Nhớ về xứ Haute Volta
15/7/2020

NHỚ VỀ XỨ HAUTE VOLTA

Trần Văn Đạt, Ph. D.


Bản đồ nước Burkina Faso (Internet)

Ngày 30-10-2014, nước Burkina Faso (hay Haute Volta trước kia) có thêm một lần đảo chánh, thay ngôi đổi chủ làm xáo trộn đời sống xã hội hàng ngày. Với sự khích động của các phe đối lập, người dân nổi dậy biểu tình rầm rộ để phản đối Tổng Thống Blaise Compaoré (63 tuổi), vì Ông muốn tu chính Hiến pháp để có thể tiếp tục cai trị xứ sở thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi đã ở ngôi vị 27 năm. Một ngày sau, Ông Blaise tuyên bố từ chức và đi lưu vong ở Côte d’Ivoire. Sau đó, tình hình chánh trị Burkina Faso luôn xáo trộn, vẫn còn sự tranh chấp nắm giữ quyền hành giữa hai nhân vật trong quân đội: Tổng Tham mưu trưởng quân đội Burkina Faso Navéré Honoré Traoré và Phó chỉ huy bảo vệ Tổng Thống Đại tá Isaac Yacouba Zida.

Qua nhiều bất ổn chánh trị và sự can thiệp từ bên ngoài, đến tháng 11-2015 cựu Thủ Trướng Marc Kaboré của Chánh phủ Blaise Compaoré thắng cuộc bầu cử Tổng Thống với lời hứa làm giảm bớt thất nghiệp, cải tiến hệ thống giáo dục và y tế, và cung cấp dịch vụ sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hy vọng đất nước nghèo này có được đời sống chánh trị ổn định và dân chúng được yên bình làm ăn.

Mỗi khi đất nước có biến cố quan trọng, người dân vừa lo lắng vừa vui mừng vì họ chẳng biết tương lai của xứ sở và dân tộc sẽ về đâu; nhưng mong chờ sự đổi mới tốt hơn cho đất nước. Tin tức về Cuộc đảo chánh nêu trên và cuộc bầu cử Tổng Thống vừa qua làm tôi nhớ lại đã có hơn 2 lần đến làm tư vấn chuyên ngành trên đất nước này trong thời gian khá lâu và bản thân còn mang một số kỷ niệm.

Tôi có duyên với đất nước nhỏ bé tại Tây Phi châu khi còn làm việc với Cơ quan USAID và Cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) ở Rome. Vào mùa hè 1977, trong khi đang làm nghiên cứu sinh tại UC Davis, California tôi được mời làm tư vấn cho USAID trong dự án thành lập Chương trình hạt giống tại nước Haute Volta (bây giờ Burkina Faso) trong hơn 2 tháng. Đây là chuyến đi Phi Châu đầu tiên của tôi với nhiều cảm xúc lo lắng, mới lạ và lý thú. Mặc dù đã biết và thấy Phi Châu qua truyền thông, nhưng khi quá cảnh đặt bước chân đầu tiên từ phi trường đến thủ đô Dakar, xứ Sénégal, ở đâu tôi cũng chỉ thấy một màu đen nâu và thấy mình là người xa lạ như từ hành tinh nào lạc đến. Sau 5-7 ngày sống tại Thủ đô này, tôi mới cảm thấy không còn nhiều khác biệt với người địa phương nữa, dường như mình đã hòa đồng với màu nâu đen từ lúc nào, và với óc hiếu kỳ, tôi cố tìm hiểu thêm về con người, xã hội, văn hóa và nhứt là lãnh vực nông nghiệp của xứ này.

Sau một tuần lễ tạm trú tại thành phố Dakar do công nhân đình công ở sân bay Thủ đô Ouagadougo tôi đến xứ Haute Volta vào buổi sáng sớm và được nhân viên USAID đưa đến Đại sứ quán Mỹ để bắt đầu làm việc. Sau một lúc tiếp chuyện với các nhân viên nơi đây, tôi vui mừng biết được nhiều nhân viên USAID đã có thời làm việc tại VN trước 1975. Do đó, công tác tư vấn của tôi cũng được thực hiện dễ dàng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ quán, đặc biệt chỗ tạm trú và phương tiện di chuyển mỗi ngày. Mục đích của chuyến tư vấn là thiết lập phòng thí nghiệm kiểm giống quốc gia và tổ chức huấn luyện cho một số nhân viên bản xứ. Nhờ vào kinh nghiệm ở “Phòng Sản xuất và Kiểm tra hạt giống” của Miền Nam VN (tại Sở Lúa gạo, Sài Gòn) và phòng Thí nghiệm hạt giống của Department of Agronomy & Range Sciences, UC Davis, tôi đã hoàn thành công tác trong thời hạn giao phó.

Sau này, Phòng Thí nghiệm Kiểm giống đó đã trở thành Sở Hạt Giống Quốc Gia (National Seed Service) của xứ Haute Volta và hai nhân viên của nước này được gởi đi tu nghiệp ở Mỹ trở về làm việc tại Sở, mà một người đang làm Giám Đốc Sở. Trong hơn hai tháng làm việc hè, tôi có dịp tiếp xúc nhiều người bản xứ và hiểu biết thêm đời sống và văn hóa của người Burkinabé. Họ rất thân thiện, cởi mở khi trò chuyện, và làm việc với tinh thần lạc quan, thoải mái, nhưng hơi chậm chạp. Càng đi ra khỏi thành phố, đời sống của người dân hãy còn lam lũ, mộc mạc. Nhưng giới trí thức của Haute Volta thường tự hào về sự thông minh của họ so sánh với các nước láng giềng: Mali, Niger, Bénin và Togo.

Đến năm 1982 tức 5 năm sau, tôi lại có duyên mới với đất nước này nên đã trở lại đây làm việc cho Cơ quan FAO trong 2 năm với tư cách Chuyên gia lúa gạo; đó là do một phần từ Ông L. Siry, cựu Giám Đốc Cục Canh Nông của Bộ Nông nghiệp Haute Volta lúc tôi làm tư vấn năm 1977, nay Ông là Trưởng nhiệm sở đặc trách Phi Châu của FAO ở Rome. Lần này, tôi trở lại xứ Haute Volta với một tâm trạng rất bình thường và chút ít phấn khởi trong lòng, bởi vì năm trước đó tôi làm việc cho USAID tại thành phố Gao, Mali và hiểu biết khá nhiều về xã hội người Châu Phi.

Lần này, tôi đến làm việc chuyên ngành tại Bobo Dioulasso, thành phố lớn thứ hai và cố đô của Haute Volta, cách Thủ đô Ouagadougou về phía Tây nam khoảng 350 Km; nơi đây cũng là thành phố quê hương của ông bạn L. Siry nói trên. Trong 2 năm làm việc, tôi thường đi công tác tại nhiều tỉnh trong nước, từ tỉnh Banfora đến Sourou, Kafigella, Bagré, Dédougou, Niongoloko, N' Dionkélé, Dori… Khi đến tỉnh lỵ Dédougou, tôi đã gặp Ông Đoàn Minh Quan, cựu Tổng Giám Đốc Nông Nghiệp và Thứ Trưởng Bộ Canh Nông và Cải Cách Điền Địa đang làm việc cho một dự án Ngân Hàng Thế Giới. Trước đó, tôi đã gặp Ông một lần ở thủ đô Bamako, Mali.

Xứ Burkina Faso là một trong 10 nước nghèo nhứt thế giới, được độc lập từ Pháp năm 1960 và có 60 sắc tộc, trong đó người Mossi chiếm gần 40%, kế đó là người Bobo, Mandé, Lobi, Fulani, Gourounsi, Senufo... Ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp, bên cạnh còn có tiếng Moré và Dioula.

Xứ này nằm trong lục địa thuộc vùng khí hậu nóng Sahel, tiếp cận sa mạc Sahara ít mưa, chiếm diện tích 274.200 km2. Xứ tiếp giáp với Mali ở phía Bắc và Tây; 4 nước Côte d'Ivoire, Ghana, Togo và Bénin ở phía Nam; và Niger ở phía Đông. Hiện nay, dân số ước lượng 17,3 triệu người, mà 80% là thành phần nông nghiệp, lợi tức mỗi đầu người là 649 Mỹ kim (2013). Ngoài lúa gạo, họ còn nuôi gia súc, trồng bông vải, kê, lúa miến, đậu phụng, bắp…  Nước này cũng có một số mỏ, nhưng giới hạn như mangan, vàng, vôi, đá cẩm thạch, phân phosphate (lân) (Wikipedia).

Ở đây, tôi còn gặp nhiều người bản xứ, gồm cả trẻ con có gương mặt bị rạch (mặt gạch) ở hai bên má và trán do hủ tục nhận dạng của từng bộ tộc để lại. Tại Việt Nam trong thời Pháp thuộc, tôi đã thấy nhiều lính lê dương mặt gạch, được gọi là "lính mặt gạch hay rạch" đến từ các nước Tây Phi trong các chiến dịch bố ráp tại quê tôi (Gò Công). Ông L. Siry, người Burkinabé nói trên, một quan chức cấp cao FAO làm việc tại Rome, trên gương mặt vẫn còn hiện ra vài vết “rạch” ở bên má.

Trong thời gian làm việc tại Haute Volta, tôi có cơ hội quen thân với cộng đồng người VN ở Thủ đô Ouagadougou và Bobo Dioulasso. Tại Thủ đô Ouagadougou, có cộng đồng người Việt khá đông, nên mỗi dịp lễ lớn chúng tôi thường đến đó thăm một số gia đình quen biết, như gia đình anh Đổ Cao Thiện, giáo sư Canh nông; G.S. Nguyễn Hữu Trí (trước kia dạy học tại Đại Học Huế) làm Viện Trưởng Đại Học Ouagadougou; họ có quốc tịch Pháp làm việc cho Chính Phủ Pháp trong chương trình hợp tác - “Coopération française”; anh Jean Louis Lanson (Ngô) làm việc tại Đại sứ quán Pháp; Bác Sĩ Lê Văn Giát làm việc cho Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO)… Thường trong những dịp đó, bà con Việt Nam tụ tập rất đông ở một nhà người Việt để gặp nhau, trò chuyện, tâm sự vui vẻ suốt đêm. Đó là những dịp vui quý hiếm của những người xa xứ.

Ngoài ra, tôi còn nhớ có dịp gặp Bác Sĩ Nguyễn Thọ Viễn thuộc Viện Sốt Rét Hà Nội đi công tác ở Bobo Dioulasso trong chương trình Coopération Pháp. Anh làm việc tại bệnh viện về ngành sốt rét ở thành phố Bobo Dioulasso trong một năm. Vào mỗi cuối tuần, tôi đưa anh về nhà chơi để anh bớt nhớ nhà. Tôi cũng có dịp gặp anh Truyền của Viện Thí Nghiệm Lạc ở Miền Bắc đi công tác về nghiên cứu cây đậu phụng ở Niongoloko, cách nơi chúng tôi ở độ 100 cây số, gần biên giới xứ Côte d'Ivoire và đưa anh về nhà chơi. Sau này khi về công tác FAO ở Hà Nội, anh tìm đến gặp tôi ở khách sạn Daewoo và truyền cho tôi phương pháp tập thể dục "Suối nguồn tươi trẻ" để giữ gìn thân thể luôn khoẻ mạnh.

Đến năm 1983, chúng tôi trải qua một thời kỳ khó khăn do cuộc đảo chánh tại nước này. Đại Úy Thomas Sankara lúc đó mới 33 tuổi đã thành công trong cuộc đảo chánh và thiết lập Chính phủ Cách Mạng tại xứ Haute Volta với mục tiêu diệt tham nhũng và thế lực thực dân còn sót lại. Ngay sau đó, Ông phát động các chương trình đầy tham vọng về cải cách xã hội, kinh tế mà chưa có quốc gia Phi Châu nào thực hiện. Do đó, Chính Phủ của Ông đổi tên nước Haute Volta là Burkina Faso (Lãnh thổ của những người nổi dậy) và tạo ra quốc ca và quốc kỳ mới. Ông được dân chúng ủng hộ nồng nhiệt buổi đầu, nhưng cuộc Cách Mạng đã gây ra nhiều xáo trộn kinh tế xã hội, thay đổi chính trị sâu rộng trong nước (quốc hữu hóa ruộng đất, các mỏ kim loại…). Về ngoại giao, Ông hô hào chống đế quốc, tân thực dân, bất tuân các áp đặt của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đặc biệt hơn hết, Ông Sankara đưa ra nhiều chương trình nổi tiếng như: Trồng 10 triệu cây để ngăn cản sa mạc hóa; mỗi làng phải có phòng y tế; 350 cộng đồng trong nước phải xây trường học với sức lao động địa phương; ưu tiên giáo dục, chống nạn mù chữ; bênh vực phụ nữ, cấm đa thê và các hũ tục đối với phụ nữ; chích ngừa cho 2,5 triệu trẻ con chống bệnh xởi, sốt rét vàng và bệnh sưng màng óc; tăng gấp đôi sản xuất lúa mì bằng cách lấy đất của Đại điền chủ giao cho nông dân; hủy bỏ lãnh đạo truyền thống của các Trưởng bộ tộc và thay thế bằng các Ủy ban Bảo vệ Cách Mạng CDR (Committees for the Defense of the Revolution)… (Wikipedia).

Ngoài xã hội, ban ngày có những nhóm thanh niên, trẻ con đi biểu tình ngoài phố, hô to những khẩu hiệu “Ủng hộ”, “Đả đạo” vang vội phố phường. Ban đêm có giới nghiêm.

Ngoài ra, Ông Sankara còn có các hành động can đảm và quyết định mạnh bạo mà không cần chú ý đến các hậu quả liên hệ để thực hiện mục tiêu Cách Mạng của Ông, như:

Đi làm việc bằng xe gắn máy và văn phòng làm việc của Ông không có máy lạnh vì nhà dân không có.

Thay thế các chiếc xe Mercedes bằng Renault 5 rẽ tiền hơn lúc đó cho các Bộ Trưởng.

Cắt giảm lương công chức và của Ông.

Bắt buộc các công chức giàu cống hiến một tháng lương cho các dự án phát triển.

Các công chức và giáo chức phải cống hiến một số ngày công cho các dự án thủy lợi lớn ở vùng Sourou…

Chống các viện trợ ngoại quốc với lời nói “Ai nuôi anh người đó muốn kiểm soát anh”.

Kêu gọi các nước Phi Châu từ chối trả nợ ngoại quốc vì nông dân bị các nước này khai thác.

Biến đổi nhà kho quân đội thành siêu thị đầu tiên cho mọi người ở Thủ đô Ouagadougou.

Xây cất nhiều khu nhà cho người lao động.

 

Do đó, Ông rất nổi tiếng không những trong nước còn ở nhiều nước Châu Phi. Ông được nhiều người Phi Châu gọi là Che Guevara của Châu Phi” (BBC News: 'Africa's Che Guevara': Thomas Sankara's legacy by Alex Duval Smith, Ouagadougou, 30-4-2014). 

Trong thời kỳ Cách mạng đó, đời sống của những người ngoại quốc tại Thủ đô và các thành phố lớn bị ảnh hưởng không ít. Họ trở thành đối tượng của các nhóm diễn hành ngoài đường phố: xe hơi của họ chạy ngoài đường thường bị ném đá, người đi bộ bị hành hung... Chúng tôi phải giới hạn đi lại, ngoại trừ đến sở làm việc. Chúng tôi cũng được nhà nước cấp thẻ chứng minh thư cá nhân, đi vào và ra khỏi nước phải có giấy phép… Thời gian đầu Cách Mạng tương đối căng thẳng nặng nề, nhưng dần dần dân chúng buông lơi và thờ ơ. Tôi rời khỏi nước này trước khi cuộc Cách Mạng chấm dứt để đến thành phố Rome tiếp tục làm việc cho FAO từ tháng 4-1984.

Ngày 15-10-1987 tức sau 4 năm Cách Mạng, Chánh phủ Ông Thomas Sankara bị lật đổ và Ông bị ám sát trong một cuộc đảo chánh do Bộ Trưởng Blaise Compaoré chủ mưu, được Pháp ủng hộ. Tổng Thống Blaise Compaoré cũng vừa bị lật đổ sau 27 năm cầm quyền.

Tham vọng con người không phải là điều không  tốt, nhưng lòng tham luôn bất tận không đáy, gây rủi ro không nhỏ đến vận mệnh chính mình và ảnh hưởng rất nhiều cho tương lai dân tộc và đất nước. Tình trạng bất ổn chính trị và xã hội là một trong các lý do chủ yếu làm nhiều nước Châu lục đen chậm phát triển.  

5-12-2016

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 228913 visitors (433940 hits) on this page!