Hoa sen trong văn hóa VN
30/9/2020

HOA SEN TRONG VĂN HOÁ VIỆT NAM

Nguyễn Văn Ngưu, PhD

 

Sacred lotus Nelumbo nucifera.jpg

Hoa sen hồng, Hoa Quốc Gia

Qua ngàn năm lịch sử, người Việt có nhiều gần gũi và gắn bó với hoa sen hơn các loại hoa khác. Người Việt có một gần gũi với nước và lúa nước và hoa sen cũng có một gần gũi với nước và bùn đất giống như người Việt và cây lúa nước. Trên toàn nước Việt Nam, từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng có hoa sen. Ngoài những cánh đồng lúa, mỗi một làng Việt Nam truyền thống đều có một lũy tre xanh, một cây đa và một ao hay hồ sen.

Với người Việt, hoa sen là một loại hoa đặc biệt bởi vì nó không chỉ là một bông hoa như các bông hoa khác mà còn là một biểu tượng cho sự trong sạch thanh cao. Hoa sen thường được trồng làm cây cảnh ngoại thất, trồng trong ao hồ nhân tạo hay tự nhiên. Hoa sen có nhiều màu sắc khác nhau, và mỗi màu sắc thì lại mang một ý nghĩa riêng biệt: hoa sen xanh da trời (blue lotus), hoa sen trắng (white lotust), hoa sen đỏ (red lotus), hoa sen tím (purple lotus), hoa sen hồng (pink lotus). Hoa sen hồng là loại cây cảnh đẹp, được nhiều người Việt thích nhất. Trong năm 2011, hoa sen hồng được chọn là Hoa Quốc Gia (national flower).

Hoa Sen Trong Văn Hoá Của Người Việt

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng, vào cuộc sống, và văn hoá của người Việt. Nếu hoa đào chỉ phổ biến ở miền Bắc, hoa mai là đặc trưng của phương Nam thì hoa sen được trồng phổ biến ở cả 3 miền của đất nước. Khóm sen nổi trội lên giữa đầm nước mùa hạ trong xanh dưới ánh nắng trời. Sắc lá xanh tươi như những chiếc ô xinh xắn nhô lên mặt nước, mát mắt, ưa nhìn. Bông sen mở cánh sáng lên dưới nắng trời, toả hương ngào ngạt từ nhị hoa vàng. Hoa sen, mặc dù lớn lên từ đầm lầy, biểu dương cho sự trong sạch, một cam kết và là một lạc quan cho tương lai.

Với người Việt, bông hoa sen tượng trưng cho sự thanh cao, bất khuất của người quân tử, giữ chặt lòng mình trước cám dỗ của lợi danh, giữ cho mình sự trong sạch dù ở giữa chốn bùn nhơ. Từ thời xa xưa người Việt đã từng ấp iu bài ca dao nổi tiếng dưới đây.

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Vào ban đêm, hoa sen khép kín và ngâm mình xuống dưới nước. Vào bình minh hoa sen vươn lên khỏi nước và nở ra trở lại. Tiến trình nở và khép này của hoa sen giúp hoa sen khỏi đụng chạm với dơ bẩn và giữ được cái trong sạch của nó. Do vậy, trong văn hóa Việt Nam, hoa sen không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt, là biểu tượng của nhân cách người Việt. Hoa sen cũng chính là biểu tượng của sự hoàn hảo, thuần khiết, tượng trưng cho bản chất nguyên nguyên thủy của trái tim.

Hoa Sen Trong Tình Yêu Của Người Việt

Hoa Sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa của người Việt. Hoa sen là hình ảnh đại diện cho tình tình yêu trong sáng, thủy chung, sự đam mê trong tình yêu và không vướng phải những sai trái. Thưở xưa, ở Việtnam, các cậu trai muốn tỏ tình yêu thương các cô gái thường tặng hoa sen. Ca dao dưới đây nói về hoa sen và tình yêu của một chàng trai ở nông thôn trong khi anh ta đi tát nước cho ruộng lúa.

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?

Theo quan niệm phong thủy, nếu bạn đang mong muốn có một tình yêu chân thực trong đời và sắp tới muốn tiến đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nên dùng biểu tượng hoa sen hoặc trưng hoa sen trong nhà, ở môi trường làm việc. Hoa sen mọc lên từ bùn lầy song vẫn tinh khiết, thanh tao, không hề bị ô nhiễm bởi bùn lầy mà còn có khả năng làm nước đục trong đầm lắng trong. Nước ở hồ sen ở thôn quê do đó thường trong xanh thích hợp cho việc tắm rửa của con người.

Rủ nhau ra tắm hồ sen
Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình
Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh 
Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay

Hoa Sen Và Người Phụ Nữ Việt Nam

Hoa sen còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Ý nghĩa hoa sen gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt trong tà áo dài thướt tha, đầu đội nón lá và tay ôm bó hoa sen, khiến người nhìn cảm thấy xuyến xao. Cùng với đó, sức sống của hoa sen có những điểm tương đồng với đức tính của người phụ nữ Việt, chịu thương chịu khó, luôn hy sinh và khiêm nhường, song cũng thật mạnh mẽ và nổi bật.

Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em liếc như là dao cau

Nụ cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen

https://media.ex-cdn.com/EXP/media.phatgiao.org.vn/files/f1/Contents/thuongnguyen/20180605/y-nghia-hoa-Sen-4.jpg

Hoa Sen Và Phật Giáo Việt Nam

Phần lớn người Việt (chừng 80%) nghĩ rằng họ là người theo đạo Phật và do đó họ luôn có suy nghĩ về vị trí của hoa sen trong giáo lý và huyền bị của đạo Phật. Bạn có thể thấy khắp nơi trong Việt Nam tượng đức Phật ngồi trên một hoa sen. Sự hình thành của hoa sen diễn ra theo qui luật nhân quả luân hồi và hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật của Phật giáo Việt Nam. Hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín. Sự hiện diện của hoa sen ở chùa hay ở đền chùa làm giảm  đi nhuệ khí sân si dục vọng  của các tu sĩ và làm người khách cảm thấy lòng lân lân thả hồn về cõi hư vô, ấy cũng nhờ mùi hương thơm nhẹ nhàng của  hoa sen.

Trong Phật giáo, hoa sen được biết đến với sự tinh khiết, thức tỉnh và trung thành bởi vì nó mọc lên từ những vùng nước bùn lầy, hôi bẩn song lại giữ được bản thân hoàn toàn trong sạch. Hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp. Do đó, hoa sen là mô típ tạo hình cho cả Thiền môn: Đức Phật từ bi toạ trên đoá sen, Phật Quan Âm ngồi trên đài sen và khi lễ Phật hai bàn tay chắp lại làm thành hình hoa sen chưa nở. Hoa sen là ấn tượng trong các công trình xây cất nổi tiếng của Phật giáo Việt như chùa Một Cột, tháp Cử Phẩm liên hoa ở chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương.

Hoa Sen Trong Nghệ Thuật Việt Nam

Hoa sen mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong văn hóa Việt Nam, nó xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật: thi ca, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí. Hoa sen là quốc hoa có thể thấy rõ trong các vật chứng lịch sử còn được lưu lại đến ngày nay, như các họa tiết trang trí hoa sen trong các đình, đền, chùa và nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí khác, đặc biệt là vào thời Lý, Trần.

Hoa sen cũng là loài hoa duy nhất được làm bằng đồng, bằng gỗ và xuất hiện trên bàn thờ của người Việt. Chùa Một Cột (còn gọi là Chùa Diên Hựu) xây trong năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông là hình ảnh của đoá sen nổi trên hồ nước là một tiêu biểu cho kiến trúc Việt Nam.

https://media.ex-cdn.com/EXP/media.phatgiao.org.vn/files/f1/Contents/thuongnguyen/20180605/y-nghia-hoa-Sen-2.jpg

Ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng như (a) Tại khu vực đền vua Đinh và đền vua Lê, ngoài đề tài trang trí chim phượng còn có đề tài hoa sen, (b) Các viên gạch lát nền, các đài hoa sen, các bệ tượng Phật bằng hoa sen trong cac thời vua nhà Lý, (c) Cánh hoa sen bằng gốm sứ từ triều đại vua Lý (1009 – 1225) được chưng ra tại thành cổ Thăng Thanh Long ở Hà Nội, va (d) Các đồ án hoa sen với phong cách hiện thực sinh động trên một số gốm hoa nâu thời vua nhà Trần.

Hoa Sen Trong Văn Hoá Ẩm Thực Việt Nam

 

Các cánh hoa được sử dụng để tô điểm món ăn, lá sen to được dùng để gói thức ăn. Thân rễ (ngó sen) có thể dùng chế biến nhiều món ăn (xúp, canh, món xào) và là phần được dùng nhiều nhất. Nhị hoa phơi khô dùng để ướp chè/trà. Các hạt nhỏ lấy ra từ bát sen có thể ăn tươi (khi non) hoặc sấy khô và cho nổ tương tự như bỏng ngô. Hạt sen già cũng có thể luộc cho đến khi mềm và được dùng trong các món như chè sen hay làm mứt sen.

Trà sen

Sen hồ Tịnh Tâm của Cố đô Huế ngày xưa được dùng để ướp trà cho vua. Người ta ướp trà vào ban đêm. Khi sen vừa hé nhụy là lúc trời đất đang giao hoà, hương còn rất đượm. Trà được đặt vào trong lòng hoa rồi dùng dây buộc lại, ép không cho hoa nở ra, để qua hết đêm trà sẽ hấp thụ toàn bộ hương sen. Sáng hôm sau thì thu trà, trà sen Huế vì thế có hương thơm thanh khiết và đậm đà đến say lòng.

Người Huế dùng hạt sen tươi để nấu chè. Ngoài ra, người Huế còn dùng hạt sen để nấu cơm sen rất nổi tiếng trong các món ăn truyền thống Huế. Trong những món ăn “bát bửu”, cơm sen xuất hiện với một phong cách rất Huế. Ngoai miền Bắc, người ta thường dùng dùng lá sen để gói cốm. Những hạt cốm xanh màu ngọc thạch trở nên dẻo và thơm lâu hơn khi nằm trong lòng chiếc lá sen tươi.

Mùa Hoa Sen Nở

Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng, vào cuộc sống, và văn hoá của người Việt. Nếu hoa đào chỉ phổ biến ở miền Bắc, hoa mai là đặc trưng của phương Nam thì hoa sen được trồng phổ biến ở cả 3 miền của đất nước. Ở miền Bắc Việt Nam, hoa sen có thể bắt đầu nở sớm nhất vào tháng ba dương lịch (hay March). Song le, thông thường thì bạn có thể ngắm những bông hoa sen đẹp ở Hồ Tây ở nội thành Hà Nội bắt đầu từ đầu hè, khoảng tháng 5 âm lịch (hay June). Cứ đến thời điểm này, ngoài những gánh hàng rong dễ dàng bắt gặp ở bất kì đâu trên phố thì bạn còn có thể đến những khu chợ hoa Quảng An, chợ Đồng Xuân để tìm mua cho mình những bó sen đẹp nhất.

Ở miền Trung Việt Nam, sen từ xưa đến nay đã rất gắn bó với con người xứ Huế. Dạo quanh thành phố Huế xinh đẹp vào những ngày hè khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những hồ sen ở quanh Đại Nội nở hoa rực rỡ với hai màu sắc chính hồng và trắng, kết hợp với màu xanh của lá tạo nên một không gian cực kỳ nên thơ, lãng mạn. Có thể nói rằng hoa sen ở hồ Tịnh Tâm là đẹp nhất mảnh đất cố đô này. Ngoài khu vực Đại Nội và hồ sen Tịnh Tâm ra, hồ sen ở thị xã Hương Trà, hồ sen ở làng La Chữ cũng rất đẹp.

Ở miền Nam Việt Nam, hoa sen bắt đầu nở sớm nhất vào tháng tư âm lịch hay May. Ở đầm sen Tam Đa ở quận 9 của thành phố Sài Gòn mùa hoa sen nở rộ là từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch – cả đầm có một màu xanh ngát với hàng nghìn cánh hoa khoe sắc hồng.

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp ở Đồng bằng sông Cửu Long là tỉnh có nhiều đầm và ruộng hoa sen nhất ở Việt Nam, như được diễn tả qua câu các câu ca dao sau.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre.

Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười

Hay

Ai về Đồng Tháp mà xem
Bông sen, bông súng nở chen lúa vàng

Tháp Mười từ lâu vốn dĩ nổi tiếng với những ao sen tỏa hương thơm ngát cùng khí hậu trong lành mát mẻ. Vào mùa nước nổi, Tháp Mười càng thu hút du khách bởi khắp nơi sen hồng khoe sắc. Đồng sen Tháp Mười tọa lạc tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, cách Thành phố Cao Lãnh khoảng 40 km và cách Sài Gòn tầm 160 km.

Cứ vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm là Đồng Tháp Mười lại vào mùa sen nở rộ. Sen trong ao hồ, sen ở kênh rạch, sen ngay trong ruộng lúa. Sen thường nở vào buổi sáng, khi những tia nắng sớm bắt đầu le lói, nụ sen e ấp bắt đầu chớm nở. Khoảng thời gian từ trưa cho đến khoảng 3 giờ chiều là lúc sen đẹp nhất, lúc này, những bông sen kiêu hãnh khoe sắc tỏa hương dưới ánh mặt trời. Xế chiều, sen chuyển sang hồng đậm rồi ngã dần sang đỏ khi mặt trời lặn.  Trong 3 ngày sen sẽ nở theo chu kì như vậy rồi chuyển sang màu tím thẫm và bắt đầu tàn. Cứ bông này tàn thì bông khác lại mọc lên khoe sắc, cho nên Tháp Mười lúc nào cũng rực rỡ hoa sen.

Hình ảnh đầm sen Tam Đa quận 9 Hồ Chí Minh

Đầm sen Tam Đa quận 9 Hồ Chí Minh

Hoa Sen Và Kinh Tế Nông Dân Trong Những Năm Gần Đây

Trong những năm gần đây báo Nông Nghiệp Việt Nam có đăng một số tin về vai trò của hoa sen trong nền kinh tế của nông dân ở Việt Nam. Trong năm 2014, có nhiều hộ dân tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giảng và huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đã chuyển từ lúa kém hiệu quả sang độc canh cây sen. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận trồng sen đạt trên 100 triệu đ/ha/vụ (Ref 1). Trong năm 2015, ở tỉnh Hậu Giang đã có những ruộng sen bạt ngàn sau khi nong dan tranh thủ trồng sen trên nhung vùng đất trũng, trồng lúa vụ giữa không trúng như các vùng khác. Hoa sen chỉ được trồng sau khi cắt lúa Hè Thu. Trồng sen không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn (Ref 2).

Năm 2018, ngoài thu nhập từ việc bán hạt sen, đầm sen ở xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nở rộ đã tạo nên bức tranh đồng quê thơm ngát và chỉ trong 3 tháng hè có rất nhiều đoàn khách tới tham quan, mỗi đoàn chi 20.000 đồng tiền vé (Ref 3). Cũng trong năm 2018, những đầm sen bên con đê Ngọc Tảo ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội n ở rực màu hồng của hoa sen. Người người tấp nập ra vào đầm tham quan, mua sen (Ref 4)

1. Ref 1: https://nongnghiep.vn/trong-sen-de-ban-lai-kha-post127662.html

2. Ref 2: https://nongnghiep.vn/thu-nhap-cao-nho-trong-sen-post151448.html

3. Ref 3: https://nongnghiep.vn/khuyen-nong-vien-trong-sen-cao-san-tren-que-lua-post242453.html

4. Ref 4: https://nongnghiep.vn/dam-sen-xu-doai-thu-ca-trieu-dong-moi-ngay-post245718.html

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 243554 visitors (458561 hits) on this page!