Để Góp Thêm Thú Vị cho Những Người Yêu Thích Lan
Nguyễn Lương Duyên
Từ bao thế kỷ, hình dáng và hương sắc của hoa lan đã làm con người khắp nơi kinh ngạc và say mê. Họ Lan, Orchidaceae, là một họ lớn nhất trong giới thực vật. Với khoảng trên dưới 29,000, loài hiện hữu trong tự nhiên, chiếm đến 8% số loài thực vật có mạch. Chúng được phân xếp loại trong khoảng 850 chi, dựa trên phân tích tiến hoá phân tử suy diễn từ phân-giải trình-tự DNA kết hợp với kiến thức hình thái học trong phân loại. Họ Lan có mặt hầu như khắp thế giới, ngoại trừ châu Nam cực và sa mạc. Họ Lan thích ứng với hầu hết các quần hệ sinh thái trên cạn của trái đất, từ rừng mưa ẩm nhiệt đới đến các trảng cây bụi ven biển, từ đài nguyên đến bán sa mạc, ở vùng núi cao lạnh lẽo Andes và Himalayas, từ rừng ngập nước đến các phế tích, có thể thấy lan cả trong vườn cây quanh nhà. Trong thiên nhiên, đa số các loài lan mọc ở vùng nhiệt đới.
1. Nét rất riêng của hoa lan
Trong giới thực vật hoa lan được xem là một thành công ngoạn mục của tiến hoá. Về mặt đa dạng chủng loại, họ Lan phong phú hơn các họ Cúc (Astrraceae), họ Cỏ/Tre (Poaceae), họ Hồng (Rosaceae), họ Đậu (Fabaceae). Thêm nữa, kể từ khi thành công lai tạolan đầu tiên năm 1856 ở Anh, đến nay con số các loài lan lai tạo được ghi nhận cả 100,000. Với số loài lớn như vậy, hình dạng hoa cũng phong phú khi giống như cái chậu, khi như chiếc hài, chiếc nón, hay có dạng của loài chim, loài ong. Hoa lan thường có sọc và đốm đẹp, nhưng cũng có loài đầy lông và u nần xấu xí. Màu sắc của hoa lan cũng đủ màu, ngoại trừ màu đen thật, dù đôi khi màu tối đến mức tưởng là đen. Hương hoa lan cũng đủ mùi từ dễ chịu đến thật hôi, từ mùi dầu dừa đến long não, đến trứng ung, từ thoang thoảng đến nồng nặc.
Các hoa lan đều có 3 lá đài nằm phía ngoài, một lá đài lưng và hai lá đài bên. Lan còn có 3 lá tràng nằm phía trong, lá tràng giữa, gọi là môi, thường có dạng rất khác với những cánh hoa khác. Môi có chức năng dẫn dụ và làm nơi đáp cho côn trùng thụ phấn. Trong đa số các loài lan,khi còn là nụ môi nằm phía trên và khi nở thì hoa xoay 180⁰, và môi là cánh tràng hoa nằm thấp nhất, mặt môi hướng lên trên. Với các hoa khác, đài thường có màu xanh lục của lá, tràng có màu sắc. Với lan thì tràng và đài trông giống nhau.
Dù vô cùng đa dạng nhưng tất cả hoa lan đều có một đặc điểm rất riêng không có trong bất cứ hoa nào khác: sự hoà lẫn hai bộ phận nhị (hùng/tiểu nhuỵ cho ra phấn hoa) và nhuỵ cái (chứa noãn) vào cùng một bộ phận gọi là trụ, nhô ra từ trung tâm hoa.
Hoa lan có ba nhị và ba nhuỵ. Hai nuốm của nhuỵ cái hoà nhập với một nhị đực và nuốm thứ ba được biến đổi thành một bộ phận nhỏ gọi là mỏ hay nắp, có mục đích ngăn sự tự thụ phấn ở đại đa số các loài lan. Ở hầu hết các loài lan, chỉ có một nhị là khả thụ, cho ra phấn khối với độ kết dính nhiều hay ít. Một phấn khối chứa hàng ngàn đến hàng trăm ngàn hạt phấn, và tuỳ loài một hoa có hai, bốn, sáu hoặc tám phấn khối. Bầu noãn hoa lan đóng thấp so với các thành phần khác của hoa và chứa từ vài trăm ngàn đến cả triệu noãn. Sau khi phấn khối được đặt vào mặt nuốm, một ống phấn sẽ mọc dài ra đưa hạt phấn thụ tinh cho các noãn. Một hạt phấn thụ tinh cho noãn để trở thành phôi. Hạt phấn thứ nhì kết hợp với nhân cực trong túi phôi để tạo nên phôi/nội nhũ. Nhưng với họ Lan, việc tạo thành phôi nhũ bị ngưng rất sớm hay không xảy ra, vì vậy hạt lan chỉ gồm có phôi và vỏ hạt mà thôi. Và có hàng trăm ngàn tới triệu hạt lan nhỏ như bụi nhuyễn được chứa trong một nang (trái lan), thường bị gọi sai là quả đậu lan. Hạt lan không có phôi nhũ để cung cấp dưỡng chất và năng lượng cho phôi trong giai đoạn chưa thiết lập quang hợp, nên giai đoạn này hạt lan phải tiếp nhận các carbohydrate, khoáng chất từ những khuẩn ty của những dòng khuẩn thích hợp trong thiên nhiên. Điều này chỉ được khám phá từ những năm đầu thế kỷ 20, và đã tạo nên những tiến bộ lớn trong công việc lai tạo và nuôi cấy lan trong phòng thí nghiệm, vẫn còn tiếp diễn đến nay. Các cố gắng nuôi lan từ hạt bằng môi trường nhân tạo không cần các chiết xuất từ khuẩn tuy có tiến triển nhưng còn chưa hoàn chỉnh.
Một đặc sắc khác của hoa lan là sự chuyên hoá của một cánh tràng hoa thành môi. Kích thước, hình dạng, màu sắc, mùi thơm của môi thích ứng cao trong việc dẫn dụ một loài côn trùng riêng cho loài. Môi vô cùng đa dạng, từ lớn tới nhỏ, từ rực rỡ bắt mắt tới tầm thường, có loài môi hẹp và thẳng, hay dạng như gáo nước; rìa môi trơn tới có dạng cầu kỳ. Mùi hoa lan thường phát xuất từ các tuyến rải trên mặt hay tập trung ở đáy môi, hay ở các lông nhỏ.
Phát hoa của lan thường gồm các hoa có cuống, sắp xếp không phân nhánh, mọc cách gọi là chùm. Một số ít loài hoa không có cuống, đính thẳng vào trục chính gọi là gié. Một số hoa xếp phân nhánh thành tán hay chùm tụ tán. Một số loài hoa mọc cô độc.Trong tự nhiên sau khi nở, hoa Lan có thể tồn tại từ 6 đến 12 tuần tuỳ loài. Thời gian thu hoạch hạt từ 4 đến 8 tháng sau khi thụ phấn.
Có hai dạng sinh trưởng của lan là đơn trục và hợp trục. Lan hợp trục, như ở Lan Hoàng hậu Cattleya spp, có một thân nằm ngang gọi là căn hành, lần lượt nẩy sinh chồi mới. Rễ cũng sẽ phát sinh từ căn hành. Các chồi cho ra thân sẽ dừng tăng trưởng chiều cao khi mọc hoa. Lan hợp trục có một giảthân hành (giả củ) trông giống như chồi hoa, nhưng đó là cơ quan trữ nước. Lá mới mọc từ những giả củ này và lan sinh trưởng theo chiều ngang. Lan có thể không cần tưới nước một thời gian dài. Đa số các lan có dạng tăng trưởng hợp trục. Lan đơn trục, như ở Lan Thanh nga (Huệ đà), Vanda spp, không có căn hành, thân đứng thẳng hay thòng, và thân tiếp tục ra lá mới mọc đối nhau khi tăng trưởng. Lan đơn trục không có giả củ, nước chứa trong lá dầy và rễ, vì vậy khi khô cần tưới.
Lan có hai môi trường sinh trưởng, phụ sinh (biểu sinh) và đất. Địa lan là những loài mà đời sống của chúng cắm rễ trong đất. Phong lan là những loài mà đời sống của chúng trải qua trên những cây khác. Ngoài racòn có Thạch lan (một dạng biểu sinh) mà đời sống dựa trên lớp mặt đá bị phong hoá. Rễ phong lan thường có một lớp biểu mô rất xốp và dày, gồm nhiều lớp tế bào chết, có khả năng bắt giữ nước.
Lan chính yếu thuộc về nhóm thực vật thân thảo, dù có vài loài mang ít nhiều tính chất của dây leo hay cây bụi. Sự đa dạng của Lan làm chúng ta kinh ngạc, nhất là khi biết những dạng vô cùng đặc biệt. Lan có loài Thanh tuyền/Hoàng điệp lệ, Grammatophyllum speciosum, ở Việt nam thấy có ở Phú Quốc, thông thường cao trêndưới 3-4 m, cá biệt có cây cao đến 7.6 m như sách kỷ lục Guinness ghi nhận. Lan có những loài có hoa tí hon, như vài Teagueia, Pleurothallis mà đường kính chỉ 2 mm. Nhưng lạ nhất là loài Campylocentrum insulare (Brazil) và Lepanthes oscarrofrigoi (Guatemala) hoa chỉ có 0.5 mm, chỉ nhận ra khi khảo sát hiển vi và dễ lầm là một vi nấm! Hoa của loài Brassia thì lớn đến 40 cm, đo từ mũi của các lá hoa.
Một trường hợp hoa lan ngoại lệ đặc sắc khác thấy ở chi lan Cycnoches, còn gọi là Lan Thiên nga hiện diện ở Trung và Nam châu Mỹ. Chi này có hoa đực và hoa cái riêng, mọc trên hai cây riêng biệt (biệt chu) hay mọc cùng trên một cây (đồng chu). Và độc đáo là cường độ ánh sáng và nhiệt độ ảnh hưởng đến phái tính của hoa, phơi sáng nhiều và nhiệt độ cao đưa đến hoa đực, ngược lại sẽ cho ra hoa cái.
Hầu hết các lan là loài tự dưỡng. Phong lan thuộc dạng phụ sinh (biểu sinh), mượn cây chủ như một giá thể để làm chỗ sinh trưởng, không làm hại cây chủ. Tuy nhiên vẫn có một số ít loài lan có dạng sinh trưởng ký sinh, chỉ có rễ như Lan ma, Dendrophylax hay không có diệp lục tố, như Corallorhiza.
Ngoài ra có một dạng sinh trưởng rất hiếm và lạ lùng là lan sinh trưởng ngầm dưới mặt đất, chỉ tìm thấy ở miền Tây châu Úc: lan Rhizanthella. Cây lan trải qua vòng đời hoàn toàn dưới đất, kể cả khi ra hoa cũng cách mặt đất vài cm hay chỉ nhô lên rất ít. Giống lan này không lá, không quang hợp, sống ký sinh vào các khuẩn ty của một nấm sống cộng sinh ở rễ các cây bụi. Phát hoa của loài Rhizanthella garneri là một hoa đầu mọc vừa ló khỏi mặt đất, với đất cát và bã thực vật lẫn vào. Hoa được che phủ bởi một số lá bắc rộng xếp chồng lên nhau. Hoa xếp xoắn ốc, hướng vào tâm, không có cuống hoa. Tràng và đài đính nhau ở đáy, làm thành một vòm che trên môi và trụ. Môi khác với các lá hoa về hình dạng, kích thước, màu sắc, và không có mật hoa. Trụ ngắn và có lông. Thời gian trổ hoa tuỳ loài, trái là một quả mọng không tự khai, chứa khoảng 50-100 hạt.
2. Phân loại và Tiến hoá của họ Lan
Họ Lan là một họ lớn lao về số lượng chủng loài, đa dạng, đủ phương thức sinh trưởng, phương cách chăm sóc nuôi trồng, nên việc phân loại họ này cũng gây nhiều bối rối. Tuỳ mục đích có nhiều cách phân loại lan.
Dựa trên môi trường sinh trưởng và sự thích ứng có địa lan, phong lan, thạch lan. Những địa lan tuỳ loài có khi phải cần đất có tính chất giống như trong tự nhiên hoặc có thể thích nghi với loại đất khác. Phong lan sống biểu sinh trên một cây khác và thạch lan sống trên đá, và chúng thích ứng với môi trường sống bằng cách tạo nên những lớp tế bào bảo vệ dầy, các lớp sáp, và cơ quan trữ nước. Đa số các lan nhiệt đới nuôi trồng là phong lan. Rễ trên không của phong lan dễ bị hư thối khi bị úng nước (do môi trường yếm khí) nên cần môi trường thoát nước dễ, cần cẩn thận xen kẽ khi tưới, khi để khô. Lan cũng có vài loài thuỷ sinh, sống nơi đầm lầy hay trong nước. Lan Spiranthes là lan thuỷ sinh được ưa chuộng. Lan cũng phân loại dựa trên cách sinh trưởng. Lan dơn trục như Hồ điệp (Phalaenopsis), Thanh nga/Huệ đà(Vanda), hay Va ni (Vanilla). Lan hợp trục có thân hành giả như lan Hoàng hậu (Cattleya), Oncidium, hay Đoàn kiếm (Cymbidium)…, không có thân hành giả như Vệ nữ hài (Cypripedium),Tiểu Long (Dracula). Lan cũng có khi phân loại dựa trên đặc tính, như kích cỡ nhỏ có Cần diệp (Bulbophyllum), hay lớn có Diệp lệ (Grammatophyllum); dựa trên thích ứng với nhiệt độ của môi trường để phát triển, để vào miên trạng trước khi ra hoa…như loài ưa nóng cần nhiệt độ 30⁰-32⁰C có Vanda, Phalaenopsis; loài ưa ấm cần khoảng 25⁰C có Cattleya, Oncidium; ưa dịu khoảng 20⁰C có Cambria; ưa mát khoảng 15⁰C có Lycasta; ưa lạnh khoảng 10⁰C có Dracula, Ida…Vài lan cần một thời gian miên trạng để có thể ra hoa, cần miên trạng mát như nhiều Dendrobium (Hoàng thảo, Hồng câu, Dã hạc, Phi điệp, Thuỷ tiên hường, Móng rùa..) và Coelogyne (Thanh đạm), cần miên trạng ấm và khô như Cattleya (Hoàng hậu), hay không cần miên trạng như Hồ điệp (Phalaenopsis), Vanda. Lan cũng có khi phân loại “dễ tính” nghĩa là thích hợp với biên độ rộng các điều kiện sinh trưởng như Phalaenopsis, vài Dendrobium, Bạch cạp (Bletilla), Lan hài, Vệ hài, Vân hài (Paphiopedilum spp), hay “khó tính” đòi hỏi những điều kiện nuôi trồng đặc biệt như Tiểu long (Dracula) không chịu nóng và tưới nước không thích hợp, một vài Cattleya không ra hoa nếu không có quang kỳ thích hợp. Nuôi trồng lan khó tính thường cần nhà kính. Nhưng mang tính hữu ích và khoa học là phân loại họ Lan do các nhà thực vật học đề xuất. Trước đây, các nhà phân loại thực vật dựa trên đặc tính hình thái của hoa, phấn khối, nuốm, bao phấn, lá,màu sắc, cách thức sinh trưởng…chia họ lan thành 6 họ phụ. Đến trước năm 2007, không một hoá thạch nào của lan được tìm thấy, nên dựa vào sinh học phân tử, phân tích bộ gene của DNA- vòng của lục lạp của các loài lan hiện hữu để phân loại theo tiến hoá và ước tính thời điểm phát sinh họ Lan là cách nay khoảng 45 triệu năm. Năm 2007, một hoá thạch hổ phách tìm thấy ở Cộng hoà Dominican, thuộc thế Miocene cách nay 15-20 triệu năm, có chứa phấn khối đặc trưng họ Lan đính vào cánh một con ong. Năm 2017 một hoá thạch khác có phấn khối lan và côn trùng, tuổi ước tính 50 triệu năm (thời điểm họ lan phân hoá đa dạng cao) cũng tìm thấy ở vùng Baltic. Công việc xác định và so sánh trình tự di truyền phân tử cũng có nhiều tiến bộ trong kỹ thuật phân giải trình tự DNA ở những vị trí gen đặc biệt, ở những ribosome của nhân tế bào, của các mitochondria, hay các gene có tính sao chép thấp, như những chỉ dấu để thiết lập quan hệ tiến hoá, cho phép chuẩn định thời điểm phát sinh họ Lan là khoảng thế Creta muộn, cách nay 76-84 triệu năm, sớm hơn nhiều so với trước đây đã nghĩ. Thêm nữa, thời điểm đa dạng hoá vô cùng nhanh chóng của họ Lan xảy ra sau biến cố đại tuyệt chủng K/T cách nay độ 65 triệu năm, và ở vào thời kỳ trái đất lạnh đi, không phải nóng lên, cách nay 31-38 triệu năm. Một vài nghiên cứu gần đây cho là thời điểm phát sinh họ Lan khoảng 112 triệu năm trước và hai họ phụ tiến bộ nhất Orchidoideae và Epidendroideae tách nhau ở cuối kỷ Creta; và sự phân hoá xảy ra với tốc độ cao.
Mặc dù việc phân loại dựa trên hình thái vẫn còn hữu ích, nhưng đôi khi một vài tính chất giống nhau lại hiện diện trên các loài không liên hệ nhau thì dễ gây lúng túng. So sánh DNA cho thấy rất hữu dụng khi các nhà khoa học dùng trong việc thiết lập liên hệ giữa các nhóm. Các nhà khoa học của Vườn Thực vật Kew đã chọn phương tiện này để sắp xếp phân loại và xây dựng cây tiến hoá họ Lan. Có nhiều chỉ dấu cho thấy tất cả lan hiện tại phát xuất từ tổ tiên chung với loài Hypoxis (Hạ trâm), họ Hypoxidaceae. Hạ trâm có 6 cánh hoa không khác biệt, 3 lá đài vòng ngoài, 3 lá tràng nằm trong; 6 nhị đực cũng chia thành 2 vòng. Chính sự giảm thiểu số nhị và sự kết hợp hoà lẫn giữa nhị và nhuỵ là biến đổi chính đưa đến sự thành hình và tiến hoá của họLan. 99% số loài lan (thuộc 3 họ phụ tiến bộ) đều chỉ có một nhị khả thụ, và đây là đặc tính tiêu biểu chỉ thấy ở họ Lan mà thôi.
Hiện tại có 5 họ phụ (phân họ) của Lan được công nhận rộng rãi:
i. Họ phụ Apostasioideae, hay Cổ lan/Giả lan, các Cổ lan thường được coi là nhóm sơ khai nhất. Họ phụ này có 16 loài xếp trong 2 hoặc 3 chi, và không có loài nào được nuôi trồng. Tất cả là địa lan chỉ phân bố trong khu vực châu Á, bắc châu Úc, và các đảo lân cận. Hoa đều đặn và tương tự như hoa Hạ trâm. ii. Họ phụ Cipripedioideae, hay Lan hài, các Lan hài vẫn còn 2 nhị ở hoa. Họ phụ này có 5 chi với khoảng 150 loài, phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới của Á-Âu, Bắc và Nam Mỹ châu. Nhị đực giữa bất thụ và biến đổi thành một nắp rộng che đỉnh trụ, ngăn sự tự thụ phấn; và hai nhị khả thụ nằm dấu sau nắp. Môi hình túi như một cái bẫy côn trùng thụ phấn, thành bên trong trơn và có lông ở giữa có tác dụng như một cái thang dẫn đến ngõ thoát ở cuống hoa.
iii. Họ phụ Vanilloideae, hay Va ni, là một nhóm nhỏ với khoảng 200 loài phân bổ trong 16 chi. Đa số loài phân bố vùng nhiệt đới. Hoa của họ phụ này chỉ có một đầu bao phấn nằm trên trụ. Chi Vanilla được biết nhiều gồm khoảng 70 loài dây leo.
iv. Họ phụ Orchidoideae, hay Hà biện, đa phần là địa lan với căn hành mập, gồm hầu hết các loài lan ở châu Âu và Địa trung hải. vùng ôn đới bắc và nam châu Mỹ, địa lan châu Phi và Madagascar, và vùng ôn đới châu Úc. Hoa chỉ có một bao phấn khả thụ nằm trên trụ hoa. Phấn khối có thể tách thành mảng hay hạt. Họ phụ chia ra 6 tông với khoảng 62 chi, 3630 loài.
v. Họ phụ Epidendroideae, hay Lan biểu sinh, là nhóm lớn nhất, gồm chính yếu là các phong lan phụ sinh, phân bố hầu như khắp thế giới. Các loài lan rực rỡ của vùng nhiệt đới được ưa chuộng, được nuôi trồng đều thuộc nhóm này như lan Hoàng hậu Cattleya, Hồ điệp Phalaenopsis, Huệ đà Vanda, Oncidium…Hoa của họ phụ này cũng chỉ có một bao phấn hoà trong trụ, có phấn khối kết dính. Cách thức sinh trưởng đơn trục hoặc hợp trục với thân hành giả. Họ phụ này chứa khoảng 20,000 loài, xếp trong khoảng 500 chi. Với số lượng quá lớn và đặc tính quá phức tạp, họ phụ này lại được chia xuống thành nhiều tông, tông phụ. Có hai nhóm tông, nhóm tông bậc thấp (cổ hơn, ước tính có khoảng 10,000 loài phân bổ trong khoảng 100 chi) với các loài phân hoá sớm hơn trong quá trình tiến hoá, còn chia sẻ nhiều tính chất với Orchidoideae. Nhóm tông bậc cao, trước đây là họ phụ Vandoideae, gồm khoảng 5,000 loài phân bổ trong khoảng 300 chi. Nhóm tông bậc cao phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Cũng nên biết là liên hệ giữa các tông của họ phụ này chưa được thiết lập rõ ràng và vẫn còn được nghiên cứu trong hiện tại.
Một cách tổng quát, các loài lan ôn đới là các địa lan, và lan vùng rừng nhiệt đới ẩm có khoảng 80% là phong lan. Tất cả các loài lan trong giai đoạn đầu đời đều phải phụ thuộc vào khuẩn để nẩy mầm và hấp thu dưỡng chất Một điểm đặc sắc là các loài lan đã thủ đắc một sự đa dạng hoá các hoa một cách vô cùng phong phú.
Kể từ thời Darwin, các nhà khoa học đã ngạc nhiên trước sự tiến hoá và đa dạng hoá của họ Lan trên toàn thế giới, nhất là sự thích ứng của họ này với sự thụ phấn nhờ côn trùng. Hoa lan hấp dẫn côn trùng, đa số thuộc bộ cánh vẩy (bướm và ngài) và ong hoa lan Euglossa, bằng sự kết hợp tuyệt hảo giữa màu sắc rực rỡ, mùi thơm, mật hoa, hình dạng và cả chất dẫn dụ phái tính pheromone. Một số nhiều loài lan đã chuyên hoá hoa để chỉ thuận lợi cho một vài loài côn trùng.
Tốc độ thúc đẩy sự tiến hoá và phân hoá họ Lan còn có liên quan khá rõ đến những yếu tố như sự tiến hoá của phấn khối, dạng sinh trưởng biểu sinh, tiến trình quang hợp CAM (quang hợp 2 bước của những loài thực vật vùng khô hạn để chống thoát nước, ban đêm các khí khổng ở lá mở ra để nhận CO₂ và chứa chúng trong các không bào dưới dạng malate, ban ngày khí khổng đóng lại, CO₂ được chuyển đến lục lạp để thực hiện quang hợp), sự phân bố ở vùng nhiệt đới, sự thụ phấn bởi những côn trùng đặc trưng cho loài, cùng với cách thức dẫn dụ côn trùng.
3. Phân bố họ Lan trên thế giới
Lan phân bố khắp nơi, khắp mọi môi trường, nhưng phong phú nhất về sự đa dạng và số lượng tập trung vùng rừng mưa nhiệt đới, nhiều nhất là khu vực Trung và Nam châu Mỹ. Lan có thể ra hoa ở vành đai bắc cực nhưmột số lan hài Cypripedium, hay trổ hoa ở đầm lầy cực Nam bán cầu như Corybas. Có vài chi lan có mặt khắp nơi như Vanilla. Lan cũng có nhiều loài đặc hữu cho một khu vực, cao nhất là châu Úc với 88% các địa lan không tìm thấy nơi khác.
Theo Dressler ước tính có khoảng 7,500 loài ở vùng Nam Mỹ, châu Á nhiệt đới có khoảng 6,800 loài, châu Phi nhiệt đới có khoảng 3,100 loài, châu Úc khoảng 900 loài. Hiện tại, số loài mới vẫn được tìm thấy khá thường xuyên ở khắp nơi. Chi lan Hoàng thảo, Dendrobium, và chi lan Lọng, Bulbophyllum, có nhiều loài nhất khoảng 1,500 loài cho mỗi chi.
Trong vùng nhiệt đới, sự phong phú của lan tuỳ theo cao độ, khá nghèo nàn dưới thấp, và phong phú trong khoảng cao độ 1,000-2,000 m. Nhiều khi trên một cây chủ có nhiều loài lan cùng mọc, cá biệt đếm được 47 loài trên cùng 1 cây ở Venezuela.
Trong khoảngvài mươi năm trờ lại, nhiều loài Lan có nguy cơ biến mất do mất môi trường sinh trưởng vì nhu cầu phá rừng làm nông nghiệp, và do các nhà sưu tập săn lùng quá độ. Một số loài lan chỉ còn dưới 50 cây trong tự nhiên, ba loài có số cá thể ít nhất được ghi nhận là Kim hài Việt nam, Paphiopedilum vietnamense, một địa lan chỉ còn độ 33 cây ở Thái nguyên, lan đầm rêu Hawaii, Peristylus holochila còn 28 cây,và Zeuxine rolphiana ở đảo Andaman Ấn độ còn 18. Phần dưới đây trong mục này dựa trên hai tài liệu, Orchids Around the World của Oregon Orchid Society và chương 5 của quyển Orchids, Regional Accounts, IUCN. Các nhà khoa học thực vật chia sự phân bố của họ Lan trên trái đất thành 17 khu vực sinh thái, dựa trên sự tương tự về khí hậu, địa lý, các dạng sinh trưởng cùng các chi thực vật ưu thế hoặc đặc sắc.
i. Khu vực Rừng ôn đới Bắc bán cầu, khi nghĩ đến Lan ít người quan tâm đến khu vực này, nhưng đâythật sự là khu vực của địa lan, với sự đa dạng chủng loài rất lớn. Rất nhiều chi địa lan phân bố khắp Bắc châu Mỹ, châu Âu, và châu Á. Thường các loài là đặc sắc cho từng vùng vì địa lan đòi hỏi những điều kiện sinh trưởng rất riêng biệt, đôi khi sống cộng sinh với các khuẩn hay cây chủ của địa phương. Những loài nẩy rất khó gây trồng. Các chi tiêu biểu có Cypripedium, Listera, Corallorhiza, Goodyera, Spiranthes, Plantanthera, Calypso. Ý thức bảo vệ thiên nhiên khu vực này rất cao.
ii. Khu vực Dịa trung hải, được coi là á nhiệt đới khí hậu có phân mùa nhẹ, dạng sinh trưởng họ Lan đại đa số là địa lan. Cao độ khu vực từ biển đến núi cao và tuỳ cao độ sự khác biệt mùa cũng thay đổi. Nơi mùa đông có tuyết phủ thường trực, lan chịu một mùa đông lạnh và khô dài tiếp theo là mùa xuân rất ẩm, rồi đến hạ thu nóng và khô. Biến đổi này rất khó bắt chước để di thực nuôi trồng lan của khu vực. Các chi tiêu biểu: Orchis, Ophrys, Cypripedium, Seripias, Epipactis, Dactylorhiza, Spiranthes Các quốc gia trong vùng rất quan tâm đến công việc phục hồi và bảo tồn thiên nhiên sau một thời gian dài không chú ý trong quá khứ.
iii. Khu vực Nam Á châu, cũng gọi là Tiểu lục địa Ấn độ, có cao độ từ mực nước biển đến tới đỉnh núi cao nhất thế giới. Vùng đất từ Ấn độ dương đến cao nguyên Tây tạng có khí hậu giống như vùng đất từ bình nguyên Brazil đến dãy Andes ở Nam bán cầu. Thảm thực vật cả hai nơi là rừng thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới. Lan sinh trưởng vùng này chịu sự thay đổi mùa rõ rệt, đông, hạ, gió mùa, giao mùa. Nhưng một phần lớn khu vực Nam Á thuộc về nhiệt đới, có cả những vùng khô hạn sa mạc. Phong lan lẫn địa lan sinh trưởng tốt đẹp trong khu vực này.
Việc đốt phá rừng làm nông nghiệp, việc khai thác lâm sản đã làm giảm mức phong phú loài lan khu vực này. Rất nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng (một thí dụ là loài Paphiopedilum druryi phổ biến trước đây ở miền Nam Ấn độ, nay trở thành rất hiếm). Hệ thống quản trị nhà nước phức tạp cũng làm cho những luật lệ bảo tồn thiên nhiên ít được tôn trọng.
iv. Khu vực Lưu Vực Amazon, trải dài từ sườn Tây dãy núi Andes đến bờ biển Đại tây dương, là lưu vực lớn nhất thế giới với rừng mưa nhiệt đới nóng, ẩm, dày kín thực vật lớn nhất trái đất, thường được coi là lá phổi của hành tinh. Cần lưu ý là đa số các loài lan trong khu vực này hiện diện phía Đại tây dương, trên những vùng khô hơn. Xa hơn về phía Nam cách xa xích đạo, những biến đổi theo mùa như độ dài ngày-đêm ảnh hưởng đến sự trổ hoa mạnh hơn sự xen kẽ thời kỳ khô-ẩm.
Các Chi lan chính: Cattleya, Laelia, Catesetum, Huntleya, Oncidium, Brassavola, Miltonia, Bifrenaria, Sophronitis, Cochleanthes, Stanhopea, Zygopetalum.
Dù có diện tích bao la, dù được cộng đồng thế giới quan tâm bảo vệ, dù chính phủ liên quan có nhiều luật lệ quản trị, rừng Amazon vẫn bị phá huỷ với tốc độ nhanh đáng báo động, nhất là ở Brazil. Công tác bảo vệ đặt trọng tâm trên điều kiện môi trường sống của thổ dân, của thú hoang dã, của cây rừng hơn là chú trọng đến lan. Với những loài lan có một vùng sống tương đối hẹp và kén chọn ổ sinh thái, chúng rất dễ bị tuyệt chủng.
v. Khu vực Mexico, lan phân bố từ biển đến độ cao 5,500 m. Đa số lan của khu vực là phong lan. Loài lan nổi tiếng của khu vực này là Va ni, Vanilla planifolia, một lan dây leo, cho ra hương vị va ni trong công nghiệp thực phẩm từ sự lên men trái (đậu lan). Nhiều loài lan khu vực này có thân hành giả lớn chứa nước, giúp cây chịu đựng khô hạn trong thời gian khá dài. Lan mọc vùng khô hạn trong khu vực này có nhu cầu ánh sáng cao. Các chi tiêu biểu: Laelia, Vanilla, Brassia, Brassavola, Barkeria.
Lan thiên nhiên khu vực này (khoảng hơn 1,200 loài) có nguy cơ sụt giảm trầm trọng do sự khai thác quá độ và do khai thác rừng làm mất môi trường sinh sống. Laelia gouldiana, một loài lan chưng bày được ưa thích, hầu như biến mất trong tự nhiên.
vi. Khu vực Caribe và Đông Nam Hoa kỳ, có phân mùa rõ nét và ẩm độ tương đối cao quanh năm. Khu vực có đủ phong lan, địa lan, chủng loại phong phú, nhất là trong nội địa Hoa kỳ vì khu vực sinh trưởng này rất đa dạng về địa chất địa mạo từ rừng ngập mặn, rừng khô cao độ thấp, vùng đá vôi karst, vùng mẫu thạch là khoáng vật serpentin, rừng thông, rừng mưa, rừng ẩm cây thấp vùng núi cao.
Các chi lan tiêu biểu: Phong lan có Encyclia, Tolumnia, Schomburgkia, Polyrrhiza, Broughtonia; Địa lan có Plantanthera, Calopogon, Spiranthes.
Đây là khu vực có những luật lệ bảo tồn thiên nhiên tốt. Nhưng vẫn có vài loài mà sự sống bị đe doạ do nhu cầu mở đất nông nghiệp, thí dụ như một loài lan nhỏ Lepanthes caritensis, chỉ còn khoảng dưới 200 cây, phụ sinh trên 8 cây chủ hay loài Broughtonia cubensis biến mất ngoài thiên nhiên.
vii. Khu vực Trung Mỹ vá Bắc Nam Mỹ, kéo dài từ Nam Mexico xuống tới xích đạo. Giữa eo đất Trung Mỹ là núi cao, đồng bằng nằm phía Đại tây dương. Khí hậu rất cực đoan do chịu ảnh hưởng của hai đại dương hai bên núi. Vùng núi khô, trong khi bình nguyên nóng và âm. Vùng nhiệt đới ngang xích đạo, thảm thực vật gồm rừng ngập mặn ở bờ biển phía đông, đến rừng mưa nhiệt đới, rừng gió mùa khô, thảo nguyên, bán sa mạc, đến rừng ôn đới lá kim trên núi cao đầu dãy Andes.. Các chi lan tiêu biểu: khu vực rất phong phú chủng loại, nhiều loài được phổ biến trong giới sưu tầm: Elleanthus, Habenaria, Oncidium, Scaphyglottis, Pleurothallis, Lepanthes, Epidendrum, Cranichis, Maxillaria, Catasetum, Cattleya, Phragmepedium, Schomburgkia. Khu vực miền núi hiểm trở, ít đường giao thông, đi lại khó khăn, thưa dân…nên thiên nhiên các nơi này chưa bị xáo trộn nhiều bởi sinh hoạt con người. Nhưng các loài lan khu vực này rất nhạy với sự thay đổi môi trường sinh trưởng, thường đưa đến sự giảm sút đa dạng chủng loài khá nhanh chóng.
viii. Khu vực Dãy Núi Andes, đặc biệt sườn phía Đông là một hệ sinh thái độc đáo, cho thấy một sự đa dạng lớn lao các loài lan. Hệ thống khí ẩm di chuyển về hướng Tây xuyên qua lưu vực Amazon bị ngăn lại bởi bức tường thành núi cao đến cả 6,000 m này. Khối khí ẩm ướt sương mù này được đẩy lên cao và là nguồn cung cấp nước chính, là cái nôi cho rừng ẩm do mây thành hình. Đây chính là khu vực sinh trưởng của các loài lan ưa mát và ẩm, nhiệt độ trong khoảng 10⁰-25⁰C,ánh sáng tán xạ. Các chi tiêu biểu: Masdevallia, Dracula, Pleurothallis, Phragmipedium, Miltoniopsis, Bollea, Maxillaria, Stelis, Kefersteinia, Chondrorhyncha, Lepanthes, Pescatoria. Rất nhiều tổ chức, quỹ nghiên cứu địa phương và quốc tế hợp tác để bảo tồn sinh thái khu vực đặc sắc này, kể cả việc bảo vệ các loài lan, dành cho lan một dãy rừng rộng lớn để sinh tồn.
ix. Khu vực Patagonia, là cực Nam của Nam châu Mỹ. Đây là khu vực gió lạnh và dữ dội, quét qua vùng bình nguyên thấp, do điều kiện địa hình và khí hậu khắc nghiệt của vùng phía Nam dãy Andes. Các loài lan khu vực này là địa lan, thích nghi với điều kiện giá lạnh. Việc gây trồng địa lan rất khó vì chúng phụ thuộc vào thổ nhưỡng đặc trưng của vùng và cả những biến đổi cực đoan theo mùa của khí hậu; là những điều kiện rất khó rập theo. Các chi tiêu biểu: Codonorchis, Gavilea, Chloraea, Isabelia. Nguy cơ lớn nhất cho môi trường khu vực này là chăn thả súc vật. Thực vật tự nhiên của khu vực này bị tổn hại với tốc độ báo động. Rất nhiều nổ lực đang thực hiện để cải thiện tình trạng này.
x. Khu vực Trung Châu Phi bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau. Khu vực này Bắc giáp sa mạc Sahara bao la, phía Nam là sa mạc Kalahari. Vùng trung tâm khu vực Trung châu Phi là rừng nhiệt đới phong phú, với đường xích đạo gần như chia đôi khu vực. Vùng phía Tây có hai mùa ẩm và khô thay nhau rõ nét.
Các chi lan tiêu biểu: Ansellia, Eulophia, Bulbophyllum, Aerangis, Chamaengis, Habenaria, Ancistrochilus, Angraecum, Calanthe, Polystachia, Podangis.
Môi trường dễ bị tổn hại của khu vực này thường bị các tổ chức, các đại công ty lạm dụng, từ việc khai thác vô độ các tài nguyên đến việc thải rác công nghiệp gây ô nhiễm nặng. Đây cũng là khu vực mà dân số gia tăng nhanh chóng. Các bất ổn chính trị trong khu vực làm môi trường thiên nhiên bị tàn phá không được quan tâm đúng mức. Và dĩ nhiên tài nguyên lan rừng thuộc hàng quan tâm thứ yếu so với sự quan tâm cải thiện đời sống dân chúng và bảo tồn động vật.
xi. Thực vật chúng, kể cả lan, khu vực Nam Phi rất riêng biệt, nhiều loài không tìm thấy nơi khác. Đa số lan là địa lan, thường không được coi thuộc lan nhiệt đới. Lan của khu vực này thường đòi hỏi một môi trường lạnh, nước sạch, và ánh sáng mạnh rất khó thấy nơi khác và cũng khó thiết lập chỗ vườn ương. Các chi tiêu biểu: Disa, Habenaria, Stenoglottis, Polystachya, Disperis, Satyrium.
Nam Phi là vùng đất được bảo vệ tương đối ổn định so với những nơi khác ở châu Phi, tuy vậy môi trường thiên nhiên, trong đó có môi trường sinh trưởng của các loài lan, cũng bị ảnh hưởng bởi phát triển đô thị, kỹ nghệ, cầu đường…
xii. Khu vực Madagascar, do vị trí tương đối biệt lập của đảo, thực vật và động vật nơi đây không tìm thấy nơi nào ngoài bản địa. Ước tính có đến 90% các loài lan trong số hơn 1000 loài chỉ hiện hữu tự nhiên trên đảo. Một loài lan nổi danh được biết phổ biến với tên Lan Darwin, Angraecum sesquipedale, do vị cha đẻ của ngành Sinh học Tiến hoá nghiên cứu, có ống mật hoa dài tới 30 cm. Darwin đặt giả thuyết phải có một loài thụ phấn đặc biệt cho loài này có vòi đủ dài để hút mật. Hai mươi năm sau, các nhà nghiên cứu mới xác định được loại bướm ngài chuyên thụ phấn cho loài này, là hawkmoth Xanthopan morganii.
Các chi chính tiêu biểu: Angraecum, Aerangis, Aeranthes, Bulbophyllum, Cymbidiella, Cynorkis, Jumellea, Polystachya.
Lan hiện diện khắp cùng trên đảo, từ bờ biển đến rừng núi cao nguyên đến những đỉnh núi cao. Đáng tiếc là đảo quốc này chịu nhiều thoái hoá môi sinh từ lâu nay. Mỗi năm đều có nhiều vụ hạ cây đốt rừng lấy đất làm nông nghiệp và khai thác trắng rừng lấy gỗ. Sự soi mòn đất đai vô cùng trầm trọng, sông ngòi nhuộm đỏ bùn đất đổ ra Ấn độ dương, đến mức các phi hành gia mô tả là đảo quốc đang mất máu!Các nổ lực của thế giới để cứu vãn sự thoái hoá môi sinh có vẻ không có kết quả, và hệ sinh vật hoang dã của đảo quốc này sẽ có nhiều loài tuyệt chủng là có nguy cơ rất cao.
xiii. Khu vực Đông Nam châu Á, khởi từ biên giới Nam Trung hoa trải dài hết bán đảo Mã lai và gồm thêm vô vàn đảo lớn nhỏ của Nam dương. Khu vực nhiều kiểu địa hình này hoàn toàn thuộc về nhiệt đới. Sự đa dạng của lan trong khu vực, một phần lớn là do ở sự hoang vu cô lập của nhiều đảo và chênh lệch cao độ. Khí hậu gió mùa nơi đây cho thấy 2 mùa, mùa mưa lớn xen kẽ với mùa khô thích hợp với đa số các loài lan. Lan khu vực Đông Nam Á đa số là phong lan (biểu sinh), từ loài chịu ấm đến ưa lạnh khi cao độ tăng đến 3,000m hay đến 5,800mxa hơn về phía bắc vùng Myanmar. Các chi tiêu biểu: Vanda (Huệ đà, Vân đa), Dendrobium (Hoàng thảo và nhiều tên mỹ miều khác cho từng loài), Bulbophyllum (Cầu diệp), Phalaenopsis (Hồ điệp), Paphiopedilum (Lan hài), Aerides (Giáng Xuân), Ascocentrum (Hoả hoàng) Khu vực này có nền kinh tế phát triển nhanh, và hệ quả là sự lạm thác quy mô lớn các vùng rừng để lấy gỗ và mở mang đất nông nghiệpvà công nghiệp. Việc đốt phá rừng vẫn là một vấn đề nan giải cho các chính phủ địa phương. Các chính sách phát triển của các quốc gia trong khu vực không coi lan là một tài nguyên cần gìn giữ, và do vậy rất nhiều loài lan ngày nay không còn tìm thấy trong tự nhiên nữa.
xiv. Khu vực Trung Trung-hoa, hoa lan hiện hữu lâu đời trong văn hoá Trung hoa. Lan được người Trung hoa tán thưởng vẻ đẹp và giá trị qua thi thơ, qua y học từ ngàn xưa. Những ghi chép cổ ghi nhận Khổng Tử đã biết trồng lan trong bồn cách nay trên 2,500 năm. Nơi sinh trưởng của các loài lan cũng khác nhau, đa số các lan sống trong rừng, và một số lớn trong chúng là địa lan hoặc gần-địa lan (mọc dưới gốc cây trên thảm rêu và mùn). Một vài Lan Hài (Paphiopedilum) mọc trên vách núi đá vôi. Môi trường nuôi trồng các loài này thường phải trộn thêm vỏ sò. Các chi lớn tiêu biểu: Cymbidium, Paphiopedilum, Dendrobium, Bletilla, Ludisia, Cypripedium, Pleione, Neofinetia.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung hoa có hậu quả làm kiệt quệ môi trường hoang dã, và sự sinh tồn của lan các loài bị đe doạ nghiêm trọng. Y học cổ truyền Trung hoa đề cao dược tính của vài loài Dendrobium, đặc biệt là Dendrobium officinale (y học Tàu gọi là Thiết bì Thạch hộc) trong việc tăng cường hệ miễn nhiễm, đã không còn thấy trong thiên nhiên do bị thu hái quá độ. Phần lớn những lan gốc Trung hoa có trên thị trường hiện nay là do nuôi và gây giống trong các vườn ương khắp nơi (ex-situ)
xv. Khu vực Nhật bản-Triều tiên-Nam Kamchatka, bao gồm Đông Siberia, bán đảo Triều tiên, và Nhật bản. Khí hậu vùng này có tính chất từ á nhiệt đới với vũ lượng cao, ôn đới đến hàn đới. Lan trong khu vực đa số là địa lan với một số không lớn phong lan sinh trưởng vùng á nhiệt đới. Nhật bản là nơi giàu các chi lan nhất trong khu vực và cũng là nơi có truyền thống ưa chuộng lan, nhất là các Kiếm lan, Cymbidium. Số chi lan ghi nhận là khoảng 85 ở Nhật, 24 đến 30 ở Đông Siberia và bán đảo Triều tiên. Các chi tiêu biểu: Hippeophyllum Cleisostoma (Nhục lan), Liparis (Nhẵn diệp), Sedirea; vùng á nhiệt đới có các chi Cymbidium, Dendrobium, Bulbophyllum, Taeniophyllum (Căn diệp).
Các nước trong khu vực có chính sách bảo tồn thiên nhiên rất nghiêm ngặt. Các rừng tư nhân được quản trị khoa học và tuân luật pháp. Tuy nhiên nhu cầu về lan ở Nhật, Đại hàn, và cả Hoa kỳ rất cao đã là nguyên nhân của nạn thu hái quá độ, buôn lậu lan vùng Trung hoa và Đông Nam Á qua ngõ Hồng kông, Đài loan, đưa đến nhiều loài có nguy cơ biến mất ngoài thiên nhiên. Tệ nạn này được hạn chế nhờ những biện pháp đòi hỏi và kiểm định xuất xứ của lan nhập cảng.
xvi. Khu vực Tây châu Úc, là một khu vực rộng lớn chiếm 1/3 diện tích nước Úc, có một khí hậu tương phản rõ rệt, phía Bắc là ánhiệt đới nóng, mưa nhiều, phía Nam là khí hậu Địa trung hải, vùng trung tâm là khu vực khô hạn. Tháng 11 nóng nhất và tháng 7 lạnh nhất. Dân cư sống tập trung phía Nam. Khu vực này khá giàu số loài lan, ước tính có 430 loài (trên tổng số 1,700 toàn châu Úc) phân chia trong 39 chi. Lan rất đặc sắc, đẹp, nhiều màu sắc và có 2 loài (trong số 4 loài trên thế giới) là lan mọc ngầm trong đất. Trên 90% các lan là loài bản địa không hiện diện tự nhiên nơi nào khác. Các chi tiêu biểu: Caladenia, Pterostylis, Diuris, Thelymitra, Microtis, Prasophyllum, Drakaea, Paracaleana, Cyanicula.
Nguy cơ huỷ hoại môi trường do con người không lớn và các loài lan bị đe doạ mất môi trường sinh trưởng bởi nhiễm mặn, cỏ dại, bệnh, và lửa rừng.
xvii. Khu vực Dông châu Úc và Tân tây lan, bao gồm phần lãnh thổ trải dọc theo bờ biển phía góc Đông Bắc – Đông Úc – Đông Nam, đảo Tasmania, và nước Tân tây lan. Lãnh thổ thuộc Úc thấp và khô trong nội địa, khí hậu gió mùa nhiệt đới, nhiệt độ cao, có mưa ở phần trên của Nam chí tuyến và nhiệt độ ôn hoà hơn phần dưới chí tuyến (Victoria,Tasmania). Lãnh thổ Tân tây lan núi cao và mưa nhiều. Từ lâu mọi người đã biết đường Wallace và/hoặc đường Weber chỉ ra sự ngăn cách về động thực vật của khu vực,các loài nơi đây rất đặc trưng bàn địa, không tìm thấy trong thiên nhiên ở nơi khác, do không có cầu nối trong quá khứ địa chất với phần châu Á. Phong lan chỉ chiếm 25% trong số khoảng 800 loài, có thạch lan như Dendrobium spaciosum hay lan bò như Dendrobium linguiforme Các chi tiêu biểu: phong lan có Dendrobium, Sarcochilus (lan bướm), Dockrillia; địa lan rụng lá sống tiềm sinh mùa khô nhờ thân hành và cần ký sinh với một khuẩn ti khi nẩy mầm từ hạt nhỏ li ti như bụi, có Acianthus, Corybas, Eriochilus, Geodorum, Phaius, Malaxis, Spathoglottis, cùng với những chi phổ biến ở phía Tây như Caladenia chẳng hạn.
Tân Tây Lan có khoảng 120 loài trong đó chỉ có 8 loài là phong lan (Dendrobium cunninghanii, Bulbophyllum, Earina, Winika, Adelopetalum …), Các địa lan tiêu biểu:Pterostylis, Gastrodua (lan khoai),, Spiranthus, Paracaleana, Microtis, Acianthus, Chiloglottis, Thelymitra, Molloybas.
Việc khai thác hay chuyển đổi đất rừng cho nông nghiệp, mở mang đô thị, việc thu hái quá độ với mục đích thương mại là những mối đe doạ lớn nhất cho sự tồn tại của các loài lan khu vực này. Nhưng bù lại công tác sưu tầm, nhân giống, nuôi trồng các loài lan có nguy cơ bởi những nhà khoa học, các nhà vườn trong khu vực có những thành tựu đáng kể
4. Lan lai giống.
Trong tự nhiên lan thường không tự lai giữa các loài với nhau dù mọc không quá cách xa. Lý do là các loài thường có thời gian trổ hoa sai biệt, hình thái hoa, mùi hương, màu sắc để dẫn dụ côn trùng thụ phấn cũng khác nhau. Về mặt di truyền bộ nhiễm thể cũng không tương hợp. hay nếu thụ phấn được thì loài lai cũng bất thụ. Nhưng nếu các trở ngại này được khắc chế, thí dụ như thụ phấn nhân tạo (dùng cây tăm chuyển phấn khối một loài đến nuốm nhuỵ một loài khác) thì sự lai tạo có nhiều cơ may thành công và loài lai có khả năng sinh sản. Các loài lai nhân tạo dễ thành công nếu lai giữa các loài cùng một chi, hay giữa những chi khác nhau nhưng cùng tông phụ, hiếm khi thành công giữa các tông phụ khác nhau (nhưng cùng trong một tông trong phân loại lan). Đã có những nhà lai tạo thành công trong việc tạo loài lan mới từ 6 chi khác nhau, gợi cho thấy lan là nhóm thực vật có khả năng lai tạo rộng rãi.
Loài lan đầu tiên lai tạo thành công và trổ hoa là Calanthe Dominyi (furcata x masuca), do John Dominy thực hiện ở Anh năm 1856. Sau đó là loài lai Cattleya Hybrida (guttata x loddigesti) đã khởi đầu cho một ngành tạo ra các loài lan nhân tạo không có trong tự nhiên phát triển. Đầu thế kỷ 20 khi khi Noël Bernard khám phá ra sự ký sinh cần thiết của lan với khuẩn ti để nẩy mầm dẫn đến năm 1922 Lewis Knudson thực hiện thành công sự nẩy mầm của các hạt lan nhỏ li ti như bụi trên môi trường agar với các đường chiết xuất từ khuẩn ti và thêm vài khoáng chất, đã thật sự mở đầu cho ngành kỹ thuật lai tạo lan bùng phát cho đến tận nay. Hiện thời số lượng loài lan lai tạo do con người đã vượt con số 100,000 loài và tiếp tục có thêm độ 1,000 loài mới mỗi năm.
Hai chi lan được lai tạo nhiều nhất là Phaleanopsis (Hồ điệp, Moth Orchid) và Dendrobium (từ chữ Hy lạp có nghĩa là sống trên cây, Việt nam gọi là Lan Hoàng thảo). Có thể nói lan thuộc hai chi này bán rộng rãi trên thị trường hiện nay đều là lan lai giống. Với Hồ điệp các nhà lai tạo giống cố tạo ra loài lai có cánh hoa lớn, tròn, phẳng, màu trắng, tím, có đốm hay sọc đẹp mắt.
Phal (tên viết tắt chỉ Hồ điệp lai giống) có màu trắng từ loài P. amabilis hay P. aphrodite. Phal tím có xuất xứ từ P. sanderiana hay P. schilleriana. Các loài khác được lai qua nhiều tầng tạo nên cả ngàn loài Phal bán trên thị trường. Dendrobium cũng vậy, đại đa số bán trên thị trường là lan lai giống. Có khoảng 1,200 loài Dendrobium với đủ dạng vẻ, màu sắc để các nhà lai tạo chọn lựa tính chất cho loài mới họ muốn tạo ra.Các Dendrobium lai thường xuất phát từ nhóm thân cứng, có lá tồn tại nhiều năm. Để đặt tên cho loài mới, các nhà tạo giống chấp nhận quy ước chuẩn:
- nếu lai cùng chi, loài mới sẽ giữ lại tên chi (tên này khi in dùng chữ nghiêng, khi viết gạch dưới) tên loài do tác giả đặt, viết hoa chữ đầu, tiếp theo là tên hai loài cha mẹ cách nhau bằng chữ x, viết nghiêng). Thí dụ: Phragmipedium Eric Young (besseae x longifolium)
- nếu lai giữa hai loài khác chi, thí dụ lai Cattleya mossiae x Laelia purpurata tên loài lai sẽ là Laeliocattleya (viết tắt Lc) Canhamiana. Nếu loài lai này thụ phấn với chi mới Brassavola thì tên mới sẽ là Brassolaeliocattleya (tên tắt Blc).
- nếu lai nhiều hơn 3 chi, tên mới sẽ tận cùng bằng -ara, thí dụ Potinara (Brassavola x Laelia x Cattleya x Sophronitis).Một loài lan lai đa chi nổi danh là x- Cambria nay gọi là x- Aliceara được tạo nên từ 5 loài lai thuộc 5 chi nằm trong tông phụ Oncidiinae, tông Cymbidieae, họ phụ Epidendroideae, (Odontoglossum Kunth x Oncidium Sw x Miltonia Lindl x Cochlioda Lindl x Brassia L.D).
Các loài lai mới tạo sẽ đăng khai với Hội đoàn Royal Horticultural Society để được công bố và giữ tác quyền. Các loài lai mới sẽ được công bố trong chuyên san của Hội Đoàn và ghi nhận trong một danh sách xuất bản mỗi 5 năm.
5. Lan đa bội thể
Đa bội nhiễm sắc thể (có số nhiễm sắc thể nhiều hơn số lượng tự nhiên là lưỡng bội) ở thực vật, và nói riêng ở lan, xảy ra trong tự nhiên là do những trục trặc trong lúc phân bào hoặc có thể kích hoạt nhân tạo với những hoá chất ngăn cản phân bào như colchicin, oryzalin, trifluralin, propyzamide…
Hiện tượng đa bội thể có thể có tác động môi sinh qua việc phát triển, thích ứng, tiến hoá của loài bội thể. Đa bội thể nhân tạo được dùng trong các chương trình lai tuyển giống lan để có hoa lớn hơn, hương mạnh hơn, màu sắc rực rỡ hơn, lâu tàn hơn, kháng bệnh cao hơn… so với các lan lưỡng bội thể của tự nhiên. Bội thể cũng dùng như nguồn cải thiện các dòng lan lai tạo có sẵn. Nhưng cần nhớ, không phải tất cả các lan đa bội (cao hơn lưỡng bội tự nhiên) đều có đặc tính như nhau mà thay đổi rất lớn tuỳ loài. Cymbidium và Phalaenopsis có lẽ là hai chi lan đáp ứng thuận lợi nhất trong công việc tạo các loài đa bội thể.
Lưỡng bội (2n) là chuẩn của tự nhiên. Thực vật lưỡng bội thường khoẻ mạnh, thích ứng cao với môi trường sinh sống, và là nguồn để lai tạo thích hợp cho các mức đa bội khác.
Lan tứ bội (4n), tăng trưởng chậm, độ mịn thô, hình thù không đẹp. Nhưng loài tứ bội rất đắc dụng trong lai tạo do ảnh hưởng mạnh vì số lượng nhiễm sắc thể gấp đôi.
Lan tam bội (3n) thường là kết quả của giao phối giữa 2n và 4n. Các Cymbidium 3n thường rất đẹp, tăng trưởng mạnh và thừa hưởng từ cha mẹ 2/3 đặc tính của lưỡng bội và 1/3 của tứ bội. Các Cymbidium 3n thường bất thụ, không cho hạt.
Lan ngũ bội (5n) có 5 bộ nhiễm sắc thể. Chúng ít được chuộng vì kém hữu dụng, loài lai tăng trưởng không đồng bộ, cây con rất khó dưỡng, và khó trổ hoa. Chỉ một số nhỏ các loài lai có xuất thân từ 5n.
Lan lệch bội (dị bội) có một số lẻ nhiễm sắc thể, thừa 1 trong bộ nhiễm sắc thể của cây. Chúng thường là kết quả của giao phối với một loài có số nhiễm sắc thể lẻ hay giữa hai loài không tương thích mạnh. Cây con lai rất không đồng đều về phẩm chất tăng trưởng và trổ hoa. Số cây thỉnh thoảng có phẩm chất tốt hay lạ thường mang tính ngẫu nhiên, là nguồn cảm hứng, kích thích cho những nhà lai tạo cố gắng theo đuổi lan dị bội.
Khi cho giao phối lai tạo giữa các đa bội có thể có các phương cách: lưỡng bội x lưỡng bội, tứ bội x tứ bội, tứ bội x lưỡng bội, giao phối giữa tam bội, ngũ bội, lệch bội.
6.Tản mạn về Lan như một lời kết
Lan thiên nhiên phần nhiều thuộc loài khó “bắt nhốt” hay nuôi trồng. Nhu cầu sinh trưởng của lan cũng rất khác nhau, đôi khi rất khó đáp ứng trong điều kiện nuôi thông thường, mà cần những thiết bị chuyên môn như của các nhà chuyên nghiệp hay các tổ chức chuyên môn. Nhu cầu của các lan thường rất chi li về ánh sáng, nhiệt độ, nước và dưỡng chất, ẩm độ không khí, sự thông thoáng không khí, giá thể, tính dễ nhiễm bệnh hay bị tổn hại từ côn trùng, khuẩn.
Với đại chúng, có lẽ khi nuôi lan lâu dài cần lưu ý hai điều: chọn loài thích hợp với điều kiện môi trường tự nhiên nơi mình sống, và theo dõi sức sống của lan như bệnh hay côn trùng gây hại, môi trường sinh trưởng phù hợp hay không, lá rụng, không trổ hoa, èo uột…Rất nhiều tài liệu dễ dàng cho mọi người tham khảo để nuôi trồng lan thành công từ các nhà trồng tỉa lan, thư viện, internet, các tổ chức hội đoàn chuyên lan…
Quốc gia nào cũng tự hào về lan đặc hữu của đất nước. Có thể nói không có bộ bưu hoa của nước nào không lấy hoa lan làm chủ điểm.
Thú vui tao nhã sưu tầm, nuôi trồng, thưởng ngoạn lan đã có từ rất lâu, từ đông sang tây. Những văn liệu cổ nhất cho thấy chữ Hán chỉ cây Lan xuất hiện từ 4,000 năm trước. Khổng tử (551-497 trước tây lịch) đã ca ngợi khí tiết của lan để dạy đệ tử sự tu thân, là khởi điểm của sự nghiệp kẻ sĩ ưu tú. Ngài nói “Hoa lan lẩn khuất nơi thâm sâu, không ai biết tới nhưng hương thơm vẫn toả.
Người nhân phẩm cao quý không để cảnh khốn khó làm nhụt chí mất đức”. Việt Vương Câu
Tiễn (trị vì 496-465 trước Tây lịch) đã sưu tầm và trồng lan có quy mô. Khoảng thế kỷ thứ ba sau tây lịch, trong các tác phẩm về cây cỏ của Trung hoa có đề cập đến Kiến Lan (nay được biết dưới tên Cymbidium ensifolium) và Thạch hộc (nay được biết dưới tên Dendrobium moniliforme) một cách chi tiết.
Nền văn hoá phương Đông đã coi lan như biểu tượng thanh cao của kẻ sĩ ưu tú. Sự vun trồng, thưởng ngoạn hoa lan, được coi là một cách thức dưỡng tâm điềm đạm, đời nào cũng có văn nhân thi hào nổi danh ca tụng. Trong lịch sử Việt nam, vua Trần Anh Tông (1276-1320) nổi tiếng với thú chơi lan qua việc thành lập Ngũ Bách Lan Viên, với cả 500 loài lan khắp nơi triều cống. Phương Đông sùng mộ lan và thấy trong lan ngoài hương, ngoài sắc, ngoài dạng còn có cả cái thần giao cảm giữa hoa và người. Xin chọn hai bài Vịnh Lan của hai danh sĩ, Dư Đồng Lộc, đời Nguyên, của Trung hoa và Nguyễn Án, một ké sĩ đất Việt, sống thời loạn lạc giữa hai nhà Nguyễn Tây Sơn – Nguyễn Phúc:
Thủ bồi lan nhuỵ lưỡng tam tài
Nhật noãn phong hoà thứ đệ thiên
Toạ cửu bất tri hương tại thất
Thôi song thời hữu điệp phi lai
(Dịch nghĩa: Tự tay chọn vài khóm lan để trồng, Theo nắng gió thuận hoà mà vun xới, Hương hoa tràn ngập trong nhà không hay biết, Chỉ khi đẩy cửa ra ngoài mới thấy bướm rập rờn bay quanh). DĐL.
Đào lệnh quy lai tam kính gian
Tú sắc tằng triêm truỵ lộ hàn
Thế thái phồn hoa cô mộng tỉnh
U hoài nhã đạm bán khâm nhàn
Du du thuỳ thi tri âm giả
Nghĩ thác cầm Nhan vị nhân đàn
(Dịch nghĩa: Như bậc hiền giả họ Đào, ta trở về chốn chỉ có ba con lộ nhỏ, Sẵn cúc bên giậu nhưng vẫn muốn tìm lan, Hương thanh thoát toả lan trong gió thoảng, Sắc càng thắm khi đón giọt sương lạnh rơi, Mặc đời phồn hoa, riêng ta tỉnh mộng, Nỗi u hoài đạm bạc hưởng nhàn xin gói vào một nửa lòng riêng, Biết ai tri âm trong cảnh đời vời vợi, Muốn theo họ Nhan nâng đàn nhưng vẫn còn do dự chưa làm). NA.
Bản nhạc cổ nhất viết về Lan còn lưu được là điệu nhạc viết cho cổ cầm có tên “Kiệt Thạch Điệu U Lan” (Khúc đàn tảng Đá trơ trọi với đoá Lan cô độc), viết vào khoảng thế kỷ thứ 6 hay 7 đời Đường, hiện trưng bày tại viện bảo tàng Kyoto, Nhật bản. Bản này được nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu âm nhạc thể hiện với ký âm hiện tại và trình diễn. Có thể nghe điệu nhạc cổ cầm này với link: https://youtu.be/GG4EI0Rbokc.
Các hoạ sĩ xưa nay cũng không ngừng tìm cảm hứng ở hoa lan. Các viện bảo tàng nghệ thuật đều có tranh về lan. Smithsonian có trưng bày tranh về lan đời nhà Tống, thế kỷ 11-12. Viện bảo tàng Philadenphia cũng dành cho hoạ sĩ Heade (1819-1904) một chỗ về tranh hoa lan mà ông đã lặn lội trong rừng Amazon để vẽ bộ tranh nổi danh “Hoa Lan giữa Rừng Già” trong những năm 1871-1874.
Ở phương Tây, người được tôn là Cha đẻ của Thực vật học, Theophrastus, đề cập Orchis trong tác phẩm Tìm hiểu Cây cỏ, khoảng 300 năm trước tây lịch và ngày càng nhiều loài lan được liệt kê trong các thảo tập. Những tài liệu ghi chép về cây cỏ cho thấy, các Vanilla được biết từ thế kỷ 16 trong các mô tả của Aztec. Giữa thế kỷ 18, Vườn Thực vật Hoàng gia Kew của Anh bắt đầu sưu tầm lan từ nhiều nơi trên thế giới. và đến thế kỷ 19 thì lan bắt đầu được kinh doanh rộng rãi, khởi đầu với Cát lan Cattleya labiata, xuất xứ từ Brazil. Nhưng những cố gắng nuôi trồng các loài lan khác không thành công, do các hiểu biết về sinh lý lan không hoàn bị thời đó, và thú chơi lan phai nhạt trong công chúng. Mãi đến đầu thế kỷ 20, với công trình của một nhà hoa viên học Hoa kỳ Knudson, khám phá sự cần thiết của khuẩn trong việc nẩy mầm và phát triển cây lan con, mới làm cho ngành kinh doanh lan phát triển, tiến bộ, và có quy mô toàn cầu đến tận nay.
Theo Business Research Insights, thị trường lan thế giới có trị giá 292.6 triệu USD năm 2021 và dự phóng sẽ đạt 363.2 USD vào năm 2028. Hai chi lan chiếm thị phần cao nhất là Oncidium và Phalaenopsis. Việt nam nằm trong số 5 nước có trị giá lan xuất cảng cao trên thế giới.
Hoa lan tự nhiên cao giá nhất là “Vàng ròng của lan vùng Kinabalu”, một lan hài, tên thực vật là Paphiopedilum rothschildianum, Đây là loài lan được coi là rất hiếm gặp, phát hoa có 6 hoa, mùi rất dễ chịu, mọc khoảng cao độ 400-700 m, trong rừng mưa nhiệt đới Mã lai.. Hoa nở trong tháng Tư – Năm. Giá trên thị trường có thể đến $ 6,000 một nhánh. Loài lan lai tạo mắc nhất là Lan Shenzhen Nongke, được các nhà khoa học thực vật học đại học Nông khoa Thẩm Quyến, lai tạo trong 8 năm. Lan chỉ trổ hoa mỗi 4-5 năm. Năm 2005, lan này được mua với giá £160,000 trong một cuộc đấu giá bởi một người ẩn danh. Các thông tin về tổ tông còn được giữ kín. (Có thể là hậu duệ của một Hạc đính, Phaius , chăng??)
Từ chốn thâm sâu lan đã chinh phục con người với sự tận mỹ tận thiện tận chân của mình qua mọi thế hệ. Thung dung ưu nhã hay Vương giả chi hoa, xưng tụng nào cũng xứng đáng với lan. Và tên Lan hay những danh xưng mỹ miều khác dành cho Lan rất đáng để đđệ ặt để gọi những nhất kỳ công của Tạo hoá…
Tham khảo chính
Websites:
• hoalsnvietnam.org
• oregonorchidsociety.org
• sapphiredragonorchids.com
|