụ không lưới như nò, đăng, lợp, nơm ..
Có vài loại ngư cụ đánh bắt ở biển, nhưng cũng được sử dụng đánh bắt là đáy và cào. Đáy hiện là ngư cụ chủ yếu ở ĐBSCL: đáy cá linh, đáy tôm, đáy cá tra bột. Cào cũng vậy, có mắt rất nhỏ .
10.3 nuôi trồng thủy sản
Ngoài đánh bắt cá trong sông rạch, khuynh hướng ngày nay là nuôi cá, nuôi tôm.
Nuôi cá có thể trong ao, hồ ( nuôi cá vồ, cá tra, cá phi, cá chép ..), hoặc có thể trong bè như ở An Giang, vừa chi phí ít, vừa năng suất cao. Bè có dạng hình hộp, đặt dọc bờ sông hoặc trên các kinh rạch lớn. Thức ăn cho cá nuôi trong bè cũng đa dạng, có khi là cá linh hoặc cá tạp, có khi là thức ăn công nghiệp. Ngành nuôi cá bè phát triển mạnh ở An Giang với hàng ngàn bè nuôi cá, năng suất trung bình mỗi bè 15-20 tấn cá .
Nuôi tôm có thể nuôi ở nước ngọt (tôm càng xanh) cũng như nuôi ở nước lợ. Trước đây, nguồn tôm tự nhiên dồi dào, việc nuôi tôm đơn giản vì chỉ cần đắp đập, làm cống lấy nước và nguồn dinh dưỡng cũng theo nước vào ao đầm theo con nước hàng tháng, giữ một thời gian rồi xổ nước thu hoạch. Nhưng nay, ngành nuôi tôm có tính cách thâm canh và khoa học hơn với ao lắng, lọc, xử lý nước để bảo đảm sạch trước khi đưa vào ao, nuôi tôm bằng thức ăn công nghiệp, tôm giống tốt..
Ven duyên hải ĐBCL, đặc biệt là Ca Mau, Bạc Liêu hiện nay có xuất hiện nhiều loại hình nuôi tôm đa dạng sau dây :
-rừng-tôm. Nông dân lợi dụng các chỗ ngập trong rừng tràm đước để nuôi tôm, giúp bảo vệ rừng. Con tôm từng sống chung với rừng nay được thêm kỹ thuật tân tiến có thêm điều kiện sinh trưởng. Tuy nhiên, năng xuất cũng như hiệu qủa thấp vì khi gặp những trận mưa lớn, toàn bộ cây rừng trút nước xuống kênh mương, làm nhiệt độ nuớc thay đổi đột ngột và lá cây hàng ngày rơi rụng xuống kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước, tạo ngộ độc cho tôm.
-lúa-tôm. Loại hình này kết hợp giữa trồng lúa và nuôi tôm và thường gặp tại các cánh đồng trũng phèn hoặc tại các vùng mặn vào mùa khô, ngọt vào mùa mưa (vùng Đầm Dơi, Cái Nước ở Cà Mau). Mỗi năm, một vụ tôm từ tháng 1 đến tháng tư, sau đó trồng lúa vào mùa mưa. Khi thu hoạch lúa, để lại gốc rạ làm chỗ trú và tạo nguồn thức ăn nuôi tôm .
-muối-tôm : nhiều nơi có ruộng muối như Bắc Liêu, Vĩnh Lợi có kết hợp việc làm ruộng muối với nuôi tôm : mùa khô làm ruộng muối và mùa mưa trên diện tích đó nuôi tôm.
11. Công nghệ.
Công nghệ có thể phân chia như sau:
Công nghiệp năng lượng: sản xuất điện lực (các đập thủy điện, các nhà máy nhiệt điện dùng khí đốt hoặc dầu cặn, than đá ..)
Công nghiệp luyện kim
Công nghiệp luyện kim chưa phát triển đáng kể ; tại MĐNP có nhà máy cán thép từ thép nhập và sắt thép phế thải ở Biên Hoà và Thủ Đức; tại Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) có nhà máy thép lớn liên doanh với Nhật Bản.
Công nghiệp cơ khí, điện tử
Sản phẩm chính của công nghiệp này là máy móc thiết bị công nghiệp, máy động lực, máy nông nghiệp, thiết bị điện và điện tử; gần đây lại thêm các ngành lắp ráp các máy điện toán, truyền hình ..
Công nghiệp hoá chất
Ngành hoá chất bao gồm các xí nghiệp sản xuất hoá chất, phân bón, cao su và dược phẩm ; ngành này đặc biệt tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Nhà máy phân lân ở Long Thành, các nhà máy biến chế mủ cao su ở MĐNP, các xí nghiệp chế biến dược phẩm rải rác tại Saigon, nhà máy sản xuất phân đạm ở Phú Mỹ, dùng khí đốt.
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như nhà máy làm gạch ở Biên Hoà, làm xi măng ở Hà Tiên và Thủ Đức.
Công nghiệp lương thực thực phẩm
Đó là những nhà máy sản xuất rượu bia, nước ngọt (Coca), nước khoáng, thuốc lá, làm đường, xay xát gạo.
Công nghiệp dệt may
Trong những năm gần đây, ngành may đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhưng nguyên liệu (sợi tổng hợp, vải may..) chủ yếu là phải dựa vào nhập cảng; ngành dệt may dựa vào vùng đông dân cư, sẵn nguồn lao động và thuận tiện cho việc xuất-nhập cảng.
MĐNP có nhiều khu kỷ nghệ, khu chế suất trong đó có nhiều xí nghiệp như nhà máy giấy, nhà máy gỗ ván ép, nhà máy cán thép, nhà máy cơ khí, nhà máy đường, nhà máy sữa đặc, sữa bột, chưa kể các cơ sở làm gạch, ngói, vật liệu xây dựng. MĐNP cũng có tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp như làm đồ gốm, tạc tượng.
Các ngành chế biến nông sản phải kể rất nhiều lò đường thủ công, lò chế biến sắn để sản xuất ra bột; bột sắn ngoài việc dùng làm nguyên liệu cho nhiều mặt hàng kỷ nghệ có giá trị còn chế biến ra nhiều loại thực phẩm như bún, bánh tráng, bánh hủ tiếu, bột khoai, bột tapioca v.v. Công nghiệp chế biến có nhà máy sản xuất bánh phồng tôm Sa Giang, những cơ sở làm nước mắm, xay xát lúa, dường thủ công, lò gạch
12.Văn hoá miền Châu thổ Cửu Long.
Đồng bằng này bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi, kinh rạch ngổn ngang làm cho toàn vùng đều chịu ảnh hưởng của thủy triều hình thành những loại hình nơi mặn, nơi chua, nơi cả mặn lẫn chua, nơi bị ngập lụt và phèn nặng ..
Nông dân có vô số từ ngữ để gọi kinh rạch: ngoài các chữ thông dụng như sông, ngòi, mương, lạch, kênh, bàu, ao, hồ, v.v còn có thêm rạch, xẻo, ngọn, rọc, lung, láng, bưng, biền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng .
Môi trường sông nước với thủy triều lên xuống cũng có nhiều từ ngữ : ngoài chữ nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ), còn có nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm
Cũng là người Việt di dân, cũng là văn hoá nông nghiệp, nhưng khi người Việt vào vùng đất mới sình lầy vùng đồng bằng sông Cửu Long, phải trải qua một quá trình thích ứng nên văn hoá cũng hơi biến đổi :
Người đi dao rựa dắt lưng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng, rừng cao
Cũng là miền đồng bằng phù sa mới bồi đắp do biển cả trước kia là một vịnh, cũng có đất phù sa, đất phèn, đất mặn nhưng miền này không bị lụt lội tàn phá như châu thổ sông Hồng. Thực vậy, dòng sông Cửu Long rất dài và đã trải qua nhiều xứ duyên hà như Nam Trung Hoa, Miến Điện, Ai Lao, Kampuchea trước khi vào lãnh thổ miền Nam Việt nam; ngoài ra, nhờ Biển Hồ của Kampuchia trữ được nước lụt rất nhiều và chỉ từ từ hạ nước xuống, đem theo muôn vàn cá con về An Giang, Đồng Tháp làm giàu thủy sản nước ngọt ở đây.
Môi sinh ngoại cảnh như vậy đã ảnh hưởng dến lối cư trú :
12.1. cảnh quan nhà cửa
Miền đồng bằng sông Cửu Long ít bị lụt nên canh tác trồng trọt cũng khác miền Bắc và cảnh quan nhà cửa cũng khác.
Trong khi châu thổ sông Hồng có nhiều đê bao bọc để trị lũ lụt từ khi lập quốc thì miền châu thổ sông Cửu Long không có đê, nhân dân chỉ trồng lúa theo nhịp nước lên xuống của nước : đó là lúa nổi thường gặp ở Châu Đốc, Long Xuyên. Nhờ Biển Hồ ở Kampuchea, nên nước vào ruộng, nước ra ruộng cũng từ từ nên những đơn vị gia đình nhỏ cũng khai thác lúa được, không cần những cộng đồng lớn.
Trong khi miền Bắc, nhân dân phải sống theo làng xã, bao bọc bởi lũy tre thì miền Nam, nhân dân sống theo kinh rạch, trải dài dọc bờ sông để tiện canh tác; nhà cửa không có hàng rào, làng không có lũy tre, không gian xã hội rộng mở khác với các mô hình làng xã tiểu nông khép kín ở châu thổ sông Hồng : lối kiến trúc này làm lỏng lẽo các giây liên lạc của dân làng với làng xã. Chợ búa cũng trải dài mấy cây số dọc theo kinh rạch chứ không tập trung như các chợ miền Bắc, miền Trung .
12.2.tài nguyên
Miền Bắc đất hẹp, người đông, diện tích đất rất nhỏ và là cái nôi xuất phát dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Cuộc Nam tiến của dân ta khi tiến vào đất Thủy Chân Lạp thì chỉ gặp toàn là đất úng thủy, lau sậy ngổn ngang, dưới sông là cá sấu, cọp nước, trên bộ thì rừng ngập nước : rừng tràm, rừng đước, rừng mắm. Nói khác đi, đất không người khai phá, nên cò bay thẳng cánh : đất rộng, người thưa, hoàn toàn khác hẳn miền châu thổ sông Hồng.
Vì tài nguyên dồi dào, dân ít phấn đấu 'làm chơi ăn thiệt' nên người dân tính tình cũng chất phác và ưa phóng khoáng; trải qua nhiều thế kỷ, nông dân tự do canh tác; không có hương ước, không có công điền nhiều như miền Trung; rất ít nơi có đình làng.
12.3. nguồn gốc dân
Nguồn gốc cư dân đồng bằng Cửu Long rất đa dạng: tù đày, đào binh hoặc là nông dân nghèo khổ miền Trung di cư vào Nam, người Hoa chống nhà Thanh ở Trung Quốc (phong trào phản Thanh, phục Minh) do chúa Nguyễn cho vào Nam khai khẩn đất hoang vào năm 1658 ở miệt Biên Hoà (Cù lao Phố), ở miệt Mỹ Tho với Dương Ngạn Địch, ở miệt Hà Tiên với Mặc Cửu sau này có con là Mạc Thiên Tứ thần phục triều đình nhà Nguyễn. Văn hoá Việt nguyên thủy giao lưu, tiếp biến với văn hoá Khmer vùng Sóc Trăng, Trà Vinh với các sóc, các phum, các chùa chiền Khmer cũng như với văn hoá người Hoa, văn hoá Chăm Hồi Giáo ở Châu Đốc..
12.4 thờ cúng tổ tiên.
Trong sự pha trộn các nền văn hoá, người Việt miền châu thổ Cửu Long vẫn giữ thờ cúng tổ tiên nhưng bàn thờ không bày bài vị các cụ tổ mà lại bày tấm gương lớn có in 4 chữ 'Cửu Huyền Thất Tổ' của người Hoa làm sẵn để bán. Họ cũng thờ 'Quan Công' trong nhà .
12.5 nghệ thuật ẩm thực
Nghệ thuật ẩm thực miền Nam cũng hơi khác miền Bắc: trong bữa cơm, nhiều món ăn luôn luôn có thêm nước dừa (thịt kho hột vịt nước dừa, chè đậu đỏ nước dừa ..), phản ánh các ảnh hưởng của Đông Nam Á (Thái Lan). Bữa ăn nhiều thủy sản như cá, mắm mà dặc biệt là mắm đủ loại, muôn hình muôn vẻ của vùng Long Xuyên.
Tản Đà có lần viết:
Hà tươi cửa bể Tourane,
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
12.6 tín ngưỡng
Như trên đã nói, người Việt khi đến khai phá miền đồng bằng sông Cửu Long đã đem theo mình những tín ngưỡng, những văn hoá, đời sống xã hội của vùng nguyên quán (Thuận Quảng trở vào, tức cư dân ở xứ Đàng Trong) và lại còn hoà cùng những tín ngưỡng còn lưu lại của cư dân củ cũng như văn hoá các người Hoa di cư đến (người Hoa phần lớn đến sau khi nhà Minh bên Trung Hoa bị mất) nên tạo thành một tín ngưỡng dung hoá. Họ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh như thần đất (Thổ công), thần nghề nghiệp (Tiên sư), thần bếp ( ông Táo), thờ trọng các nữ thần như thờ Thủy long Công Chúa, thờ Bà Thiên Hậu, thờ Mẫu Liễu; thờ cúng vật linh như cọp, như rắn; các đình làng ở cửa sông, cửa biển còn thờ cá ông. Phật giáo miền trên của châu thổ Cửu Long phần lớn là phật giáo Đại Thừa, còn tại miền Tây như Long Xuyên, Châu Đốc, ta có Phật giáo Hoà Hão vốn không phân biệt Tiểu Thừa hay Đại Thừa và tìm cách gần gũi với người nông dân bằng một nghi lễ đơn giản như để một 'bàn thiên' với nén nhang, chén nước thờ Trời ở trước nhà và một tấm 'Trần điều'cũng treo ở bàn thờ tổ tiên trong nhà. Người Khmer Trà Vinh thì theo Phật giáo Tiểu Thừa tức phật giáo nguyên thủy Théravada. Tôn giáo Cao Đài với thánh thất ở Tây Ninh lại tôn thờ rất nhiều danh nhân. Thờ cúng tổ tiên là một sinh hoạt chung cho miền Bắc lẫn miền Nam. Ngoài ra, người Việt gốc Hoa còn thờ thêm các vị thần mà họ tôn sùng như thờ Ông Bổn (người Hoa ở Quảng Đông vào thế kỷ 16 đã hướng dẫn vượt biển từ Nam Hoa đến miền châu thổ Cửu long), thờ Quan Công. Người Việt gốc Khmer thì thờ thần Niết Tà, thần Arak, nữ thần lúa với lễ đưa nước rước nước.
Nếu ở miền Bắc, khi cha mẹ chết đi, người con cả lo thờ cúng thì trong Nam, chính người con út phải lo toan khi cha mẹ mất đi. Mồ mã trong Nam ở ngay trong vườn nhà chứ không rải rác như miền Bắc hay miền Trung.
12.7 mức sinh đẻ
Mức sinh đẻ như là một chỉ báo của trình độ văn hoá ứng xử: người phụ nữ miền thôn quê Châu thổ Cửu Long, khác với miền sông Hồng, còn sinh nhiều con. Tại các đô thị lớn như Saigon, phụ nữ đã chấp nhận một số biện pháp ngừa thai còn ở thôn quê, số con vẫn là 3.2 con (trái với 2.9 con là số trung bình các bà mẹ đồng bằng sông Hồng).
12.8 văn nghệ
Nếu ở miền châu thổ sông Hồng có hát quan họ, hát chèo, hát ả đào, hát trống quân thì miền châu thổ Cửu long có hát cải lương, hát vọng cổ, hò vè...
Hát bội miền Bắc chú trọng vào cử động, hát cải lương chú trọng nhiều vào lời ca, tiếng hát và trong cải lương luôn luôn có hát vọng cổ, thông thường là 6 câu, ví dụ:
Đèn treo ngọn ái, nước xoáy gò ân
Phải lương duyên thì xích lại cho gần
Kẻo mai kia vắng mặt, hai đứa thầm nhớ thương
Gặp anh vô cớ, em chẳng dám nhìn
Sợ chị lớn ở nhà, chị sanh tâm biến tính, hốt lửa lôi đình
Chị rình ngã ba, chị đón ngã bảy, không biết chết mình hay hại em
Hò vè là một nét độc đáo khác của trong Nam với những câu đối đáp của trai gái chưa từng quen nhau trên các ghe khách thương hồ dọc các dòng sông, kinh rạch. Điệu hò mộc mạc, khoan thai từ những ghe thuyền lờ lững trên kinh rạch:
Chim buồn tình, chim bay về núi
Cá buồn tình, cá lủi xuống sông
Anh buồn tình, anh dạo chốn non Bồng,
Dạo miền sơn cước, xuống tới chốn ruộng đồng mới gặp được người thương
Những lời ca ru em như:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc léo, gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Hoặc:
Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Hoặc:
Ra đi mẹ có dặn dò
Sông sâu đừng lội, đò đầy đừng đi
Hò trên bộ (có chỗ còn gọi là lý) như hò cấy lúa, gặt lúa đêm trăng. Hò dưới sông thì có hò chèo ghe, đem theo chút thi vị trên sông nước bồng bềnh :
Nước chảy lơ đờ, đôi bờ xuôi ngược
Đường đi non nước rộng rãi, thênh thang
Ta vui đi khắp xóm làng
Mặc cho chớp biển, mưa ngàn vẫn vui
Tình yêu trắc trở, người con gái phải bỏ người yêu để đi lấy chồng như trong thơ của T.T.K.H:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi người ấy có buồn không
Nhưng chàng trai cũng không oán người yêu:
Ra đi anh có dặn rằng
Đâu hơn bậu lấy, đâu bằng đợi anh
13.Kết luận
ĐBCL, cách đây 300 năm, là nơi 'muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh' ngày nay đã là một vùng giàu có nhất nước, nhờ nhiều công trình thủy lợi như kinh đào, công trình ngăn mặn, rửa phèn được thực hiện ngay từ đời nhà Nguyễn, đời Pháp thuộc mãi cho đến ngày nay, tạo điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên càng ngày càng có những dấu hiệu hạn chế do nhiều lí do:
a/ sự bùng nổ dân số và sự đô thị hoá làm quỹ đất canh tác càng ngày càng giảm dần.
b/ các công trình thủy lợi ở thượng lưu sông Mekong làm giảm lưu lượng dòng chảy, khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội địa nên không thể làm lúa vào mùa nắng ở các vùng nhiễm mặn .
c/ nạn phá rừng ở thượng lưu cũng có tác động tiêu cực như lụt lội ở đồng bằng, gây thiệt hại người và của, phá hủy lúa Hè Thu ..
d/ vì quỹ dất canh tác càng ngày càng hẹp dần do dân số tăng nhanh nên cần có những giải pháp lâu dài và đồng bộ như tạo ra những nguồn thu khác nhau trong nông nghiệp (cây ăn trái, rau đậu, hải sản) lẫn ngoài nông nghiệp như các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thương mãi, chuyên chở ..Cần đẩy mạnh sự chế tạo các sản phẩm xuất cảng được ngay ở vùng nông thôn để sử dụng nhân công dư thừa, song song với việc phát triển cơ sở hạ tằng ở nông thôn (điện, nước, đường ) chứ không nên tập trung quá đáng vào các vùng đô thị và cận đô thị .
e/ tại những vùng ít có khả năng nông nghiệp như vùng đất mặn, phèn nặng thì việc trồng rừng, kết hợp với nuôi thủy sản là cần làm: trồng rừng, bảo vệ rừng ngập mặn không những để cung cấp củi gổ cho nhu cầu xã hội mà còn bảo vệ môi sinh đa dạng, giúp cho chim, cá có nơi sinh tồn.
f/ đào tạo thêm các nghề nghiệp mới, nhất là trong lãnh vực công nghệ tin học, công nghệ sinh học để bớt sức ép trên ruộng đồng. Vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn quả thật là bức xúc trong bối cảnh hiện nay.
g/ phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp và ngay tại nông thôn: xây dựng kỷ nghệ chế biến nông sản ( trái cây, mía đường, thơm ..), hải sản (nhà máy đông lạnh thủy sản như tôm đông, mực đông, cá đông ..), súc sản (trứng vịt, heo), sửa chửa, lắp ráp máy (nông cơ), sản xuất vật liệu xây dựng..Đây là một phương cách đô thị hoá nông thôn bằng nguồn năng lượng khai thác ngay trong xã hội nông thôn (nhân lực, tay nghề, vốn liếng) để tránh tình trạng khiếm dụng lao động nông thôn, cải thiện mức sống trong điều kiện áp lực dân số cao, ruộng đất bình quân đầu người giảm dần.
Đất hẹp, nguời đông nên cần nâng cao hiệu qủa sử dụng đất đai bằng cách chỉ trồng các nông sản có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh cao như giảm các vùng lúa năng suất thấp để nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, cây lâm nghiệp.
Thái Công Tụng
|